Nhớ chuyện đặt tên con ngày xưa
Ông nội tôi là thầy thuốc khá nổi tiếng. Ngòai vốn tiếng Hoa nói, viết thông thạo ông còn học chữ Việt, víết nói cũng rành rẽ. Do đó dân trong vùng thời đó rất kính trọng. Vừa kính trọng đức độ của người thầy thuốc, vừa kính trọng người có học.
Theo lời ông kể, năm đó người bạn thân của ông ( cựu hương cả trong làng ) sinh con trai đã nhờ ông đặt tên lấy phúc. Ông tra sách vở, đặt cho bé tên Nguyễn Bá C. Ông cựu Hương cả ( tạm gọi là ông Sáu ) rất mừng, tổ chức ăn đầy tháng con trai rất to. Không ngờ trong làng lại có người trạc tuổi ông có cha tên C, đã căm giận và bàn với vợ, với người trong họ tộc, phải đặt tên con mình đúng tên cha ông Sáu để trả thù ( sao lại thù nhỉ ?) Ý định được nung nấu theo kiểu “ hãy đợi đấy” luôn đi theo suy nghĩ của ông Tám.
Một năm sau, vợ ông Tám hạ sanh cậu con trai, như đã chờ từ muôn kiếp trước, ông Tám vội vả đặt tên con là Th và khai sanh ngay . Đến lúc này ông Sáu mới hay thì chuyện đã lỡ làng. Có người biết chuyện khuyên ông Tám nên điều chỉnh lại. Dù sao ông Sáu cũng là người vô tình. Nhưng nhất y như một, ông Tám quyết giữ quan điểm của mình . Nó đặt tên cha tôi cho con, tôi đặt lại chẳng có gì phải bàn cải hết. Một số người chòm xóm của ông Tám cũng lấy làm ái ngại, vì hai ông cùng có đạo, hàng tháng đều đi lễ chùa gặp nhau nhiều lần, rồi còn gặp nhau trong lễ hội, tiệc tùng hàng xóm . Hai thằng bé lớn lên cùng học một trường, cùng thầy , cùng lớp…
Ba tôi bảo qua sự việc này, ông nội tôi cảm thấy chùng tay. Từ đó ba tôi không thấy ông nội đặt tên cho con ai nữa. Đối với con cháu trong nhà ông cũng thận trọng hơn khi đặt tên.
Sau sự việc trên không lâu chú thứ năm tôi ra đời, là con trai chắt mót nên bà nội tôi (người Việt chính tông ) sợ bị “xấu háy” hay gì gì đó cứ đòi đặt cái tên xấu để ông bà khỏi quở hoang. Chiều ý “phu nhân tôi là số 1” , sau khi đặt tên đẹp trong khai sinh, chú tôi còn có tên ở nhà là Mẫm ( Con trâu đực mẫm ) Ông nội tôi lúc ấy vui cười nói: Tao có con trâu nghé rồi bây ơi !.
Vài năm sau đến lượt tôi chào đời , cũng như chú nó thôi, ngòai tên khai sanh tôi có tên thường gọi là Cui ( con trâu đực cui ) Đến lúc này ông nội tôi cả ngày cười hè hè. Tao sáp làm thợ cày, nhà tao có hai con trâu đực. Sau đó thằng em trai kế tôi ra đời. Dễ ợt , bài cũ sọan lại thôi . Lấy tên anh nó cho them dấu nặng ( Cuội : chú Cuội cây đa, mà Cuị cũng được ) Xong hai thằng con trai , sinh lần thứ ba con bé gái thứ tư ra đời. Theo ý mẹ tôi đặt sao cho nó có hơi con gái một tí. Ừ thì cũng dễ (Cúi ) cho dấu sắc vào có con cúi bằng rơm gữi lửa suốt ngày cũng hay. Đến thằng em thứ năm ra đời dấu cũng bắt đầu còn lại ít, thằng nhỏ nghe nói mới sinh mà quậy qúa. Cái đồ củi bửa củi chẻ – sao không đặt cho nó là Cũi ? Thế là Cũi nhà ta hết quậy .
Tưởng đâu ba tôi dừng ở đây , muà hè năm 1966 con em gái út lại ra đời. Bây giờ chỉ còn duy nhất dấu huyền. Chẳng lẽ sử dụng dấu huyền, kỳ cục vậy , ai nở ?! Thôi nó Cúi rồi, có chị nó rồi , nó là ( Cúi em ) vậy. Đến đây có lẽ thấy hết dấu rồi nên ba tôi cũng tạm ngưng công việc sản xuất.
Thế là các anh em tôi ngòai tên trong khai sanh mỗi đứa còn có tên thường dùng, nếu đọc liên tục nghe cũng ngồ ngộ và vui tai : Cui, Cụi, Cúi,Cũi, Cúi em.. Thuở chúng tôi còn nhỏ ,ở chung, khách đến nhà cứ hay gọi lộn xộn vì quên không biết đứa nào, tên gì. Hàng xóm nghe lạ nhưng rất cũng thành quen., Đôi khi thắc mắc để trong lòng. Ngay anh Hòang Hưng có một bài viết nào đó cũng nhắc chuyện tên ngồ ngộ của anh em chúng tôi dù ở cùng xóm gần 30 năm trời
Sau này lớn lên ,có vợ, có con, ba mẹ và người nhà chúng tôi đã hạn chế không gọi tên cũ của chúng tôi nữa. Có lẽ sợ chúng tôi xấu hổ , mặc cảm với bạn bè, người lạ. Tuy nhiên anh em chúng tôi vẫn thấy bình thường, có khi lại còn thích được gọi tên cũ vì biết rằng đó là những cái tên được ông bà cha mẹ trao cho, đã được nâng niu dạy dỗ từ ngày mang những cái tên quê mùa mộc mạc đó.
Khi có dịp đòan tụ anh em, chúng tôi luôn tưởng tiếc và nhớ quay quắt về những ngày thơ bé cùng ở chung một mái nhà, được ba mẹ thương yêu, gọi âu yếm tên từng đứa. Sau mà nó ấm cúng và tình cảm quá. Ngày ấy, kỷ niệm ấy biết tìm đâu bây giờ khi ông bà, cha mẹ giờ đã đi xa.
Nguyễn Gương
Ngày xưa nghe gọi Cúi em, anh cũng nhẩm lại, Cui, Cụi,Cúi,Củi, hết tên rồi.
Chào đón một nhà văn xóm Cầu Mới, viết chuyện thực, rất hay.
Tôi cũng có 2 cháu ngoại trai có tên ở nhà là Cào Cào, Châu Chấu.
Phi Rom cũng như các bạn đến nhà chơi, rất thích cái tên gợi nhớ nhà quê này…, cứ gọi và cười hi hi…
Tên Cu, Lủn, Tủn,….là tên cúng cơm đó bạn Gương ơi. Khi chết đi, con cháu thắp nhang gọi ông 3 Cu, bà 5 Lủn, ông 6 Tủn về ăn cơm uống rượu với tui con, Diêm Vương mới cấp thông hành cho về. Còn tên tuổi trong khai sinh là tên giao thiệp bên ngoài !