Sáng sớm trong ngày cúng “Tuần thất” đầu tiên cho Hai Hậu. Sư thầy hộ niệm chưa tới mà không khí tại nhà bà Mười có vẻ nghiêm trọng bởi sự có mặt bác Hai Đáng, bác Bảy Đâu và nhiều anh chị con nhà cô nhà bác. Tất cả đều ngồi im buồn bã, ai cần đi tới lui cũng nhẹ nhàng nhỏ tiếng, đặc biệt là anh chị Chủ Yên mặc bộ áo dài the đen ít thấy. Chờ mọi người an vị, bác Hai Đáng bước đến bàn thờ ông Mười và Hai Hậu thắp nhang và cúi xá mấy lượt, bác quay qua Bà Mười:
– Trước hương linh của chú Mười và cháu Hậu, trước mặt các em, anh Hai Đáng thành tâm xin lỗi thím Mười và cháu dâu là đã gián tiếp gây ra cái chết của đứa cháu thân yêu của chúng ta. Ông bà mình có câu, con dại cái mang. Các anh chị đến đây biết rằng không điều gì có thể bù đắp sự mất mát quá lớn của thím, nhưng xin thím vì con vì cháu mà giữ gìn sức khoẻ. Bữa nay anh bắt ba má của hai đứa cháu nội, tụi nó qua đây lạy thím để tạ lỗi việc hai đứa cháu nội nài ép ăn nhậu cù nhưa đến tối, vì vậy mới sinh ra thảm cảnh. Thím Mười phải nhận hai lạy cho tụi nó cảm thấy an lòng.
– Thưa với anh Hai, hỗm nay mẹ con em khóc suốt. Nhưng thằng Hậu đâu sống dậy được. Nhớ ngày anh Mười Hùng mất, em cứ ngồi khóc thì ai nuôi con. Bây giờ rầu rỉ trách hờn thì ai lo cho con dâu bụng mang dạ chửa, và cháu nội mới 6 tuổi. Phần thằng Hậu vắn số như ba nó, mẹ con em phải đành theo số phận. Em đã nghĩ suốt, quãng đời còn lại nầy là chăm lo cho con dâu và sắp tới có hai cháu nội. Mẹ con em đâu trách hờn hai cháu Siêng Năng mà anh Hai phải kêu vợ chồng cháu Chủ Yên xin lỗi. Thanh niên gặp nhau lôi kéo ăn nhậu là chuyện thường, vả lại thằng Siêng thằng Năng quý mến mấy chú của nó hồi nào tới giờ. Đồng nầy cũng chưa từng xảy ra tai nạn như vậy, thì có ai biết trước chuyện xui xảy đến mà ngờ. Người lớn mình quy tội lỗi cho hai đứa nhỏ làm chi cho chúng khổ tâm ân hận. Em không trách cháu, cũng không nhận lạy gì hết. Bữa nay đông đủ các anh chị và mấy cháu, thầy tụng niệm hành lễ xong, mời anh chị và các cháu ngồi lại ăn bữa cơm gia đình để bà con với nhau còn giữ tình thương mến. Thằng Siêng thằng Năng đâu, hai đứa lên đây rót rượu mời chú Hậu của tụi bây về đây uống rượu với anh em.
Như cua gãy càng, bà Mười giao 6 công ruộng cho hai anh con bác Bảy sửa soạn canh tác kịp thời vụ. Hai anh nầy nhanh chóng nhận lời, vì Tư Lém dặn trước hỗm nay:
– Nếu thím Mười kêu các anh giao ruộng, anh Cả chỉ lo việc bờ cõi nước nôi, giống má. Anh cho biết ngày là tui đem máy xới đến nín thinh mà làm. Tới ngày cấy, anh hô nhỏ một tiếng là mấy đứa em vợ của tui ‘nhơn’ ra phụ 1-2 ngày. Bất cứ việc gì làm cho gia đình thằng em mình, anh cứ nói thẳng cho tui. Mạng Tư Lém nầy do Hai Hậu lượm về, đời nầy tôi không quên ơn của nó.
Bà con và xóm riềng thường xuyên ghé thăm bà Mười, trước khi ra về thường gởi lại lời dặn dò gần giống nhau: “Chị Mười và cháu có cần gì thì hú chúng tôi một tiếng”. Bà Mười và Như Ngọc vơi dần buồn khổ trong quan tâm và chân tình ấm áp của thân thuộc chòm xóm.
Vụ mùa gặt đập xong phần ruộng của bà Mười, anh Cả và anh Út vô bao chở về chất đống trên sân nhà Hai Trà Nóc. Bà Mười ngạc nhiên nhìn đống lúa hột.
– Lúa ở đâu mà nhiều vậy cháu Cả?
– Năm nay đất của thím trúng lắm, mỗi công mười mấy giạ. Trừ ra công đập lúa phóng rơm của tụi chủ máy bên Trà Ôn, lúa chở về khoảng chừng 60 giạ.
– Nhà thím chà gạo ăn một năm chừng 30 giạ lúa. Cháu Cả chừa bấy nhiêu đó là thím mãn nguyện rồi. Còn bao nhiêu thì cháu trả công cày bừa, cấy gặt cho người ta. Số lúa dư ra, các cháu cứ giữ lại làm vốn cho mùa tới.
– Bà con xóm mình nhứt định không nhận tiền công của thím, họ nói phải đáp trả ơn nghĩa cho Hai Hậu vài năm mới là phải đạo. Còn phần con cháu thì thím không cần lo. Cô bác và bạn bè còn nói với tụi con, đám giỗ đầu của Hai Trà Nóc, thím Mười không mời, họ cũng tới.
Một tuần trước ngày giỗ giáp năm của Hai Hậu, bác Hai Đáng có chuyện cần bàn với bà Mười:
– Anh thấy bà con mấy xã quanh đây trồng cam trồng quýt nhiều và tốt lắm. Vùng đất phù sa của mình rất thích hơp với cây cam cây quýt. Người ta lần lần phá hết cây tạp vườn xưa, có nhiều hộ lên liếp ruộng cận vườn để trồng cam sành. Một vài năm nữa thì sản lượng cam rất lớn. Thằng Hậu nhà mình cũng trồng được 2 công cam sành sum suê sau hè của thím, cao lắm là năm tới có trái chiếng.
Ý của anh là muốn cháu dâu làm nghề lái cam như thằng Chủ Yên của anh bên Vàm Vồng. Lấy ví dụ tay ngang như thằng Tư mỏ nhác ở gần anh bên ấp Trà Sơn, trước đây chỉ giỏi nghề giăng lưới đuổi chim trên ruộng, chữ nghĩa không đầy lá mít. Nó nhảy ra làm lái cam 2 năm mà bây giờ khá lên thấy rõ. Con vợ thằng Hậu tính toán nhanh lẹ, nói năng bặt thiệp, ở đâu mà kiếm được người như vậy. Anh hỏi ý thím trước rồi hỏi nó chịu làm lái cam hay không. Thằng Chủ Yên sẽ cho nó đi theo học nghề vài chuyến.
– Nó làm sao kéo nổi giỏ cam, mà anh biểu nó làm lái. Hồi nào đến giờ, lái heo, lái bò, lái lúa toàn là đàn ông.
– Tướng đánh giặc giỏi không cần sức mạnh để cầm gươm chém địch, mà phải biết tính toán mưu lược và dưới trướng có lính giỏi. Người ta bán cam bằng giỏ thì mình phân loại tính nhóm thật nhanh các cở trái để trả giá cho đúng. Họ bán mão nguyên vườn thì cũng biết cách ước lượng từng cây, chọn từng liếp tiêu biểu trung bình rồi nhơn ra. Chủ tướng thương lượng với chủ vườn giá cả xong thì tuỳ giao ước mà cho lính tráng canh giữ trái hoặc hẹn ngày đến bẻ, cháu dâu đâu cần đụng tới việc nặng nhọc.
– Vậy lính của nó là ai?
– Anh bàn với hai anh em thằng Cả, tụi nó chịu liền, còn mừng ra mặt. Hai đứa đó có sức mà không tính toán được thì làm lính lái ghe, bẻ cam, vô giỏ. Chỗ nào chừng 5-7 giỏ thì mình mượn chủ vườn khiêng phụ. Tới mùa ruộng nương mà đụng mùa cam quýt thì cũng có một thằng làm cốt, nếu cần thì mướn thêm một đứa trai tráng theo giúp thằng Cả. Một-hai năm đầu, anh cho mượn vốn liếng, càn-xé giỏ mây và ghe máy. Thím chịu khó ở nhà dòm chừng hai đứa cháu nội.
– Anh định khi nào cho tụi nó xuất quân.
– Thêm một chuyện quan trọng cần thím quyết định. Dân quê mình có nơi cũng còn dị đoan nặng nề lắm, người ta không thích người đang mang tang chế vào những nơi như trại heo, ao cá, vườn cây trái của họ, thậm chí chỗ nấu rượu cũng đổ thừa người có tang bước vô làm thất kháp rượu của họ. Mình không phê bình chuyện người ta dị đoan đúng sai. Chuyện của nhà mình là thím có đồng ý xả tang trong ngày giỗ giáp năm chồng nó. Cổ tục ông bà ta có phong tục gái goá thờ chồng 3 năm tang chế. Bây giờ người ta quan niệm rộng rãi hơn, rút ngắn thời gian còn một năm hay hai năm tuỳ theo hoàn cảnh. Anh Hai xin phép thím Mười xả tang trong năm đầu cho con dâu, giúp nó ra ngoài kiếm tiền nuôi con, có việc làm để quên lãng chuyện buồn. Thằng Hai Hậu tốt tánh hồi còn sống, chết đi cũng phải hiển linh phù hộ vợ con nó.
– Lắm lúc em cũng tự nghĩ, mình gắt gao mà nó muốn xổ lồng, thì bó buộc thế nào cũng vô ích. Nhưng em tin con dâu của em không phải đứa “vặn nài bẻ ống”. Anh Hai đã tính chu toàn cho cháu như vậy, em sẽ bàn bạc với con dâu rồi thưa lại với anh Hai.
Đám táng Hai Hậu buồn thảm bao nhiêu thì đám giỗ giáp năm ồn ào náo nhiệt bấy nhiêu. Đa phần dân quê là vậy, họ ít làm mặt màu mè hay khách sáo. Mọi người nghĩ đơn giản rằng không thể thay đổi số phận thì phải chấp nhận hiện tại mà sống vui cho đời bớt khổ. Bà con và lối xóm tề tựu vừa uống rượu vừa nhắc những chuyện vui của Hai Hậu. Anh em thằng Siêng vẫn còn cãi nhau về chuyện ngày xưa thím của nó là cô học trò nào của chú Hậu.
– Thím Hai ơi, mai mốt thím muốn tụi con làm tà-lọt bẻ cam phụ việc. Bữa nay thím phải xác nhận là công chúa căn A hay B, thằng Năng mới chịu thua con.
– Hai cô công chúa A-B là bạn thân của nhau, học dưới thím một lớp. Các cô đó là con của hai sĩ quan Không quân, sếp của chú Hậu. Ba của thím là sĩ quan Bộ binh, nhà ở bên ngoài và thím cũng không có ai là gia sư.
– Uý trời, vậy chú thím quen nhau dịp nào.
– Chuyện xưa rồi, thím không muốn nhắc lại. Chú Hậu có quyển nhật ký dầy cộm, bà Mười cất kỹ lắm.
(Còn tiếp)
Một Lúa
Post Views: 495
Hay, hay,Văn phong rất đúng với người miệt vườn miền Tây, nếu không ghi tên tg là Một Lúa thì có lẽ tui nghĩ bài của nhà văn Sơn Nam hoặc Hồ Biểu Chánh, nhưng lại là nhà văn Một Lúa xứ người.Thật đáng nể
Lóng rày chị Hoa xài lớn quá, chắc là ao ấu ấp Tư trúng mùa. hihi
Phần này đã nói lên tình cảm hết sức gắn bó giữa những người trong dòng họ và tình làng nghĩa xóm, thật quý biết bao. Chính vì vậy bà Mười và con dâu cũng đỡ buồn, lo việc làm ăn. Cầu trời cho mưa thuận gió hòa, công việc làm ăn mới của con dâu bà Mười được suông sẻ…
Sự đời khắc nghiệt ! Cảm thương hai người đàn bà góa bụa , giờ đây phải nương tựa nhau mà sống để nuôi con , nuôi cháu
Trước tình làng , nghĩa xóm ,biết đùm bọc nhau nhau hi vọng thiếm Mười và vợ Hai Hậu sẽ nguôi ngoai
Nhà văn Một Lúa thật là có tấm lòng biết cảm thông cho những người phụ nữ góa, đã chia sẽ được nổi buồn , lo của họ đến người đọc một cách thật hấp dẫn !
Thế mới biết tài của nhà văn Một Lúa của ta chứ !
Hi hi