Xách vali tới Bali đời mấy khi được cười khì
Tối hôm qua dự event ra mắt smartphone ASUS Zenfone 2 xong thì cũng đã gần 10 giờ đêm. Sáng nay (22-4-2015), lúc 5g15 đã phải trả phòng khách sạn, rời thủ đô Jakarta (Indonesia) đáp chuyến bay GA 404 của hãng Garuda Indonesia đi tới đảo du lịch Bali danh bất hư truyền chấn động thiên hạ. ASUS đưa các nhà báo tới đây để trải nghiệm chụp ảnh bằng Zenfone 2, smartphone được trang bị phần cứng và công nghệ giống như máy ảnh chuyên nghiệp DSLR (“giống” chứ không phải “bằng” à nghen).
Thiệt ra, chuyến bay này có giờ khởi hành là 9g35, nhưng vì lúc này Jakarta đang diễn ra hội nghị thượng đỉnh Á – Phi, khả năng kẹt xe trong giờ cao điểm là rất cao. Bởi vậy, ban tổ chức phải “năn nỉ” các nhà báo Việt Nam chịu khó và chịu trận dậy sớm ra sân bay sớm cho nó an lành. Ăn sáng trên xe luôn.
Máy bay Boeing B737-800 bay từ sân bay quốc tế Soekarno–Hatta (CGK) ở Jakarta tới sân bay quốc tế Ngurah Rai (DPS) tại Denpasar, thủ phủ của Bali, mất 1g35ph.
Bali là 1 tỉnh đảo trong số 34 tỉnh của Indonesia và là 1 trong 17.508 hòn đảo (có khoảng 6.000 đảo có người ở) của đất nước Đông Nam Á được mệnh danh là “đất nước vạn đảo” này. Nó nằm cách đảo Java – đảo lớn nhất – khoảng 3,2km về hướng đông (hai đảo này cách nhau bởi Eo biển Bali). Tỉnh đảo này được chia thành 8 khu hành chính (gọi là kabupaten, tiếng Anh dịch là regency – khu nhiếp chính) và 1 thành phố (gọi là kota). Đảo Bali nằm rất gần Úc và New Zealand. Bali hiện có số dân 4,2 triệu người sống trên diện tích 5.780km vuông. Có một điều hơi bị lạ là trong khi Indonesia là nước có đông tín đồ Hồi giáo nhất thế giới (hơn 87% số dân theo đạo Hồi), Bali lại có 84,5% số dân theo Ấn giáo Balinese Hinduism. Đó là lý do mà ở Jakarta, người ta không ăn thịt heo; còn ở Bali, người ta kiêng thịt bò.
Từ trên máy bay nhìn xuống, Bali như một hòn ngọc của thiên nhiên và con người tạo tác. Sóng biển ở đây dồi dào và rất cao, thích hợp cho những người mê môn thể theo lướt ván. Nước trong xanh. Những chiếc canô, tàu cao tóc chạy rẽ nước trắng xóa. Tàu thuyền đậu san sát.
Giống như ở nhiều xứ đảo khác, du khách khi vừa ra khỏi sân bay được những cô gái bản địa trẻ đẹp trong trang phục truyền thống đón chào bằng cách choàng vòng hoa tươi lên cổ. Ở Bali là “hoa sứ nhà nàng”, loài hoa được trồng nhiều trên đảo.
Do chịu ảnh hưởng bởi đạo Hindu và thần thoại Bali, ở Bali, đi đâu ta cũng thấy những bàn thờ và những pho tượng thờ. Đêm 22-4-2015, đoàn nhà báo ở Rama Beach Resort kế bên khu mua sắm Kuta nhộn nhịp và đầy sắc màu. Các phòng nghỉ ở trong những tòa nhà 2 tầng (ở Bali không có nhà cao tầng, chủ yếu là nhà trệt) trong những ngõ ngách cây cối um tùm. Tôi đã nhiều phen giựt mình vì những pho tượng thần với những hình thù lạ thường (không dám dùng chữ quái dị) được đặt rải rác và lấp ló trong những chòm cây cối. Cảm giác Liêu Trái Chí Dị lắm.
Chiều đầu tiên ở Bali, đoàn được đưa tới tham quan ngôi đền thờ nổi tiếng nhất ở Bali là đền thờ Tanah Lot nằm trên một mỏm đá de ra biển. Mỏm đá này được tạo hình sau nhiều trăm năm bị bào mòn bởi sóng biển thủy triều.
Tanah Lot theo tiếng Bali có nghĩa là “đất trong biển”. Có lẽ là để chỉ cái tình trạng hàng ngày là khi nước thủy triều rút, con đường đá dẫn ra đền lộ ra cho người ta ra đền,còn lúc thủy triều dâng, ngôi đền bị tách rời khỏi đất liền. Sao mà giống một ngôi chùa ở Vũng Tàu quá chừng.
Ngôi đền nằm ở khu vực Tabanan trên bờ biển phía nam, cách thủ phủ Denpasar chừng 20km. Theo sử sách, vào thế kỷ 16, Dang Hyang Nirartha, một nhà truyền giáo Hindu và là nhà sáng lập dòng tu Shaivite ở Bali, trong một chuyến tới đây đã nhìn thấy hòn đảo mỏm đá đặc biệt này. Sau một đêm sống trên đó, ông đã kêu các ngư dân địa phương lập một đền thờ vì ông cho rằng đây là một nơi chốn linh thiêng thích hợp để thờ các vị thần biển. Theo truyền thuyết, ngôi đền này được bảo vệ bởi một con rắn khổng lồ. Nó thành một phần của thần thoại Bali.
Tanah Lot là một trong 7 ngôi đền biển ở Bali. Mỗi ngôi đền được xây dựng ở vị trí nằm trong tầm nhìn của ngôi đền bên cạnh, tạo thành một chuỗi đền thờ như một bức tường bảo vệ vùng bờ biển tây-nam của Bali.
Vào năm 1980, mặt đá của ngôi đền bắt đầu đổ nát và khu vực chung quanh đền trở nên nguy hiểm hơn. Chính phủ Nhật Bản đã cho Indonesia vay 800 tỷ rupiah (khoảng 130 triệu USD) để gia cố và trùng tu ngôi đền lịch sử này cùng những vị trí có giá trị khác ở Bali. Hiện nay, khoảng 1 phần 3 mặt đá của đền thờ Tanah Lot là đá nhân tạo nhưng được tạo hình rất giống đá thật.
Du khách tới thăm đền Tanah Lot chỉ được đứng bên ngoài và từ xa để ngắm cảnh và chụp ảnh. Chỉ có những tín đồ thật sự và biết nghi thức thờ cúng mới được cho vào bên trong đền.
Bali được ví là một trong những thiên đường du lịch. Trên đảo có những biển hiệu gắn Bali và đảo Hawaii của Mỹ, hay muốn nói Bali là Hawaii ở Đông Nam Á. Bali được chọn làm nơi tổ chức hàng loạt sự kiện quốc tế lớn. Gần đây là Hội nghị thượng đỉnh ASEAN 2011, Hội nghị thượng đỉnh APEC 2013, cuộc thi Hoa hậu Thế giới MissWorld 2013.
Còn với tôi, sau một ngày ở Bali, tôi càng nhớ xứ mình hơn. Cũng cảnh đồng ruộng, phố thị tương tự, chỗ lúa nước, chỗ ruộng bậc thang, những cụm tre xanh, những bụi chuối. Ở nhà hàng còn có hai món rất giống quê tôi là… ruồi và kiến. Có lẽ người ở đây coi chuyện ruồi có đâm đầu vào thức ăn mà chết là một dấu chứng nhận cho chất lượng thức ăn họ nấu rất ngon (tới mức ruồi còn phải đâm đầu vào thưởng thức mà chấp nhận hi sanh). Ở resort tối phải mặc quần dài vì… muỗi.
Tôi có câu thơ rằng:
Chưa đi chưa biết Bali
Đi rồi thấy chẳng khác gì cái chai.
(Ba ly bằng một chai).
PHẠM HỒNG PHƯỚC
(Bali 22-4-2015)
H4
Nghe và xem về thiên đường Bali mấy lần qua kênh Du lịch, truyện ký,… nay nghe nhà báo Phạm Hồng Phước tường thuật “mắt thấy tai nghe”, càng có cái nhìn rõ nét hơn về hòn đảo thiên đường này.
Đọc qua bài, mở thêm tầm nhìn thế giới bên ngoài, muôn màu, muôn vẻ, thích thật, hình ảnh đẹp, lạ mắt, dù không có điều kiện đi, ở một chổ nhưng vẫn thưởng thức một bài về du lịch thật thú vị.