CÀ PHÊ ĐỠ BUỒN
Khi đọc bài viết “Chẳng hay ho gì” nói về những quán cà phê ở nước ta, tôi đã có nhiều băn khoăn suy nghĩ. Định viết phản hồi nhưng lòng ngổn ngang quá, không sắp xếp được gì trong một phản hồi ngắn ngủi. Hôm nay, tôi mạo muội viết mấy dòng này gửi đến các bạn như là những lời tâm sự của tôi.
Nhìn chung, quán cà phê ở Việt Nam, hay tôi chỉ xin nói trong phạm vi nhỏ ở Vĩnh Long- thật là mọc lên như nấm. Nhưng nếu nói “quán cà phê nhiều như nấm là thể hiện một dân tộc lười biếng, ươn hèn” thì nên suy nghĩ lại. Bởi trên thực tế, số “thanh niên sức dài vai rộng” đến đó vì lười lao động chỉ là môt số ít. Đa số những người đến quán cà phê là dân đi làm việc, người lao động, người đã nghỉ hưu…Tôi thấy các quán cà phê đông nhất là vào buổi sáng sớm và chiều tối. Trong giờ làm việc thì rất vắng khách. Buổi sáng, người đi làm việc cũng cần một ly cà phê thư giản trước khi vào phòng máy tính suốt tám giờ. Còn những người lớn tuổi, đã về hưu thì lại khác. Tôi có mấy anh bạn sáng nào cũng uống cà phê với nhau ở một quán nhất định và ngồi ở một cái bàn duy nhất. Họ gặp nhau mỗi ngày như thế để hỏi thăm sức khỏe, trao đổi tin tức thời sự, tán gẩu dăm ba câu chuyện rồi về. Vậy mà vui cả ngày hôm đó.
Tôi là một phụ nữ, không thích uống cà phê nhưng rất thích vào quán cà phê. Ở VL tôi có một nhóm bạn bè thời trung học Tống Phước Hiệp, thường rủ nhau đi cà phê vào buổi chiều tối. Chúng tôi thích nhất là những quán cà phê ở bờ kè sông Tiền. Bởi nó tương đối ngon, giá lại rẻ, hợp với túi tiền già của chúng tôi. Chỗ ấy lại mát mẻ, nên thơ, cho chúng tôi tha hồ tâm sự, ghi hình ảnh đưa lên fb…Tôi nhớ một hôm đang buồn, anh Phú Thạnh gọi: ”My ơi, đến quán “Đỡ buồn” uống cà phê cho đỡ buồn nhé!” Thật tình, ở VL nhưng tôi không biết quán Đỡ buồn ở đâu. Chỉ còn cách bắt xe ôm đi đến. Gặp anh Phú Thạnh, anh Trung Nguyễn và một vài người nữa đang chờ ở đó. Anh em gặp nhau chuyện trò vui vẻ, đọc cho nhau nghe mấy bài thơ vừa làm được…Vậy mà khi về nhà đỡ buồn thật đấy các bạn à!
Trở lại bài viết “Chẳng hay ho gì”, tác giả có đề cập đến vấn đề mua cà phê về nhà pha uống. Đó là một cách tiết kiệm thời gian và tiền bạc cũng hay. Dĩ nhiên, ở nhà ai cũng có cà phê để sẵn. Nhưng nếu chỉ uống cà phê ở nhà thì làm sao gặp được bạn bè để thư giản, để trao đổi tin tức, kinh nghiệm sống với nhau. Thiết nghĩ, những người hay đến quán cà phê không chỉ vì ghiền cà phê mà còn ghiền tình nghĩa bạn bè, thâm giao bằng hữu. Còn nếu nói quán cà phê với du khách nước ngoài, họ đến đây chỉ để tham quan cảnh đẹp, những điều mới lạ… nên thích đi ngoài đường hơn là vào những quán cà phê. Vì thế nếu nói “quán cà phê tràn lan chỉ mang đến du khách một hình ảnh chẳng hay ho gì, một hình ảnh bệ rạc đáng xấu hổ”, thì tôi thấy rất quá đáng.
Đất nước ta, dân tộc ta có những cái rất đáng tự hào. Chẳng lẽ chỉ vì những quán cà phê mọc xô bồ như nấm ấy mà làm ảnh hưởng đến lòng tự hào dân tộc? Tôi thật không cam tâm!
My Nguyễn
ảnh Trung Nguyên
Sau khi đọc bài CHẲNG HAY HO GÌ, mình thấy hơi bức xúc nhưng khi đọc đến bài CÀ PHÊ ĐỠ BUỒN của bạn My Nguyễn bỗng thấy nhẹ lòng, Sự thật cà phê và nhất là quán cà phê là nơi để mọi người gặp gỡ giao lưu trò chuyện, giải tỏa được những những u buồn, chia sẻ được những niềm vui, gặp gỡ thêm bạn bè nối được vòng tay lớn. Nhìn chung lợi rất nhiều, không nên vì một ý kiến của một ký giả nào đó ở tận đâu đâu có lời phê phán chỉ trích chẳng có một chút thiện ý nào thì thật là chẳng ra làm sao, mỗi người đều có tự do đúng luật, chúng ta hãy tôn trọng sự tự do ấy của người khác, tôi hoan nghênh bài viết của bạn My Nguyễn, MỘT CÁCH TRẢ LỜI XÁC ĐÁNG.
Cảm ơn bạn Hoa Đăng đã có sự đồng cảm với mình và cho những ý kiến thật hay. Chúc bạn luôn vui khỏe.
Khi đọc bài ” chẳng hay ho gì” thật lòng tôi cả thấy xót xa lắm , nhưng hôm nay đọc được bài ” caphe đỡ buồn” của My Nguyễn và phản hồi của Hoa Đăng tôi thở phào nhẹ nhỏm , nhưvậy là cũng có người đồng cảm với tôi , tôi hoan nghênh bài viết của My Nguyễn và phản hồi vủa Hoa Đăng
Cảm ơn Anh Thơ, hôm nào đi uống cà phê nữa nhé! Nói uống cà phê chứ tụi mình có đứa nào uống cà phê đâu. Chỉ toàn là sinh tố, sâm bửu lượng…vậy mà cũng rủ đi uống cà phê hoài. Vui thật!
Theo nhà văn Sơn Nam hai quán cà phê đầu tiên ở Sài Gòn là Café Lyonnais trên đường Gouvernement nay là đường Lý Tự Trọng, quán thứ hai là Café de Paris đường số 16, nay là Đồng Khởi có từ năm 1864 , như vậy cái văn hóa cà phê ở Sài Gòn đã đến tuổi 150 . Nói đến nhà văn Sơn Nam là người ta nghĩ ngay đến hình ảnh một ông già ốm tong ốm teo chuyên chọn quán cà phê cóc ngồi làm việc. Cuối thu 1995 nhà văn Sơn Nam đã kê bàn viết trong quán cà phê cóc của trụ sở báo văn nghệ Thp HCM , về sau ông dời về một quán cà phê bụi trong khuôn viên nhà truyền thống quận Gò Vấp cho đến cuối đời.
Còn ở Vĩnh Long trước 1975 cũng có nhiều quán cà phê từ cóc, vợt ở bến xe, xóm lao động cho đến Akai như quán Trúc chuyên trị nhạc Trịnh ở góc đường Lý thường Kiệt – Yersin của nhà thơ Phú Thạnh, quán Hằng lúc nào cũng lãng mạn với Season in the sun v.v. từ nhạc Châu mỹ đến nhạc cổ điển Pháp.
Hiện nay thì không ai dám nói đã đi hết các quán cà phê ở Vĩnh Long, đúng là thiên la địa võng.. Ở quán cà phê bụi trong bến xe Thp Vĩnh Long, ngồi ở đây biết hết chuyện tình của thằng cha vá xe ở đèn xanh đèn đỏ đến chuyện của thằng khùng chuyên thắt cà la vết, bỏ áo trong xuồng, xách giỏ đệm bán dầu gió xanh ở chợ cá..Chuyển đến quán cà phê Sao Đêm nằm trong khuôn viên CLB hưu trí ( Nhà Ông Phán Nuôi ) nếu bạn là người thích nghe chuyện xưa và nay của Vl từ Văn Thánh Miếu đến cơ sở sinh vật cảnh, nuôi tép bảy màu v.v. Về quán Đỡ buồn gặp các nhà văn, nhà thơ , nhà giáo vừa đàm đạo vừa nghe nhạc tiền chiến, nhạc vô thường..còn cà phê Khởi Nguyên sẽ tình cờ gặp một người bạn từ nửa vòng trái đất lâu rồi không gặp. Đến cà phê Nóng uống cà phê giá không nóng nghe chuyện xăng dầu, xe máy, ba gác thời hãng xăng con sò đến hãng “P” ngày nay…Nghe nhạc Trần thiện Thanh đến quán Thảo My dưới dốc cầu Thiền Đức nha..
Nói tóm lại còn nhiều quán cà phê nhạc sống, cà phê máy lạnh , đồ xưa, teen… kể hoài không hết chuyện “cà phê” đâu.. Nhưng dân ghiền cà phê ngoài cái gu uống cà phê,ghiền cái chỗ ngồi , nói như My Nguyễn là còn vì cái tình nghĩa bạn bè, về trao đổi kinh nghiệm sống, chia sẻ buồn vui v.v Ngồi ở nhà với ly cà phê tự pha nóng hổi, mở Tv xem chương trình cà phê buổi sáng không thú vị bằng ngồi chỗ mình thích, nghe nhạc mình ưng, nói chuyện hợp gu, và học hỏi được nhiều chuyện mới, không ít người chọn cà phê wifi ngồi một góc mà điều hành công việc tận đâu đâu.
Tóm lại nếu văn hóa được đề cập đến như là một tập hợp của những đặc trưng về tâm hồn, vật chất, tri thức và xúc cảm của một xã hội thì việc phát triển quán cà phê là phương tiện chuyên chở văn hóa đến gần với đời sống, với lao động.
Cám ơn My Nguyễn đã có một bài viết hay, súc tích, thú vị.
Trời, không ngờ anh Trung Nguyen lại rành các quán cà phê từ thời xửa thời xưa và “phong trào” uống cà phê ở VL như vậy! Hôm nào phải dẫn tụi này đi sưu tầm một chuyến nhé! Cảm ơn anh TN đã phản hồi bằng những thông tin thật thú vị.
Anh Trung quên nhắc đến quán Nhà Xưa và quán Đan Tâm
Cảm ơn Tâm sự My Nguyên
Cùng là ý kiến Trung Nguyên rất nhiều…
Bạn bè còn có bao nhiêu
Cà phê gợi nhớ thương yêu tuổi già…
Mời anh mời chị gần xa
Nhắp từng giọt đắng ngâm nga đỡ buồn…
Em cảm ơn anh Phú Thạnh đã phản hồi bằng một bài lục bát rất hay và đầy đủ ý nghĩa. Chúc anh luôn khỏe.
Chị My Nguyễn ui ! Cám ơn chị đã giải tỏa được nổi bức xúc trong lòng của PL khi đọc bài Chẳng Hay Ho Gì .
Em like bài viết này của chị 1001 like nhé
Mình sẽ tiếp tục hẹn nhau cafe ở một ngày không xa nhé
Phan Lương ui, cam ơn ban vê 1001 cai like. Hom nao di uong caphe nhe!
Cà phê đở buồn mỗi chiều – sáng sớm
Cà phê cuối tuần hú nhau ơi ới
Uống nghe giọt đắng, ngọt vào tâm can
Ca phê đâu phải cà phê
Cà tình, cà nghĩa, bạn bè thâm giao
Nước juice… đử thứ thơm lùng
Sâm bổ ( lượng)còn gì ngon hơn
Ngồi nhà mà uống một mình !
Đôn độc, buồn chết, mau già thêm thôi
Muốn vui ít nhất có đôi
Để cùng thưởng thức cho môi ngọt ngào”
. . . .
Cảnh đẹp, thư giản, nghe hồn lâng lâng
Văn thơ, ý tưởng tuông trào tự nhiên
Vui cười , kể chuyện Đông Tây
Tối về ngủ nghỉ vẫn còn niềm vui
Giấc ngủ thoải mái… bình yên…nụ cười
Mong cho sáng sáng chiều chiều
Bạn bè réo gọi cà phê bờ kè
Tuổi đời quá nửa chừng xuân
Cớ sao nhốt kín trong nhà buồn tênh
Hãy cùng đi uống cà phê giải buồn
Cà phê tình nghĩa vấn vương hữu tình
Cà phê tuổi thọ …kèm theo nụ cười
Cà phê sức khỏe…bạn ơi bạn à
Ai ơi nhớ lấy một điều
Cà phê đơn ẩm ở nhà bịnh thêm
Hihihi ! Cám ơn My Nguyên & anh Trung Nguyên … viết bai quá hay và chí lý thay ! Rất thích. các phản hồi của các ACE bạn vui quá đi, tiếc là ở nước ngoài rất hiếm uống cà phê bên nhau. Ít khi có cà phê tình nghĩa như vậy, mà chỉ có cà phê cà nhong hay cà phê đánh cờ tướng của các ông sôn sồn không có việc làm, nhưng khi có dịp đi ngang mấy quán này ngó vào thấy không có thơ mộng và đẹp như các quán ở Việt Nam.Có lần, NT cùng vài người bạn đi bộ tập thể dục buổi sáng, đường vắng hoe đi mãi tới trưa mới thấy được quán cà phê, nhiều người vào mua rồi bưng cà phê ra ngoài, vừa đi vừa thưởng thức. NT ngó vào quán qua cửa kính, đa số trên bàn mỗi người một máy computer cùng 1 ly ca phê và một khoanh nhỏ bánh mì.Họ ngôi làm việc trực tuyến trong im lặng, trật tự, rất bình yên….thoải mái.Quán khá đông đúc mở từ 11 giờ sáng đến 22 giờ đêm.( xứ ngoài đơn giản chớ không có lãng mạn như ở VN).vì vậy, NT nghĩ có 2 dạng GATO ghét mà hư cấu nghĩ về quán cà phê có toàn cái xấu nhưng rồi tới đây họ ủng hộ và ước ao có ngày được hưởng thụ cái tự nhiên cà phê bên cạnh dòng sông quê hương, được uống cà phê với bạn bè nhiều tình cảm.
Luc nay lam thơ hay qua chơi luôn nha Nguyen Tuyet! Nhât đinh khi NT vê VN se đươc uông caphê bơ ke va cac quan caphe cua anh TN noi. Hi hi…
Chắc bạn My Nguyen là cô giáo dạy văn?
Bạn viết rất mạch lạc và tình cảm thấm đậm .Mong có dịp gặp bạn trong tương lai, hy vọng là rất gần
Còn phải hỏi. …, cũng như cô giáo ở Oregon đó mà 🙂
Cảm ơn bạn Phương Nga, mình cũng mong gặp bạn một ngày gần. Chúc bạn luôn vui khỏe.