NỖI NIỀM NHUNG NHỚ (có thêm ảnh xưa)

Ngày đăng: 26/07/2014 09:00:19 Sáng/ ý kiến phản hồi (8)

Năm 1967, tính ra cũng đã gần nửa thế kỷ, tôi tốt nghiệp trường Đại Học Sư Phạm ban Anh văn ngành Trung học đệ nhất cấp. Mặc dù có đủ điều kiện chọn nhiệm sở ở các tỉnh gần Sài gòn để có thể sáng đi dạy, chiều trở về nhà, vậy mà không hiểu sao tôi lại chọn Vĩnh-Long. Tôi chỉ biết Vĩnh-Long là một thành phố lớn ở miền Tây gần Sa Đéc và Cần Thơ. Tôi chưa bao giờ có dịp tới thăm Vĩnh-Long mặc dù Sàigon – Vĩnh-Long cách nhau chưa tới 150 km nên việc lựa chọn này có thể coi như giữa tôi và Vĩnh-Long đã có cái duyên từ kiếp trước.

Một cô giáo trẻ ở lứa tuổi 20 lần đầu tiên đi dạy xa nhà, đến một nơi không ai quen biết, qủa là một chuyện phiêu lưu.

Ba Mẹ tôi tuy trong lòng lo lắng nhưng vì thương và chiều con nên bằng lòng cho tôi xa nhà. Riêng tôi, với tuổi trẻ hăng hái lại thêm yêu nghề dạy học nên tôi cứ “vô tư’’ mà ra đi. Đúng là „thánh nhân đãi kẻ khù khờ’’ nên trong thời gian dạy tại Tống-Phước-Hiệp tôi đã có được rất nhiều kỷ niệm đẹp với ngôi trường, với đồng nghiệp và nhất là với tất cả các em học sinh nam, nữ rất dễ thương cuả tôi.

Đến Vĩnh-Long tôi ở trọ tại số 5 Trần Công Lại, gần cầu Cái Cá. Các bạn đồng nghiệp của tôi thuở đó có cô Anh Cúc dạy Pháp văn ở cùng nhà, cô Cảnh Tâm dạy Sử Địa, cô Tiểu Dung dạy Pháp văn, cô Dương Vương Thị Tùng  dạy Việt văn ở nhà đối diện. Tôi mất liên lạc với các cô và chỉ biết là cô Tùng ở Texas, USA.

Tôi thường cùng các cô đi bộ đến trường, con đường từ nhà đến trường và từ trường về nhà kể ra tôi cũng đã đi mòn chân. Lúc thì đi đường trong qua  cầu Cái Cá, có khi đi đường ngoài dọc theo đường Lê Thái Tổ, qua cầu Lộ. Dù có qua cầu nào đi nữa cũng phải đi ngang qua chợ, qua khu phố buôn bán rồi mới tới trường Tống-Phước-Hiệp.

 Kỷ niệm nào những kỷ niệm đầu tiên,

Chỉ còn lại trong nỗi niềm nhung nhớ.

 

 

 

Năm đầu tiên dạy học tôi được phân  chia cho hai lớp nữ sinh (Tứ 1, Tứ 2) và hai lớp nam sinh ( Tứ 5, Tứ 6), lớp rất đông có thể có tới 40-50 em. Học sinh của tôi phần lớn ở lứa tuổi 14, 15. Tuổi của cô và trò không chênh lệch nhau nhiều lắm nên càng dễ thông cảm. Các em coi tôi như một người chị lớn, tôi thương yêu các em như em ruột của mình nên cố gắng dẫn dắt, hướng dẩn các  em về  việc học hành, cũng vì thế mà tình cô trò được nồng đậm.

Các em nữ sinh thường rủ nhau đến thăm tôi, chuyện trò, chụp ảnh với nhau thật vui.Với các em gái, tôi tương đối dễ dãi hơn so với các em trai vì từ xưa tới nay các nam sinh bao giờ cũng bị mang tiếng là hay nghịch phá. Dù gái hay trai các em đều ngoan, học hành chăm chỉ và ít làm phiền thầy cô. Trong lớp có những em học giỏi nhưng gia cảnh khó khăn nên thỉnh thoảng tôi cũng cố gắng giúp các em chút ít trong điều kiện tài chánh cho phép. Tôi tặng các em tập vở hoặc vải để may đồng phục mỗi khi niên học mơí bắt đầu. Việc làm tuy nhỏ nhưng tôi nghĩ cũng nên thực hiện để khích lệ các em học sinh nghèo hiếu học.

Năm 1970 tôi từ giã các em, từ giã Tống-Phước-Hiệp, từ giã Vĩnh-Long êm đềm để lên Đà Lạt dạy tại trường nam Trung học Trần-Hưng-Đao. Nguyên do chính là ở Đà Lạt  tôi có thể hoàn tất bằng cử nhân giáo khoa Anh văn để được thăng tiến trong nghề nghiệp .

Untitled

Cô thầy và các bạn CSV ĐH Đà Lạt xưa tại  Paris (ảnh 14/7/2014)

Thời gian với các em ở Tống-Phước-Hiệp thật đẹp và thật êm đềm, tiếc thay tôi chỉ thực sự cảm nhận được điều này khi đã rời Tống-Phước-Hiệp và xa các em.

Đà Lạt là nơi dân tứ xứ tới lập nghiệp nên con người không được hiền hòa, dễ mến như người dân Vĩnh-Long. Các cô gái xứ lạnh da trắng, má hồng nhưng làm sao sánh được với các em nữ sinh mặn mà, duyên dáng của tôi ở Vĩnh-Long.

.

Thời gian trôi qua thật nhanh, vào tháng 2 năm 1975 tôi được học bổng Colombo để đi tu nghiệp tại Tân Tây Lan. Tiếc thay vì biến đổi thời cuộc nên từ đó tôi phải xa quê hương, về phần các em chắc cũng có nhiều người phân tán khắp năm châu.

Sau khi hoàn tất khóa học ở Tân Tây Lan tôi sang Pháp và sinh sống tại Nice, một thành phố rất đẹp thuộc vùng Côte d´Azur, nơi mà nước biển xanh như bầu trời. Vào giai đoạn đó Pháp là nước có liên hệ ngoại giao với Việt Nam nên tôi có thể liên lạc và thường xuyên giúp đỡ gia đình.

Năm 1978 tôi sang Đức và lập gia đình tại đây. Nhà tôi đã sống ở Tây Đức từ năm 1966 nên chúng tôi xin nhận nước Đức làm quê hương thứ hai từ dạo đó đến giờ. Chúng tôi có hai con, con gái đầu lòng Nguyễn Túy-An (32t), con trai thứ Nguyễn Quang-Vinh (30t). Cả hai đều chưa lập gia đình và làm việc ở xa nhà. Hiện thời trong nhà chỉ có hai vợ chồng già. Chúng tôi đều sắp sửa bước vào lứa tuổi „ thất thập cổ lai hy“ nên sống an nhàn, vui thú điền viên.

Ngẫm lại thấy thời gian qua như tên bay, bước qua bao nhiêu biến đổi, thăng trầm nhưng tôi vẫn thường nhớ đến Vĩnh-Long, nhớ đến Tống-Phước-Hiệp, nhớ đến các em học sinh bé bỏng của tôi thuở trước.

Nhiều khi tự hỏi không biết các em ra sao và ở phương nào, có còn ai ở lại tỉnh nhà hay không. Nay thì các em đã ở lứa tuổi trên dưới 60 nên chắc có nhiều em đã lên chức ông bà nội ngoại rồi phải không?

Tình cờ tìm lại được các em trên trang web tôi vui mừng kể sao cho xiết, bao nhiêu kỷ niệm xưa với các em lại trở về trong tôi. Cảm động thật nhiều khi thấy các em chẳng những không quên tôi mà còn dành cho tôi bao cảm tình sâu đậm. Tấm tình chân thật mà ngày nay vì cuộc sống vật chất, vội vã người ta đã quên dần đi …

Dù thế nào đi nưã thì Vĩnh-Long, Tống-Phước-Hiệp, và các em học sinh của tôi vẫn là một phần đời thật đẹp mà tôi yêu qúy và không bao gìơ quên được.

Thương nhớ và cám ơn tất cả các em học sinh của tôi, những lời thăm hỏi chứa chan tình cảm của các em sẽ sưởi ấm lòng tôi trong mùa đông sắp tới.

Gởi tặng các em  số hình ảnh xưa và nay (bổ túc thêm cho số hình năm Mậu Thân của Hạnh) cùng với bài thơ “ Những con đường tôi từng đã đi qua’’, trong đó tôi có đề cập tới Vĩnh-Long và Tống-Phước-Hiệp.

Cô Hồng-Khanh

Viết cho  học sinh của tôi thời Tống Phước Hiệp 1967-1970

Ảnh chụp gia đình Thầy Nguyễn Ngọc Quang Cô Lê-Thân Hồng-Khanh và hai em Nguyễn Túy-An _ Nguyễn Quang-Vinh (2010) Từ phải qua thầy Ngọc Quang- Cô Hồng Khanh và hai con

tứ 5  hay tứ 6H 3                lớp đệ tứ 5 hay tứ 6 (NK 1969-70)

tứ 2 NK68H4                                   Lớp đệ tứ 2 (NK67-68)

Phụ chú:  Đón đọc bài thơ của cô Hồng Khanh và những hình ảnh cũ sẽ được Đặng Huệ tân trang lại

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Có 8 bình luận về NỖI NIỀM NHUNG NHỚ (có thêm ảnh xưa)

  1. Lyhuong nói:

    Cô kính yêu,bây giờ em mới biết tấm tình cô dành cho V.l,và cho chúng em .Một thời gian dài,chúng em cũng không liên lạc được với nhau ,khi biết được tin của Cô Tùng chúng em rất vui ,mong sẽ được gặp Cô ở S.G,nhưng Cô không về.Còn với Cô chúng em hoàn toàn không có một thông tin nào,nên khi Cô lên tiếng chúng em mừng quá đỗi ,Cô ơi .Em Lý hương.

  2. nguyen thi anh tuyet nói:

    Cô Hồng  Khanh thương quý cuả chúng em, đọc bài của Cô mà em đang rơi nước mắt đây .E m nhớ lắm những giờ cô daỵ tuị em chân tình và thân thương lam2 sao.Sau này khi em nôí nghiêp Cô em cũng đã cố gắng noi gương cô và các thầy cô khác ở TPH mà dạy học. Gặp Cô em lại nhớ Cô Tùng và Cô Cảnh  Tâm quá đi thôi. Ngày xưa tan  trương em và Hạnh hay đợi các Cô về để đi loẻ đeỏ theo các Cô về nhà trọ ở cấu Cái Cá xong các em tiếp tục về nhà .Vậy lâu thật lâu rôì chúng em  không gặp và tin tức gì cua cacCô .Nay được găp Cô chung em rất mong được gặplai Cô Dương Vương Thị Tùng và Cô Cảnh Tâm lắm .Chúng em rất hy vọng một ngày đep trời naò đó..,

  3. Hoàng Hưng nói:

    Em học tứ bảy, lúc đó em và Hồng Lợi chơi với Ngô hồng Hoàng bên tứ sáu. Thường nghe Hồng Hoàng kể về cô. Kính chúc cô và gia đình luôn bình an.

  4. kimcuongphan nói:

    Cảm động quá cô ơi! Tình cảm cô mãi xanh tươi dành cho những học trò đầu đời, những đứa học trò bé bỏng ngày nào giờ đã là ông bà nội, ông bà ngoại.

    Hai em giống cô nhiều hơn thầy, nhất là em Túy An như 2 giọt nước. Hai em xinh quá, rất trí thức, nhìn là yêu quí ngay. Gia đình hạnh phúc viên mãn.

  5. Hoành Châu nói:

    Cô Hồng Khanh kính quý, bài viết thật cảm động , cô là du học sinh  lúc  nước nhà hoàn toàn giải phóng, tội nghiệp cô mình thật , cô phải chọn nước pháp  mà sinh sống để cỏn giúp đỡ gia đình . Ôi, tưởng chúng em lao đao, mà cô cũng gian nan không ít.  !! THƯƠNG CÔ THẬT NHIỀU, Em Hoành Châu

  6. Nguyen Thi Hanh nói:

    Thưa Cô,

    Mỗi người mỗi cảnh. Chúng em cũng lắm nỗi lận đận lao đao theo dòng đời và theo vận nước . Cũng là cơ duyên nên ngày hôm nay Cô và chúng em được gặp lại nhau . Có lẽ vì chúng ta cứ mãi nhớ về nhau nên đến một lúc nào đó nhân duyên tái hợp . Bài của Cô giải đáp được những câu hỏi bao lâu nay của chúng em về Cô giáo thương yêu “về đâu mà không ai biết cả”.

    Hình ảnh gia đình Thầy Cô thật hạnh phúc , lý tưởng. Chúng em thật mừng vui !

    Ảnh về lớp học Tống Phước Hiệp mà Cô còn giữ cho thấy tình cảm quý báu của Cô giáo dành cho học sinh năm đầu tiên đi dạy của mình. Cô ơi , Cô trò mình quả ” Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu” , Cô hả ?  Kính mến.

  7. VÕ THỊ LÀI nói:

    Cô Hồng Khanh kính yêu ! Sau 45 năm mới biết được tin cô, ẻm rất vui mừng và vô cùng xúc động. Không ngờ cô cũng sống qua nhiều nước như thế .Nhìn hình ảnh gia đình cô thật là hạnh phúc,hai em rất giống cô trông phúc hậu quá.Em là học sinh đệ Tứ 1 niên khóa 69-7o,lớp có chị Anh Đào cao nhất lớp cô còn nhớ không ? Mỗi lần chị trả bài cô hay hỏi chị cao 1m mấy. Em vẩn ở VL  Phường 5 qua cầu THIỀN-ĐỨC cây cầu bắt qua sông chợ VL CÔ còn nhớ không ?Em sinh 1953 em có 2 đứa con trai đươc 2 cháu nội gái .Em kính chúc gia đình cô vui khỏe và nhiều hạnh phúc.

    ,

  8. H. Lợi nói:

    Kính chúc cô và gia đình luôn an vui và nhiều sức khỏe.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác