Những ngày lên tỉnh học
Sang niên học 67-68 tôi được lên đệ tứ. Nhà có thêm người bà con từ Cầu Mới lên học, thay thế tôi làm những công chuyện lặt vặt. Không phải làm chuyện nhà, chuyên cần học hơn. Mấy năm trước học lơ tơ mơ, trong lớp thường đứng từ hạng mười tới mười lăm. Mỗi tối không còn coi truyền hình nữa, đặt cái bàn học một mình ngoài sàn nước, rất gần cầu tiêu công cộng ngày xưa. Trung Úy Sĩ nhà kế bên đã ép được chủ nhà cầu tiêu công cộng dời nơi khác. Mỗi tối học đến mười một giờ rưởi đêm, thay vì chỉ học đến chín giờ rưởi như những năm trước. Năm đệ tứ tôi chưa bao giờ được hạng nhất, nhưng chưa bao giờ xuống quá hạng năm. Kết quả cuối năm được hạng năm. Hồng Lợi đến Thúy Lan học đánh máy, sau giờ học xin vào văn phòng trường thực tập đánh máy với chú Phú và chú Sơn. Cuối năm Hồng Lợi mượn được quyển sổ ghi điểm của lớp. Tôi và Hồng Lợi cộng điểm trung bình mỗi tháng và điểm của hai lần thi đệ nhất và nhị lục cá nguyệt cả lớp lại. Tôi được hạng ba, ai đã vô tình hay cố ý cộng điểm sai đưa tôi xuống hạng năm. Ngày xưa chỉ tính hạng cho từng lớp, sao không tính hạng chung cho cả cấp đệ tứ? Phòng Khánh Tiết rộng thênh thang. Mỗi tháng dành cho học sinh mỗi cấp khoảng hai giờ. Tập họp trên lầu Khánh Tiết, cấp đệ tứ có khoảng năm trăm học sinh. Thay phiên nhau, mỗi lần chọn năm học sinh lên đọc kết quả cho toàn cấp. Đọc từ hạng thấp nhất lên hạng cao, nhiều người chú ý hơn đọc từ cao xuống thấp. Ưu tiên cho nữ trước, lần đầu nhờ Kiều Trinh, Thanh Trước, Ánh Tuyết, Thị Hạnh, Đặng Huệ đọc. Trước khi đọc kết quả, để tạo bầu không khí vui tươi, mời Lý Hương ca một vài bản nhạc trữ tình. Tổ chức như vậy, những người hạng thấp cố gắng học hơn. Người hạng cao càng cố gắng giử vững thứ hạng.
Một ngày Chúa nhật bạn Hồ văn Năng cùng lớp đệ tứ 7 rũ tôi qua cù lao An Thành chơi. Nhà bạn không xa bến đò lắm, căn nhà thật nhỏ, chỉ một mình bạn ở. Bạn đải ăn bữa cơm thịt kho trứng thật ngon. Tôi không nghĩ bạn kho được nồi thịt đó. Sau bữa ăn bạn rũ tôi đi chơi. Đi sâu vào phía trong, rất xa. Đi thật lâu vẫn chưa tới, đang đi thấy một con rắn thật to, nằm khoanh mình giửa đường. Bạn Năng tránh vô lề đi qua. Tôi đứng lưỡng lự, tin dị đoan và quay trở về. Đi thật nhanh trở lại bến đò, qua sông về nhà. Quên để ý bạn Năng cũng quay trở lại nhà của bạn hay vẫn tiếp tục đi. Học hết năm đệ tứ thì không gặp lại bạn Năng.
Mãi đến khoảng năm 1980 tình cờ gặp lại bạn Năng tại một góc chợ Vĩnh Long. Hôm ấy tôi không có nhiều thì giờ, Mỹ Phước đang đậu xe gần đó đợi tôi đi công chuyện. Không mời bạn đi uống cà phê, ôn lại kỹ niệm thời học chung lớp, tôi cảm thấy hơi buồn buồn. Tôi đang cầm một túi đồ, vô tình lại lộ ra gói thuốc Capstan. Bạn đã thấy gói thuốc, tôi không lấy thuốc ra mời bạn hút cũng kỳ kỳ. Tôi không thể lấy thuốc mời bạn hút, vì trong gói thuốc chẳng có thuốc. Lúc đó tôi đi buôn lậu vàng, trong gói Capstan chỉ có vài miếng vàng, vừa nhận từ một người bán. Người bán vàng quá sơ ý, cất vàng vào gói Capstan chưa chắc là điều hay. Nói chuyện một chút với Năng, từ giả bạn, đi công chuyện với Mỹ Phước. Chạy một đoạn đường, Mỹ Phước hỏi tôi, anh có biết vừa nói chuyện với ai không. Tôi trả lời, bạn học cùng lớp. Mỹ Phước nói, người anh vừa nói chuyện là anh chín . . Huyện Ủy huyện Long Hồ.
Tôi nhớ mãi một kỹ niệm vui năm đệ tứ. Năm đó học Anh Văn với thầy Nguyễn Phát Đạt, một hôm thầy cho thi đua, ai đưa ra được một chữ dài nhất thì thắng. Tôi nhớ mang máng, đã đưa ra chữ international hay chữ internationalization và thắng. Thầy trao cho tôi giải thưởng, một bao thư nhỏ bên ngoài có hàng chữ $20 for icecream. Tôi không ăn cà rem, vẫn để hai mươi đồng trong bao thơ và cất trong một quyển sách. Sau năm 75, má tôi kêu đem hết sách vỡ cũ ra đốt. Tôi thấy lại bao thơ và hai mươi đồng của thầy Đạt cho. Thật bùi ngùi xúc động nhớ đến thầy, nhớ đến lớp cũ trường xưa, nhớ đến Hồng Lợi, chắc đang học cải tạo ở một trại nào đó. Năm trước đó Dương Châu Khanh đã tử trận tại Chương Thiện. Tôi chạy xuống Chương Thiện tìm Bộ chỉ Huy Chiến Thuật 2 Vĩnh Long. Gặp vị Chỉ huy trưởng của Khanh, ông hướng dẫn tôi đến thăm nơi Khanh đã gục ngã. Ông hối tôi phải lập tức rời Chương Thiện ngay. Tôi mời ông đến chợ Chương Thiện ăn, trước khi tôi ra về. Ông từ chối và nói, trể lắm rồi. Ông có sẵn ổ bánh mì thịt trong xe, lấy đưa cho tôi. Ông nói, có đói bụng thì vừa chạy xe vừa ăn. Không thể chậm trể một phút giây nào nữa, và nhớ đừng bao giờ trở lại Chương Thiện như thế này. Có cần điều gì thì liên lạc với tiểu khu Vĩnh Long, xin phương tiện đến Chương Thiện. Ông nói, cậu có biết cậu đang làm một cuộc mạo hiểm không. Tôi chào ông và chạy nhanh về Vĩnh Long bình yên.
Nhớ đến Hồng Hoàng, không biết Hồng Hoàng ra sao. Biết chắc Trần Vĩnh Thanh vẫn bình yên và thấy nhơ nhớ Phượng.
(Năm trước nghe Phạm Hoàng Điệp nói Nguyễn Văn Nghiêm quê Cái Tàu Hạ, bạn học cùng lớp, người chải chuốc nhất lớp vừa mất vài năm. Chị Trinh cho biết thầy Đạt đang ở Cần Thơ. Kính chúc thầy được nhiều sức khỏe và có cuộc sống thật an vui.)
Tết năm 1968 cô năm kêu tôi ở lại Vĩnh Long ăn Tết, dượng năm định mượn xe của Ty đi Cần Thơ chơi. Dượng năm không phải là tài xế, nhưng có bằng lái xe. Thỉnh thoảng mượn xe của Ty chở cả nhà đi chơi, đi ăn và thường đi ăn kem Thanh Đào nhất. Gần sáu giờ chiều ba mươi Tết, Tuấn bạn kế nhà ở Cầu Mới chạy chiếc Suzuki lên Vĩnh Long rước tôi về Cầu Mới. Tối ba mươi Tết Vĩnh Long xãy ra trận chiến quá lớn, Cầu Mới ăn Tết thật bình yên. Khi yên rồi tôi trở lại Vĩnh Long, căn nhà không bị hư hại. Mái chuồng heo kế bên, đếm được mấy chục lổ đạn. Trong chuồng có bốn chục con heo, nhưng thật mầu nhiệm không con heo nào bị thương. Cả nhà chạy lên chùa Pháp Hải trú ngụ, bác ba Tình trên lộ lại chạy xuống ở trong nhà của cô năm. Trốn ở trong chùa thì tốt hơn, máy bay không bao giờ bắn xuống chùa, dù có người núp ở dưới chùa bắn lên máy bay.
Đã yên tỉnh, sinh hoạt đã trở lại gần như bình thường, trường học mở cửa lại. Đi học được một hay hai tuần, chúa nhật trường tổ chức đi phụ giúp xây cất lại nhà cho những khu bị cháy trong trận chiến Mậu Thân. Thầy Bảo dẩn toán chúng tôi đến khu nhà cháy ở cầu Công Xi Heo. Đến nơi, sau khi làm một vài chuyện lặt vặt. Đến phần lợp nhà, tôi xung phong lên lợp, đó là lần đầu tiên tôi được trèo lên mái nhà. Trước khi lợp nhà có một anh đến chỉ cách cột dây. Anh giải thích có nhiều loại dây để lợp nhà, tôi không nhớ hết các loại. Hôm đó lợp nhà bằng dây dừa, được vuốt gọn, đầu dây được cắt nhọn góc. Đó cũng là lần đầu tiên tôi biết cách cột dây dừa. Loại dây thật kỳ diệu, cột không cần thắt gút. Ngoai vài vòng đè nhẹ xuống. Dây nằm yên cho đến trọn đời dây. Tôi đã biết dây dừa là loại dây được chẻ từ vỏ cứng bên ngoài của cái bập dừa nước. Khoảng năm tuổi tôi đã từng ôm bập dừa lội trong một con rạch cạnh dòng sông Mang Thít. Sau này chú tôi còn giúp kết nhiều bập dừa lại để bơi đua.
Toán lợp nhà chia hai, tốp lợp mái trước, tốp lợp mái sau. Tôi lợp mái sau, lợp được một khoảng mái nhà, một anh ở phía dưới nói vọng lên. Hưng ơi, em mất một ly rồi. Tôi trả lời anh, hồi nảy uống nước xong, em đã trả cái ly lại cho một chị rồi. Anh nói tiếp, anh không nói ly nước chanh hồi nảy của em uống. Anh nói li lá em đang lợp. Bên phải lợp li lá thứ bảy, bên trái em chỉ lợp đến li lá thứ sáu, nhưng em đã kéo lên cao, ngang với li lá thứ bảy. Thôi em trèo xuống đi, anh lên coi sai chổ nào anh sẽ sửa lại.
Học sinh Tống phước Hiệp đã góp những bàn tay nhỏ bé xây dựng lại một phần đổ vỡ vì trận chiến Mậu Thân. Buổi chiều trở lại trường, ngồi quanh trước sân trường sinh hoạt chung, và trường đãi ăn bánh mì bò kho. Tôi ngồi gần thầy Đạt và người Mỹ, tôi chỉ nghe được lõm bõm những gì thầy Đạt nói với người Mỹ.
Năm đệ tứ được học buổi sáng thật thoải mái vì đã bỏ thi bằng Trung Học đệ nhất cấp. Ngày xửa ngày xưa gọi là bằng Thành Chung hay tiếng Tây gọi là bằng “Rút Rơm.” Thỉnh thoảng buổi chiều, tôi, Hồng Lợi và Dương Châu Khanh học cùng lớp đến nhà của Ngô Hồng Hoàng học bên lớp đệ tứ 6. Ngô Hồng Hoàng ở trong một căn nhà cổ to lớn trong con đường dẫn đến mé sông, đối diện với chùa Giác Thiên. Hoàng ở chung với chị Tạ Tam Anh học Sư Phạm, quê chị ở miệt Thầy Phó. Tí sau Hoàng, Khanh và Lợi đi đánh bi da, tôi không đi. Năm học đệ lục tôi thường đi đánh bi da với Nữ và Long quê ở Cái Cam, thường đến bàn bi da của ông Năm gần cầu Kinh Cụt. Một hôm đánh bi da xong, trên đường trở về trường gặp ba tôi. May lúc đó vừa gặp Lâm, con thầy giáo Nhi. Tôi nói dối, nghỉ giờ giửa, đến nhà Lâm nghe đàn phong cầm. Lần đó được thoát nạn, nhưng tôi tự hứa không bao giờ đánh bi da nữa.
Ba đứa đi hết, ở nhà với chị Anh, chị nấu đậu xanh với đường, chỉ nấu hai phần cho tôi và chị ăn. Ăn xong chị đọc tiểu thuyết Khái Hưng cho tôi nghe. Nghe được mấy trang tôi ngủ mất tiêu, đến khi nghe tiếng ỏm tỏi của ba thằng trở về tôi mới tỉnh giấc. Ba thằng cho biết chương trình đi Sài Gòn và rũ tôi cùng đi. Hồng Lợi là hội viên trong hội sưu tầm tem, quen được Trần Vĩnh Thanh ở gần chợ Nancy, nhà số 591/59 Trần hưng Đạo, Sài Gòn. Lúc đó trong tay Hồng Lợi cũng có cầm một tờ báo, trong mục tìm bạn bốn phương của tờ báo đó có đăng tin tìm bạn của Trần Vĩnh Thanh. Thanh muốn kết bạn với một bạn hay một nhóm bạn ở miền Tây, nhất là ở Vĩnh Long và Vĩnh Bình. Chúng tôi là một nhóm bạn ở Vĩnh Long thì thích hợp quá rồi. Ít hôm sau tôi đi Sài Gòn với Lợi, Khanh và Hồng Hoàng. Đó cũng là lần đầu tiên tôi đi Sài Gòn với bạn, những lần trước đi chung với gia đình. Tôi mua nhiều món đồ ở Sài Gòn, giá khá rẻ so với Vĩnh Long. Vô thương xá Tax mua một dĩa nhạc giá hai trăm đồng về tặng cho cô năm, nhưng cô trả tiền lại. Ít hôm sau tôi ghé tiệm bán dĩa nhạc ở Vĩnh Long, hình như là tiệm Sóng Việt. Thấy một dĩa nhạc giống hệt như dĩa nhạc tôi đã mua ở thương xá Tax. Tôi hỏi thử giá, người bán nói giá một trăm đồng, tôi tiếc ngẩn tiếc ngơ, nhưng không dám về nói cho cô năm nghe. Đi Sài Gòn chỉ có tôi và Lợi ở nhà Trần Vĩnh Thanh. Hoàng ở nhà chị ở đường Trần Bình Trọng. Khanh ở nhà người anh bên Cầu Bông. Khi đi chơi thì hẹn nhau tại nhà Thanh và cùng đi. Một hôm bốn đứa rũ nhau đi đánh bi da. Tôi ở lại nhà, không đi đánh bi da. Lần trước ở nhà với chị Anh. Lần này ở nhà với Phượng em của Thanh. Ba Thanh đi làm ở hảng thuốc Tây Trang Hai. Má Thanh bán quần áo ngoài chợ Nancy. Hai đứa em của Phượng chạy qua nhà hàng xóm chơi suốt buổi. Về Vĩnh Long tôi thường thư từ liên lạc với Phượng, kéo dài cho đến ngày tôi lên Sài Gòn. Phượng học Gia Long sau tôi một lớp. Thư cho Phượng chỉ là những lời thăm hỏi thông thường. Không biết Hồng Lợi có biết không? Tôi chưa bao giờ nói cho Hồng Lợi biết sự liên lạc giửa tôi và Phượng. Sau này tôi quen vài người bạn gái, cũng chỉ là bạn bình thường, không có gì đặc biệt. Bạn của tôi lại nói cho những người bạn thân của bạn tôi biết. Đó có phải là sự khác biệt giửa trai và gái?
Nhiều lần đi học mang theo lá thư đã viết cho Phượng. Tan học cảm thấy đói, lười chạy lại Bưu Điện gởi thư. Nhờ chị Thành chung lớp, chạy ngang Bưu Điện gởi dùm. Nhờ chị Kiều Trinh giúp, liên lạc được với Hồng Lũy, hỏi thăm về chị Thành. Hồng Lũy cho biết chị Thành ở cầu Đường Chừa, ngày xưa thường liên lạc với Hồng Lũy, nhưng đã mất liên lạc khoảng mười năm rồi. Chị Thành ơi! Chị đang ở đâu? Có khi nào chị đọc trang tongphuochiep-vinhlong không? Nhớ chị lắm.
Mỗi lần nhớ đến Phượng liền nghĩ đến cô gái trong bài thơ Đi chùa Hương của Nguyễn Nhược Pháp. Tưởng tượng Phượng là cô gái trong bài thơ. Chưa bao giờ tôi thấy tôi yêu đời và thường ngâm bài thơ Đi chùa Hương.
Hết niên học đệ tứ Hoàng và Khanh về Sài Gòn học. Hoàng học ở đâu trong Chợ Lớn tôi không nhớ. Khanh học Hồ ngọc Cẩn. Tôn bà con với tôi, cũng quê Cầu Mới,má Tôn là em ruột của bà nội tôi. Tôi phải kêu Tôn bằng chú, mặc dù Tôn chỉ lớn hơn tôi một tuổi. Tôn cùng lên tỉnh học, cùng trọ nhà cô năm, mỗi đêm cùng ngủ chung giường. Tôn cũng đã rời Tống phước Hiệp về học ở Võ trường Toản từ năm trước, thường thư từ liên lạc với nhau. Sau khi Khanh và Hoàng về Sài Gòn. Tôi cũng muốn về Sài Gòn, để gặp lại Tôn, Hoàng, Khanh, hay để được nhìn lại Phượng? Tôi không biết rõ lòng tôi. Về quê tôi thường đến thăm người con gái hàng xóm, chơi chung từ thuở nhỏ. Rời làng quê tôi lại nghĩ đến Sài Gòn, mơ ước được lên Sài Gòn học. Sài Gòn đẹp lắm! Sài Gòn ơi! Sài Gòn ơi!
Hoàng Hưng
(Còn tiếp)
(Đây là đoạn sau của bài Những ngày lên tỉnh học, đoạn cuối chưa viết kịp. Đoạn đầu cũng chưa viết luôn)
Phải nói: Trí nhớ của Hoàng Hưng còn rất tốt, xứng đáng là trò giỏi của cô Hồng Khanh. Bao nhiêu kỹ niệm xa xưa trên bốn mươi năm trời mà Hoàng Hưng nhớ rất ràng từng chi tiết…Anh rất phục tài em. Trong đoạn này anh thích nhất là những kỹ niệm của HH và cô Phượng…Anh đang nôn nao chờ đọc đoạn đầu và đoạn cuối của em đây…Mến chúc Hoàng Hưng thật sung…
Ta từ quê ra tỉnh học thì rất nhiều kỷ niệm, nhưng có chuyện nhớ rất lâu, có chuyện thì quên mất. Tui chỉ nhớ chuyện của tui hồi xưa ở trọ gần kho dầu cũ ( cách Cầu Lầu hơn 500 m ). Mỗi lần cảnh sát xét nhà ( kiểm tra sổ gia đình ) thì tụi tui khóa cửa, đi ra đường ngồi dưới cột đèn học bài, khỏi tốn dầu. Có hôm, chạy trốn không kịp, khóa cửa, phóng cửa sổ vô nhà, tắt đèn, mấy ổng tới, thấy khóa cửa ngoài. Huề trất ! Nhưng ” Đi đêm có ngày gặp ma”, lâu lâu bị bắt xuống trụ sở ấp Long An ngủ muỗi 1 đêm, rồi sau đó, chứng nào tật nấy. Vì hồi xưa, không biết xin phép tạm vắng hay tạm trú gì.
Thời đó , ai mà được lên tỉnh học là oai lắm há !
Mấy anh chị trong gia đingf C là học chung nhau lúc đó hả anh ?
Kỷ niêm xưa anh Út Hoàng Hưng còn nhớ kỷ quá lại thêm biệt tài ngâm thơ nữa chứ ,,hôm nào cho trang nhà thưởng thức nhé ! 14 Hoành Châu (Gia đình C )
Thời cắp sách ai cũng có nhiều kỷ niệm, nhưng không phải ai cũng tài kể chuyện và viết được chi tiết, mạch lạc như Hoàng Hưng, thật tuyệt vời, lôi cuốn người đọc, chúc HHg sức khỏe thật dồi dào để viết tiếp…
Anh Hoàng Hưng, hôm nay không gọi “bạn” nữa mà phải gọi “anh” đàng hoàng vì theo bài viết này thì anh HH học trên MN 2 lớp. Đọc bài viết thật hay của anh, MN nhớ lắm thời học sinh TPH. Nhớ những buổi cộng điểm trên phòng khánh tiết, bước chân rập rình trên sàn gỗ. Những buổi đi chơi ở cù lao An Thành (bây giờ gọi là An Bình với những khu du lịch sinh thái rất thú vị). MN ở VL nên những địa danh anh nhắc trong bài đều quen thuộc. Có 2 người anh nhắc tên có thể là bạn của MN, đó là Mỹ Phước và Hồng Lũy. Nếu đúng thì chị Hồng Lũy là gv ở Tân hạnh (cầu Đường Chừa), nghỉ hưu đã lâu, phải không anh HH? Chúc anh luôn vui khỏe và tiếp tục những hồi ức tuyệt vời này anh nhé!
Anh Hoàng Hưng thật giỏi, anh nhớ rất kỹ thơì cấp sách đến trường,như chị PhiRom đã nói ai cũng có nhiều kỹ niệm thời cấp sách.Em cũng từ dưới quê lên tỉnh học,em còn nhớ ngày xưa đi học toàn mang guốc ai cao thì mang guốc thấp,những người thấp như em thì mang guốc cao gót.Guốc mòn thì được chẻ làm củi nấu cơm,thức ăn thì cá mòi,chao rao luộc lam chuẩn.Thuở ấy đi học xa nhà rất vất vả nhưng mà rất vui,thời học sinh của anh Hưng có rất nhiều lý thú ,mong nghe anh Hưng kể tiếp.
Kỷ niệm ngày xưa dù vui hay buồn đều đáng trân quý bởi vì đó là một phần đời của một người. Với lối viết rất đặc biệt, rất ” Hoàng Hưng “, tác giả đã lôi cuốn người đọc một cách dễ dàng, đã đọc giòng đầu là phải tiếp tục cho đến giòng cuối.
Cám ơn Hoàng Hưng và rất vui khi thấy em hoạt động tích cực lại với trang nhà. Hy vọng còn được đọc thêm nhiều bài viết nữa của Hoàng Hưng.
Cô Hồng -Khanh
Đã đọc hết bài của người em Cầu Mới. Chờ đọc bài khác.
Thành thật cám ơn Ông Sãi sửa dùm chữ “ly lá,” thành li lá. Lúc viết cũng viết li lá, lúc đọc lại thấy kỳ kỳ. Quẻ Ly cũng y, cái ly cũng y, phân vân không biết có chữ ly nào i ngắn không. Thường những chữ phân vân không rõ, hay hỏi Đặng Huệ. Lúc đọc lại, Đặng Huệ còn đang ngủ, để Đặng Huệ thấy trọn giấc mơ, không dám làm phiền Đặng Huệ. Rồi nghĩ mình không phải là nhà văn Nguyễn ngọc Tư, viết sai cũng không sao. Nhà văn Nguyên ngọc Tư có viết sai, chữ đó cũng sẽ không sai, sẽ thành chữ mới. Đa số những chữ mới là do những nhà văn, nhà báo, hay những người nổi tiếng sinh ra. Bên Mỹ có ông Chick Hern sinh ra chữ Airball, bên Việt Nam có ông Huyền Vũ sinh ra chữ Kiến thiết một đường banh. Bây giờ những ông nhà báo, nhất là mấy ông nhà thơ, sinh, và tìm ra những chữ mà những người dốt như tui không thể hiểu.
Bài đã gởi đi rồi, tôi nhớ ra, hồi xưa may áo, phía sau thường có xếp hai li giữa, hay hai li hai bên. Vậy là chữ li lá phải viết i ngắn, nhưng đã trể rồi, bài đã gởi đi rồi.
Kính thưa anh Phú Thạnh, thành thật cám ơn lời khen của anh. Còn nhớ nhiều kỹ niệm. Còn sống với kỹ niệm. Chưa đẩy dĩ vãng trôi xa. Chưa có được đời sống thiền. Chưa quên hết chuyện thế gian. Tâm chưa thanh thản như mây ngàn. Còn hữu, còn vô, còn ly biệt. Còn thấy thân này nghiệp chướng mang.
Cám ơn anh Cả. Ngày xưa học sinh từ quê lên tỉnh học không cần phải xin giấy tạm trú hay tạm vắng. Thời đó cũng không có giấy tạm trú và tạm vắng như ngày nay. Đứa em Út mấy tháng trước qua Mỹ định cư, đến Tân sơn Nhất. Giới chức ở Tân sơn Nhất hỏi giấy tạm vắng. Đứa em không có xin giấy “Tạm VẮNG Việt Nam VĨNH VIỄN,” bị phạt 200 đô.
Thời xưa trưởng khóm phải đến tận nhà hỏi, có bao nhiêu học sinh từ quê lên ở trọ. Tự trưởng khóm phải cập nhật. Cảnh sát nào vô cớ đụng tới học sinh, cảnh sát đó tự chuốc lấy phiền toái. Cảnh sát làm phiền anh, sao anh không nói cho thầy Thọ biết. Chỉ một cú điện thoại đến ông Cò Đoán, cảnh sát làm phiền phải đến trình diện Ty. Ngày xưa học sinh Tống phước Hiệp còn dám đến tòa Tỉnh Trưởng biểu tình, đòi hỏi Tỉnh Trưởng Dương hiếu Nghĩa phải nói rõ, ai là người đã sát hại Tổng Thống Ngô. Tỉnh Trưởng Nghĩa hứa mười năm sau sẽ nói sự thật. Thời hạn mười năm đã qua lâu. Tỉnh Trưởng đã đi tu, vẫn còn nợ câu trả lời.
Oai lắm Phan Lương ơi, nhất là oai với một cô gái làng quê. Đa số thành viên trong gia đình C cùng học chung cấp. Cám ơn Phan Lương (hôm nào dạy anh làm thơ nghen)
Cám ơn Cách Cách. Hy vọng có ngày gặp nhau. Ngâm cho Cách Cách nghe: . .Thầy kêu: “Mau lên nhé. Chiều hôm nay ta về.” Em nghe bổng rụng rời. Nhìn ai luống nghẹn lời! Giờ vui, đời có vậy. Thoảng ngày vui qua rồi! Làn gió thổi hây hây. Em nghe tà áo bay. Em tìm hơi chàng thở. Chàng ôi! chàng ôi! chàng có hay? . . Con trai 15 nhiều mộng mơ, đọc nghe, nhiều mơ mộng.
Cám ơn Phi Rom. Có nhiều người vẫn nhớ kỹ niệm thời đi học, nhưng không muốn viết. Không muốn người khác biết kỹ niệm riêng tư của mình. Cám ơn Phi Rom. Chúc Phi Rom thức khuya giỏi.
Cám ơn MN (Miền Nam) Được làm bạn với MN là điều vinh hạnh rồi, đâu cần phải làm anh. Học sinh trường Tống phước Hiệp chắc không có ai trùng tên với Mỹ Phước và Hồng Lũy. Chắc Hồng Lũy và Mỹ Phước giữ độc quyền tên. Chắc cũng đúng là hai người MN biết. Hồng Lũy đã nghỉ hưu theo tuổi, nhưng vẫn còn dạy tư.
Cám ơn Lài nhiều. Ngày xưa khoảng 70, 71 hay 72 gì đó, đọc được vài bài thơ của cô Lài quê Bà Lang. Lài có biết nữ thi sĩ Lài Bà Lang đó không?
Kính thưa cô. Chân thành cảm ơn cô khuyến khích. Cảm ơn cô luôn nâng đở học trò. Kính chúc cô thầy luôn an vui.
Thy Cúc : Phải công nhận Anh Hoàng Hưng có trí nhớ tốt thật .
Nhắc đến tên Hồ Văn Năng , tôi đã nhớ ( một dáng người nhỏ nhắn, trông cũng rất thư sinh , – thời bấy giờ – )
Có dịp gặp ; Rất mong Anh Hưng cho địa chỉ liên lạc nhé . Rất cảm ơn .
Anh Hưng ơi ! BàLang [ Phú Qưới] là quê em đấy , ngày xưa em từ đó lên tỉnh học Lài ở BàLang là em nhưng em nhớ là em hỏng có làm thơ .
Anh Hưng oi, em rất mừng là mình lại sắp được mang tâm trạng nao nức chờ đợi đọc truyện nhiều kỳ của anh, nhất là lần này không phải chuyện phương xa nữa mà rất gần gũi thân thuộc về một thời đi học nhiều kỷ niệm tươi đẹp nơi ngôi trường yêu dấu, thành phố cũ mến thương. Mong sẽ có đoạn đầu , và đoạn cuối sớm nha anh Hưng.
Cảm ơn anh Nha đã bỏ thì giờ đọc một bài viết dở. Cám ơn anh Nha gởi tặng tập thơ Đỗ hữu Tài. Có ai đã thành lập quỹ Đỗ hữu Tài, xin anh Nha cho biết.
Cám ơn Thy Cúc Nhiều. Rất hân hạnh được liên lạc với Thy Cúc. Xin Thy Cúc liên lạc về địa chỉ [email protected]
Cám ơn Lài. Ngày xưa có người bạn lần lượt cho xem ba bài thơ của cô Lài Bà Lang. Người bạn cho xem bài thơ cuối, trong lúc đang cầm một tập thơ vừa mới mua. Đã đọc được ba bài thơ của cô Lài, nên nhờ người bạn tặng tập thơ đó cho cô Lài. Người bạn cầm tập thơ đi rồi, mới nghĩ lại, tặng tập thơ đó, cô Lài sẽ hiểu lầm. Không biết cô Lài có hiểu lầm không, từ đó không đọc được thơ của cô Lài nữa. Tập thơ tặng cho cô Lài tựa là Em là Gái trời bắt xấu của Lệ Khánh. Đó chỉ là cái tựa của mấy tập thơ của Lệ Khánh thôi, lúc đó nhiều người còn mê thơ Lệ Khánh lắm. Thật ra Lệ Khánh đâu có xấu mà trái lại.
Cám ơn Đức Tính cổ vũ. Cố gắng làm theo lời của Đức Tính.