CÁI XUI KHÔNG ĐẾN MỘT LẦN
Chuyện tôi sắp kể ra đây là chuyện có thật, xãy ra ở xóm tôi trước năm 1975. Hai nhân vật chính trong truyện này đã là người thiên cổ.Vì vậy kể chuyện không phải đem tên tuổi người đã mất ra để trêu cợt mà là kể để coi đây là chuyện hi hữu trong cái xui xẻo ởđời, lấy ý tưởng từ :
“ Phước bất trùng lai
Họa vô đơn chí ”
Ông bà Bảy xóm tôi năm đó chừng 70 tuổi, hai vợ chồng tuy lớn tuổi nhưng còn tráng kiện lắm. Ăn ở thật thà ngay thẳng, sống có nghĩa có nhân , giao tiếp với mọi người chuẩn mực nên ông bà luôn được xóm giềng kính trọng. Nhà có đạo, siêng năng đi lễ chùa, ăn chay niệm phật đúng lễ nghi, nên mọi người trong xóm gọi ông và bà là gia đình ông Bảy đạo.
Với vẽ tráng kiện phương phi, ông Bảy còn có bộ râu dài rất đẹp, mọi người gặp ông thường hay trầm trồ với bộ râu của ông.
Về nhà cửa, bắt chước theo cụ Hồ Biểu Chánh thì có thể tả cảnh nhà cửa của ông Bảy đạo như sau : Nhà ông cất giữa vườn , quanh năm có nhiều huê lợi cây trái.Trước nhà là vuông sân rộng, giữa sân có bàn thông thiên , khói nhang thường nghi ngút mỗi đêm và những ngày vía lớn. Từ bàn thông thiên bước vô chừng 5m là thềm nhà của ông Bảy. Nền nhà cao hơn sân cỏ 4 tấc tây, trước hàng ba là 4 cây cột khá to, dán 4 câu liễn đỏ, nền nhà bằng đất nện, nhà trên ngang cở năm mét. Nhà dưới hẹp hơn nhà trên. Mái của hai nhà đều lợp bằng lá dừa nước. So với nhà trên , nhà dưới đồ đạt bày trí lộn xộn. Bếp lò đặt ở góc nhà, dụng cụ lao động máng chồng trên vách với nơm, đó, lờ, soong, chảo. Bộ ngựa ngồi để ăn cơm bằng cây tạp chân chữ A ẩm mốc, võng nằm rách te tua….Duy chỉ có tủ chén kiểu, đủa mun thì ngăn nắp và vô cùng sạch sẽ.
Bà Bảy thường nói , ông Bảy bảo hạt cơm là hạt ngọc trời cho. Mình phải đựng nó bằng đồ đựng sạch sẽ, đồ đựng quý gía càng tốt, như chén đủa mun càng hay.
Lại nói về nhà trên. Nhà trên vách trước đóng bằng ván cây tạp của vườn. Nhờ ông Bảy biết chút đỉnh nghề mộc nên ông lựa cây có lõi cưa ván, tuy gỗ tạp nhưng vân cây rất đẹp.
Trên hai cửa sổ hai bên là mắt cáo. Phần còn lại vách quanh nhà làm bằng tre đan được ngâm lâu ngày . Theo ông Bảy cho biết, nhà tường một mươi dùng búa tạ có thể dập thủng trong chốc lát chứ vách tre bện có chày vồ phá cả ngày chưa chắc hư.
Chính vì vách chỉ làm bằng tre bện nên lúc nào nhà cũng thóang mát và có ánh sáng khắp nhà.
Bước vào cửa là bàn tiếp khách đặt giữa nhà, không biết làm bằng gỗ gì nhưng đã lên nước mun đen.Hai bên là bộ ngựa gõ xưa bóng lóang mát rượi. Ngay chính vách giữa nhà là bàn thờ Phật đặt trên cao , dưới là tủ thờ, bộ lư như ít được chăm sóc nên xỉn màu chì , cái màu buồn nơi tôn nghiêm. Hai cửa buồng được đặt song song hai bên tủ thờ, có treo màn che kín. Tiếp theo về phía hai bên lại có 2 bàn thờ thấp hơn, chắc thờ bà con nội ngọai gì đó .
Nếu là người quen biết, khi vén màn chỗ cạnh bàn thờ lên ta thấy bồ lúa được đặt ở giữa, hai bên hai gường ngủ, mùng được cuộn lên một đầu sào gọn ghẻ. Đây là gường ngủ của hai cô gái út ông Bảy. Hai cô đi học xa lâu lâu mới về. Buồng còn cửa đi xuống nhà dưới .
Đây là kiểu thiết kế nhà chung của nông thôn ai cũng biết . Nó rất bất tiện cho vợ chồng son. Sáng ngủ dậy là phải dọn dẹp mùng màn bắt đầu một ngày lao động , không có chỗ riêng để tâm tình hay làm chuyện gì riêng tư . Nhà vách tre sáng trưng, chỗ ngủ có nhiều cửa thông qua , khá luôn tuồn như vậy làm sao không ngại. Đến nỗi đến đêm, vợ chồng son “ muốn làm gì ” còn phải phấp phỏng e dè. Bởi vậy cô gái mới có lời cảnh giác chồng
Chuột kêu chút chit trong rương
Anh đi cho khéo (kẻo) đụng giường má hay.
Má hay má hỏi đứa nào
Con đi hốt muối cho mèo ăn cơm.
Mèo nào ăn cơm với muối ?! Mèo nào nửa đêm lại “ đòi ăn ” ?! Phải chăng khi bị phát hiện mà quýnh quáng trả lời bừa cho qua. Với kiểu buồng ngủ thế nầy thường ớn nhất là nhà có nhiều trẻ con, chúng hay chơi trốn tìm, chạy bừa vào chốn “ thâm cung” bất kể trời đất. Nhà có “ dì út “ lại cũng phải cảnh giác thường xuyên hơn.
Thế nên mới có nhiều đôi vợ chồng mới cưới đã đòi ra riêng để khỏi đau tim. Nhưng cũng có đôi tỏ ra có bản lĩnh, mạnh dạn chịu khó vượt qua gian khổ, khắc phục “ địa thế , địa hình ” có khi đã 2,3 con rồi chịu ra riêng .
Mãi vui, tôi đã cùng các bạn đi trật đường ray rồi. Thôi bây giờ ta trở lại chuyện ông Bảy. Một hôm ông Bảy bị đau răng , như bao ông gìa khác ở miệt vườn ông chỉ làm theo chĩ dẫn của hàng xóm , ngậm, chấm thuốc gia truyền .Sau mấy ngày không hết , nghe có người chỉ phải ngậm xăng, ông làm theo. Hôm ấy ngậm tới xế thấy đỡ, ông bắt đầu thèm điếu thuốc . Ông vấn cho mình một điếu rê trảng rỏ to để bù lại mấy ngày qua. Khi chiếc hộp quẹt 555 vừa đánh rẹt để ông đốt thuốc thì ngọn lửa cũng bốc lên từ trước ngực ông như làm xiếc. Xăng đã từ miệng rò rĩ chảy qua mép miệng, chảy xuống ngấm cả hàm râu . Gặp lửa râu như bùi nhùi tẩm xăng …Nóng quá, ông ôm mặt , chụp lấy tấm vải cửa buồng áp lên mặt. Ông buông tấm màn , màn cũ treo nhiều ngày bắt lửa nhanh , cháy cuốn lên kèo nhà, ông la ơi ới, con cháu nhà bên chạy qua dập lửa cứu ông. Nóng quá ông rên la, cái mặt không còn sợi râu nào , chỗ đen, chỗ đỏ. Nghe lời người ta mách, bà lấy nước mắm thoa lên . Trời ơi, mặt ông như con cá rô nướng dầm nước mắm !
Sau đó có người mang đến lọ mỡ trăn , bà thoa cho ông thấy khoa học hơn và ông bớt đau. Bây giờ cái nhức răng như tiêu biến , chỉ còn lại đau đớn trên mặt ông Bảy mà thôi.
Đến tối, sau khi người đến thăm lần lượt ra về hết , ông Bảy đuợc bà Bảy cho nằm nghỉ ngơi trên bộ ngựa bên phải, nhà ít muỗi nên không có giăng mùng. Bà Bảy nằm bên bộ ngựa bên trái canh chừng để chăm sóc ông . Đẹp thay tình cảm vợ chồng lúc gìa cả có nhau !
Ác thay, xui xẻo không chỉ đến một lần . Bà Bảy nằm lim dim mắt, đâu hay trên sàn nhà có một con rết nái đang bò tìm mồi. Bỗng nó gặp con dời trên đường đi. Rất bủn rủn rơi xuống chỗ Bà Bảy đang nằm nó rơi trúng vào mặt bà. Phản xạ tự nhiên , bà đưa tay chụp cái vật vừa rơi. Rết ta cắn lên môi bà một phát. Bà rú lên , mọi người chạy đến. Mặt bà gìơ này không còn là bà nữa, môi mồm sưng lên, mắt híp như không mở ra được. Người có kinh nghiệm xem , bảo rằng đây là dấu răng của con rết nái, nọc nó độc hơn rết thường nhiều lần.
Đêm ấy Bà không còn canh để chăm sóc ông nữa. Cả đám con cháu phải sang nhà để chăm sóc ông bà. Sáng ra, hay tin ai cũng tặc lưỡi vừa xót cho xui xẽo vừa cười thầm trong bụng – Xui cái gì cũng xui.
Mọi người đến thăm, cố ém cười để tỏ chút tình cảm thông, chia sẻ.,Chỉ có bọn nhỏ, chúng bâu đầy ngòai cửa chỉ trỏ hai ông bà rồi vô tư cười cợt. Cô Hai con ông nổi quạu ra mắng: Ông bà bị bệnh chứ gì mà cười, mấy thằng ma, đi chỗ khác cho ông bà nghỉ.
Vốn nễ trọng ông bà như bà con đều nễ trọng , lũ trẻ nghe lời kéo nhau tan hàng. Nhờ ăn hiền ở lành, chỉ điều trị bằng thuốc gia truyền, bệnh của hai ông bà rồi cũng qua sau một tuần được con cháu chăm sóc tận tình.
Khi mạnh rồi, ông Bảy thường chống gậy ( còn phương phi lắm nhưng chống gậy cho oai, thế vô chỗ mất râu, ông nói vui) đi rảo khắp xóm, có khi ra chợ. Vui vui trong bụng ông hay lẫm bẫm vừa đủ nghe: Nhức răng thì phải đi nhổ, đêm ngủ thì phải giăng mùng.
Thọat nghe người ta cứ tưởng như ông là nhân viên y tế đang vận động vệ sinh răng miệng và bài trừ sốt rét.
Cầu Mới 4/ 2016
Nguyễn Gương
Bài này Kính tặng Anh Trương Phú
Bạn Nguyễn Gương viết bài này rất vui và hấp dẫn…lại có ý riêng tặng anh Trương Phú lại càng thú vị hơn. Quả là họa vô đơn chí. Thôi anh Phú hãy vui lên…Vận hạn đã qua rồi. Cầu dịp may sắp đến.Cám ơn bạn Nguyễn Gương. Xin có mấy câu thơ rằng
Ông bị cháy râu, bà âu rết kẹp
Phú bị xe ép, còn té tà mông
Tai ách giữa đồng,họa vô đơn chí
Cầu mong thành ý, vạn sự bình an…
Lâu lắm rồi mới thấy lại hình ảnh một ngôi nhà ở nông thôn miền Nam dưới sự mô tả sinh động của anh Nguyễn Gương. Ngôi nhà đơn sơ với cuộc sống bình dị của hai người thật hiền từ, ông bà Bảy. Vậy mà “họa vô đơn chí” chẳng từ một ai. Nhưng vẫn phải tin “ở hiền gặp lành”, mọi việc rồi sẽ qua. MN cũng muốn nói với anh Trương Phú như vậy đó nha!
Lối viết của bạn Nguyễn Gương thật trùng hợp với cách nói chuyện và hoàn cảnh của anh Trương Phú đầu năm nay. Bài này tặng cho anh Trương Phú thì thích hợp vô cùng, ngặt cái anh Trương Phú hỏng có râu.
Rất cám ơn bài viết của anh Gương đã tặng tui, sau cơn cảm năng, đến xen hun, sau được nựng thời té bật ngữa, tưởng hết rồi, cách nay bốn hôm, đội chích ngừa chó dại đến nhà, sợ con gái ôm chó dữ bị nó cắn, tui dành ôm, nó ngoạm 1 phát vào tay ngay gân khớp ngón tay và bàn tay hai lổ máu chảy nhiều, tôi mừng vì máu chảy mạnh, con gái tôi ôm êm rơ. Trước cám ơn anh Gương an ủy, kế cám ơn anh Phú Thạnh cùng cô My Nguyễn, chót hết bèn hỏi cô Hoa Đăng làm sao biết tui hỏng có râu. tui còn không dám nói cô hỏng có râu, e rằng mình vu khống.