Bolero kỷ niệm (ký sự Little Saigon)
– Lần trước mình đã tới Cà phê Lạc Cầm, sáng nay mình sẽ ghé nhà Tâm Bolero, không xa đây lắm (Lạc cầm là quán cà phê nhạc nổi tiếng ở Little Saigon – chủ quán là Pianist Lê Sỹ Dự).
Sau bữa điểm tâm, Long bảo tôi.
– Sao lại Tâm Bolero? Chắc anh chàng chuyên hát Bolero.
– Đúng vậy. Long cười. Độc thân, không vợ con, mỗi lần ôm cây ghita là thế nào cũng hát Bolero. Chỉ Bolero. Tâm đến Little Saigon cách đây vài năm. Nghe nói trước đây đã ở Louisiana rồi Texas… Phải công nhận anh ta hát khá hay. Chính anh ta thừa nhận nếu ra bến xe biểu diễn thì sẽ kiếm bộn tiền!
Thế là, bỏ vào túi gói đậu phộng đang ăn dở, tôi theo Long bước ra đường, đắm mình trong bầu không khí the lạnh của một ngày thu.
Vừa tản bộ vừa nhâm nhi đậu phộng, chưa tới nửa tiếng đã tới nhà Tâm. Đó là một căn nhà xinh xắn nằm lặng lẽ trên một con đường nhỏ yên ắng.
Long bấm chuông. Vài phút sau một người đàn ông tầm thước tuổi ngoài sáu mươi ra mở cửa mời chúng tôi vào với nụ cười hiền lành.
– Đây là anh Kỷ dạy ghi ta cổ điển, mới ở Việt Nam sang. Còn đây là Tâm.
Long giới thiệu tôi với Tâm. Chúng tôi tay bắt mặt mừng như những người tri kỷ lâu ngày không gặp nhau. Tâm ân cần pha chè mời khách rồi vào phòng trong mang ra một cây ghi ta rất đẹp hiệu Morris, đưa cho tôi:
– Anh Kỷ chơi một bài cổ điển đi. Đôi khi nghe độc tấu cũng thú lắm.
Tôi cầm lấy đàn, chơi ngay bản nhạc đầu đời của mình, bài Romance. Long và Tâm chăm chú lắng nghe bên tách chè ấm áp. Chơi xong tôi bảo Tâm:
– Chúng tôi tới đây là để được nghe anh hát. Anh Long bảo anh hát Bolero hay lắm, Duy Khánh còn phải ghen!
– Thường thường thôi. Tâm cười. Không biết chất Bolero thấm vào người tôi từ khi nào. Chỉ biết là mình đã hát thì phải hát Bolero. Có nhiều bản Bolero gắn liền với những kỷ niệm khó quên trong đời mình.
– Vậy anh chơi tặng chúng tôi mấy bài đi.
Tâm yên lặng giây lát rồi ôm đàn vào lòng dạo vài nốt nhạc rồi cất tiếng:
Anh ơi tôi lên đường phố cũ
Tìm anh chiều hẹn hò
Cho nhau niềm vui cuối tuần…
Theo tiếng đệm đàn khá điệu nghệ, giọng hát của Tâm cất lên sâu lắng. Giọng anh mộc mạc mà truyền cảm, không chuyên nghiệp nhưng vẫn có thể làm vừa lòng bất kỳ ai, trừ những kẻ khó tính.
Là một điệu nhạc Mỹ La Tinh, Bolero du nhập vào Việt Nam từ giữa thế kỷ 20. Nhạc sĩ Trúc Phương đã để lại dấu ấn lớn trong nền âm nhạc Việt Nam với những ca khúc Bolero nổi tiếng. Cùng với Trúc Phương, những bản Bolero của Phạm Thế Mỹ, Y Vân,… cũng được người yêu âm nhạc chào đón nồng nhiệt: Tàu Đêm Năm Cũ, Trăng Tàn Trên Hè Phố, Những Bước Chân Âm Thầm… Những ca khúc ấy dễ phổ biến do dễ hát, dễ bắt nhịp, gần gủi với tầng lớp bình dân. Mà đâu chỉ với tầng lớp bình dân. Trong nước hiện nay từ Bắc tới Nam đang có hiện tượng thích được nghe lại, sống lại với những sáng tác trước 1975 ở Miền Nam, trong đó đặc biệt là các bản Bolero. Trên các sân khấu ca nhạc, ca sĩ đua nhau hát ” Nhạc xưa” để chiều lòng khán giả. Người yêu nhạc đã nhàm chán những bài hát nhạt nhẽo với ca từ và giai điệu nghèo nàn. Họ muốn quay về với những giá trị đích thực, quay về với những nhạc phẩm hay cả nhạc lẫn lời được các nhạc sĩ tài năng sáng tác với tất cả tâm hồn.
….
Mong sao đừng quên mỗi lần
Chiều qua cuối tuần
Có tôi đợi trông anh
Khi phố cũ vừa lên đèn
– Anh hát hay lắm. Tôi bảo khi Tâm vừa trình bày xong bài “Chiều Cuối Tuần” của Trúc Phương. Thế bài này nhắc anh những kỷ niệm nào?
– Chính là kỷ niệm với tác giả, nhạc sĩ Trúc Phương. Lúc ấy khoảng năm 1970. Hôm ấy tôi ngồi đàn hát bài ” Chiều Cuối Tuần” với mấy người bạn Văn khoa ở một quán cà phê gần trường. Đang hát thì một bạn chi vào người đàn ông độ tứ tuần vừa bước vào quán và bảo: ” Trúc Phương kìa!”.
Chúng tôi quay lại nhìn ông. Tôi bước tới chào Trúc Phương và mời nhạc sĩ ngồi chung bàn, đề nghị ông hát bài ” Chiều Cuối Tuần”. Trúc Phương ôm lấy đàn hát ngay. Giọng ông không hoa mỹ nhưng rất có hồn. Hát xong tác giả còn vui vẻ ký tặng vào bản nhạc ” Chiều Cuối Tuần” tôi vừa mua hôm trước Lúc chia tay Trúc Phương bảo tôi:
– Tướng chú mày trông lãng tử, thế nào cũng năm bảy đường tình nhưng có khi về chiều lại một mình một bóng.
– Trúc Phương nói đúng quá. Long cười
– Vâng, đúng cho tôi và đúng cho cả Trúc Phương. Tâm gật đầu. Tôi rất buồn khi sau này hay tin ông qua đời trong nghèo khó, cô đơn.
Chúng tôi chìm trong thinh lặng trong giây lát rồi Tâm lại ôm đàn, hát ” Trăng Tàn Trên Hè Phố” một cách say sưa:
Tôi lại gặp anh
Người trai nơi chiến tuyến
Súng trên vai bước lê qua đường phố….
Giọng hát truyền cảm của Tâm đưa chúng tôi trở về tuổi trẻ xưa nào, một tuổi trẻ thời binh lửa nhưng không kém ý thơ.
…
Súng thù từ rừng sâu vẫn còn đó
Đừng lưu luyến gì đây
Thôi bọn mình chia tay
Thôi bọn mình chia tay
Hát xong ” Trăng Tàn Trên Hè Phố”, Tâm đặt đàn lên bàn rồi nói, giọng đượm buồn:
– Mỗi lần hát bài này tôi lại nhớ tới Phong, bạn thân thời trung học. Sau đó tôi vào đại học khoác áo sinh viên còn Phong theo đời lính. Hai đứa từ đó ít được gặp nhau. Lần cuối tôi gặp phong là đầu năm 1972 nhận dịp phong về phép. Lần đó Phong say sưa nói về con đường binh nghiệp của mình. Tôi cũng tin Phong sẽ thành công. Đó là một thanh niên rắn rỏi, đầy nhiệt huyết. Vậy mà chỉ mấy tháng sau tôi nhận được tin Phong đã bỏ mình ở trận An Lộc. Tôi khóc rất nhiều. Khóc cho Phong, khóc cho quê hương mình. Giờ này thình thoảng tôi vẫn gặp lại Phong trong giấc mơ. Thưở còn sống, Phong rất thích nghe ” Trăng Tàn Trên Hè Phố”…
Tâm trầm ngâm. Thế rồi, không muốn chúng tôi nghĩ ngợi nhiều, Tâm lại cầm lấy đàn và hát tiếp một bản Bolero khác, “Những Bước Chân Âm Thầm” của Y Vân phố thơ Kim Tuấn. Bản này tôi đặc biệt yêu thích và nghĩ nó xứng đáng là một trong những bài Bolero hay nhất:
Từng bước từng bước thầm
Hoa vùng rừng tuyết trắng
Rặng thông già lặng câm
Em yêu gì xa vắng
Cho trời mây ướp buồn…
Bài hát nói về một mối tình không thành. Tâm hát như đang tâm sự với chính mình. Biết đâu nhạc phẩm này gợi lại nỗi buồn về một cuộc tình dang dở nào đó trong đời anh.
…
Từng bước từng bước thầm
Khi người yêu không đến
Tuổi xuân buồn lặng câm
Đi trong chiều mưa hoang
Đời biết ai thương mình
Khi Tâm vừa hát xong lời cuối cùng của ” Những Bước Chân Âm Thầm”, tôi muốn hỏi chuyện tình duyên của anh nhưng lại thôi, sợ chạm đến nỗi riêng tư của bạn. Tôi nói với Tâm.
– Cảm ơn anh đã cho chúng tôi một buổi sáng thú vị với cuộc gặp gỡ một người thú vị như anh. Nhờ anh mà tôi biết thêm những nét đáng nhớ của Little Saigon. Nghe nói trước khi đi tới đây, anh đã ở nhiều bang khác. Thế anh có ý định rời Little Saigon đi đâu nữa không?
– Không, không đâu. Tâm cười. Mình già rồi còn đi đâu nữa. Vả chăng ở Little Saigon tôi cảm nhận được rất nhiều hương vị quê hương. Sống ở đây tôi mãn nguyện lắm rồi. Little Saigon thực là nước Việt thu nhỏ, một nước Việt trong lòng nước Mỹ.
Và tôi yêu Little Saigon như đã yêu những khúc Bolero.
Trần Thế Kỷ
Đọc truyên ngắn nầy của Trần Thế Kỷ tự nhiên nghe buồn quá đi thôi, nhứt là nhớ âm vang trầm buồn bài nhạc “Những Bước Chân Âm Thầm” của Y Vân. Những kỷ niệm thời non trẻ chợt ùa về, trong chớp mắt bỗng quá xa xôi!…
Cám ơn tác giả Trần Thế Kỷ
Bài văn gợi môt chút lắng đọng về “Những ngày xưa thân ái”. Thời có những người trẻ, thật trẻ, đam mê những lời nhạc trôi tận lòng người trong Trăng Tàn Trên Hè Phố, Ly Cà Phê Cuối Cùng, Chúng Mình Ba Đứa…