Đại Dương trong lòng Con Ốc nhỏ
Đọc bài thơ của anh Phạm Ngọc Lư, tôi rất xúc động vì qua đó phảng phất hình ảnh Ba tôi, ngồi chợ bán kim chỉ, bán bọc nylong. Những năm tháng khốn khó không thể nào quên! Cho dù là ký ức xa xưa của bốn mươi năm, chúng ví như những vết thương thành sẹo. Nhưng mỗi lần hồi tưởng lại, chúng vẫn làm tim tôi thổn thức. Ở một chừng mức nào, có thể làm tôi ứa từng giọt nước mắt, để không làm mình trở thành “Trùm Nội Tâm”
Sau biến cố 75, Ba tôi bị nhốt vào khám lớn để “cải tạo tư tưởng”. Chừng được thả về, cũng là lúc ông thất nghiệp. Nói sao cho hết những đau khổ của một người mà suốt cuộc đời sinh nhai và nuôi sống gia đình bằng bàn tay cầm viết, nay phải hụp lặn giữa chợ đời để kiếm sống.
Ba tôi đặt một cái sạp trước xéo tiệm bánh Thiên Hưng bán tạp hoá: kim chỉ, kem, bàn chải đánh răng, sữa bột…Kế bên là một tên “hàng xóm” cùng bán những mặt hàng tương tự. Hắn tự mệnh danh là “Năm Quạp”, cái tên cũng đủ nói lên cái bản chất lưu manh nham hiểm của hắn. Trong khi Ba tôi, người ngay thẳng chính trực, làm sao đấu lại với một tên “Năm Quạp” nầy? Hắn bán càng ngày càng “nở nồi”. Nhà chúng tôi nghèo đến độ, trời mưa phải lấy cây căng những tấm bạt nylong để che hàng, còn hắn…chỉ bật một cái tách, chiếc dù canvas mở rộng ra che hết gian hàng. Hắn thậm chí đi rêu rao nói xấu với mọi người, gian hàng của Ba tôi toàn bán đồ dởm đồ giả. Ba tôi nói lý lẽ với hắn, có một lúc hắn còn xông người tới muốn đánh…
Thất chí, Ba tôi chuyển sang bán nylong khi kiếm được một sạp khác ở chợ nhà lồng. Tưởng là thay đổi mặt hàng sẽ khá hơn tí nào, nhưng cái khó luôn bó cái khôn. Nhà nghèo quá, chạy ăn từng bửa, làm gì có tiền mua bọc nylon để bán? Má tôi đi buôn chuyến, chở hàng ăn công cho các tiệm ở chợ Vĩnh Long. Mua nylong “gối đầu” ở chợ An Đông, Sài Gòn. Gối đầu riết, các chủ sạp nầy từ chối, bảo thẳng với Má tôi, trả tiền hết rồi họ mới bán tiếp. Má tôi sau nầy kể lại, cái “nhục” của người nghèo. Má tôi phải cầu cạnh chực chờ, chủ sạp thương tình bán chịu, đôi khi họ dè bĩu nói cạnh khoé mà muốn rơi nước mắt. Trong khi đó, bạn hàng trả tiền hết, chủ sạp bưng từng tô hủ tíu từng ly cà phê mời mọc…Cũng không trách gì họ, người ta đâu có biết, sạp của Ba tôi, cũng bị bạn hàng chợ vườn “gối đầu”?
Khổ đau càng thêm đau khổ, khi mọi người bị bắt tham gia hợp tác xã. Tức là nhà nước mua hết hàng của mình bằng giá rẻ mạt, rồi phát lại cho mình bán. Mỗi tháng nhà nước phát lương cho…một người, lúc đó là em thứ 5, Phương Lan của tôi. Nguồn thu nhập nhỏ nhoi để nuôi cả gia đình cũng bị tước đoạt. Ba tôi túng thế phải mua một tủ kiếng nhỏ để bán thuốc lá lẻ, trá hình để bán chui bọc nylong. (Tình cảnh bán chui nầy, em Hồ Linh cũng đã trãi qua) Kế tủ thuốc, Ba tôi để một cái xề nhỏ, trên đó bỏ vài trăm grams bọc nylong chưng hàng. Hể quản lý thị trường, những chiếc áo xanh và còi tu huýt thổi là a lê hấp bưng tủ thuốc, bưng xề chạy. Có một điều lạ kỳ là đôi khi Ba tôi chạy không kịp ngồi chịu trận, Hai Dồi, tên đầu xỏ của quản lý thị trường thấy Ba tôi nhưng không bắt…Có lẽ tận trong trái tim tàn bạo của hắn còn sót lại ít đỉnh nhân tính, thương xót một người đầu bạc như Ba tôi chăng?
Ba thân yêu, ngày lễ của Cha, con không có gì quí báu tặng Ba cả. Tuy tay con vẫn còn tê nhức, con ráng cố gắng hoàn thành bài viết mà con khởi sự nhiều năm qua, như là lời cám ơn Ba, người mà tấm lòng là cả một đại dương trong lòng con ốc nhỏ.
Nói sao hết những năm tháng đau khổ mà cả gia đình chúng ta trãi qua, và Ba luôn luôn kề cận chúng con để vượt qua.
Ba à, con thương Ba lắm lắm.
Phương Nga
Trong một phản hồi ở chỗ khác tôi đã nói với Kiều Oanh về một Nhà Văn Ngôi Sao thì bài văn của nhà văn ấy đã xuất hiện đây rồi.
Ngôi sao xẹt phải không sư huynh?
hehehe…
Rớt nước mắt thật rồi đây Nga ơi, cuộc đời là bể khổ, nhưng cũng có câu: Hết cơn bỉ cực có ngày thới lai. Cuộc đời thăng trầm đó là quy luật. Trãi qua gian nan mới thấy giá trị của cuộc sống hiện tại, bài viết trong ngày lễ của cha, Phương Nga đã nói lên hết tấm lòng của người con nói về sự hi sinh lớn lao của cha, mẹ đã làm xúc động lòng người .
Cuộc đời của em, em có một hãnh diện lớn là được làm con của Ba Má em, chị Hoa Đăng thương mến
Cám ơn sự đồng cảm của chị với đứa em
Ngoài trời mưa rỉ rả .Nằm trùm chăn mà đọc Đại Dương Trong Lòng Con Ốc Nhỏ .Bất chợt nghe lòng rưng rưng buồn.Câu chuyện thật cảm động và nước mắt hòa cùng nước mưa rùi nè chị Phương Nga ui
Cùng cảnh khổ nên dễ cảm thông, em Phan Lương thương mến
Chân thành cám ơn tấm lòng của em với chị
Em được nghe anh NHA giới thiệu về một Nhà văn Ngôi sao và em chờ cho đến nay mới đọc tác phẩm ấy. Đọc bài viết nghe rất quen thuộc về địa danh lẫn con người. Vất vã quá! Gian truân quá! Thôi thì mọi việc cũng đã qua rồi chị Phương Nga ơi. Ngày xưa gia đình chị đã từng chịu cực, bây giờ đã đến lúc được khổ, ý, sory , được hưởng sung sướng chứ. (tại cực hay đi chung với khổ nên em quên), Bài viết này làm cảm động nhiều người và có giá trị gấp nhiều lần vì được chị Phương Nga viết lên tự tấm lòng và bằng đôi tay….”què quặt”. Thương chị nhiều.
Đọc lại một lần nữa vẫn muốn khóc Nga ơi
Đọc bài chị viết mà thấy bùi ngùi cảm động nao nao trong dạ,cái thời khốn khó của 40 mươi năm về trước tới bây giờ em không dám nghĩ tới.Chị Nga ơi ! Mọi chuyện đã qua rồi,bây giờ thấy đại gia đình của chị thật là hạnh phúc em vô cùng ngưỡng mộ.Chúc chị vui khỏe.