Sâu bắn

Ngày đăng: 5/10/2015 06:01:23 Sáng/ ý kiến phản hồi (20)
Sâu Bắn
Những năm đầu của thập niên 1970 trên một xóm ruộng rẫy ven chợ quận, địa phương tương đối yên ổn trong tình hình chiến sự lúc đó. Xóm có chừng một trăm nóc gia phân bố hai bên con đường đất được dân xóm thường xuyên vun bồi cao ráo, mặt lộ trải gạch ngói vụn hoặc đất ruộng nung hầm chín đỏ. Con đường luồn giữa xóm nhà và chạy theo bờ con sông nhỏ, bắt đầu từ vàm sông đến khúc rẽ cua quẹo gắt. Nhà cửa của số đông dân cư cố cựu được xây dựng khang trang, phần ngụ cư còn lại đến từ những vùng xa xôi ra tản cư lánh nạn, họ sống dưới những mái lá hoặc tôn nhôm viện trợ dựng lên bằng cây gỗ tạm bợ, vừa đủ cho việc trú nắng mưa, sương gió. Lác đác trong xóm, người ta cũng thấy vài kiến trúc nhà gạch ngói đỏ xưa trên các nền đá xanh vững chắc của những cựu chủ điền, nghe nói những chủ nhân đó đã lìa quê lên tỉnh thành sinh sống.Năm đó tôi vừa đủ tuổi để cảm giác cái rộn rả lâng lâng mỗi lần bước lên những miếng vĩ sắt lót làm mặt cầu “Gió Bay” có dàn cột cao vòi vọi. Công trình mà dân làng dùng sức người xốc những thân gỗ cây vườn dựng trụ cặp đà chắc chắn, bắc ngang con sông rộng khoảng 50 mét để nối liền xóm Chợ, xóm Chùa và xóm Rẫy.
Bước xuống chân cầu phia bên phần đất xóm Rẫy một đổi, rẽ vào con đường mòn xuyên ngang những rẫy mía bạt ngàn trước khi ra ruộng lúa, sẽ gặp căn nhà trong mảnh vườn ốc đảo bên bìa cánh đồng ngát xanh mùa vụ. Nó đứng nghiêm nghị cô đơn, mái lợp ngói móc, mưa nắng rong rêu làm phai úa màu son chất gốm. Nhà lát gạch tàu và thềm cuốn nền bê-tông cao hơn mảng sân xi măng phía trước chừng 4 tấc. Vách đóng ván cưa xẻ từ những lóng gỗ cây còng cây xoài cổ thụ, được lắp đặt khít khao kiểu khung sườn bổ kho và thoa tẩm nhớt máy để chống mối mọt côn trùng, ẩm mốc.
Mỗi lần từ xóm Chùa lân la qua xóm rẫy, tôi không có lý do gì khác hơn việc đến ngôi nhà đó với chủ ý ngắm nghía cô út Lụa. Tới lui nhiều lần, tôi được biết hai anh chị lớn của Út Lụa đã lập gia đình và ra ở riêng từ lâu. Nhà ba má Lụa lúc đó còn lại các anh chị nhỏ hơn, gồm dâu rể cháu nội ngoại, ba thế hệ cùng sống dưới một mái nhà rất vui vẻ hạnh phúc. Mọi người cùng canh tác mười mấy công ruộng rẫy, đời sống kinh tế gia đình tương đối vững vàng bằng hoa màu lúa thóc khoai mía và huê lợi cây trái của khoảng 2 công vườn xưa trồng dừa và 2 công quýt Xiêm trồng trên liếp từ miếng biền ruộng đã lên vườn thành khoảnh được vài năm. Gia đình Lụa cũng chịu khó sắm sửa dụng cụ máy móc để phục vụ cày xới, ghe xuồng xe máy. Và tự cung cấp điện đèn cho những khi đám tiệc và cho chiếc TV nhỏ gia đình giải trí hàng đêm. Cả nhà thừa hường ít nhiều các phương tiện của nền văn minh cơ khí còn trong thời rất mới mẻ.

Một buổi trưa hè, bà chị của Lụa đi làm ngoài rẫy. Hôm đó trời nắng chang chang đứng gió, không khí oi bức ngột ngạt khó chịu, chị trở vô nhà nghỉ giải lao một lát cho qua cơn nắng lửa. Chị bước vô cửa lúc má vợ tương lai của tôi ngồi thòng chân bên mép bộ ngựa gõ nơi gian chánh thờ phượng và đang bổ cau trong ô trầu. Bà ngó thấy chị Năm thì đột ngột đứng dậy, con dao trong tay bà quơ quơ xỉ xỉ vào mặt người chị vợ lúc hai người cách nhau chừng 2 mét.

– Mầy chết, mầy chết!  Mầy đứng lại đó cho tao!  Mầy mang đồ quỷ đó đi ra khỏi nhà tao ngay. Tụi bây đâu, đứa nào lên đây đuổi chị Năm bây cho tao.

Chị Năm đứng xớ rớ như trời trồng, ngỡ như má mình bị ma nhập biến thành một người khác. Bà chị dâu thứ Sáu đang hát ru cháu bé ngủ trên võng ở nhà dưới. Nghe tiếng la hốt hoảng của má chồng, chị vội vả chạy lên.

– Chị Năm bước ra sân em nói chị nghe cái nầy.

Chị Sáu không nói gì thêm, đi te te đến lượm một cây củi sóng tàu dừa chặt khúc phơi trên sân xi măng.

– Mấy người bữa nay mắc chứng gì mà làm kỳ cục. Má vừa cầm dao đuổi không cho tao vô nhà. Bây giờ mợ Sáu mầy cầm cây định làm gì nữa đây.

– Chị đứng yên nhắm mắt lại, để em phủi con sâu đeo trên vai chị.

– Ải, ải, nó đeo ở đâu, tự nảy giờ sao không ai nói sớm, nó đâu rồi.

Vừa nói chị Năm vừa nhảy tưng tưng, chị tháo chiếc khăn rằn quấn trên đầu giũ đập vào người chị nghe xành xạch.

– Em khều nó rớt xuống và đạp chà nó dưới dép. Hồi nảy má thấy con sâu má sợ muốn nói “liệu” luôn. Em mà la con sâu trên vai áo chị, không chừng chị cũng đã xĩu rồi.

Chuyện sợ sâu của nhà vợ tôi thỉnh thoảng được nhắc lại bằng nhiều mẫu ly kỳ như trong trường hợp có người dùng chiếc lưỡi liềm đang cắt cỏ để gạt văng con sâu đeo trên cánh tay trần, sự hốt hoảng khiến có người quên hẵn là lưỡi thép bén có thể cắt đứt da khứa thịt của mình.

Quen biết Lụa vài năm, chúng tôi cưới nhau và chung sống ở vùng thành thị. Đời sống gia đình riêng tư có nhiều việc phải lo toan chạy ăn chạy ở, thế nên tôi quên bẳng chuyện Lụa có sợ sâu như má vợ và mấy người chị còn ở xóm Rẫy hay không.

Rồi dòng sông đời chảy xuôi ngược miên man với những hệ lụy thay đổi không ngừng. Tương tợ như các cảnh ngộ thiên nhiên bên lở bên bồi, dòng chảy khi êm ả thanh bình, lúc thì cuồng nộ dàn trải hiểm nguy. Theo thời gian, những bến bờ đông vui dọc theo hai mé chỉ còn trong ký ức. Có chỗ thành nương dâu rẫy bắp tốt tươi xanh ngát, cũng có nơi xoáy lở tan hoang. Có những thân phận bọt bèo bị dòng nước vùi dập, trôi nổi lang thang vô định.

Chỗ chúng tôi đến định cư là quận hạt liền lưng với các nông trại trong vòng 30 phút xe, nằm trong một tiểu bang nhỏ có ‘nick name’ là Garden State thuộc miền đông bắc nước Mỹ. Những làng quê với không khí thật trong lành mà mỗi mùa hè chúng tôi thường lái xe dọc các nông trại bạt ngàn chuyên trồng các loại cây trái của xứ lạnh. Mọi người lớn nhỏ gốc gác ấp Năm cùng mê mẫn trầm trồ những ruộng cà chua, dưa leo, ớt chuông, mướp Mỹ, ruộng bắp bao la tươi tốt, trái sai oằn đều đều như chỉ thấy trong tranh vẻ.
Khoảng 7-8 năm đầu ở đây, hè nào chúng tôi cũng thồ cả gia đình lớn nhỏ trên chiếc xe cũ cho việc đi hái mướn trái blue berries vào mỗi mùa vụ chừng hơn tháng. Xem như vừa cho mấy nhỏ đi chơi dã ngoại, ăn trái cây chín thỏa thuê, người già trẻ nít cũng hái được những chùm trái chín sai oằn trong những bụi cây lá nhỏ thấp ngang đầu, rồi lường đầy vào hộp của nông trại cung cấp mà tính ra tiền công. Lúc đó cũng không hiểu tại sao những vườn nầy không bị ràng buộc bởi luật lao động nghe nói rất khó khăn, chỉ biết hai vợ chồng và bầy con nhỏ cố gắng đội nắng lúc tiết trời cuối tháng sáu và nguyên tháng bảy, có ngày cơn nóng vượt cao gần 40° C trong bóng râm.Tuy là thường xuyên tiếp xúc, ẩn núp dưới những tàn cây dại mọc ven bìa của các vườn cây trái ‘blue berry’ lúc cả nhà tạm thời trú nắng, nghỉ ngơi ăn uống trong những ngày ra vườn hái trái cây mướn. Nhưng chưa ai nhìn thấy một con sâu bọ hay có cảm giác e dè sợ hãi các loại thú hoang bò sát trong các bụi lùm. Cho đến khi chúng tôi dọn về một căn nhà trên thửa đất khoảng vài trăm mét vuông trong mục đích trồng một vài cây ăn trái ôn đới và ít rau cải mùa hè, lúc đó nhà mới xuất hiện lác đác chuyện sợ sâu di truyền từ xóm Rẫy.

Tháng Năm, trời bắt đầu vào xuân trên vùng đông bắc Mỹ. Lúc mà thời tiết ấm dần lên cho những búp hoa và chồi lá cùng nảy lên một lượt phủ đầy những cành cây vừa trơ trọi cả mùa đông giá. Cũng là lúc hàng vạn con sâu rọm hầu như đồng loạt nở rộ nhiều nơi. Chúng được những con bướm mẹ đẻ trong những ổ trứng bí mật trên da những cây lá thích hợp vào cuối mùa hè năm trước. Những ổ sâu chứa khoảng vài trăm trứng nằm yên cả một mùa đông giá buốt để chờ mùa xuân lá mới.
Mùa sâu nở hàng năm, mình có thêm việc làm mới là tìm và xịt thuốc diệt những ổ sâu trên cây quanh nhà khi chúng mới chừng cây tăm nhung nhúc quanh ổ. Nhưng ba phía láng giềng thì không ai quởn làm chuyện nhỏ đó, vì thế sau vài tuần thì từng đợt sâu trưởng thành rời tổ bò lổn nhổn khắp nơi trong mục đích phát tán vùng đóng kén để phát triển giống nòi của chúng. Nước Mỹ có câu tục ngữ: “Những con chim thức sớm là có trùng để ăn”. Còn Lúa tui mỗi sáng cũng phải ra sân rà soát láo liên để bắt sâu bỏ vào lon, vùng trách nhiệm từ cửa nhà đến chung quanh và trên thân xe của con gái. Đứa con mới về tạm trú tỵ nạn mỗi mùa sâu, nó có thành tích dùng cây đập sâu bò bên ngoài xe và cũng từng dùng xe cán sâu trên ‘drive-way’ bê tông nơi nhà nó. Sau khi giúp con gái đi làm trong yên bình thì mình ra sân sau tảo thanh sâu rọm trên vùng trồng rau. Sáng nào bà xã dạo vườn thì mình phải kế bên cho có bạn trấn an tinh thần và bắt thêm những con sâu lạc loài còn sót. Cũng may là những con sâu đó luôn luôn di động và chúng không thích lẫn vào cỏ hay rau cải, nên rất dễ lượm. Trước khi vô nhà, bà xã nhờ mình kiểm thật kỷ tránh sâu đeo trên quần áo tóc tai. Và bà xã luôn có cảm giác như lúc nào cũng có một hai con sâu bò ngoài lưng áo.
Một vài cây to trong sân trường tiểu học của đám cháu nhỏ cũng là ổ sanh sâu cùng mùa vụ, chúng bò dầy đặc trên mặt cỏ, trên sân xi-măng. Sau giờ học,  mấy đứa con nít Mỹ bắt sâu chơi như bọn nhỏ tụi mình bắt dế bắt bù cào nơi ấp 5. Để thử nghiệm việc sợ sâu là do di truyền hay bởi ấn tượng cảm xúc,  mình nảy ý cho hai đứa cháu nội nhập vào bọn học trò bắt sâu. Chỉ ít phút đầu tiên là hai đứa cháu làm quen với những con sâu rọm một cách vô tư và thích thú với trò chơi mới. Quan sát tụi trẻ con và hai đứa cháu nội chưa quá 8 tuổi vui đùa với sâu và thắc mắc sự sợ sâu cả bóng lẫn hình rất thái quá của bà xã và hai cô con gái lớn, những người có thể tạm tin là có chút thông hiểu lý sự một số chuyện khoa học.
Ngứa vật lý là do những tác động của sinh hóa, bức xạ hay nhiệt từ môi trường bên ngoài, nguyên nhân gây cho thần kinh dưới da của mỗi người phản ứng nặng nhẹ khác nhau. Người ta có thể trị loại nầy bằng dầu gió, bằng rượu, bằng thuốc trong uống ngoài thoa hay tắm rửa, xông hơ bằng cây lá có chứa tinh dầu. Hay bằng cách phổ thông cổ truyền là ngứa đâu gải đó bằng bộ móng tay trời cho hoặc các vật tự xử giúp đở khác, vân vân.
Còn ngứa tâm lý, một loại mẫn cảm mơ hồ vì nhiều lý do, thì có cách nào điều trị? Bằng ám thị, bằng ý chí mạnh mẻ, bằng sự giúp đở của chuyên gia tâm lý, bằng sự khuyến khích của bạn bè thân thuộc…
Hay bằng gì nữa.
Một Lúa

0 sb 1             H1
0 sb 2                                             H2
0 sb 3              H3 

 

Có 20 bình luận về Sâu bắn

  1. Nguyễn Thị Hạnh nói:

    Chời ơi chời! Sợ lắm bác Lúa ơi!

    Hỏng dám nhìn hình nữa, tui bà con với Lụa!

  2. Nguyen Tuyet nói:

    Chơi ơi …. sao  trẻ nhỏ nó gan quá vậy anh  Một  Lúa !!!??? Thấy ghê  & sợ hết hồn luôn…

     

    • Một Lúa nói:

      Tụi nhỏ chơi với sâu vô tư, trong khi các bà mẹ tỏ vẻ sợ nhưng không rầy. Vùng nầy sâu nở lúc tháng 5, trước bãi trường 1 tháng. Tui không biết vùng sâu bao lớn, nhưng trong bán kính 10 km thấy từng bầy sâu y chang một họ.

  3. Hoành Châu nói:

    Bài viết hay  , vui   , giống như chị Hạnh ,, Hoành Châu  rất sợ dòng họ  “S’    ( Sâu , Snake  ) Hihi

  4. Một Lúa nói:

    Hồi xưa tui cũng sợ sâu. Nhưng cả nhà cùng sợ sâu thì nhờ ai bắt sâu khi đến mùa có muôn ngàn con sâu bò khắp nơi.  Do đó mà có con chim sâu bất đắc dĩ.

  5. HLan-75 nói:

    ….có thiệt là sâu này không sao chớ anh Một Lúa? đừng dzỡn dzai kiểuchết khiếp vì sợ này nghe,trùi ui.

    • Một Lúa nói:

      HLan-bảy lăm,

      Mình đấu với loại sâu đó 5-7 năm, biết rõ ‘dòng sâu hiền’ hihi,  trước khi cho mấy nhỏ tiếp xúc.

      Tụi học trò có môn đua sâu. Mỗi em ngữa 1 cánh tay, dùng tay kia thả con sâu chỗ cườm tay mà bác sĩ bắt mạch. Con sâu của đứa nào bò lên đến chỗ gấp cánh chỏ là thắng. Mấy thằng nhỏ kia đâu biết sâu rụng trên đất là sâu già sắp kéo kén nên rất chậm. Ông nụi con nít bắt sâu tơ còn trên cây, nó chạy mau bá phát, giúp cháu mình thắng cuộc. hihihi

  6. Nguyễn Văn Lần nói:

    Chưa đọc hết bài, chỉ xem ảnh minh họa thì đã là hay rùi !

  7. My Nguyen nói:

    Anh Một Lúa ui! Chuyện Sâu Bắn của anh hay lắm, đọc thấy thú vị làm sao! Những con sâu của anh đã đi từ xóm Rẩy ấp Năm đến tận vùng đông bắc Mỹ. Nhưng nhìn hình thấy ớn quá anh ơi! Sâu này chạm vào là rất ngứa, ngứa vật lý chứ không phải ngứa tâm lý như anh nói đâu nhe! Úi ùi ui…sợ lắm!…

    • Một Lúa nói:

      Trước kia tui cũng sợ sâu lắm. Nhưng phải bắt sâu bằng cây kìm mỏ dài của thợ điện. Có lần tui lượm một nhánh cây khô để khều sâu, có cảm giác mềm mềm nhột nhột trong lòng bàn tay cầm cây, thì ra là một con sâu rọm. Tui cắn răng không dám la làng như bà xã. hihihi

  8. Phan Lương nói:

    Lúc đọc được bài này qua mail hơn 12h đêm rùi cười một mình .Sâu tuy nhỏ bé mà hầu như ai cũng rất ghê sợ.Đêm đó ngủ ở vhòi ngoài ruộng mà cứ mơ mơ màng màng vì sợ sâu ngoài đám cỏ bò vào .Rùi chợt nhớ một buổi chiều hôm nọ  hai mẹ con từ ngoài chòi về nhà.Trên đường về ngang qua khu vườn ,hai mẹ con đanh dung dăng dung dẻ ,huyên thuyên.Bỗng cháu Lam Quyên la qué lên rùi nhào đòi mẹ cõng.

    Ui trời ! Làm sao mà mẹ cõng nổi chứ ! Mà gì thế nhỉ !

    Miêng la oải oải ,rùi chỉ chỉ .

    Tôi nhìn theo tay cin gái bỗng sững người ….kia….kìa …một con sâu bằng ngón tay cái ,xanh lè ,có 2 vòng tròn bao quanh mắt ,còn có 2 cái sừng nửa

    Sợ quá !

    Thế là hai mẹ con …a lê hấp ù té chạy

    Giờ nhớ lại von nổi cả da gà

  9. HOA ĐĂNG nói:

    SÂU à, đối với tôi là chẳng nghĩa lý gì cả, tỷ chẳng sợ sâu đâu Lúa đệ, bài viết rất hay, Lúa đệ có lối viết làm cho người ta đọc không kịp thở, đọc không dám ngừng, sợ ngừng lại sẽ mất. Những địa danh của xứ Tam Bình, Lúa đệ nhớ kỹ quá, câu chuyện đi dần từ thời xa xa nào đó rồi đi dần đến hiện tại và và rồi hiện đại. Nhưng loại sâu mà tỷ mới gặp đẹp lạ lắm không biết lúa đệ đã thấy chưa, Sâu nhãn lồng. Rất nhiều màu đẹp lạ lùng, dây nhãn lồng bị sâu nầy đeo sẽ không còn một cái lá, dù xấu đẹp đã nói đến sâu thì chẳng có lợi gì cả, Lúa đệ hay quá đề tài nào viết cũng được, cũng hay.

  10. PhươngNga nói:

    Tui hông sợ “Sâu” mà tui không thích “Sâu” + “Huyền”….

  11. Một Lúa nói:

    Phương Nga,

    Tui sợ sâu huyền, sâu sắc luôn. hihi

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác