BA….của Kiều Trinh

Ngày đăng: 16/04/2014 05:01:14 Sáng/ ý kiến phản hồi (13)

Sau khi có bài thơ về má, giờ đây Kiều Trinh lại viết bài thơ về ba . Người đàn ông nghèo làm đủ nghề để kiếm chén cơm chan mắm. Năm mươi tuổi, còn thả bò trục mước, bệnh đau liên hồi cũng ráng sống nuôi con. Lời thơ kể như cuốn phim quay về dĩ vảng (SOS)

Ba

Ba

(Ba đi xa mãi rồi ư
Sao Ba để lại nụ cười y nguyên !)

Bà giận ông BỒNG Ba rời xứ sở
Rồi lìa đời bỏ Ba lại bơ vơ!!!
Sống với dì. Nghèo. Ba đi làm mướn
Kiếm chén cơm chan mắm suốt năm dài!

Chầm lá, cưa cây, đi ghe, đào đất (*)
Cưới Má về mới tập tểnh ruộng nương…
Do hoàn cảnh Ba chim trời bay nhảy
Quảy nóp theo đoàn xáng khắp miền Tây!

………………………………………….

Gần tuổi năm mươi Ba gầy dựng tiếp
Thả bò khuya bừa trục mướn cày thuê
Ba quần quật chịu ba lần bệnh nặng
Nghĩ đến đàn con Ba sống tiếp…nuôi con!!!

Bao vất vả chồng lên Ba tất tả
Chén cơm nào mằn mặn vị mồ hôi
Ngày làm thuê đêm về đi chài cá
Con bơi xuồng ngắm trăng vỡ lơi rơi!

Đêm vắng lặng hai cha con bì bõm
Ba tung chài con khuấy nước trăng tan
Có nhiều đêm một mình Ba tung lưới
Vớt mãi trăng chìm tận đáy sông!

Chờ nước lớn xuồng mới vô được rạch
Ba chụp thêm vài cái gốc kiếm tôm
Con ngủ gật mặc xuồng trôi theo nước
Ba ngoi lên lặn hụp xuống gỡ chài!

Xin đất gò Ba cạy từng cục đất
Cộ gom về lập vườn nhỏ hôm nay
Ba trồng đủ thứ rau củ quả
Ăn thơm ngon đủ… hương vị nhọc nhằn!

Ba nghiện thuốc. Quyết lòng bỏ thuốc!
Gom góp tiền mua sách vở cho con
Ghiền đàn cò Ba đành bỏ nốt
Treo đàn lên dạy con chí lập thân!

Cực khổ mấy Ba không hề than vãn
Sợ con buồn. Bỏ học tội thân con!
Ba khác Má luôn cười tin tưởng
Má vui buồn giấu kín vào trong!

Ba dạy tụi con nhiều chuyện SỐNG…
Chuyện kiếp người, dâu bể, xa xưa…
Con còn nhỏ nghe chưa hiểu thấu
Vào đời rồi mới thắm thía lời Ba!

Lâu đằng đẵng …Ba nhìn con khôn lớn
Mỏi rã rời Ba giã biệt…cực trần ai!
Con mắc lỗi cùng Ba một lần nói dối
Chắc là Ba hiểu rõ ý lòng con!?

Ba Má hỡi, tim con đều hai nửa
Để Má Ba mãi mãi ở cùng con!

Kiều Trinh

Chủ nhật, 06.04.2014

——————————————————–

*Ba đi chầm lá ở Cầu Dài. Lớn một chút Ba cưa cây mướn ở trại cưa Sầm Phồi, ngay sát bến đò chợ cá Vĩnh Long qua Cầu Dài. Ba cưa loại cưa kéo thời đó.

 

Có 13 bình luận về BA….của Kiều Trinh

  1. ngocthusa nói:

    Kiều Trinh thân mến!!! có những đêm mình ba tung lưới / vớt mãi trăng chìm tận đáy sông ! bài Ba , vả má của KT lấy đi nước mắt của chúng tôi nhiều lắm đó KT ơi!! mong được đọc tiếp những bài văn hay của bạn YMH ngth

  2. trương mẫn nói:

    Theo tôi thấy, thì cưa kéo dùng xả ván, khúc gổ to được dựng đứng khoảng 45 độ, đứng trên khúc xả từng miếng theo mực kẻ, Sầm Phồi là trại hòm, ngày xưa phải có thợ xả ván, tên xưa gọi . Cạnh thợ cưa là ông cụ đục đá mộ bia, trại Sầm Phồi giờ vẫn còn nhưng những người xưa đà vắng bóng, kể cả vợ chồng đưa đò ngang sông từ bến Sầm Phồi qua chợ cá Vĩnh long, nay đã có chiếc cầu treo nhỏ xinh soi bóng trên sông Long Hồ. Thân mến cùng Cô Kiều Trinh và các bạn

  3. nguyentringuyen nói:

    7 chào các bạn,
    1/. Lúc còn nhỏ, Ba của 7 làm gia đinh cho một nhà giàu. Bà chủ cứ cho cả đám gia đinh ăn mắm kho và hâm đi hâm lại. Ngán! Cả đám phải lén múc ra chén rồi mang xuống cầu ao rửa chén đổ luôn để mai được ăn… mắm kho mới! Các bác gặp nhau hay nhắc chuyện cũ!
    2/.Nhờ bác Năm Phát, bác Hai Nhan và đặc biệt là bác Sáu Chuyện (Truyện(?), nhà ở bên làng Long hồ, ngang trân đình Long Mỹ; bác Sáu là thầy thuốc bắc) mà Ba của 7 qua những cơn bệnh ngặt! Cả Má của 7 nữa!!
    3/.Đúng ra năm 1961, 47 tuổi, Ba đã về lại nhà nhưng phải nuôi Nội bệnh hiểm nghèo 2 năm, vì Nội không có con. Vì sợ bị lây nên Ba lo chăm Nội là chính! Có thời gian Nội nằm ở Chợ Rẩy nữa, cũng một mình Ba nuôi! Hai anh lớn thì đi quân dịch, chị Tư thì đi học nghề ở nhà người ta trên Sa Đéc.
    4/. Ngocthusa và các bạn biết không, giờ nghĩ lại 7 may mắn là được lẽo đẽo theo phụ hết cho Ba lại cho Má nhiều hơn là các anh chị em trong nhà. Và điều đặc biệt là anh chị em của 7 ai cũng góp công sức cho gia đình cả, mỗi người một cách.
    7 cám ơn Ngocthusa nhé. Thân ái. kiềutrinh.

  4. Phong Tâm nói:

    Tôi đoc bài thơ BA của Kiều Trinh 3 lần đọc chậm, không phải đọc 1 lần chưa hiểu hết ý, bởi bài thơ đơn giản viết theo lối kể chuyện (tự sự), chỉ vì phải đọc nhiều lần để thấm, để xót xa và đồng cảm. Tôi không ngờ một phụ nữ chỉ với từng tuổi nầy (đoán chừng thôi) mà thuở nhỏ từng lăn lộn trong hoàn cảnh khốn khó để hiểu nhiều điều mà tôi cứ tưởng là quá khứ, thời bây giờ không còn ai nhớ, thậm chí hiếm có người biết được. Bài thơ dễ dàng nhận thấy người viết (không chuyên) viết qua hiểu biết và cảm xúc riêng mà đánh động mạnh vào tâm linh, tình cảm người đọc chỉ vì quá thật. Đơn cử một chuyện nhỏ trong bài thơ: Chài trùm gốc thường để bắt tôm càng, cá trê, cá ngác, nếu không thực tế thì khó thể hiện được tính chất thật, mà sự chân thật thì dễ đi vào lòng người, mặc dù các nhà thi sĩ người ta có cách thể hiện khác.

  5. YMHTNh, , nói:

    Kiều Trinh ơi! Tuổi thơ tụi mình với ruộng lúa,ao vườn, Ba má tảo tần lo cho ăn học để biết chữ nghĩa làm hành trang vào đời, giờ đây mình được no cơm ấm áo càng nhớ thương Ba má, bút mực, từ ngữ làm sao nói hết nỗi nhớ mà bọn ” già” tụi mình mỗi ngày một da diết

  6. ngocthusa nói:

    Sáng nay đến giờ ( 9 g) khg thấy thủ lĩnh ThN gọi sang , Ngthu gọi về nghe giọng nàng nghẹn ngào khg nói gì hết chỉ nghe thút thít , Ngthu hỏi vì sao thủ lĩnh khóc? Em đọc bài Ba của K.Trinh, kỳ đọc bải Má cũng vậy, tui khóc hồi tối rồi , lúc cha mẹ còn sống con cái quá nghèo, khi chúng ta khá một chút , cha mẹ khg còn, nổi ray rứt trong lòng gặp bài của KTr, đúng vào tâm tư của những đứa con như chúng ta, chỉ có khóc mà thôi!! Cảm ơn KTr cho chúng tôi đọc bải Ba &Má ymh NgTh

  7. Phú Thạnh nói:

    Một đời cơ cực lầm than
    Thương cha nhớ mẹ bàng hòang nỗi đau
    Kiều Trinh cố gắng thật giàu
    Để cho cha mẹ tự hào con ngoan… PT*.

  8. nguyentringuyen nói:

    7 chào ACE,
    1/. Hồi Má Ba mất, 7 không khóc nhưng tới giờ cứ nghĩ đến là khó cầm được…!
    2/. Anh Phú Thạnh ơi, cái “giàu” vẫn cứ thờ ơ với 7, nó cứ như treo lơ lửng đâu đâu ấy. Ba Má 7 hay nói “đại phú do thiên, tiểu phú do cần nhưng trước mắt cứ lo làm kiếm sông cái đã!”. Và 7 vẫn đang “trước mắt…đã!”. Đến giờ này 7 nghe lời khuyên của Anh PT, 7 sẽ giàu theo kiểu của 7: tung tăng vào trang nhà nhận bao nhiêu là tình cảm ấm áp của ACE dành cho 7. Có niềm vui là giàu quá rồi, ACE há. hìhìhì…Và hơn ai hết Ba Má 7 ủm hộ 7!
    3/. YMHTNh và Ngocthusa ơi, chính vì lứa tuổi của mình hầu hết lớn lên từ vườn ruộng nên 7 mới dám tâm tình như thế này. 7 cần sự đồng cảm cả lứa tuổi lẫn hoàn cảnh sống của ngày xưa ấy…
    4/. Anh Phong Tâm ơi, khi chụp gốc nếu hoặc trật hoặc nước chảy còn mạnh thì miệng chài sẽ bị rách thảm thương! Không dễ ăn tí nào!
    5/. 7 cám ơn Anh Trương Mẫn đã cho 7 biết thêm nhiều thông tin về Sầm Phồi và bến đò. Ngày trước còn có nhiều ghe neo nữa, phải không. Giờ chắc còn đâu…!

  9. NHA nói:

    Bao đời nay người ta đã xưng tụng:

    Công cha như núi Thái sơn
    Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.

    Kiều Trinh có biết làng cối xay bên bờ sông Long Hồ không vậy? (Nhân dịp này..ké một câu hỏi từ lâu muốn hỏi)

  10. nguyentringuyen nói:

    Chào Anh NHA,
    Úi giời, 7 đang rị mọ chọt chọt khá dài thì…phặt…cúp điện!! nên 7 sẽ túm lược bớt lại…!
    1/.Anh NHA muốn hỏi mà sao cứ…ngập ngừng!!? Tại vì quyền trả lời còn tùy…hỉ mà!…
    2/.Anh NHA chắc đang ngờ ngợ điều gì nên muốn nhờ 7 sưu tầm thêm… chứng cứ hỉ?!…
    3/.Nếu câu hỏi này hỏi cách đây 1,000…năm thì 7 miễn trả lời trả vốn gì ráo trọi đó. hìhì…
    4/. Ý Anh NHA muốn hỏi xóm cối xay ở gần cầu Kinh Xáng hả. Nếu đúng thì 7 biết. Nơi này, ngoài cối xay còn làm bún và chầm nón là nữa, có tiếng đấy… Chui qua cầu Kinh Xáng bơi vô trong qua khỏi nhà bác Năm đưa đò có một vườn trúc khá lớn…
    Nếu đúng, thì xóm cối xay thường qua ngọn Rạch Chanh lấy đất sét ở đất bác Sáu Bộ, bác Năm Phiên và bác Tư Tân (và phải bơi vô thêm một rạch nhỏ ngang qua nhà mồ họ ĐÀO).
    Vuông mộ khá rộng này là nơi mà bọn chăn bò, chăn trâu, chăn vịt, của 7 cất giấu …chiến lợi phẩm í à…nghen!!! và là nơi lý tưởng để 7 học và làm bài nữa đó…hìhìhì…

    • NHA nói:

      Hiểu biết của 7 nhiều hơn tôi tưởng.
      Phản hồi của 7 làm tôi bối rối vì xóm làm cối xay lúa mà tôi biết ở bên mặt sông Long Hồ, hướng chợ Vãng=>Ngã Tư, chỉ còn vài trăm thước là tới ngả ba sông của chợ Ngã Tư (rẽ trái vào Hòa Tịnh, rẽ mặt vào Phú Đức).
      Cám ơn 7.

  11. nguyentringuyen nói:

    Anh NHA ơi,
    Nếu nhà Anh NHA ở đoạn đó thì con đường đó 7 thường đi lắm. Trước đi đò của bác Năm qua nhà chú Hai Phan hoặc nhà dượng Bảy Xéo. Sau đi đò tuốt đằng chú Hai Te. Còn mé bến của xóm cối, ba của 7 chài thường được nhiều tép đất lắm đó Anh NHA ạ.
    Thân ái. kiềutrinh.

    • NHA nói:

      Kiều Trinh,
      Tôi có ở trọ nhà người chị bà con nơi đó một thời gian (không nhớ rõ năm nào nhưng trước 1954).
      Thân mến,
      NHA

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác