Đọc Cung Oán của Tư Mã Lễ
Cung oán là đề tài ngâm vịnh muôn thuở của các thi nhân dưới thời phong kiến. Cái thời mà ” Hậu cung giai lệ tam thiên nhân ” ( Ba ngàn người đẹp ở sau hậu cung ). Ở Trung Hoa và cả Việt Nam ta nữa, mãi cho đến triều đại cuối cùng của ta là nhà Nguyễn còn có một tác phẩm Cung oán ngâm khúc rất nổi tiếng của Ôn Như Hầu Nguyễn Gia Thiều, và gần đây nhất bài thơ Cung Oán nổi tiếng cuả phong trào Thơ Mới và … có thể đây là bài thơ Cung Oán cuối cùng của thi ca Việt Nam do một thi sĩ nổi tiếng đương thời là Hàn Mặc Tử làm ra. Ta hãy cùng đọc bài thơ bất hũ này nhé !…..
Trầm ngán nghê bay trong lãnh cung,
Xuân thơm bối rối ngọt vô cùng !
Chao ôi, Thánh chúa vô tâm qúa,
Lòng thiếp buồn như một tấm nhung !
***
Ngoài kia xuân đã chớm duyên chưa ?
Trời ở trong đây chẳng có mùa !
Không có niềm trăng và ý nhạc,
Có người cung nữ nhớ thương vua !
Hàn Mặc Tử
Qủa là một bài thơ Cung Oán xưa lồng trong cung cách và phong thái của Thơ Mới rất mượt mà gợi cảm dễ xúc động lòng người !
Trở lại với dòng thơ Cung Oán của buổi Thịnh Đường, thời thái bình thịnh trị, nên các thi nhân dễ thương vay khóc mướn, vì vậy mà thơ Cung Oán rất thịnh hành trong bối cảnh xã hội an bình nầy, hầu như tất cả các thi nhân đều có thơ Cung Oán, Khuê Oán và cái phong khí nầy kéo dài mãi cho đến buổi Tàn Đường. Bây giờ thì mời tất cả cùng đọc một bài thơ với chủ đề nầy của Tư Mã Lễ nhé !
宮怨 CUNG OÁN
柳色參差掩畫樓, Liễu sắc sâm si yễm họa lâu,
曉鶯啼送滿宮愁。 Hiểu oanh đề tống mãn cung sầu.
年年花落無人見, Niên niên hoa lạc vô nhân kiến,
空逐春泉出御溝。 Không trục xuân tuyền xuất Ngự Câu !
司馬禮 Tư Mã Lễ
CHÚ THÍCH :
Sâm Si 參差 : Đây là 2 chữ THAM SAI, ở đây đọc là SÂM SI có nghĩa là SO LE : Cao thấp dài vắn không đều nhau như trong Chương Quốc Phong, Chu Nam của KINH THI có bài :
參差荇菜, SÂM SI hạnh thái,
左右流之。 Tả hữu lưu chi.
窈窕淑女, Yểu điệu thục nữ,
寤寐求之。 Ngụ mị cầu chi !
Có nghĩa :
SO LE rau hạnh
Phải trái xuôi dòng.
Thục nữ yêu kiều
Thức ngủ nhớ mong !
Yễm : là Che phủ, Che đậy.
Họa Lâu : là Lầu Các có trạm trổ vẽ vời đẹp đẽ.
Hiểu Oanh : là chim hoàng oanh buổi sáng.
Vô Nhân Kiến : là không người thấy, trong bài có nghĩa không có người thèm biết đến.
Trục : là đuổi, rượt, lần lượt.
Ngự Câu : là dòng nước chảy từ trong cung vua ra ngoài.
NGHĨA BÀI THƠ :
NỖI HỜN OÁN TRONG CUNG
Màu dương liễu xanh tươi so le che lấy họa lầu xinh đẹp. Con hoàng oanh buổi sáng cất tiếng hót vang như muốn tiễn đưa không khí sầu muộn phủ đầy trong cung. Hết năm nầy rồi năm khác hoa nở rồi lại tàn rụng mà có ai thèm biết đến cho đâu, nên hoa cũng tủi buồn mà lặng lẽ trôi theo dòng Ngự câu để chảy ra ngoài ….
Bài thơ chủ yếu diễn tả cuộc sống thê lương u buồn của những nàng cung nữ trong cung vua. Trong cung son gác ngọc mà như con chim oanh trong lòng son mỗi buổi sáng cất tiếng hót như để tiễn đưa hết những nỗi lòng buồn thương sầu muộn ra ngoài. nàng cung nữ cảm thầy thân phận mình giống như những cánh hoa rụng mà chẳng có ai thèm ngó ngàng nhìn nhỏ như nàng cung nữ của Ôn Như Hầu đã than:
Buồn vì nỗi nguyệt tà ai trọng,
Buồn vì điều hoa rụng ai nhìn
Năm rồi lại năm, hết năm nầy sang năm khác, hoa rung cứ theo dòng nước trôi xuôi, tựa như tuổi thanh xuân của mình cũng năm năm trôi theo dòng thời gian hững hờ buồn thảm ! Biết đến ngày nào mới được diện kiến long nhan, ngày nào mới được thải hồi về quê cũ, hay là phải chôn chặc cuộc đời ở chốn lãnh cung lạnh lẽo sầu thảm nầy !?
NỖI OÁN TRONG CUNG
Dương liễu so le phủ kín lầu,
Sáng ra oanh hót gợi muôn sầu.
Mỗi năm hoa rụng nào ai biết,
Lặng lẽ theo dòng nước Ngự câu !
Lục bát :
So le liễu rũ trước lầu,
Sáng ra oanh hót đưa sầu đầy cung.
Năm năm hoa rụng ai trông,
Ngự câu rả cánh theo dòng trôi xuôi !
Đỗ Chiêu Đức