Ngày tôi thề không ăn cá
Thiệt tình là tôi vốn hảo món cá, nhưng chủ yếu là cá có vảy hẳn hoi như cái đuôi của những nàng tiên cá mà ta thường thấy trong tranh ảnh. Một năm có 365 ngày hay 366 ngày (nếu năm nhuận), tôi có thể ăn cá 364 hay 365 ngày. Chỉ duy nhất một ngày đại kị, nếu không có thịt thì thà chan nước mắm nhĩ ăn cơm chớ kiên vững lập trường nhất quyết không đụng tới bất cứ con cá nào. Đó là ngày 1-4, ngày Cá tháng Tư (April Fools’ Day).
Bởi vậy, hôm nay, chính nhựt 1-4-2015, tôi xin long trọng tuyên bố đừng có ai có ý đồ tặng cá cho tôi nội trong 24 giờ ngày đâu tiên của tháng 4. Ai mà manh động lỡ có bị tôi mượn bài Gặp Nhau Làm Ngơ của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh đáp lễ xin chớ có bắt chước ca sĩ Tuấn Ngọc rên rỉ bài Hờn Dỗi à nghen.
Ngày Cá tháng Tư (tiếng Anh là April Fools’ Day, có khi là April Fool’s Day hay All Fools’ Day) thuộc văn hóa phương Tây. Thú thiệt, tôi chớ hề hiểu vì sao người Việt mình lại gọi là “cá”. Nó chẳng liên can gì tới loài cá. Biểu tượng của ngày này phổ biến là chú hề (fool), thỉnh thoảng là hình con lừa (donkey). Cái tên của người ta cũng minh bạch, rõ ràng là “fool” (anh hề, trò lừa). Trong truyền thuyết hay cổ tích Việt dường như cũng đâu có vụ việc gì để loài cá mang tiếng là nói láo, lừa phỉnh thiên hạ. Phải chăng cái người đầu tiên bày ra cách gọi “ngày Cá tháng Tư” vốn bị ám ảnh bởi lòng say mê các mỹ nhân ngư (mermaid) tới chừng biết đó chỉ là thần thoại bèn “giận cá chém thớt” (cái này có thành ngữ thiệt) quy chụp loài cá là nói dối? Sao không gọi là “Ngày Cuội tháng Tư” cho nó “giàu bản sắc dân tộc” hén? Phải chăng đã tới lúc chúng ta, những người từng đi lừa và bị lừa trong ngày 1-4, đòi lại sự trong sạch, uy tín và danh dự cho loài cá – ít nhất là vì người tình trong mộng Mermaid của mỗi người.
Ngày Cá tháng Tư được nói là phổ biến ở phương Tây từ thế kỷ 19. Có người truy nguyên nói rằng cái ngày 1-4 và trò lừa gạt như thế đã được ghi lại từ năm 1392 trong tập chuyện cổ tích miền trung nước Anh The Canterbury Tales của nhà văn Geoffrey Chaucer. Trong câu chuyện Nun’s Priest’s Tale, thời gian được ghi là “Syn March bigan thritty dayes and two”. Theo các học giả, ý Chaucer muốn nói là 32 ngày sau tháng 3 (32 days after March), tức là ngày 2-5, ngày kỷ niệm ngày đính hôn của Vua Anh Quốc Richard II với Công chúa Anne của xứ Behemia (diễn ra năm 1381). Nhưng người đọc hiểu lầm đó là ngày 32-3, một cách nói văn vẻ chỉ ngày 1-4. Còn trong chuyện cổ tích của Chaucer, chú gà trống kiêu ngạo tự phụ Chauntecleer đã bị một con cáo lừa gạt.
Chẳng biết ngày Cá tháng Tư du nhập vào Việt Nam khi nào. Tôi chỉ nhớ lần đầu tiên mình biết tới ngày này là trong bản tin Việt ngữ buổi tối của Đài BBC ngày 1-4 rất lâu rồi (hình như vào cuối thập niên 1980 hay đầu thập niên 1990, lúc đó tôi viết mảng Quốc tế cho nhiều báo), phát thanh viên mở đầu bằng tin Hà Nội đã bán Chùa Một Cột. Tới cuối bản tin, phát thanh viên trở lại đính chính đó là tin đùa nhân ngày April Fools’ Day.
Người Âu Mỹ coi trọng lòng trung thực, sự minh bạch. Vì thế, họ bày ra một ngày để nói dối chơi, lừa gạt nhau chơi như nêm mắm muối gia vị cuộc đời. Còn người mình, trong đó có tôi, quanh năm suốt tháng quen với những trò đãi bôi, đẩy đưa – nhiều khi chỉ để đẹp lòng nhau, tới mức có nói thiệt cũng chẳng ai chịu tin thì ngày nào chẳng phải thắp nhang trước bàn thờ Tổ Cuội. Chẳng lẽ lại hè nhau bày ra một ngày gọi là All Truths’ Day?
Ngày 1-4 chỉ là ngày nói láo chơi, lừa nhau cho vui cuộc đời. Đó là ngày người đi lừa và người bị lừa cuối cùng cùng cười tí tởn với nhau. Chẳng ai giận nhau, chẳng hai bị thiệt hại. Vì thế, vui ra sao cũng chỉ nên có chừng mực và có ý thức. Chớ nên bày trò quá đáng và gây hậu quả nghiêm trọng mà mất vui, chưa nói là gây hại mình, hại người.
Đối với tôi, ngày Cá tháng Tư là cơ hội mỗi năm mới có một lần để… tỏ tình với ai đó. Nếu nàng gật đầu thì tới luôn bác tài. Còn xui xẻo bị nàng từ chối thì mình chỉ cần bỉu môi một cái: “Đừng có ham. Cá tháng Tư đó.” Cái đáng lo là ở chỗ nàng nào cũng gật đầu!
Cuối cùng, xin lặp lại: Chân thành kính xin mọi người nếu có lòng tặng cá cho tôi trong ngày 1-4 làm ơn giữ lấy mà tự xử. Cũng không quên chúc mọi người an toàn tính mạng và tài sản trong ngày 1-4 này.
PHẠM HỒNG PHƯỚC
(Saigon April Fools’ Day 1-4-2015)
Đọc các thông tin của anh Hồng Phước rất thú vị. Vậy thì tại sao mình không “du nhập” văn hóa Phương Tây nhưng kết hợp vẫn giữ “bản sắc dân tộc” nhỉ? Việt Nam mình có truyền thuyết Chú Cuội là “chuyên gia” nói dóc thì thay vì mình gọi April Fool’s day là “Ngày Cá tháng tư” thì mình sẽ gọi là “Ngày Cuội tháng Tư”. Có như vậy sẽ dễ giải thích cho các cụ xưa nhà mình hiểu ý nghĩa của ngày đó.
Bài viết rất khôi hài, dí dỏm. Cảm ơn tác giả nhiều.
Bài viết hay , gây hài ,,,,Vậy ngày này, sau khi ta nói bất kỳ điều gì , ta có cần nhấn mạnh ” TÔI NÓI THIỆT ĐẤY ” không ????? Hoành Châu (Gia đình C )