增 廣 賢 文 TĂNG QUẢNG HIỀN VĂN
Tăng Quảng Hiền Văn là một áng văn tập họp lại tất cả những những thành ngữ tục ngữ, những câu nói nôm na trong dân gian xen lẫn với các lời dạy của Thánh Hiền, tất cả được sắp xếp theo vần điệu dễ nhớ để cảnh giác và răn dạy người đời, để tu tập cho bản thân mà cũng để làm những lời răn dạy cho con cháu.
Áng văn nầy thường thấy trong các cuốn lịch Thông Thắng dùng để xem ngày tốt xấu của người Hoa và của các ông thầy Tướng Số. Trước đây, ở Chợ Lớn cũng có in riêng thành từng quyển nhỏ cho tiện việc học hành, nghiên cứu và mang theo bên mình để có thể giở ra xem bất cứ lúc nào.
Xin được dịch và giới thiệu với mọi người Áng Văn bất hủ nầy.
TĂNG QUẢNG là làm cho Gia tăng và Mở rộng.
HIỀN VĂN là Áng văn hay, áng văn dạy những điều tốt lành.
TĂNG QUẢNG HIỀN VĂN 增 廣 賢 文 là Áng văn hay, dạy cho ta những điều tốt điều lành và làm cho ta gia tăng và mở rộng thêm kiến thức về mọi mặt của cuộc sống.
Xin hãy cùng nhau đọc và tìm hiểu áng văn nầy.
昔 時 賢 文 , 誨 汝 諄 諄 , 集 韻 增 廣, 多 見 多 聞 。
Tích thời hiền văn, hối nhữ truân truân, tập vận tăng quảng, đa kiến đa văn .
TÍCH 昔: Ghép bởi Trấp( Niệm ) 廿 Nhất 一 Nhật 日, tức 21 ngày. Chuyện gì đó qua ba bảy 21 ngày là CŨ rồi. Nên TÍCH có nghĩa là XƯA, CŨ. Đi với chữ Thời chỉ thời gian thành TÍCH THỜI : Có nghĩa là Thửa Xưa, Hồi xưa. Sở Khanh đã dùng chữ Tích nầy ghép với chữ Việt, thành TÍCH VIỆT 昔越, để hẹn cô Kiều bỏ trốn vào giờ Tuất của ngày 21, cô Kiều đã rất thông minh nên bị mắc bẩy :
Lấy trong ý tứ mà suy,
Ngày hai mươi mốt , tuất thì , phải chăng ?
HỐI 誨 : là Dạy dỗ. Giáo Hối là Dạy bảo.
NHỮ 汝: là Ngôi Thứ Hai trong đàm thoại , là Ông, Bà, Anh, Chị, mày…
TRUÂN 諄 : là Chăm chỉ, Tích cực.
TẬP VẬN 集 韻 : là Tập hợp lại theo vần theo điệu.
KIẾN VĂN : 見 Chữ KIẾN gồm có 2 chữ MỤC 目là Mắt và NHÂN 人 là Người, nên KIẾN là Mắt của con người, có nghĩa là NHÌN, THẤY. 聞 VĂN gồm 2 chữ Môn 門 và Nhĩ 耳, Hội ý là đưa lổ tai ra cửa để nghe ngóng, nên có nghĩa là NGHE . Nên KIẾN VĂN là Nghe Thấy, chỉ sự Hiểu biết, Kiến thức.
NGHĨA CẢ CÂU :
Những câu văn hay ngày xưa, lúc nào cũng như đang dạy ta một cách rất tích cực, gom góp lại những câu nói cho thành vần điệu với sự hiểu biết về mọi mặt ( Đa kiến đa văn ). Bình thường ta có thể dùng thành ngữ ĐA KIẾN ĐA VĂN để chỉ những người có sự hiểu biết và kiến thức rộng rãi, quảng bác. Ví dụ : “Ông ấy là người chuyện gì cũng biết, việc gì cũng thông cũng thạo, quả là người Đa Kiến Đa Văn ! “.
觀 今 宜 鑒 古 , 無 古 不 成 今 。
Quan kim nghi giám cổ, vô cổ bất thành kim.
QUAN : là xem xét, quan sát.
GIÁM : là Cái gương, Động từ có nghĩa là Soi, Rọi. Ta có quyển ” MINH TÂM BỬU GIÁM ” là Tấm gương quí để soi rọi cho lòng được sáng ra ! “.
NGHĨA CÂU TRÊN :
Xem xét chuyện ngày nay để tiện việc soi rọi lại những sự việc ngày xưa, ( vì ) Không có xưa thì không thành ngày nay. Ý nói : Không có xưa làm sao có được ngày nay . Ví dụ : Trong một buổi họp mặt, có người bảo với bạn là : ” Chị mặc chiếc áo nầy đẹp nhưng kiểu dáng xưa quá đi ! “. Bạn sẽ bảo với họ rằng : ” Vô Cổ Bất Thành Kim mà, không có xưa làm sao có nay đươc ! ”
知 己 知 彼 , 將 心 比 心 。
Tri kỷ tri bỉ , tương tâm tỉ tâm.
KỶ là TỰ KỶ 自己 : là Bản thân mình. là TA. là Mình.
BỈ là KIA , là Cái Kia, Người Kia, là Khác. là Người ta.
TƯƠNG : là Đem, lấy ( động từ ).Cũng chữ nầy, nếu đọc là TƯỚNG ( danh từ ), thì có nghĩa là Tướng Sĩ Tượng.
TỈ là TỈ GIẢO 比較 : Có nghĩa là So sánh.
NGHĨA CẢ CÂU :
( Nên ) Biết mình biết người, ( biết ) lấy lòng mà so sánh với lòng. Trong Binh Pháp Tôn Tử có câu : Biết người biết ta thì trăm trận trăm thắng. ( Tri kỷ tri bỉ, bách chiến bách thắng ). Ví dụ : So sánh hành động của 2 người cùng một sự việc khó phân biệt thì ta có thể dùng câu : Tương tâm tỉ tâm, lấy lòng mà so sánh lòng thì chưa chắc gì ai đã tốt hơn ai !.
酒 逢 知 己 飲 , 詩 向 會 人 吟 。
Tửu phùng tri kỷ ẩm, thi hướng hội nhân ngâm.
PHÙNG là Gặp gỡ.
TRI KỶ : là Hiểu mình. Chỉ bạn thân, thông hiểu ý nhau.
HỘI : Ở đây có nghĩa là HIỂU, BIẾT, chớ không phải là Hội họp. HỘI NHÂN : là Người Hiểu biết, thông thạo về việc gì đó.
NGHĨA CẢ CÂU :
Rượu gặp người tri kỷ mới uống, ( chỉ nhậu với bạn thân mà thôi ).( cũng như ) Thơ chỉ ngâm cho những người hiểu biết về thơ nghe ( mà thôi ). Ngâm không đúng đối tượng thì như nước đổ lá khoai, không khéo họ còn cười mình vớ vẩn nữa là khác.
相 識 滿 天 下 , 知 己 能 幾 人 。
Tương thức mãn thiên hạ, tri kỷ năng kỷ nhân.
TƯƠNG THỨC : là Quen biết nhau.
MÃN : là Đầy, ở đây có nghĩa là Khắp.
THIÊN HẠ : là Dưới vòm trời, có nghĩa là Trên đời nầy.
NĂNG : là Được, ở đây có nghĩa là Có Thể ( có được ).
Kỷ 幾 : là Mấy, là Bao nhiêu.
NGHĨA CẢ CÂU :
( Dù cho ) có quen biết hết người ở trên đời nầy, thì…Bạn tri kỷ, thân thiết có được mấy người đâu. Có người suốt đời không có lấy một người tri kỷ. Chỉ bạn thân thiết thực sự ở trên đời rất hiếm.
相 逢 好 似 初 相 識 , 到 老 終 無 怨 恨 心 。
Tương phùng hảo tự sơ tương thức, đáo lão chung vô oán hận tâm.
TƯƠNG PHÙNG : là Gặp gỡ nhau.
HẢO : là Tốt , chữ nầy được ghép bởi 2 chữ NỮ 女 là Con Gái và TỬ 子 là Con Trai. Nhà có con Trai con Gái là điều tốt, hay nói cho đúng là : Sự kết hợp giữa NAM và NỮ là điều tốt lành, nên chữ HẢO có nghĩa là TỐT là vì vậy.
SƠ : là Ban đầu, là Bắt đầu. Sơ Học : là lớp mới bắt đầu học. ” Nhân Chi Sơ tay rờ cơm nguội ” là chữ SƠ nầy. Đầu tháng Sơ tam Sơ Tứ : Mùng 3 mùng 4, cũng là SƠ nầy.
CHUNG : là Hết, là Kết cuộc, là Chết.
NGHĨA CẢ CÂU :
Gặp lại nhau mà còn tốt được với nhau như lúc ban đầu mới quen biết, thì tới già tới chết cũng không có oán hận gì nữa cả !. Thường thì con người ta hay tốt với nhau trong buổi ban đầu gặp gỡ, rồi… quen lâu đâm ra nhàm chán, hời hợt… thậm chí còn ” thấy mà ghét ” nhau nữa là đằng khác.
Hẹn gặp lại tuần sau….
Đỗ Chiêu Đức
Bài nào của ông đồ Đỗ Chiêu Đức
cũng hữu ích, hấp dẫn người đọc.
Áng văn hay được Thầy nhắc nhở
Ráng để dành, tích góp, nghiệm suy !
**1/
Những ai uyên bác biết nhiều
Thấy rõ, nghe đúng những điều trần ai
Thầy ta gọi đó “người tài ”
“ĐA VĂN ĐA KIẾN ” miệt mài tích , thu !
**2 /
Có’ nay’ ắt phải có’ xưa ‘
Có mưa đã có mây mù lướt qua
Nên cần biết bạn , biết ta
Trăm trận trăm thắng … mới là QUANG VINH !
**3 /
Ngâm thơ , uống rượu cần tri kỷ
Không khéo người chê : vớ vẩn , KHÙNG !!
**4 /
Bạn nhiều như thể sao trời
TRI ÂM TRI KỶ có người hiếm hoi !!
Thân thiết , thấu hiểu lâu đời
Có người chẳng có “bạn hiền ” vắt vai !!
**5 /
Tình tốt phải giữ dài lâu
Cao niên gặp lại không sầu oán chi !
Không nên tính toán cầu kỳ
Chỉ nên giữ nét đẹp MÀU THỜI GIAN !
**
**Đó là 5 ÁNG VĂN HAY
Tặng bao độc giả của Thầy Đỗ Chiêu ,,,
==
HOÀNH CHÂU (Gia đình C )
7/10/2015
Rất cám ơn Hoành Châu đã diễn nôm, gói gọn bài thơ cao siêu do thầy Chiêu Đức dày công biên soạn…thành 5 câu thơ đơn giản giúp mọi người dễ hiểu hơn. Khâm phục HC. Xin cám ơn thầy Đỗ Chiêu Đức đã có một công trình nghiên cứu tuyệt vời…
Cám ơn thầy Đồ nhiều. Cám ơn Tỉ Muội 14 too.
Thầy Đỗ Chiêu Đức ,
Ở khổ thứ 5 , câu 4 ,,, thay vì ” Chỉ nên giữ nét đẹp màu thời gian ” ,Hoành Châu xin chỉnh lại ” Nét đẹp chỉ vì giữ màu thời gian “ ,
Cảm ơn Thầy và các bạn , Hoành Châu (Gia đình C )
Ông Thầy Đồ này chắc đi du lịch xa hay đi an dưỡng trên ngọn núi nào mà không có đường truyền Internet !! Có thể ông Thầy này đi ĐĂNG CAO chưa về cũng nên ! Nếu ông Thầy này quyết không trả lời phản hồi của ai ai , thì mình cũng không nên dịch bài của ổng nữa ! Hihi Chào biệt ông Thầy !! Hoành Châu ( Gia đình C )
Đừng giận Tỉ Muội 14 ơi. Thầy Đồ bận lắm, chưa có thì giờ đọc. Gọi điện thoại đến thầy Đồ ít khi gặp được. Thầy Đồ đang giúp thầy Lưu Khôn hoàn tất một đại tác phẩm gì đó.
HOÀNH CHÂU thân mến,
Anh Đức xin lỗi vì đã trả lời muộn !
Anh rất bận, việc nhà việc nước việc con việc cháu … ngoại, và mỗi ngày ít nhất là cũng ” phải ” nhận được 50 cái Mail trở lên !….
Tiết Trùng Cửu hiện nay, ít người Việt còn nhớ tới, ngoại trừ một số địa phương ở Miền Trung, Miền Bắc … Còn Miền Nam vì không có núi non gì cả, nên dễ quên mất tục Đăng Cao. Hình minh họa trong bài viết là dân Hồng Kông và Đài Loan họ Đăng Cao trong ngày Trùng Cửu đó !
Cám ơn Hoành Châu đã chịu khó diễn Nôm bài Tăng Quảng Hiền Văn cuả anh Đức. Tất cả gồm tới 35 bài lận ! Ráng mà nối VẬN cho liền, để khi đăng xong 35 bài, anh ÚT có gom lại xuất bản thì cũng có mặt của HOÀN(H) CHÂU Các Các nhé !
Rất CÁM ƠN Các Các đã có mặt góp ý từng bài một cuả anh Đức, khi nào gặp măt, anh Đức sẽ ” lì xì ” cho !
Sẵn cho anh Đức gởỉ lời Cám Ơn đến với tất cả những người bạn của Tống Phước Hiệp Vĩnh Long đã góp ý và khuyến khích qua mỗi bài viết như : Phú Thạnh, Nguyễn Thị Hạnh, Nguyễn Văn Lần, Lê Liên ……
Một lần nữa, xin Chân Thành Cám Ơn CÁC BẠN !
Thầy đồ dõm Đỗ Chiêu Đức
Thầy ĐỖ CHIÊU ĐỨC ,
Nghe anh Út Hoàng Hưng bảo Thầy bận làm việc lớn , nên độc giả sẵn sàng thông cảm cho Thầy đó ! Hihi . Nghe Thầy bảo có 35 ÁNG VĂN HAY lận , Hoành Châu đặt tên chung cho các bài là BÀI HỌC NHỚ ĐỜI , được không Thầy ?
**
BÀI HỌC NHỚ ĐỜI
**
Áng văn hay , đọc siêu thiệt
Tích góp nghiệm suy , lợi biết bao nhiêu !
1..Những ai uyên bác biết nhiều
Thấy rõ , nghe đúng những điều trần ai
Thầy ta gọi đó người tài
Đa văn , đa kiến miệt mài nói thưa !
2..Có nay ắt đã có xưa
Có mưa phải có mây vừa lướt qua
Nên cần biết bạn biết ta
Trăm trận trăm thắng , hoan ca sắc màu !
3..Ngâm thơ , uống rượu vơi sầu
Thiếu người tri kỷ như lầu không trăng !
4..Nhiều bạn nên tính lăng nhăng
Tri âm ,tri kỷ phải chăng khó tìm !
Bạn tâm đắc đến từ tim
Có người không có bạn hiền vắt vai !
5..Tình tốt phải giữ lâu dài
Cao niên gặp lại , chẳng ai oán gì
Không nên tính toán cầu kỳ
Mà nên giữ nét đẹp vì thời gian !
**
Chúc bao độc giả vạn an
Tích góp nằm lòng những áng văn hay !!!
^^
HOÀNH CHÂU (Gia đình C )
12/10/ 2015