Bánh chưng ngày tết
Nói đến Tết, ai cũng nhớ hai câu đối bất hủ:Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ/Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh. Nhớ để nhớ vậy thôi, chứ ngày nay đa số đều kiêng ăn thịt mỡ, bởi lẽ các bệnh : “máu nhiễm mỡ, cao huyết áp, cholesterol…”, ngoài ra còn kiêng mỡ để khỏi bị béo phì, giữ vững vòng eo thon…Dưa hành cũng ít thấy, thay vào đó là củ kiệu, dưa chua đủ màu. Câu đối đỏ càng hiếm hoi, ngoài bài thơ ” Ông Đồ Già ” của Vũ Đình Liên thì chả còn thấy nhà nào chưng câu đối đỏ. Cây nêu hình như ở ngoài Bắc, chứ từ khi tôi lớn lên ở Huế, cho đến lúc vào Nam, tôi chưa từng thấy bao giờ. Tràng pháo thì bị cấm triệt để vì những tổn thương do pháo gây ra, ngoài pháo bông xanh đỏ đủ màu ( thường thấy trong ti vi ), chả ai nghĩ đến chuyện đi sắm pháo.
Cuối cùng là BÁNH CHƯNG XANH? May quá! Vẫn còn lại Bánh Chưng Xanh giữ lại hương vị Tết cổ truyền của Việt Nam ta mà thôi.Thật ra ngày nay người ta dùng lá cẩm để bánh chưng có màu tím, dùng gấc trộn vào nếp cho bánh màu đỏ rực, xem như điềm hên đầu năm sẽ có nhiều tài lộc vào nhà. Các màu đó rất đẹp, nhưng tôi vẫn thích BÁNH CHƯNG XANH nhất, không phải đó là một vế đối của câu thơ, mà hình ảnh chiếc bánh chưng xanh đã hằn sâu trong tôi nhiều kỷ niệm không thể nào quên.
Ngày xưa! Vâng! Êm đềm nhất là hai tiếng ngày xưa! Thuở tôi còn bé tí, mỗi độ gần Tết, bà tôi lại kêu chị Gái đem đậu xanh ra ngâm, đãi vỏ đậu, vút nếp. O Bê thì đi chợ mua thịt heo gánh về cả rổ. Chú Heo chặt lá chuối xuống hơ lửa cho mềm, cắt lá dong tước bỏ gân ở giữa lá. Còn chú Trợm đốn tre chẻ lạt, thành những sợi mỏng dính, rồi đem ngâm nước cho dẻo và dai, xiết hoài không đứt. Tôi được dự phần rửa lá dong. Phải lấy xơ mướp kỳ hết cả hai mặt lá cho sạch, rồi dựng vô sọt cho ráo. Bà tôi xé lá chuối thành những miếng đều nhau, cắt bỏ những phần dài, phần dư. Tôi được phép lấy khăn sạch lau cả hai mặt lá, phụ bà chỉ nhiêu đó thôi, rồi ngồi bên cạnh xem bà bẻ lá dong cho vuông góc để nhét vừa vặn vào khuôn gỗ. Chị Gái đãi đậu, vút nếp xong, O Bê cũng đã rửa thịt, thái từng miếng mỏng vuông vức, còn ướp tiêu, muối, hành , tỏi….thơm phức đem lên để cạnh bà tôi, rồi tất cả ngồi quanh chiếc chiếu chuẩn bị gói bánh
Bà tôi múc một chén nếp đổ vào khuôn gỗ có lót lá dong ở dưới, một miếng lá chuối lên trên, bà khoả nếp cho bằng phẳng, rồi múc chén đậu xanh đổ lên trên nếp trắng, bà cũng khoả đậu cho bằng phẳng, rồi lấy lát thịt heo vuông vức đã ướp gia vị thơm phức bỏ vào ngay ngắn, góc đối góc. Bà lại phủ đậu xanh lấp kín lát thịt heo, cuối cùng lại chén nếp trắng khoả bằng phẳng xong cũng đầy ngang với miệng khuôn gỗ. Bà bẻ lá xếp lại đậy kín miệng bánh, và thật là kỳ lạ, bà xếp lá như thế nào mà mặt trên, mặt dưới đường lá xếp thành hình chéo, chia cái bánh thành bốn hình tam giác bằng nhau, bà rút khuôn ra, cái bánh có những góc vuông sắc lẽm đẩy qua cho các chú cột bánh. Chị Gái, O Bê phụ bỏ lá vào khuôn, bà bỏ nếp, đậu, thịt, bẻ lá, các chú cột bánh tạo thành một dây chuyền sản xuất nhanh thoăn thoắt. Thấy bánh đã cao, chị Gái xuống bếp nhóm lửa, một chú bưng bánh xuống bếp, phụ chất bánh vô nồi. Chu cha ơi! Cái nồi vừa to, vừa cao khủng khiếp. Phải bắc lên ba viên bờ lô, chứ không phải bắc trên bếp nấu cơm thường ngày. Chất bánh xong phải gánh nước đổ vô nồi, rồi đậy nắp để nấu. Ba phía của ba viên bờ lô đều có củi, mỗi cây củi vừa to, vừa dài như cột nhà, lửa phừng phừng đỏ rực vẫn nằm dưới đáy nồi, phải liên tục đẩy củi vào, hoặc thêm củi mới chứ không được để lửa tắt, bánh không ngon.
Trời cuối đông xứ Huế vẫn rét ngọt, nên ngồi quanh bếp lửa rất ấm áp và thú vị. Đám nhỏ tụi tôi dành phần canh nồi bánh. Anh tôi kiếm đâu được bộ bài tứ sắc, ban đầu chơi ăn búng, nhưng anh tôi chơi hay quá, toàn tới không à, nên toàn được búng, mà tay anh thì vừa to, vừa cứng nên búng đau khiếp! Chỉ xơi một cái búng của anh thôi là nổ đom đóm mắt ra rồi. Tôi không chịu chung, nên phải đổi sang phạt quẹt nhọ nồi. Nhà ngày xưa toàn đun bằng bếp củi, nên soong, nồi, chảo, trách gì đụng tay vào đều dính nhọ, đen thui ngay. Nhưng dù sao cũng không đau bằng bị búng. Thế là chấp nhận cuộc chơi. Đứa nào cũng vái anh tôi thua để hè nhau trả thù, rốt cuộc đứa nào mặt cũng đầy các vệt ngang dọc đen thui, mà anh tôi vẫn trắng trẻo, đẹp trai nhất nhà, chúng tôi liền nháy nhau, đổi bài cho tôi tới. Thế là cả đám đè cổ anh tôi xuống mà ra sức quẹt ngang, quẹt dọc, vừa cười ré ầm lên khiến cô tôi thức giấc chạy xuống, la không được làm ồn, để cho bà ngủ, nhưng khi thấy mặt mày chúng tôi đầy vằn vện, cô vốn nổi tiếng nghiêm nhất nhà cũng không nhịn được cười. Dù vậy cô cũng bắt chúng tôi rửa mặt, rồi giải tán đi ngủ, kêu các chú dậy thức canh, nên tôi không biết được lúc thay bánh, phải lấy bánh ra hết, rồi xếp bánh ở trên xuống dưới, đổ thêm nước, lại nấu suốt đêm cho bánh chín đều.Tôi không nhớ là phải nấu bao lâu thì bánh chín, các chú vớt bánh ra, dằn trong nước lạnh, sau đó mới treo lên xà nhà, để sáng mồng một, chúng tôi thức dậy, mặc quần áo mới lên sắp hàng lễ gia tiên, mừng tuổi ông bà, nhận bao lì xì, sau đó là ăn bánh chưng với dưa món, dưa hấu, cùng các thứ bánh mứt khác, rồi bà tôi dắt chúng tôi đi mừng tuổi họ hàng. Đó là truyền thống của nhà tôi ở Huế.
x x
x
Đến năm 1972 tôi vào Sài Gòn ở nhà của cô chú tôi. Chu cha ơi, nhà sao mà đông quá! Con của cô chú tôi đã chín người, rồi thì chị của chú, chị của cô, cháu chú, cháu cô, người giúp việc… nên mỗi bữa cơm phải dọn đến ba mâm. Nhưng trong nhà của cô chú tôi, ai lớn tuổi là anh, là chị, nhỏ làm em. Tất cả đều ăn uống, học hành, chơi đùa như nhau, lớn phải chỉ dạy, bảo ban, nhường nhịn nhỏ, còn nhỏ thì phải lễ phép, ngoan ngoãn, vâng lời, nên dù đông người như vậy mà trong nhà chưa có tiếng cãi cọ, gây gổ nhau bao giờ. Thành ra tôi dễ dàng hoà nhập mà không bỡ ngỡ như khi mới đến nhà ai lần đầu, vì trong nhà cô chú, ai cũng thân thiện, gần gũi, xẻ chia.
Nhà cô chú khá rộng và dài, nằm trong hẻm nên cũng yên tĩnh, nhưng không có đất vườn, cây cối như nhà của ông bà tôi, nên Tết đến cô tôi phải đi chợ mua các thứ để chuẩn bị Tết, chứ không giống bà tôi cứ việc lấy trong vườn. Việc gói bánh chưng truyền thống của gia đình cũng khác. Cô mua lá dong, lá chuối, còn kèm thêm mấy khúc nứa nữa. Trời ạ! Bởi họ không bán lạt chẻ mỏng sẵn, nên cô phải mua mấy khúc nứa về để chẻ, rồi ngâm vào bể nước mấy ngày, cho mềm, dẻo, dai mà làm dây cho dễ buộc. Cô không có cái khuôn bằng gỗ như của bà nội tôi, nên các em tôi phải đi chặt cả ôm lá dừa đem về, vì phải dùng lá dừa bẻ vuông lại làm khuôn. Mà khuôn của cô tôi bẻ to khiếp! Đến gấp đôi cái khuôn gỗ của bà tôi ấy chứ! Mà cũng phải thôi! Nhà cô chú tôi đông đến như thế kia, thì cái bánh phải “đại cồ việt” mới đủ để cho mọi người cùng ăn
Nhà đông nên được phân công có lớp lang, ai nấy đều có công việc làm để rồi khi nồi bánh chưng hoàn thành ai cũng hỉ hả vui vẻ vì đã được góp phần. Tôi và các em con cô chú còn nhỏ nên được đảm nhiệm đãi đậu, vo nếp, rửa và lau lá. Khác với bà nội tôi, nhà cô tôi đậu xanh sau khi đãi vỏ, rửa sạch được hấp chín, giã nhuyễn cô tôi nêm gia vị hành tiêu rồi nắm thành từng viên to tròn vừa với cái bánh sẽ gói.Khuôn lá dừa do bác và cô tôi đảm nhiệm vì phải có kinh nghiệm mới làm việc này được, tuỳ theo lá dừa chặt được dài, ngắn, cô bác sẽ định kích thước cho bánh chưng năm đó. Khuôn được bác và cô tôi bẻ xong thì đám con nít tụi tôi mới găm lại cho khuôn được chắc để khi gói được dễ dàng.
Khi mọi việc xong xuôi, việc gói bánh cũng bắt đầu, bác và cô tôi vừa gói vừa đưa mắt nhìn quan sát bầy con cháu làm để nhắc nhở. Thoạt tiên bác hay cô tôi làm mẫu trước một cái, đầu tiên sửa khuôn lá dừa cho ngay ngắn lại, bỏ lá dong, lá chuối vào, phía dưới để sẵn hai dây lạt đối nhau, cẩn thận ở bốn góc để khi luộc bánh không bị nứt. Xong phần lá, cô tôi đong nếp, đậu, thịt vào, khoả cho bằng mặt như bà tôi, rồi lại đổ đậu, nếp lên khoả cho đầy khuôn, cô xếp lá lại cũng có hai đường chéo chia cái bánh thành bốn hình tam giác bằng nhau, nhưng không rút khuôn lá dừa ra như bà rút khuôn gỗ, lá dong, lá chuối đậy trên mặt nếp, sau đó lá dừa được bẻ góc vuông vắn đè lên trên, buộc hai dây lạt cho chắc, rồi cô tôi đưa qua cho bác buộc ngang, buộc dọc những sáu sợi tre trắng muốt, nổi bật lên nền lá xanh vuông vức rất đẹp.
Vì gói bánh to nên rất nhanh, chả mấy chốc mà bánh chất cao như một hòn núi nho nhỏ. Đám con nít tụi tôi lúc này chỉ ngồi ngó người lớn làm việc và chạy vòng ngoài mỗi khi được sai vặt. Biết tâm lý con cháu năm nào cô tôi cũng tính dôi ra để chúng tôi được gói những cái bánh nhỏ chia cho bạn học. Các em con cô đã quen gói nên khi được phép là nhào vô gói mau lẹ riêng tôi còn e dè nên khi cô tôi ở bếp trở lên, cô tôi ngồi bên cạnh để bày tôi gói. Ai ở nhà cô tôi rồi đều phải giỏi thôi. Tức nhiên là tôi rất vụng về, lóng ngóng khi gói cái bánh đầu tiên. Chị tôi đã xong cái thứ…tư. Cô liền cổ vũ:
-Không sao đâu! Xấu, hư thì ăn thử, vô bụng hết trơn, có ai thấy đâu mà sợ.
Tôi bớt hồi hộp, mạnh dạn buộc dây cái thứ nhất, Chị tôi còn trêu:
– Cô đã duyệt chưa đó?
– Duyệt là sao?
– Là cô đã cho phép bỏ vô khay chưa?
Tôi thở phào nhẹ nhõm:
– Dạ rồi! Hí! Hí!
Cái thứ hai tôi đã thuộc bài hơn, nhanh nhẹn hơn, mà gói cũng vuông vức sắc sảo hơn. Lẫm đẫm cũng gói được mười hai cái, không bị cô tôi loại ra cái nào. Khi tất cả xong xuôi bánh được xếp vào nồi thật to, bên dưới lót lá vụn để khỏi cháy bánh, bên cạnh là nồi nhỏ hơn nấu nước sôi để chêm khi nước bên nồi bánh chưng cạn dần.
Tuy nấu bằng than, nhưng tất cả chúng tôi cũng ngồi quanh bếp lửa để châm thêm than và tán dóc. Anh Hiển là đầu têu phá phách nhất nhà. Anh kể chuyện ma cho tụi tôi túm rụm vô với nhau, không dám đi tè. Anh lấy khoai lang ra nướng. Trời cuối đông se se lạnh, thức khuya, ngồi bên bếp lửa ấm nên ăn cái gì cũng ngon. Vậy mà anh còn chưa chịu, nhìn lên nhà trên thấy đèn tắt tối om, độ chừng người lớn ngủ say hết rồi, anh nói:
– Chôm vài cái râu mực mà nướng thì nhai hết sảy, nhưng không được mét nha!
Đứa nào, đứa nấy gật đầu lia lịa, hứa là không nói đâu. Anh cầm mấy cái râu xuống, vừa đút vô lò đã nghe tiếng cô tôi
– Nì! Mực để nấu súp bóng đó! Không được ăn nghe chưa!
Anh giật mình, lật đật lấy cái râu ra dụi lửa rồi đem để lại chỗ cũ, lúc trở lại anh nhìn mặt từng người:
– Ai thóc mách đưa tay lên?
Tất cả chúng tôi đều lắc đầu quầy quậy, thề thốt là không có mét. Rõ ràng là tất cả chúng tôi không đứa nào lên nhà trên hết mà, vậy thì ai nói mà cô tôi biết được? Đến sáng hôm sau thì cô bạn hàng xóm sát vách mới nói cho chúng tôi hay, mùi mực nướng nửa đêm thơm lừng khắp xóm.!.!.!
Chả biết nấu bao lâu bánh mới chín. Cô tôi đã vớt bánh ra, rửa nước lạnh và đem ép giữa hai tấm ván lúc nào tôi không hay, chỉ khi nhìn thấy những chiếc bánh nhỏ xinh xắn tôi mới rú lên:
– Chu cha ơi! Bánh xinh quá! Không biết cái nào do mình gói đây hỉ? Hình như là cái này? À! Mà không phải, cái này thì phải?
Giống nhau như khuôn đúc nên không biết được cái nào do chính tay mình gói, nhưng rất vui là đã gói được bánh chưng. Cô liền lấy hai cái bánh nhỏ đưa tôi
– Cho con nì.
Tôi rất ngạc nhiên, vì ở nhà, hễ ai ăn gì cũng kêu cho có mặt đông đủ rồi mới ăn chung với nhau, ngồi quây quần quanh một bàn, chứ có bao giờ để ai ngồi ăn riêng lẻ một mình đâu? Có lẽ cô muốn tôi đem đi cho các bạn tôi, cũng giống như các chị đem tặng bạn của các chị. Cô làm tôi muốn khóc đi được. Chưa bao giờ tôi có được một cái bánh chưng để ăn một mình chứ đừng nói chi đến đem đi cho ai. Cô tôi là thế đấy!
Hai cái bánh chưng đầu tiên tôi có trong đời là của cô tôi cho, tôi không thể nào quên!
x x
x
Bây giờ gần Tết Âm Lịch, nhưng cô tôi đã gửi hình bánh chưng của chị tôi làm tại Sydney cho tôi xem. Cô đã làm dưa món hơn chục ký cách đây ba tháng. Dưa đủ thứ, đủ màu, rất giòn, ngọt, ngon, mà lúc tôi còn ở đó, cô đã cho tôi nếm qua. Còn lá dong, lá chuối ở cuối vườn, thỉnh thoảng tôi mới phụ cô cầm vòi xịt vài tia nước mà thôi. Thế mà bây giờ đã thành bánh chưng xanh trước mắt tôi, không biết bà chị dùng khuôn gì để cho bánh vừa vuông vức, vừa sắc lẻm góc cạnh như trong hình, bởi vì tôi biết chắc chắn chị không có khuôn gỗ của bà nội, cũng không có lá dừa bẻ khuôn như ông bác. Dây cột không phải bằng lạt tre, hay lạt nứa, buộc sáu mối như ngày xưa, mà chỉ là dây ni lông, hai mối buộc chéo nhau mà thôi, nhưng trông chắc chắn, mạnh mẽ vô cùng. Dù chưa mở lá ra, nhưng tôi biết bánh sẽ rất xanh vì gói bằng lá dong, lá của quê nhà, lá truyền thống gói bánh mỗi độ xuân về trên quê hương Việt Nam, dù người đang sống ở Sydney. Ôi bà chị tôi:
Chào xuân vẫn nhớ bao lì xì đỏ,
Đón tết không quên cặp bánh chưng xanh.
Vâng! Đi bất cứ nơi đâu? Sống đến độ tuổi nào, mỗi độ xuân về, nhà cô và chị tôi không thể thiếu được BÁNH CHƯNG XANH.
Sài Gòn 3/2/2015
THÂN THỊ VÂN HÀ
ảnh nguồn Net,
Chị Vân Hà thân mến,
Ở Vĩnh Long quê em bà con thường gói bánh tét. Các công đoạn cũng công phu lắm. Bài viết của chị Vân Hà khiến em nhớ nhà, nhớ Tết ngày xưa khi còn nhỏ dại.
Hôm về VN, chị Huyền có cho em xem khá nhiều hình ảnh…bếp núc ở Úc. Thật tuyệt! Bà, chị Huyền và con gái của chị ấy sao mà khéo léo quá! Thật ngưỡng mộ làm sao!
Hồi đó, tụi em canh nồi bánh tét là ăn khoai lùi than và nghe anh hai đàn hát với cây guitar để quên buồn ngủ và…muỗi cắn!
Chiến tranh! Có năm phải quăng bánh tét xuống ao, ra Tết vớt lên ăn vẫn ngon đặc biệt đó chị!
Chị Vân Hà thương mến , mỗi năm Tết đến nhà nhà đều gói bánh tét vì những ngày ấy không có dịch vụ bán bánh như ngày nay , việc chùi lư cũng vậy , mỗi gia đình tự sắp xếp ngày giờ để chùi lư , trong thời buổi quá tất bật này , mấy ai thảnh thơi nên các dịch vụ này so ra rất cần thiết vì nó giảm bớt gánh nặng cho ta rất nhiều ! Ngược lại , niềm vui nỗi buồn cũng không làm ta khắc nhớ như những ngày trước !Ngày trước mấy bà chị giỏi nữ công gia chánh có dịp trổ tài trong thời điểm này đây ! Em chúc chị Vân Anh hưởng một mùa Xuân an vui .hạnh phúc , tràn đầy Phước ~ Lộc Thọ nhé ! Em Hoành Châu ( Gia đình C )
Đọc bài chị Vân Hà viết là không thể dứt ra, đọc một hơi, chỉ biết nói: ” Chị viết hay quá! ”
Đâu chỉ nói đến món truyền thống ngày Tết là BÁNH CHƯNG XANH, cách làm của Bà, cách làm của Cô, cả 2 đều khéo và sáng tạo…
Còn là kỷ niệm tuổi thơ ở nhà Bà, ở nhà Cô với truyền thống gia đình thuộc dòng dõi trâm anh khuôn phép… qua nét bút dí dỏm tinh nghịch duyên dáng…
Và cả tình yêu gia đình, thân tộc họ hàng, yêu quê hương đất nước…
* Trang nhà thêm chị Vân Hà / Là thêm cây bút tài hoa tuyệt vời! *
Thân chúc chị và đại gia đình Cô Hồng Khanh của chúng em luôn VUI KHỎE – AN LẠC.
Em Hạnh.
Chị Vân Hà thân mến, thật thú vị khi được đọc bài viết về câu chuyện Tết ngày xưa ở xứ Huế, cũng như kỷ niệm gói bánh chưng tại nhà Cô ở Saigon sau này. Với một ký ức sâu đậm và tình cảm thắm thiết , chị đã kể lại từng chi tiết tỉ mỉ phong phú bằng tất cả niềm yêu thương của mình. Chị giúp T nhớ lại những mùa Xuân thơ ấu xa xưa , thật ấm cúng vào những nfày Tết bên gia đình, nhớ Mẹ khi còn trên đời thường gói bánh chưng ngày cuối năm.Cam ơn chị Vân Hà về những cảm xúc rất tinh tế khiến người đọc cũng phải bồi hồi theo. Chúc chị và ngươiì thân mot nam mới bình an, như ý.