Hôm đó thứ hai, khoảng 1 giờ trưa tại khu thương mại Đông Phương nằm ngay góc đường số 6 và đại lộ Washington trên thành phố Philadelphia. Ngày đầu tuần có vẻ uể oải và hơi vắng khách. Mang tiếng là siêu thị Đông Phương, nhưng hầu như người đứng bán hoặc chủ nhân các gian hàng ở đây đều biết nói tiếng Việt khá và rất giỏi. Ước lượng vắng khách là so với ngày cuối tuần, chứ số xe đậu trên những parking lots lúc tôi mới đến cũng chiếm hơn phân nửa.
Tôi bước vào tiệm phở có rất nhiều bàn trống. Bồi bàn chưa đến nhận o-đờ. Bàn đối diện có một chú thanh niên đang ngồi yên lặng, chú ta đột nhiên đứng dậy và bước đến:
– Chú cho phép cháu ngồi chung bàn.
Tôi không sẵn sàng để từ chối những tình huống như vậy, vả lại tôi cũng không đẹp trai hay sở hữu vật quý giá để lo lắng sứt mẻ hư hao, và không cảm thấy có gì bất tiện.
– Em tự nhiên, mình ngồi chung cho vui.
Chú thanh niên độ trên hai mươi. Em có gương mặt sáng láng vui tuơi, cứ nhìn mặt tôi trân trân như cố tìm một cái gì trên đó.
– Phải nick chú là Lúa Ấp Năm trên facebook.
Lúc đó tôi mới thật sự kinh hoàng.
– Phải, tôi đây. Sao em biết tôi.
– Dạ, nick cháu là Gấu Nâu, lúc trước chú cháu mình có chat vài lần đó chú. Ngoài đời chú không khác mấy trong hình.
– Chú nhớ rồi, trang Gấu Nâu của cháu còn một người khác xài chung phải không?
– Dạ phải, người hay viết câu “cái nầy ở đâu mà đẹp vậy ta, sao nói vậy ta” là mẹ cháu. Hôm nay cháu rất mừng được gặp chú, chú cho con đãi chầu nầy nghen.
– Không được, hôm nay chú có tiền, để chú trả. Sau nầy có duyên gặp lại, lúc đó cháu mặc sức bao chú.
– Dễ mà chú. Chú đọc số phone, cháu bấm ngay vô máy.
Tôi là người ít chịu cho ai số phone, vậy mà nghe lời thằng nhỏ nầy riu ríu.
– Hôm nay chú có đi làm không.
– Ca làm của chú nghỉ cuối tuần xoay vòng, tuần nầy ngày nghỉ rơi vào thứ hai. Còn cháu?
– Cháu còn đi học. Hôm nay lớp cancel. Nhà có một mình, cháu buồn buồn chạy ra đây ăn tô phở. Nhà chú ở gần đây không. Chú học viết văn ở đâu vậy.
– Nhà chú ở Upper Darby, cách đây chừng 15 phút. Chú chỉ học lóm ba mớ giang hồ tạp lục.
Sau lần gặp trong quán phở, Gấu Nâu gọi tôi tán gẫu linh tinh. Chúng tôi chít chát lâu hơn trên facebook. Tuy không thích tìm hiểu chuyện người, nhưng trò chuyện qua lại thì cũng hiểu gia thế chút chút. Thì ra nhà Gấu Nâu ở phường 1 Vĩnh Long, em học tới lớp 8 trường Lê Quý Đôn, gia đình em được bảo lãnh di dân cũng gần 10 năm. Một bữa, Gấu Nâu hẹn tôi ra quán phở hôm trước.
– Con thấy nhà chú ở ấp 5 Tam Bình, là ở đâu vậy chú. Hồi cháu ở Vĩnh Long, con có xuống Tam Bình vài lần.
– Ấp 5 Mỹ Lộc là nơi chú chào đời, chú nhớ kỷ niệm chứ gia đình không từng ở đó.
– Chú nói thím đang ở Việt Nam, chừng nào thím về đây vậy chú.
– Khuya thứ bảy nầy, còn 4 ngày nữa.
– Thím bay hãng nào?
– Korean Air Lines, đáp ở New York.
– Ủa, sao ngộ vậy. Mẹ và dì con cũng đi chuyến đó. Mẹ cháu về quê hôm tết, chuyến qua rước luôn dì con mới xin được visa du lịch.
– Hai gia đình mình cũng có duyên hả cháu.
– Chú có từng lái xe đi phi trường New York chưa.
– Có đôi lần. Nhưng mình lái xe 2 tiếng rưỡi chi cho mệt và tốn tiền qua cầu, tiền turnpike. Họ ngồi xe bus rộng thênh thang của hãng bay, khuya xuống ngay sân chợ nầy, mình canh me đúng giờ đến rước cho khỏe.
– Cháu muốn đến New York cho biết và đón rước long trọng, nhưng ngại vì chưa đi lần nào. Cháu định nhờ xe lớn của chú và mượn chú đi chơi, cháu đổ xăng và trả các tiền toll cho chú.
– Chú không có ý định đi New York rước thím. Nếu chú muốn đi thì cho cháu quá giang, cháu còn đi học mà đã thích xài lớn rồi hé. Chú tính lại và sẽ cho cháu biết.
Lúa tôi hẹn Gấu Nâu lúc 8 giờ đêm thứ bảy để uống cà phê tỉnh táo cho chuyến rờ-tua ít nhất 2 giờ khuya mới về đến nhà. Quen mặt hỗm nay, tối đó gặp lại cũng hết hồn. Thì ra điều ngạc nhiên và long trọng dành cho mẹ và dì của nó lúc 11 giờ 30 đêm nay là kiểu tóc bờm ngựa Mohawk nhuộm vàng lẫn những đốm xanh lá mạ. Cũng may là hai mé trái phải chân bờm của nó còn chừa chân tóc đen đen, nên nhìn đẹp và cảm tình hơn là phần đó cạo sát da đầu trắng dã.
– Chú thấy cháu trẻ lại 5 tuổi, như đang tuổi 17-18 và đẹp trai hẵn lên. Phải chú còn trẻ, cũng ráng đua với cháu.
– Chú muốn không, thằng bạn hớt dùm cho con, con trả tiền thuốc nhuộm tóc thôi.
– Chú gắn cái bờm nầy lên gáo, chắc má nhìn không ra.
– Ủa, chú nói bà mất hồi 2007 mà.
– Ừ, cháu hiểu lắc léo làm chi, tiếng Việt của cháu bây nhiêu đó đủ xài rồi.
Cuối cùng, một già một trẻ cư dân tỉnh lẻ cũng đến vùng phi trường JFK, New York đúng theo giờ mong muốn. Xe rẽ vào khu vực phi trường mênh mông thiên địa và mò theo bảng hướng dẫn chỉ đường, chứ đi một vài lần thì vô phương nhớ. Trước ngày nước Mỹ bị không tặc khủng bố 9/11/ 2001, thời các phi trường rất đơn giản về thủ tục an ninh cho người đi đến, người đưa đón cũng được hưởng tiện nghi. Thế sự đổi thay, thân nhân đón các chuyến bay quốc tế phải đứng chờ bên ngoài khu vực hải quan. Nhân viên trật tự dựng một hàng rào thật dài bằng những khung sắt hàn được kết nối liên tục từ sau cửa thông ra. Mấy trăm hành khách chuyến bay phải kéo tay hành lý một khoảng đường trước khi vào gian sảnh rộng lớn. Mục đích rào cản nầy để dàn mỏng cả trăm người đi đón mỗi chuyến bay, tránh tình trạng khối người bao vây nghẹt cứng cửa ra.
Lúa tôi và Gấu Nâu lọt thỏm trong mấy lớp người cao hơn mình 2 cái lổ tai. Tôi bàn với nó:
– Cháu đứng gần cửa nầy đón mẹ và dì cháu, chú đến chờ chỗ phía rào mở rộng đằng kia cho thoải mái một chút.
Hành khách chuyến bay bắt đầu xuất hiện, khi lai rai khi ồ ạt kéo ra lối qui định dành riêng cho họ. Người đón đứng dài phía bên ngoài rào cản, họ đưa tay vẫy gọi thân nhân mình và rút ra khỏi nhóm người lố nhố để đi lẹ đón đầu ngay chỗ khoảng rào hở lớn ra sảnh.
Chừng 10 phút nhìn châm bẩm vào dòng người hối hả tuôn ra, vị trí ví như chỗ cửa sông đổ ra biển lớn. Lòng tôi hơi nôn nao vì chưa bắt được một mạng, mắt tôi đảo ngược một vòng gian sảnh rà soát cẩn thận. Bắt gặp một hình ảnh hơi tình nghi, tôi bước lẹ đến nơi có một phụ nữ đứng bơ vơ nhìn kiếm dáo dác. Dáng người Á châu, tay cô ta vẫn còn nắm cán chiếc va li đang đứng thẳng. Cô thấy có người bước đến nên cũng chiếu thẳng về tôi. Tôi hơi bối rối vì người phụ nữ nầy không có nét nào giống bà Hương mẹ của Gấu Nâu, người mà tôi được xem hình rất kỷ hồi chiều nầy. Tôi chợt nghĩ, bà nầy có thể là dì của Gấu Nâu, vì có nét hao hao giống và trẻ hơn bà Hương. Tôi nhìn tấm nhãn tên và địa chỉ trên va li của người phụ nữ, nhận ra một điểm trùng hợp mà có lần Gấu Nâu nói đến dì Hạnh của nó.
– Cô là dì Hạnh của cháu Khanh?
Người phụ nữ cũng trố mắt ngạc nhiên mừng rỡ:
– Anh Lúa ấp Năm. Hôm kia chị em tôi lên Sài Gòn, nhận email của thằng Khanh có hình của anh chị, nó nói rủ được anh đi rước chị Lụa và tụi em ở New York. Nó đâu rồi anh?
– Khanh đứng đón các cô ở gần chỗ cửa ra, chắc nó không thấy cô. Còn cô Hương đâu rồi.
– Cô Hương nào nữa, em là Hương nè. Con Hạnh đang giúp vợ anh kéo 2 cái va li chà bá. Tụi em thấy hình, nên nhìn bà con với chị Lụa hồi còn ở Tân Sơn Nhất.
– Tôi nhìn hình cô chụp hôm chia tay gia đình, sao mới 5 tuần mà lạ quá vậy.
– Sao mà không lạ hả anh, về bển tối ngày ăn rồi ngủ, đi đâu ai cũng đãi đồ bổ, trái cây ngon ngọt. Em có xuống quê hương Tam Bình của anh vui lắm. Chỗ đó một số bạn biết tên anh Lúa. Em cũng biết anh loáng thoáng trên facebook và trên website trường cũ trước khi thằng Khanh gởi em cái thơ thiệt dài thuật chuyện 2 người gặp nhau. Em nói sợ anh cười, chuyến nầy em lên cân dữ lắm. Đến nỗi thằng con nhìn mẹ nó không ra.
Vừa lúc thì Lụa và cô Hạnh è ạch kéo 2 chiếc va li căng phồng đến dựng kế chúng tôi.
– Chị Hương biết không, chị Lụa mang lá dừa non, lá tre tàu tùm lum các thứ ở quê qua đây. Hải quan mở ra kiểm tung tóe. Chị Lụa bình tỉnh xếp lại dẻ dặt, bà Mỹ hải quan và em giúp tay mà lâu lơ. Thằng Khanh đâu, chị gặp nó chưa. Hồi nảy đi dọc theo hàng rào, em nghe tiếng: “Dì Hạnh, mẹ con đâu”. Em ngó xem ai kêu, tới chừng nó lên tiếng: “Con đây nè”, em muốn bật ngữa, em đứng lại xạc nó sơ sơ thì chị Lụa nắm tay kêu đi.
Lúa tui cảm thấy phải giải tỏa không khí sắp bùng nổ không vui.
– Cám ơn cô Hạnh, cô trao va li cho tôi. Mình kéo ra lộ, xe đậu cũng gần thôi. Chắc thằng Khanh đã ra chờ ngoài đó.
– Con là thằng Khanh đó hả. Không nhờ bác Lúa giới thiệu, mẹ cũng không biết con mình.
– Con muốn đón mẹ và dì long trọng, nên sửa soạn đẹp vậy thôi. Mẹ không thích thì tháng sau tóc con y như cũ.
– Thôi! Mẹ con mình không rầy rà trên xe bác Lúa. Mẹ thì ăn mập ú, con không nhìn ra. Con thì hớt tóc bờm ngựa cho đàng hoàng, má nhận không ra luôn. Hai mẹ con mình thiệt là… hahaha.
(Bài viết chỉ là sản phẩm tưởng tượng)
Một Lúa
Post Views: 669
Dù là tưởng tượng ra một sự tình cờ và hội ngộ vui vẻ, thật hạnh phúc. Chúc ông bạn Một Lúa có thật nhiều niềm vui dù trong tưởng tượng.
Hi hi
Một câu chuyện tưởng tượng mà vui hết biết
Trường hợp của Gấu Nâu ( Khanh)làm má nhìn hỏng ra luôn
Thanh niên thời nay là thế đó .Chỉ vì muốn làm đẹp để đón má cho long tro.gj
Phan Lương ui,
Khoảng 10 năm dòm ngoái lại. Bữa nọ có chú thanh niên lâu nay theo Tám Lớ học nghề thợ nề, nó ỏn ẻn xuống giọng nhỏ nhẹ:
– Chú Tám cho con nghỉ buổi sáng nghen.
Báo hại cả buổi sáng đó, “độc cô cầu quề” vừa trộn hồ, vừa bưng gạch, vừa xây chỉ được 2 hàng mốt gạch block dài chừng 5 thước. Khoảng gần 12 giờ trưa, nó ăn mặc tươm tất, cà vạt chỉnh tề, chân mang giày béc ca-na, bộ tướng y như kỹ sư công chánh.
– Chú Tám nghĩ tay, con có mua ổ bánh mỳ thịt và ly cà phê đá.
– Mầy đi đâu mà diện kẻng vậy. Bữa nay trét jell vuốt tóc dựng như đinh. Ái chà, lại còn đeo bông tai nữa chớ.
– Con vừa chụp hình thay bằng lái, phải sửa soạn đàng hoàng chứ chú. Chú ăn trưa, để con xây cho.
– Thôi, mầy đứng đó cho đàng hoàng. Tao mượn cảnh nầy để khè ông thầu lớn. Kể từ hôm nay, ban xây tô của mình có mướn thêm kỹ sư xây dựng. haha
Chị Hoa Đoàn ui,
Dà, kiếm không có ngoài đời, kiếm đở trong mộng, chế ui. hihihi
Nơi ngõ ra cổng phi trường, chồng hớn hở dẫn con trai cùng đón vợ từ VN về, chờ mấy lượt người đến quá giờ hẹn mà không thấy dáng vợ mình, chỉ thấy xa xa một thiếu nữ tha thướt, dáng rất thanh thoát, tóc suông dài, da trắng, vành nón tròn, khẻ xoay có vẻ tìm người thân đến đón mình. Người cha nóng ruột bảo con trai – Hai cha con mình cùng ra tín hiệu xem sao. Quả nhiên có kết quả, cô gái kéo hành lý đến gần.
– Ôi anh cùng con đến đón mà em không nhận ra, cứ mãi chờ nóng ruột muốn chết, mới về thăm nhà chưa tròn tháng mà hai cha con tăng trọng chi dữ dằn vậy, đến nhận không ra nữa là..
– Anh cùng con nhìn em không ra, tóc dài da trắng, dáng dấp thon thả, khuôn mặt..
– Thôi thôi, em kể liền kẻo thôi nhiều thắt thẻo. số là bạn rủ em về ấp bốn, em cùng nhóm bạn dạo chơi, nhân đi ngang chiếc cầu bắt sang mương nước mấp mé, buổi trưa nắng khá nóng, trên đầu bóng tre, lại sắp bước sang bờ bên kia, sẵn tiện nhúng một chân xuống dòng nước. Dòng nước mát thẩm thấu lạnh lên đến tận đỉnh đầu, bước sang bờ, tóc dài ra, da trắng tức thì…hỏi lại người địa phương mới rõ nơi này là mương tiên “ cỗi lớp” người thiện duyên…
Dò tới lui khúc sau trong PH của đại huynh, hình như em đã từng nghe ai nói qua chiệng nầy độ chừng nửa con trăn.
Cám ơn huynh Mẫn cho em một tư liệu lý thú.
Bác Một tưởng sao mà thành cảnh tượng y hệt Mẹ ,con người bạn thân thiết nhứt của em vậy ta?Anh tưởng tượng thiệt hay là anh đã….?hihii,này là đáp lại ” ba cái chấm chấm ” cuối bài của anh đó,anh Một Lúa.
4 cái chấm chấm trong PH của HLan là “chả thù” hay “chả cheo” bài viết.
Nếu là chả cheo, thì Lúa tui: Hỏi vậy chi ta.
hihi
Chuyện “tưởng voi” của ông Một Lúa đọc thấy khoái thiệt.
Anh Cả ui,
đã như tui với anh cưa xong 2 xị lớn. haha
Anh Phú, HĐ bái phục anh, nhanh trí quá sá.
Chị Hoa và anh Phú,
Hai tiền bối có chuyện “Má đẹp quá nhận không ra” là do có người hấp thụ nước giếng tiên.
Chuyện nầy nên dấu kín, chỉ thông tin nội bộ. Nếu xì ra công chúng, bảo đảm vài ngày nữa, ao nước tiên của chị không còn một giọt…làm thuốc! hihi
Cùng 2 sư huynh vô cùng yêu…quái,người ta nghe có 1 lời chỉ dẫn cách qua cầu khỉ mà gió không bay để chụp 1 kiểu hình,lỡ dại có 1 lần vọc nước rữa chưn cho mát,có bi nhiêu thôi đó,ai mà dè Nó biến thành ra …đen thoại hô biến ra 1 ngừ ẹp mà ẹp thấy ghê luôn á!
haha
Anh Một Lúa, em đọc là biết liền, hỏng phải chuyện tượng tưởng. Chỉ có hư cấu chút thôi là hông biết chị Tám lớ mình có về quê thiệt hông ta. Nếu không là anh tài quá xá, nói thiệt như bịa nha. Cái máy của em đánh chữ kỳ ghê, môt hồi đánh Một Lúa, cứ thành Mọt Lúa, phải edit hoài, sợ anh rủa. hihihi
Bạn trẻ Như Thường của tui ơi
Thuở tui còn mần ruộng ở ấp 5, tui mơ được đi học để làm con mọt sách. Định mạng trớ trêu, “Đời không như là thơ, nên đời thường giết chết mộng mơ”. Tôi cũng làm mọt, nhưng là mọt lúa. Vì vậy coi như một lúa, mọt lúa, mót lúa, không khác nhau mấy. hihi
Câu trong bản nhạc trứ danh vừa rồi được mấy thằng bạn nhậu của 8 Lớ chế lại: “Đời không như là mơ, nên đời thường hất hủi nhà thơ”. hihihi
Thân tặng các cô Hương, Hạnh và chú em Khanh
“Nửa đim ngồi dậy chép vần thơ
Chút tỉnh, chút mê, chút vật vờ
Chợt nhớ ngừ tỳnh vừa chung mộng
Không bít em còn đợi trong mơ”
Tặng ngừ hông phải Lúa
Yêu chi yêu đến dật dờ
Nửa đêm thức dậy chép thơ trao tình
Yêu chi để nhớ bóng hình?
Nhớ người chung mộng, chuyện mình với ta
Bài viết tưởng tượng mà y như thật! Vai chính trong truyện đẹp thật! Các lời phản hồi củâ bạn bè hay thật! Tất cả: Tuyệt!!!
Sư huynh,
Cháu Khanh nhờ em nói lời cám ơn anh.
Đọc bài của Lúa chỉ dzui quá chừng thôi.
Đọc phản hồi của ACE …ước ao 1 ngày kia mình được làm người má ẹp này, hén bác Lúa?
Chào HLan-75,
Ước ao!
Trong đời, ai không mấy lần mơ ước!
Những năm tám mấy, có thời điểm gia đình nhỏ của mình nghèo gần như chạm đáy xã hội (nghèo truyền thống + nghèo liều lĩnh. Mà kỷ niệm không tiền mua dép mũ, không áo mới cho con ngày tết đã có lần nhắc đến trong “Tết nhà nghèo”).
Trong hoàn cảnh không đủ ăn, thiếu mặc đó, bà xã mình không sầu bi oán trách ngừ chồng vô dụng, bê tha. Tình cờ mình nghe vào một bữa trưa, lùa bà xã lùa đám con lên chiếc vạc tre ngủ trưa. Thay vì như những bà mẹ kể chuyện những bà tiên có chiếc đũa thần, thì: “Các con ơi, một ngày cha mẹ sẽ dẫn các con đến một đất nước có những người thợ làm ra những đôi giày tuyệt đẹp…”
Bây giờ nhắc lại mà rưng rưng. Và chỉ để rưng rưng, chứ không nhằm cầu mong chi hơn nữa.
Xin đọc lại: Lúc bà xã lùa đám con….(xin lỗi không check trước khi enter)
Mình nghĩ mình hiểu giọt nước mắt được giữ lại đó cho tận hôm nay và sẽ còn cho mãi tới hôm mai.
Chúc mừng anh và gia đình mộng đã thành,ước đã thấy.