Bến nước

Ngày đăng: 23/08/2015 09:04:46 Sáng/ ý kiến phản hồi (23)

Ở quê tôi, nhà nào cũng có một chiếc cầu bắc xuống dòng sông trước nhà. Mẹ tôi thường gọi là bến, mỗi khi sai tôi ra đó làm gì bà bảo :” Con xuống bến…” Lớn lên đi đây đi đó, đọc nhiều, tôi biết thêm mọi người gọi đó là bến nước.Khi đi xa, tôi rất nhớ bến nước quê nhà, ngộ ra đó là hình bóng quê hương. Khi ai đó nhắc về quê hương, tôi thoáng nghĩ đến dòng sông, cánh đồng, con đò.. và không quên cái bến nước nhà tôi với cái mái chứa nước mát, cái gáo dừa đen thui, dưới chân cầu tung tăng bầy cá lòng tong bay suốt đời ngoe nguẩy nghịch bóng.h1

Hồi nhỏ, bến nước đối với tôi chỉ là chiếc cầu gập ghềnh bám đầy rêu rong trơn trợt, mẹ tôi thường cấm tôi léo hánh xuống đó. Tuy vậy tôi cứ vô tư như không có lời răn bảo của mẹ. Có những buổi trưa hè, tôi trốn mẹ bỏ ngủ, xuống bến một mình xếp những chiếc thuyền giấy nhỏ nhắn xinh xắn rồi thả trôi theo dòng nước với bao ước mơ thần tiên cổ tích. Những chiếc thuyền mơ cứ xoay tít, quanh quẩn chân cầu luyến tiếc bến quê, tôi loay hoay tìm cách đưa chúng ra khơi, chúng lại ngoan cố quay vào. Có hôm tôi bỏ cả buổi, làm gan xuống tận đầu cầu chỉ để vớt những bông lục bình tim tím trôi không bờ không bến..cùng cô bé hàng xóm chơi bán bánh mì trong căn chòi tả tơi lá chuối, nền chòi trải đầy những sợi rơm vàng óng ánh thơm lừng đầu vụ.h2

Bến nước là nơi đầu tiên tôi được mẹ dạy cho biết cách vẫy vùng sông nước. Trước năm vào lớp một, mẹ bế tôi ra giữa dòng sông, đột ngột bà buông tay cho tôi chới với ngụp lặn. Tôi uống nhiều nước và cố gắng lội vào bờ, nhiều lần như vậy tôi biết bơi như đám trẻ con kình ngư vùng lũ quê mình.Thời gian trôi nhanh, tôi lớn lên cùng nhịp nước mùa lũ, bến nước gắn bó với những kỷ niệm tuổi thơ êm đềm khó phai. Đó là nơi tôi cùng bè bạn đùa giỡn nô đùa tắm gội. Thi thoảng ra bến ngồi một mình nhớ những chiếc bong bóng xà phòng bảy màu hồi xưa, say sưa thổi và gửi những mộng mơ cho gió bay đi…bay đi.. Ngày đi học đầu đời của tôi, mẹ đưa tôi ra bến, mẹ âu yếm hôn tôi và nắm bàn tay nhỏ nhắn mềm mại xinh như cọng bún của con gửi cho người đưa đò hiền hậu quen biết. Chiếc tam bản cụt mũi lắc lư chở đám học trò ba vá lấm láp ngây ngô ra giữa dòng sông nước lặng lờ, đây là chuyến đi xa nhà nhất, lần đầu đời tôi xa mẹ hiền..Xuồng đưa tôi đi qua mấy con mương với những rặng bần chát ngắt, ngồi giữa lòng xuồng nhìn trời xanh trắng cánh cò , tôi nhớ mẹ, nhớ câu hát mẹ ru :

Mai khôn lớn, con theo cò đi học
Cánh trắng cò bay theo gót đôi chân
Lớn lên, lớn lên, lớn lên…
Con làm gì?
Con làm thi sĩ

Lên cấp hai anh chị em chúng tôi ra tỉnh học. Đêm đầu tiên , mẹ tôi không ngủ, mẹ thức canh lắng nghe tiếng máy đò chạy vào lúc một giờ khuya, mỗi ngày chỉ có một chuyến, nếu trễ đò phải đợi đến đêm sau. Khi tiếng xình xịch còn vang xa xa, mẹ đánh thức lũ con dậy rồi tay cầm chiếc đèn dầu loe loét xuống bến đưa lên đưa xuống làm hiệu cho đò ghé bến. Tiếng máy đò inh ỏi giữa đêm thanh vắng vùng quê át tiếng mẹ tôi dặn dò , tiếng chào thưa của đám con từ giả mẹ đi xa học hành. Đò đã xa qua mấy bến nước rồi, nhìn lại tôi vẫn còn thấy le lói ánh đèn vàng vọt lập lòe hạt tiêu tí tẹo của mẹ một mình trông theo.

h3

Ngày tháng dần trôi, các chị và em gái tôi lần lượt xuống bến về nhà chồng. Mẹ tôi sinh con gái nhiều, chỉ có hai trai thôi, anh tôi theo gia đình riêng. Ngày em trai tôi đến tuổi lập gia đình, nghe nơi đâu có con gái nhà tử tế đến tuổi cài trâm, mẹ tôi choàng khăn, áo dài tươm tất, khai lễ trầu cau, cùng cậu tôi chèo ghe đi làm quen, hỏi cưới cho em tôi. Trời thương lòng mẹ bao la, cuối cùng mẹ cũng tìm được cô dâu thảo hiền, siêng năng, cần cù đảm đang như bao cô dâu vùng sông nước khác …Người dưng lễ hỏi đến nhà rước các chị em gái tôi đi làm dâu, cũng từ cái bến nước trước nhà họ đi vào, rồi từ bến đó các người lên thuyền hoa xa xứ. Em dâu tôi ngày đầu vu qui từ bến nước đi vào và ở mãi với mẹ tôi cho đến bây giờ.
Anh cả tôi và em gái tôi theo gia đình đi làm ăn rất xa, ngày giỗ của ba tôi ít khi có mặt, thi thoảng gửi tiền về chăm nom mẹ. Mẹ tôi già rồi, mắt đã lòa, tai nghe tiếng được tiếng không, tính hay quên, mẹ tôi cất tiền và đôi khi quên đi chỗ cất, mất cũng không hay. Có một điều mẹ tôi không bao giờ quên, vào những ngày quan trọng đó, mẹ cứ quanh quẩn bên chiếc điện thoại để mong được nghe tiếng của các con ở xa, nhất là của anh và em gái tôi. Tiếng điện thoại vang lên, các em tôi nghe rồi gác ống nghe xuống mẹ buồn nhưng vẫn tin chờ hy vọng vào lượt sau. Lượt sau, em gái tôi gọi về, không biết mẹ tôi có nghe rõ không, tôi thấy mẹ chỉ yên lặng, hoặc nói thì thào gì đó, mẹ cầm ống nghe,mẹ còng lưng, tôi có cảm giác mẹ phải cố gắng nghe bằng cái lưng còng già cỗi, gầy guộc chứ không phải nghe bằng tai của mình. Hết cú điện thoại, mẹ lại ra cửa nhìn xuống bến, trông mong như chờ đợi ai đó, tôi thấy trong mắt mẹ đậm hình bóng của các con mình, văng vẳng câu thơ ;
” Đi hết đời, lòng mẹ vẫn theo con”.
Dù ở gần con,
Dù ở xa con,
Lên rừng xuống bể
Cò sẽ tìm con,
Cò mãi yêu con…!

Cho đến bây giờ, đường giao thông nông thôn phát triển mạnh, xe về tận nhà. Mỗi lần về quê, tôi hay có thói quen đếm lại còn bao nhiêu bến nước, phát hiện ra chúng đã xiêu vẹo, không còn nhiều. Chúng cũng như các bà mẹ già, mẹ tôi đã hơn chín mươi, mẹ vẫn còn nhai trầu, và tuổi này nay đã hiếm. Tôi ngồi lặng lẽ trầm tư hàng giờ trên bến nước , mẹ tôi lâu rồi không còn ra bến nữa, nhìn lên nhà thi thoảng tôi bắt gặp mẹ đứng trong ngạch cửa trông xuống bến như tìm hình bóng các con.. . Có một nỗi buồn đau như dao cắt, ray rức lắm, cứ nghẹn ngào trào dâng không thể nào nguôi ngoai , mỗi lần về thăm nhà, mẹ tôi thường hỏi : “ Bây là đứa nào, con ai ?” Mẹ tôi không nhận ra con của mình, mẹ lòa và lẫn rồi…Mẹ ơi!…

h4
Mai này có thể bến nước không còn nữa, tôi chỉ sợ rồi ngày nào đó , trước hiên nhà lũ con cháu chúng tôi không tìm thấy dáng đứng còm cõi, mòn mỏi của bà. Phải chăng khi mẹ đi xa, chúng con chỉ còn nước mắt và thoáng hình bóng mẹ…Mẹ đi đâu ? Có ngây ngô không khi tự nghĩ mẹ đi đâu đó một lát ..mẹ về …

bài và ảnh Nguyễn Hoàng Trung

h5H5

 

Có 23 bình luận về Bến nước

  1. Luong Minh nói:

    Ở miền Tây, nhà cửa thường cất dọc theo kinh rạch, bến nước là  cửa ngỏ để người dân bước ra chợ, ra tỉnh thành.  Bến nước là chỗ giặt giủ, mua bán giao tiếp với ghe thương hồ và là nơi để khách lên thăm chủ nhà. Nhà giàu thì bến nước được xây kiên cố ,  rộng lớn khách dễ lên xuống, nhà nghèo thì  một thân dừa  thả dọc xuống cũng đủ. Các đám rước dâu thường mượn bến nước của nhà giàu ở gần đó để đi đến đàng gái, nhưng nếu chủ nhà (có bến nước tốt) có con gái chưa chồng, họ không cho mượn bến nước vì sợ mất duyên con- khó gả chồng !

  2. PhươngNga nói:

    Bài viết của anh Trung, em đã đọc mấy lần, nay đọc lại vẫn thấy xúc động. Nhất là vào mùa Vu Lan báo hiếu.

    Câu kết luận: mẹ đi đâu đó một lát rồi mẹ về, sao bùi ngùi quá!

  3. truong mẫn nói:

    Bài thắm đẩm tình gia đình nơi chôn nhau cắt rốn mà tâm điểm là mẹ, tình tiết thật xúc động, cảnh ảnh đep, tui khoái

    • Trung Nguyen nói:

      Cám ơn anh Trương Mẫn, chúc anh vui khỏe có nhiều khoảnh khắc đẹp, tôi sẽ cố gắng để bao giờ cũng luôn được anh khoái nhé.

       

  4. Hoành Châu nói:

    Bài   viết   hay , công    phu   lại    thêm   hình   ảnh   rõ   đẹp    và   đầy    ý    nghĩa    về    Mẹ , cảm    động    lắm !Hoành    Châu    (Gia    đình C )

  5. Bài viết thật hay về văn từ lẫn nội dung đã đưa người đọc về lại những kỷ niệm xa xưa , quá khứ và hiện tại quyện lại và hoà hợp với nhau để nói lên những tình cảm yêu thương đằm thắm của mẹ và con trong bối cảnh quê hương, gần gũi và thân thương. Cám ơn Nguyễn Hoàng Trung đã cho một độc giả như tôi biết thêm về ” Bến nước “, tình tự quê hương của miền Nam, mộc mạc, đơn sơ nhưng đi sâu vào lòng người.

    • Trung Nguyen nói:

      Dạ thưa cô ,
      Em rất xúc động khi được cô quan tâm và động viên, chúc cô luôn vui khỏe , mọi việc tốt lành . Em hứa cố gắng hoàn thiện để xứng đáng với lời dạy bảo và động viên của cô.

    • Hoàng Trung ơi, những lời phản hồi này của cô Lê Thân Hồng Khanh đã nói lên hết ý  nghĩ của anh về bài viết này rồi . Trên fb, Bến Nước càng được bạn bè gần xa đồng cảm nhiều…Xin cảm ơn cô LTHK và Hoàng Trung.

      • Trung Nguyen nói:

        Cám ơn anh Phú Thạnh đã luôn theo dõi từng bước đi của đàn em, kịp thời động viên và nhắc nhở em út. Chúc anh vui khỏe và tràn đầy hạnh phúc.

         

  6. My Nguyen nói:

    Đẹp biết bao hình ảnh người mẹ với bến nước quê hương. Một hình ảnh chân chất, mộc mạc được anh Hoàng Trung vẽ lên thành một bức tranh sống động, đậm đà tình quê. Cái bến nước đơn sơ ấy đã đi vào lòng người bằng mỗi cách. Nhưng với anh HT thì tuổi thơ của anh đã có quá nhiều kỷ niệm với cái bến nước quê nhà. Dù bây giờ bến nước không còn nhiều. Dù bây giờ mẹ đã già,mỗi lần con về lại hỏi “Bây là đứa nào, con ai?” Nhưng đó vẫn là một hạnh phúc không gì bằng. Vì anh vẫn còn có mẹ, còn có một bến nước để về. Xin cảm ơn anh HT đã có một bài viết rất hay, gợi cho tôi nhớ về tuổi thơ của mình và hình ảnh người mẹ già nay không còn nữa…

    • Trung Nguyen nói:

      Cám ơn My Nguyen thật nhiều. Người quê mình thường gọi bến là nơi đưa tiễn người thân đi xa và cũng là nơi đón tiếp mọi người đến chơi hay trở về như bến xe, bến tàu, bến đò…có một cái bến tuy nhỏ xíu nhưng sống mãi trong lòng mọi người là bến nước quê nhà, đi xa mãi nhớ. Cùng với bến nước là hình bóng các bà , các chị, các em trong những ngày lam lũ giặt giũ, tề tựu lặt rau làm cá, cùng nhau hò hẹn xuống bến tâm tình. Trong đó bao giờ cũng có bóng một bà mẹ già hiền từ suốt đời lo con cho cháu, đây là hình ảnh luôn có trong tim những người con xa quê hương khi nhớ về mái nhà xưa, bến nước cũ. Nhân mùa vu lan tôi viết bài này để kính dâng lên các bà mẹ thiêng liêng cao cả luôn hy sinh cả đời mình cho con cho cháu, cho các chị em vì phận gái phải làm dâu xa ” chiều chiều ra đứng ngõ sau, trông về quê mẹ ruột đau chín chiều ” trong lòng lúc nào cũng ấm ức câu ” Má ơi đừng gã con xa, chim kêu vượn hú biết nhà má đâu” rồi nghẹn ngào “Một mai cha yếu , mẹ già. Bát cơm, đôi đũa, bộ kỷ trà ai dâng..” Giờ đây My Nguyen cũng đã ngoài lục tuần, đã là mẹ và là bà, nhân mùa vu lan chúc My Nguyên luôn mạnh khỏe và an vui hạnh phúc bên con cháu hiếu thảo. 

  7. Nguyen Tuyet nói:

    Hôm nay Nguyễn Tuyết mới có cơ hội đọc được bài viết ” Bến  nước ” của anh  Trung Nguyên. Bài anh viết rất là hay …từng cái đơn sơ … nghe gần gủi và rất ấm lòng… làm cho NT cũng gợi nhớ về bến nước quê ” Nội ” rồi bến  nước  quê ” Ngoại ” cũng rất là vui va thân tình như vậy…đọc từng dòng …NT cũng cảm nhận …như NT cũng đạ từng như vậy đó…tư nhỏ NT cũng đã có nhiêu kỷ niệm với bến nước quê cha  va quê mẹ…rôi tư giả lên thành thị sống…nhưng khi trở về…vẫn khoái xuống bến sông…khi nước lớn…dọc nước và tắm ùm dưới sông…rất vui thích…Anh Trung Nguyen dẫn dắt câu chuyện  rất nhẹ nhàng và hay quá đi …cang đọc càng thấy mê và phê đó…NT thích quá mấy câu anh ghi ” Đi hết đời lòng mẹ vẫn theo con….Dù ở gân con …Dù ở xa con…Lên rừng xuống bể …Cò sẽ tìm con… Cò mãi yêu con…”..Cò vẫn  chờ con & Cò vẫn trông đợi con về….& Cò vẫn thương  nhớ con dù  năm dài tháng rộng…NT cám ơn anh Trung Nguyên.. vi  NT đọc được bài viết hay  đượm tình quê  hương  ” Bến Nước ” của anh ” Tuyệt Lắm “

    • Trung Nguyen nói:

      Gửi bạn Nguyen Tuyet,
      Cám ơn bạn Nguyen Tuyet đã quan tâm đến bài viết của mình, chúc Nguyen Tuyet một mùa Vu lan ấm áp và hạnh phúc nha.

  8. Như Thuỳ nói:

    Anh Hoàng Trung ơi ,  cho NT hỏi vui : trong bài viết mẹ anh sinh con gái nhiều, chỉ có hai trai . Anh trai anh theo gia đình riêng làm ăn xa , mẹ anh bưng khay trầu đi hỏi vợ cho em trai và cưới được dâu hiền …. Vậy còn anh thì sao , không là một trong số chị em gái chớ ? ( Hi!hi! )

    BẾN NƯỚC của anh làm NT nhớ lại những năm tuổi thơ gia đình theo ba di chuyển qua các tỉnh miền Nam, sống gần sông nước . NT đã từng suýt chết đuối ở một bến sông Châu Đốc, nơi vợ con lính hằng ngày ra giặt dũ tắm táp và lấy nước nấu ăn . Khi gia đình chuyển sang Cao Lãnh, mọi sinh hoạt hằng ngày cũng gắn liền với một bến sông nhỏ trước nhà ….

    Bài viết của anh rất cảm động … Gợi nhớ cảnh yên bình vốn gắn liền với sông nước của đất phương Nam và lòng mẹ – như biển rộng sông dài …

    Cám ơn anh Nguyễn Hoàng Trung về bài viết rất có ý nghĩa cho mùa Vu Lan này !

  9. vothilai nói:

    Anh Hoàng Trung! hôm nay là ngày lễ Vu Lan đọc bài anh viết làm em thương mẹ nhiều,nhà mẹ em cũng có bến nước,cây  cầu bắt  xuống sông. Bài anh viết rất hay ,rất cảm động  ,những ai mà có chồng xa xứ khi đọc bài anh sẽ thắm thía lắm lắm …

    • Trung Nguyen nói:

      Gửi chị vothilai,
      Chúc mừng chị đã sửa xong computer của mình. Cám ơn chị đã quan tâm và đồng cảm với bài viết của tôi, chúc anh chị một mùa vu lan an lạc và tốt lành.

  10. Lyhuong nói:

    Lý hương G.Đ.C đây Hoàng Trung ơi,hôm nay mình mới đọc “Bến nước “,H.Trung đã cho mọi người cảm được một thứ tình nhẹ nhàng ,cảm động ,tuổi thơ mình không có bến nước ,nhưng mình đã sống một thời tươi đẹp với những người dân Bến nước ,trong thời gian đi dạy với các bạn K.Cương,T,Nguyệt…Cám ơn Bạn đã cho đọc một bài hay.Thân mến.

    • Trung Nguyen nói:

      Thân gửi chị Lý Hương,
      Tôi  rất thích nghề dạy học, nhưng không may mắn hồ sơ dự tuyển bị trục trặc, nộp đơn trễ mất một ngày trường không nhận hồ sơ, nên đành ngậm ngùi chia tay với nghề mình thích.Tuy nhiên tôi cũng có một thời gian sống ở vùng sâu, được biết nhà giáo ở những nơi này rất được mọi người tôn trọng. Học trò có khi lớn tuổi hơn thầy cô nhưng lớp học rất nghiêm túc,khi mãn khóa thầy trò chia tay trong nước mắt. Nhà chỉ có bo bo, bữa có bữa không, nhưng họ ưu ái dành cho thầy giáo những lon gạo trắng nghĩa tình. Nhà ăn khô quẹt, qụẹt đến mòn đũa , vậy mà khi bắt được con cua ,con cá trân trọng chia sẻ cho thầy cô. Tôi còn nhớ một lớp học những năm sau giải phóng ở ấp Ba Động, một vùng sâu của Trà Vinh, lớp là những cây mắm cây đước che bởi mái lá thấp tè, sĩ số học sinh không đầy hai  bàn tay, ngồi lê la trên các bàn ghế đóng khập khểnh xiêu vẹo bằng cây chà là cong quèo . Mỗi ngày cô giáo nghĩ trọ ở một cái chòi do phụ huynh dựng tạm, mùa nước ngập cô lên lớp với chiếc áo bông vải in dầu phát theo chế độ tem phiếu cũ mèm. Một hình ảnh mà tôi trân trọng cô giáo đến bây giờ dù đã gần 40 năm  , mùa nước nổi cô bì bởm lội trong nước, tay cầm phấn, tay cầm thước,giọng cô vẫn sang sảng giảng từng bài học, câu thơ, mấy ngày ngập lụt đó cô mặc chỉ độc nhất có chiếc quần đùi ngã phèn. Đấy là hình ảnh người giáo viên cao quý mà tôi nhớ hoài cho đến bây giờ Ba động đã là nơi nghỉ mát nổi tiếng ,mỗi khi đi qua chợ Ba động lúc nào tôi cũng dừng chân rất lâu để tưởng nhớ đến cô giáo này, với lớp học chỉ có cái mái lá thấp tè, vách phên trống toát, nếu vào ngày học trò nghỉ học người qua đường sẽ lầm tưởng là cái chuồng trâu. Tuy có khó khăn gian khổ nhưng đó là khoảng thời gian tươi đẹp với những kỷ niệm khó quên nhất của nhà giáo và học trò thời đó phải không chị Lý Hương ? Chúc chị luôn vui khỏe và hạnh phúc chị nha.

  11. Nguyen thanh cong nói:

    Toi cam xuc nhieu khi doc Ben Nuoc cua anh Trung.Cam on tac gia da diu toi tro ve ky uc dep cua tuoi tho.Ben Nuoc co the mai nay khong con nua nhung minh giu mai Ben Nuoc trong tam hon phai khong anh Trung.Tran trong gui anh nu hon than ai chan tinh.Xin cam on ai bang tat ca sau lang cua suy tu mang den cho nguoi doc nhung rung dong khong noi duoc thanh loi.

    • Trung Nguyen nói:

      Anh Thành Công kính mến,
      Cám ơn anh đã đồng cảm với bài viết của tôi, thật xúc động về những lời bài tỏ thật chân tình của anh. Thi thoảng về quê tôi có cảm giác như Từ Thức trở lại trần gian, một lần đi theo sông Long Hồ bổng nhiên thấy một bà lão ngồi bơi trên chiếc xuồng ba lá, tim tôi run lên, tay tôi như cóng lại, xách máy chụp hình định chụp một tấm, Nhưng chiếc xuồng và bà lão tự nhiên biến mất qua một khúc quanh, cho đến bây giờ tìm mãi cũng chẳng thấy bóng dáng chiếc xuồng ba lá nhỏ nhắn xinh xinh. Còn nhiều cái nhỏ lắm bây giờ phát hiện ra nó không còn,trở nên mất mát lớn cho văn hóa dân tộc. Tôi đang ấp ủ một bài viết nói về những mất mát không tìm lại được nữa, anh chờ đọc nhé. Cám ơn anh đã quan tâm đến bài viết của tôi, chúc anh nhiều sức khỏe và may mắn trong cuộc sống anh nhé.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác