10 năm tôi và Halloween

Ngày đăng: 31/10/2014 08:24:02 Chiều/ ý kiến phản hồi (0)

Halloween 2014 này tôi đã bị “ma nhát” sớm hơn một ngày. Ma sống và là ma bầy nữa à nghen. Tối qua (30-10-2014), tôi từ Singapore dự global launching ra mắt hai smartphone mới OPPO N3 và OPPO R5 về tới nhà thì bị chặn taxi lại ở đầu hẻm. Nguyên con hẻm khá rộng bữa nay đông ken người và xe gắn máy. Lần đầu tiên kể từ khi từ đường Lý Thường Kiệt (Q.5) dời về đây tròn 20 năm, tôi phải xuống xe kéo vali từ ngoài đường vào. Dù chỉ phải kéo vali giữa đường giữa sá chừng 15 mét thôi, nhưng lần đầu tiên nào mà chẳng gây ấn tượng và để lại dấu ấn (để rồi thành sẹo lớn hay nhỏ, mờ hay đậm). Tối nay sao thấy toàn là giới teen, ngồi đầy các quán ăn, quán nước 2 bên con hẻm mang 2 tên đường khác nhau. Một cậu thanh niên ngồi trên yên xe gắn máy xéo cửa nhà giải thích: “Các bạn ăn Halloween sớm, từ trên mạng rủ nhau xuống đường.”

Oái, ngày mai là Halloween rồi sao? Hèn chi tuần trước thấy báo chí đưa tin quản lý thị trường bắt được những lô hàng Halloween nhập lậu. Chuyện thường… năm ở Việt Nam mà. Hễ mùa Halloween về, nhà chức trách lại “có việc làm với người ta” canh me chặn bắt những mặt hàng Halloween bị coi là “trái thuần phong mỹ tục” (nôm na là rùng rợn quá đáng). Mà nhập từ đâu về vậy? Hỏi lãng xẹt, biết rồi mà còn làm bộ “giả nai”!

Mấy bà con người Việt ở Mỹ ngạc nhiên hỏi tôi: “Việt Nam mà cũng có Halloween sao?” Chời chời oh my God, lại hỏi lãng xẹt, biết rồi mà còn làm bộ “giả nai”! Việt Nam bây giờ món gì trên thế giới mà hỗng có, thậm chí có những thứ có ngay sau khi Mỹ ra mắt nữa kìa, hôm trước Madam Michelle “trên tay” thì ngay hôm sau Bác Ba Phi đã “trên chưn” rồi, có khi chưa tới 24 tiếng đồng hồ à nghen. Nhớ hồi mấy năm trước, khi Việt Nam mới he hé mở cửa, mấy cái vụ “nhạy cảm” như Halloween cũng đã rón rén lẻn vào. Ban đầu là do những nhóm học sinh một số trường quốc tế tổ chức như một “night party” thu nhỏ, chủ yếu tại trường hay một điểm kín đáo nào đó. Mà cái gì giựt gân, hấp dẫn xưa nay luôn rất hạp với tạng người Việt ta, nên Halloween nhanh chóng được du nhập. Thiệt ra nó nằm trong lịch sử hội nhập và du nhập các văn hóa từ bốn phương tám hướng của dân tộc Việt mình thôi mà. Được cái là người Việt mình có cái gien “cả thèm, chóng chán”, nên dễ dàng tiếp nhận rồi cái gì không khoái cũng mau bị đào thải. Việc Halloween ngày càng rình rang cho thấy nó “coi cũng ngon à bây!”

Halloween có nguồn gốc dính dáng tới Thiên chúa giáo. Tên đầy đủ của nó là “All Hallows’ Eve”, tạm dịch là “buổi tối trước (vọng) lễ Các Thánh” (All Saints’ Day). Halloween được coi là “ngày của ma quỷ, của cái chết” để chuẩn bị cho “ngày của thần linh, của sự sống”. Nó cũng là cơ hội cuối cùng để ma quỷ “quậy tưng” trước khi bị các đấng Thánh thiện chế ngự. Từ rất lâu rồi, Halloween chỉ còn là một sự kiện mang tính văn hóa dân gian, không gắn gì tới tôn giáo.

Người ta nói rằng Halloween là một sự kiện bản lề, giống như đêm Giao thừa giữa năm cũ và năm mới. Nó nằm ở lằn ranh giữa mùa thu và mùa đông, giữa tình cảnh khan hiếm (giáp hạt) và sự sung túc (mùa thu hoạch), giữa cái chết với sự sống. Nó trộn lẫn giữa sự vui mừng và óc mê tín.

Một số học giả cho rằng nguồn gốc của Halloween là lễ hội Samhain của người Celtic cổ đại ở châu Âu thời Đồ Sắt (Iron Age) và Trung cổ (Medieval). Đó là lúc người ta đốt những đống lửa và ăn mặc trang phục giả trang ma quái để tránh né các hồn ma đang lồng lộn ngược xuôi. Mãi tới thế kỷ thứ 8, Đức Giáo hoàng Gregory III quyết định chọn ngày 1-11 làm ngày kính các Thánh và những người tử vì đạo. Sự kiện này được kết hợp với một số truyền thống của lễ hội Samhain. Đêm vọng trước lễ Các Thánh được gọi là All Hallows’ Eve. Trải qua thời gian, sự kiện tôn giáo này được thế tục hóa trở thành một truyền thống văn hóa. Nó lan rộng theo bước chân của những người Anh. Ở những nước có mùa đông lạnh giá, người ta coi đây là dịp cuối cùng trong năm còn ấm áp để tranh thủ mà tụ họp, vui chơi ngoài đường.

Theo truyền thống, tối Halloween ở Âu Mỹ, trẻ em trong khu phố mặc trang phục giả trang ma quái tụ tập thành từng nhóm kéo nhau tới từng nhà gõ cửa và đồng thanh kêu lên “Trick or Treat” (lừa hay lộc) với ý hỏi gia chủ muốn bị “chơi khăm” hay tự nguyện “thết đãi” đám “ma nhí” sống nhăn này. Thường thì gia chủ đã chuẩn bị sẵn bánh kẹo để “hối lộ” cho bọn nhóc trên tinh thần “vui vẻ xóm làng”.

Trong lễ hội Halloween không thể thiếu chiếc đèn đặc trưng jack-o’-lantern (đèn của Jack) được làm từ một trái bí đỏ (pumpkin) – cũng có nơi dùng củ cải – được phơi khô chỉ lấy vỏ rồi khắc hay khoét thành hình đầu quỷ với mắt, mũi và cái miệng toang hoác. Có nhiều cách giải thích truyền thống này. Nhưng chúng đều liên quan tới nhân vật Jack được cho là có khả năng trị được ma quỷ. Có truyền thuyết kể Jack đã lừa được chúa quỷ Satan leo lên một cây táo, rồi anh chàng đặt những cây Thập giá dưới gốc cây khiến Satan không thể xuống đất hại người nữa. Vì thế những chiếc đèn bí đỏ này thường được thắp sáng treo trước cửa nhà hay đặt trên bậc thềm nhà, cũng như trang trí trong nhà. Theo truyền thống, người ta tin rằng làm như vậy sẽ giúp bảo vệ ngôi nhà khỏi ma quỷ trong cái đêm quỷ ma Halloween.

Tôi đã lần đầu tiên chạm tay vào chiếc đèn jack-o’-lantern cũng là lần đầu tiên nếm trải Halloween trong lần tới sân bay quốc tế Don Mueang Thái Lan hồi năm 2004. Đó là đêm 27-10-2004 khi tôi từ sân bay Tân Sơn Nhất bay qua sân bay Bangkok gặp anh bạn Thế Hào ở Thời báo Kinh tế Việt Nam từ Hà Nội bay sang để cùng theo nhóm Epson Thái Lan bay đi Tô Châu (Suzhou) dự một Press Tour do hãng Epson Nhật Bản tổ chức. Khi phát hiện trong một tiệm nước trong sân bay có bày mấy chiếc đèn bí đỏ, tôi đã chẳng bỏ lỡ cơ hội “touch it”. Sau này là những dịp qua Hàn Quốc và Mỹ đúng ngay mùa Halloween, mà mới nhất là Halloween 2013 ở Denver (Colorado) và Washington DC.

Nhân Halloween 2014, tôi xin chúc các bạn mình cả đời chớ có làm ma quỷ nhát người và cũng không bị ma quỷ nhát. Peace for us all!

Xin mời xem một clip vè Halloween: https://www.youtube.com/watch?v=TrZjs-ewgNE

PHẠM HỒNG PHƯỚC
(Saigon Halloween 31-10-2014)

0 0 pn 4           H1

0 0pn 6                H2

0 0pn 8                 H3

0 0pn 7            H4

0 0pn1              H5: ảnh của Phương Nga

H6

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác