MẸ TÔI VÀ QUÊ NGOẠI
Nếu quê nội đã ghi sâu trong tâm trí của tôi từ lúc mới lọt lòng, là nơi chôn nhau, cắt rốn cũng như nơi mà tôi đã trải qua sáu năm đầu đời thần tiên, thì quê ngoại đến với tôi thật nhẹ nhàng, êm dịu, nhưng không kém phần thơ mộng qua giọng nói miền Trung, âm hưởng Huế ngọt ngào của mẹ tôi. Những địa danh của xứ Huế ấp đầy những kỷ niệm một thời thơ ấu êm đềm, một thời thiếu nữ khuê các mà mẹ tôi kể cho chúng tôi nghe trong suốt những năm theo chồng, nuôi đám con thơ và vì thời cuộc biến đổi, không sao tìm được cơ hội để về thăm lại xứ sở của mình, cùng hương vị những món ăn đặc biệt của Huế mà mẹ đã nấu rồi truyền lại cho chị em chúng tôi, tất cả đã là nền tảng cho tình yêu quê ngoại của tôi sau này.
Quê ngoại đối với tôi là những gì trong mơ, trong trí tưởng tượng mấy chục năm dài. Lần đầu tiên được về quê ngoại vào năm 1946, tôi đang còn là một thai nhi nằm trong bụng mẹ, thì ba mẹ tôi và chị tôi về chịu tang ông ngoại tại Huế, chẳng biết lúc đó tôi có cảm nhận được gì về quê ngoại hay không….
Sau khi lập gia đình, mẹ tôi rời Cố đô để theo ba tôi về làm dâu ở miền dân dã xứ Thanh, sau này Thanh Hoá trực thuộc liên khu tư, dưới quyền kiểm soát của Việt Minh nên mẹ tôi hầu như không còn dịp để trở về thăm quê nhà. Sau khi chịu tang và lễ 100 ngày của ông ngoại xong, ba mẹ tôi và chị tôi lúc đó mới hơn một tuổi đã phải mất mấy tuần lễ, lúc thì nhịn đói, lúc thì nhịn khát, khi thì đi xe lửa, khi thì lên xe đò, cực nhọc trăm bề mới trở về được Thanh Hoá, thời điểm đó máy bay của Pháp đã bỏ bom khắp nơi ở liên khu tư.
Mẹ tôi bận bịu con nhỏ, ít có thời giờ rảnh để nghĩ đến cố hương của mình nhưng tôi chắc rằng có một lúc nào đó mẹ tôi cũng phải nhỏ lệ vì nhớ quê, nhớ người thân, nhớ đến những kỷ niệm xa xưa.
Chiều chiều ra đứng ngõ sau,
Trông về quê mẹ, ruột đau chín chiều.
( Thơ ca dân gian )
Ông ngoại tôi có tất cả 16 người con và mẹ tôi là con thứ 14 trong gia đình, ông tôi có ba bà và mẹ tôi là con của bà ba, ông ngoại tôi tuy làm quan, chịu ảnh hưởng của nho giáo nhưng không thủ cựu mà trái lại rất cấp tiến và nhân bản, trong gia đình, ai sinh trước là anh, là chị, không kể là con của bà nào. Tại các gia đình quan quyền khác, các cô tiểu thư phải ở nhà để học tề gia nội trợ và chờ ngày xuất giá, hôn nhân là do cha mẹ chỉ định, thì mẹ tôi và các dì, các bác của tôi đều được ông ngoại cho đi học, ông còn khuyến khích cho con cái học lên cao không kể trai hay gái. Mẹ tôi nhờ đó sau khi học xong bậc tiểu học trường Đồng Khánh, đã được học bậc trung học tại trường Jeanne d’Arc ở Huế cho đến khi lập gia đình. Theo lời kể của mẹ tôi, hầu hết con cái của ông bà ngoại tôi đều được phép lập gia đình với người mình yêu và mẹ tôi cũng không phải là ngoại lệ. Ba mẹ tôi gặp nhau và yêu nhau rồi tạo dựng gia đình với sự đồng ý của hai bên nội ngoại.
Ông ngoại tôi làm quan 27 năm đến chức Tham tri Bộ Hình và về hưu năm 1933, trải qua bốn triều vua nhà Nguyễn:
– Vua Thành Thái
– Vua Duy Tân
– Vua Khải Định
– Vua Bảo Đại
Năm 1934 ông ngoại tôi được thăng hàm Lễ Bộ Thượng Thư. Ông nội tôi chỉ là thường dân, không quan tước, nhưng ông ngoại tôi nghĩ đến hạnh phúc của con cái mà không đặt nặng vấn đề “môn đăng hộ đăng hộ đối”, đã cho mẹ tôi theo ba tôi về làm dâu ở xứ xa. Đây cũng là một điều hiếm có trong những gia đình quan quyền ngày xưa tại cố đô Huế.
Quê ngoại tôi, Nguyệt Biều, một làng nhỏ nằm ven sông Hương, phía Tây Nam của Huế và cách trung tâm thành phố Huế chừng 7 km, nếu đứng bên này chùa Thiên Mụ thì Nguyệt Biều nằm ở phía bên kia giòng sông Hương, Nguyệt Biều nổi tiếng về trái cây, nhất là thanh trà và long nhãn. Thanh trà là tên của một loại bưởi quả nhỏ, da xanh, múi dày, vỏ mỏng có mùi tinh dầu thơm nhẹ, rất đặc trưng. Múi Thanh trà có nhiều nước nhưng không nhão, ăn có vị ngọt, mát và hơi the cay như vị của vỏ cam, quít, khó có một loại bưởi nào ở Việt Nam mà sánh được. Nhãn thì dầy cùi, nhỏ hột, thơm ngát , dòn và ráo nước nên thường được dùng để nấu món chè ” hột sen long nhãn ” nổi tiếng của Huế. Ngày xưa khi bà ngoại tôi còn sinh tiền, năm nào đến mùa, chúng tôi đều nhận được từng cần xé nhãn và thanh trà của bà thu hoạch từ vườn nhà gởi vào Saigon cho con cháu. Những miếng hồng ngâm của bà nội và những trái nhãn, những múi thanh trà của bà ngoại là những gì tôi không bao giờ quên được….có phải chăng đó là tình tự quê nội và quê ngoại ở trong tôi !
Từ Đường của giòng họ rất cổ kính nằm trong khu vườn cây trái rộng mênh mông. Vườn không phải chỉ cho cây trái ngon ngọt mà còn có một cái giếng mà ông ngoại đã cho đào để dân làng dùng khi ông còn là một thư sinh nghèo, đi thi, ông bán bài của mình để lấy tiền đào giếng, giếng nước trong và ngọt, là nguồn nước một thời của cả làng. Ngày nay dân làng đều có nước máy nhưng thỉnh thoảng vẫn có người tới lấy nước giếng để dùng vì nước máy làm sao so sánh được với nước giếng “Cụ Thượng ” trong mát, ngọt ngào.
Hương giang đã gắn liền với người dân xứ Huế, riêng với mẹ tôi lại càng khắn khít nhiều hơn, quê nhà nằm bên bờ sông nên biết bao lần mẹ tôi cùng bạn bè và anh chị em đã bơi lội, vẫy vùng từ bến sông này sang bờ sông kia rồi trở lại, chẳng thế mà mẹ tôi nổi tiếng về tài bơi lội một thời…Hương giang cũng là nguồn kỷ niệm của mẹ tôi với ông ngoại mà mẹ tôi đã kể lại trong bức thơ viết cho một người cháu:
“Ông nội đông con nhưng có lẽ cô là người được gần gũi ông nội hơn các cô, các chú, các bác khác vì người thì học ở Hà Nội, người thì làm việc ở Saigon hoặc các tỉnh. Các cô thì phần nhiều đã lập gia đình, hoặc ở Nguyệt Biều nên ít khi được gần ông.
Hồi đó ông nội đã về hưu, đóng một chiếc đò khá lớn để mùa hè xuống đó nghỉ mát, tránh cái oi bức của xứ Huế. Thuở ấy cô đang học ở trường trung học Jeanne d’Arc, được nghỉ hè nên xuống đò ở với ông nội. Ông nội nuôi hai người chèo đò và một thiếu niên để hầu ông và lo cơm nước. Đò thường chèo từ cầu Tràng Tiền rồi đi khắp cả các làng quê dọc sông Hương, về Cổ Bi, An Lỗ….
Mấy năm sống trên đò về mùa hè, ông nội chỉ ăn cháo nấu bằng nếp và đậu xanh đãi vỏ, nấu thật đặc, ăn với cá thu kho khô, rất ngon miệng. Ông thường ngậm kẹo cau hoặc đường phèn. Cô luôn ở cạnh ông nội dưới đò, khi thì đọc chuyện cho ông nghe, khi thì nghe ông kể chuyện. Suốt mấy tháng hè, năm này qua năm khác, cô đã được nghe ông kể rất nhiều chuyện về cuộc đời của ông cũng như thời ông làm quan ở nhiều tỉnh miền Trung, ông chỉ dậy cho cô cách sống, cách xử thế sao cho đúng đạo làm người……..”
Ông ngoại tôi rất thức thời, nhìn xa, hiểu rộng. Ông không chia tài sản cho các con mà ông muốn của cải ông để lại, con cháu sẽ được chung hưởng lâu dài. Ông mua đất còn hoang sơ ở Cổ Bi, ngày trước là làng cổ nay gọi là thôn Cổ Bi thuộc xã Phong Sơn, huyện Phong Điền, ở cực bắc của tỉnh Thừa Thiên và cách Huế 30km. Thuở xưa là vùng núi lửa nên đất đai rất tốt và thích hợp cho việc trồng trọt, canh tác, tại đó còn có những dòng suối nước nóng mà sau này mẹ tôi vẫn thường đem trứng theo để luộc trong suối mỗi khi đi picnic cùng bạn bè.
Ông cho khai phá đất, đem dân về lập ấp và tạo dựng đồn điền trồng trà, trồng cây ăn trái, nuôi bò sữa và nhiều loại gia súc khác. Trà được bán để lấy huê lợi, còn cây trái và gia súc chỉ để cho con cháu dùng. Đồn điền của ông càng ngày càng trù phú, rộng lớn nên muốn kiểm soát hoặc thăm viếng đều phải dùng ngựa. Tiếc thay hoài vọng của ông ngoại đã không thành, ít năm sau khi ông mất, vì biến đổi thời cuộc, vì chiến tranh, đồn điền bị phá huỷ, hoang phế và nay thì không còn dấu tích gì nữa, hoạ chăng chỉ còn ấp mà ông ngoại đã lập bây giờ trở nên đông đúc và trù phú. Một vài người ngày xưa giúp việc trong đồn điền nay đã lớn tuổi hoặc là con cháu của những người theo ông về lập ấp còn nhớ đến ông và mẹ tôi nên đã đón tiếp mẹ tôi một cách rất quý mến và thật cảm động khi mẹ tôi về thăm lại Cổ Bi năm1998.
Mẹ tôi kể tiếp :
“Ông nội rất thương dân nghèo. Ông khai khẩn đất ở Cổ Bi, lập đồn điền trồng chè, nuôi trâu bò, quy tụ dân nghèo khắp tỉnh Thừa Thiên, cho đất, cho tiền làm nhà, cho ruộng cấy cày, cho nuôi trâu bò làm phương tiện canh tác, khi trâu bò sinh sản cũng được chia phần. Dân tứ xứ đến xin tạm trú và lập nghiệp. Thời gian này chú Thâm ( ba của Vân Hà ) bỏ học để về Cổ Bi chăm sóc đồn điền. Chú có nhiều kiến thức về nông nghiệp nên giúp đồn điền càng ngày càng phát triển. Năm nào đến kỳ nghỉ hè, nếu không xuống đò với ông nội thì cô đem các bạn học cả Việt lẫn Pháp về đồn điền chơi, đi săn chồn, săn thỏ với chú Thâm hoặc cùng người giúp việc leo núi hái sim, hái nấm tràm. Cô Du thì làm những món ăn độc đáo mà cô đã học được ở các trường nữ công tại Saigon để khoản đãi mọi người. Các bạn của cô cứ xuýt xoa, thán phục và sau đó về lại Huế đã đồn ầm lên là cô quá được cưng chiều. Sữa tươi uống không hết, cây trái đầy vườn, bồ câu, gà vịt, gà tây, gà Nhật, gà sao, muốn ăn thứ gì cũng có…….., đặc biệt là đám gà sao, thịt thơm và ngon, người Pháp gọi là gà Pintade. Có thể loại gà này có lai chút giống gà rừng nên ban đêm thường không về chuồng mà lại đậu trên cành cây cao và ngủ ở đó. Ban ngày gà sao cũng vào vườn của đồn điền để kiếm ăn như những loại gà khác nhưng lại đẻ trứng ở các bụi bờ, ấp trứng, rồi một ngày đẹp trời nào đó các gà mẹ lững thửng dẫn cả đàn gà con về nhà trước sự ngạc nhiên của mọi người. Bà ngoại thường cho người giúp việc đi tìm trứng và lần nào họ cũng mang về cả giỏ đầy…….”
Thời thơ ấu và niên thiếu của mẹ tôi là thế đó, mẹ kể, chúng tôi cứ ngơ ngẩn lắng nghe như nghe kể chuyện thần tiên, để rồi tất cả nằm sâu trong ký ức. Nếu không tính lúc còn nằm trong bụng mẹ năm 1946 thì hè năm 1969 là lần đầu tiên tôi được cùng mẹ và em trai út ra thăm quê ngoại. Tất cả đều nhìn thấy lần đầu nhưng sao quen thuộc quá, những địa danh, những món ăn đều đã có sẵn trong tôi, từ đường ở Nguyệt Biều, phần mộ của tổ tiên, ông bà đều y như lời mẹ kể. Tôi cảm thấy như mình là người con xa xứ được về thăm chốn cũ, mẹ và hai chị em tôi được bà con tiếp đãi nồng hậu, thân tình, được đưa đi chơi và thăm các lăng tẩm, vào Đại Nội tìm lại dư hương của triều đại nhà Nguyễn, được nếm những món Huế để so sánh với tài nấu ăn của mẹ……
Năm 1997 mẹ tôi và tôi lại về thăm Huế, thời gian cách biệt gần 30 năm nhưng Huế vẫn không thay đổi nhiều, vẫn còn nét trầm mặc, nên thơ, chỉ thấy dường như Huế nghèo và tiêu điều hơn trước….
Năm 2013 chị em chúng tôi đưa me tôi về thăm lại Huế trong chuyến đi xuyên Việt, Huế dạo này có nhiều thay đổi, đường phố, nhà cửa có vẻ nhộn nhịp, khang trang, khách du lịch đông hơn. Chúng tôi đi thăm lại những nơi mà chúng tôi đã đến, bồi hồi, xúc động khi thăm Từ Đường cũng như các phần mộ của tổ tiên, ông bà, nay đã được tu sửa lại một cách rất mỹ thuật và trang nghiêm. Mẹ tôi như được uống một liều thuốc bổ, bao nhiêu mệt nhọc của cuộc hành trình hầu như tan biến khi được về thăm lại quê xưa, nơi mà mẹ tôi đã ấp ủ biết bao nhiêu kỷ niệm. Chúng tôi vui lây với niềm vui của mẹ và đã hưởng trọn những ngày êm đềm, không bao giờ quên được nơi quê ngoại thân yêu……
Làm sao không xúc động khi thấy mẹ tôi và cậu tôi, hai mái đầu bạc, ôm lấy nhau mà nước mắt đầm đìa tại sân của Từ Đường. Về lại Đức, âm hưởng chuyến đi vẫn còn đọng lại trong trí, tôi đã làm bài thơ dưới đây để tặng mẹ tôi. Người mẹ yêu dấu và quê ngoại thân thương đối với tôi luôn luôn ” như hai là một, như một mà hai ” !
MẸ THĂM TỪ ĐƯỜNG TẠI NGUYỆT BIỀU
Mái ngói rêu phong, đẹp tuyệt vời,
Trong vườn cây trái thật xinh tươi,
Bao năm chung sức lo bồi đắp,
Con cháu ngày nay được rạng ngời.
Của cải ông cha còn giữ lại,
Căn nhà thờ tự mãi không phai,
Đáp đền công đức, ơn cha mẹ,
Gởi lại nơi đây mối cảm hoài.
Đã biết bao năm chẳng hẹn về,
Ngàn trùng xa cách, vạn sơn khê,
Hôm nay đứng giữa sân nhà cũ,
Kỷ niệm ngày xưa lại tràn trề.
Chị chị, em em, mừng với tủi,
Con con, cháu cháu, tới rồi lui,
Mắt mờ, tóc bạc, thêm tuổi hạc
Một thoảng ân tình, một thoáng vui.
LTHK (2013)
Lê-Thân Hồng-Khanh ( 2015 )
Viết để tặng Mẹ tôi nhân ngày lễ hội “CÁC BÀ MẸ” 10/5/2015. Cầu mong Mẹ luôn minh mẫn và nhiều sức khoẻ để sống lâu trăm tuổi cùng các con, các cháu và các chắt của Mẹ (LTHK)
1.Mẹ tôi, chụp tại tiệc cưới của cháu ngoại ở Sydney 10/4/2015.
2.Mẹ tôi, thiếu nữ yêu kiều miền sông Hương, núi Ngự, cuối thập niên 30 .
3.Lần đầu tiên thăm quê ngoại (1969 ), đứng cạnh bờ sông Hương, phía trước là chùa Thiên Mụ, phía sau lưng, bên kia bờ sông là Nguyệt Biều, quê ngoại.Làng Nguyệt Biều, cách Huế khoảng 7 km
4 Nguyệt Biều, cách Huế chừng 7km.
5 Ngõ vào Từ Đường
6 Phía trước của Từ Đường.
7 Bên trong của Từ Đường, bàn thờ Gia tiên.
8 Mẹ tôi thăm phần mộ Gia tiên tại Huế ( 2013 )
Cô thân yêu ơi, rạng sáng thức sớm đọc bài của cô , em miên man theo dòng hồi tưởng của cô về miền quê ngoại cùng người Ông và người Mẹ tôn kính. Cô viết. hay như một nhà văn với những ký ức sinh động và phong phú, câu chuyện như mọt thiên sử thật hào hùng. Em vô cùng ngưỡng mộ Ông cố, một vị quan tài ba giàu lòng nhân hậu và Bà, một bậc nữ lưu lỗi lạc. Em cũng rất cảm động vì tấm lòng hiếu nghĩa của Cô mình. Nhân ngày của Mẹ, em kính chúc Bà và Cô luôn an vui, khoẻ mạnh , còn mãi tinh tuệ . Bà và các Cô luôn là những tấm gương sáng ngời để em và bao thế hệ học trò , con cháu noi theo. Với tất cả niềm yêu kính của em.Đức Tính.
Cô kính yêu !
Sáng nay, em đang ở Vĩnh Long ( nhà con gái ) chuẩn bị đi đám cưới con người bạn. Mở máy thấy bài viết của cô và PH của Đức Tính. Em vô cùng cảm động. Nhân NGÀY CỦA MẸ, em kính chúc bà, cô và chị Huyền luôn nhiều sức khoẻ, nhất là bà, luôn là bạn đọc của trang nhà.
Cô chúng em có cả một kho tàng ký ức hấp dẫn, thú vị.
Kính chúc Bà, chị Huyền, cô yêu thương luôn vui khoẻ, có thường xuyên những trang viết gợi nhớ một thời như thế này để chúng em được thưởng lãm, được liên lạc với nhau dù xa cách.
Thân kính.
Cô kính yêu ơi !Đọc bài cô em thật xúc động, nghe cô nói lên nổi niềm nhớ về quê ngoại,emtheo dỏi từng lời cô nói mà cảm nhận được mỗi người trong ta ai cũng có một quê Nội,Ngoại mến thương cùng những kỷ niệm sẽ theo ta suốt cả cuộc đời. Qua bài cô viết em được mở thêm tầm mắt,biết thêm nhiều chuyện mà nếu không có cô chắc là em không bao giờ biết.Em thấy cô rất là hạnh phúc ,từ bé cô đã được sống trong một gia đình thật hoàn hảo,có một người mẹ tuyệt vời .Nhân ngày của Mẹ em kính chúc Bà và các cô dồi dào sức khỏe,may mắn, và nhiều hạnh phúc.
Cô kính yêu,Em đã đọc bài viết của Cô thật chậm ,từng chữ ,từng hàng ,cảm nhận được một cuộc sống đầy thi vị của nàng thiếu nữ khuê các – Là Bà mình- và cho đến giờ trong lòng con cháu vẫn một niềm hãnh diện ,ngưỡng mộ và kính phục .Man mác trong suốt bài viết,em đã thấy một tình yêu thương gia đình ,quê hương nồng nàn tha thiết nơi Cô .Nhân “Ngày của Mẹ ” Con kính chúc Bà sức khỏe dồi dào.Em xin chúc Thầy Cô ,Chị Huyền và các Anh,Chị được nhiều may mắn.Kính.Em Lý hương .
Bài viết tường trình đầy kỷ niệm đẹp , gia phong nề nếp và quan niệm cấp tiến, nhân hậu của cha ông tạo con đường mới dễ dàng hơn ,,, một tiêu chuẩn lý tưởng rõ nét hơn cho con cháu noi theo ,. Cô Hồng Khanh của mình quả là một người con gái chí hiếu chí tình với song thân , có tầm hiểu biết sâu rộng và ngưỡng mộ về nguồn cội gia phả của mình , bài viết mang lại niềm tự hào về thân tộc , có giá trị lịch sử lâu dài ,, Nhân ngày MẸ ,,, Hoành Châu xin gửi tặng tất cả các BÀ MẸ , nhất là BÀ , CÔ , CHỊ HUYỀN , CHỊ VÂN HÀ ,,, lòng yêu thương bao la và niềm tin sâu sắc vào con cháu với tình thân mai hậu ., Hoành Châu ( Gia đình C )
Cô Hồng Khanh kính mến! Em đọc mấy lụợt bài của cô, càng đọc càng thấy thấm, tình cảm gia đình, một đại gia đình thật tuyệt vời, em thật sự khâm phục. Nhân ngày của mẹ, em kính chúc bà dồi dào sức khỏe, cô Khanh, cô Huyền Khanh cùng tất cả các cô là những người mẹ tuyệt vời, vui khỏe, hạnh phúc.
Ảnh của bà hồi còn trẻ, đẹp tuyệt, một nét đẹp tư nhiên ngày xưa chắc có nhiều thanh niên thời đó theo bà lắm, đến bây giờ bà vẫn còn đẹp lão, bà có mái tóc bồng thật đẹp…hihihi
Các em thương mến,
Cám ơn các em đã chia sẻ và đã có lời chúc đến Bà đến cô đến chị Huyền cùng những người thân trong gia đình của cô, cô xin thay mặt Bà và các thành viên trong gia đình cám ơn các em và cũng chúc các em một ngày ” Lễ các Bà Mẹ ” thật vui trong vòng tay đầm ấm của đại gia đình. Gởi lời thăm tất cả các em cùng gia đình.
Cô Hồng -Khanh
Kính thưa cô, cô biết rành về ngoại của cô, em không biết nhiều về ngoại của em. Sau khi đọc một bài viết của ông Nguyễn bá Cẩn, TT cuối cùng của ngày xưa. Ông kể một ít về ngày cuối cùng của ngoại em. Em tìm số điện thoại của ông, để hỏi ông thêm nhiều chi tiết. Chưa tìm được số điện thoại của ông, thì được tin ông không còn nữa. Ngày xưa em hỏi má em về cái chết của ông ngoại em, có thể má em không rành lắm. Hỏi cậu, cậu cũng không muốn nói rõ cho em biết.
Cô may mắn vì tất cả những chi tiết về ông ngoại đều do má của cô kể lại. Tiếc là Hoàng Hưng không có dịp để được nghe bà ngoại kể chuyện về ông ngoại. Tất cả những kỷ niệm cũng như cuộc đời của ông bà nội ngoại đều là những gì con cháu nên ghi lại và gìn giữ vì đó là một trong những điều căn bản của gia đình mà từ đó những thế hệ con cháu sẽ được tiếp nối từ đời này sang đời khác…..