Nhà Thơ Truy-Phong

Ngày đăng: 1/03/2014 09:22:54 Chiều/ ý kiến phản hồi (2)

Hôm trước khi viết về Sơn nam , có anh chị đề nghị nên viết về những tác giả khác. Nhằm đáp ứng yêu cầu đó trang nhà đã nhờ anh Huỳnh Tâm Hoài viết về nhà thơ Truy Phong. Bài này viết năm 2005, nhưng khá đủ thong tin về một nhà thơ và biết đâu đây chỉ là một gợi ý để sưu tập them tư liệu về nhà thơ này (SOS)

 Nhà thơ Truy Phong: Tên thật là Dương Tấn Huấn, thuở sinh thời ông là nhà giáo dạy Việt văn ở các trường trung học ở tỉnh Trà Vinh. Ông làm nhiều bài thơ, nhưng nổi tiếng nhứt bài “Một thế kỷ mấy vần thơ”, sáng tác năm 1956 và đăng trên báo Tiến Thủ cùng năm, sau nầy đăng lại tên tờ Mã Thượng năm1957. Cơ sở Chim Việt văn đoàn in tập thơ “Một Thế kỷ mấy Vần thơ”năm1970, trong nầy gồm nhiều bài thơ khác của tác giã.

      Học trò và mọi người quen gọi thầy là thầy Truy-Phong, quen dần cho đến nổi ít ai nhớ tên thật của thầy. Hồi đó thầy dạy Việt văn ở trường Trung học Thánh-Gioan, hình như sau nầy có lúc thầy dạy hợp đồng cho trường Trung học bán công Trần-Trung-Tiên?.Thầy luôn mặc bộ đồ trắng, dáng người  trung bình, điềm đạm, tiếng nói nhỏ nhẹ và luôn có nụ cười thân áí, hiền từ. Tôi không phải là học trò của thầy trong mấy năm học trung học ở Trà-Vinh, nhưng tôi biết thầy nhiều qua thơ của thầy. Sau nầy, khoảng năm 1969 anh Phan-Công-Minh bút hiệu là Doãn Nhân, phu quân  của chị Mai Thị Thu Cúc cùng một nhóm bạn bè gốc Trà Vinh và thân hữu thành lập nhóm Chim Việt văn đoàn ở Sài Gòn, anh  Minh là trưởng nhóm. Trụ sở là nhà của anh chị Minh, Cúc. Nhóm được nhà văn Sơn Nam và Nhà thơ Kiên Giang Hà Huy Hà làm cố vấn. Chim Viêt liên lạc thường xuyên với thầy Truy Phong và đã xuất bản cho thầy 4 cuốn: Một Thế kỷ mấy vần thơ, Trời xanh trước mặt, Thái bình trở lại, Mặt trời lên. Trong thời gian nầy tôi có dịp liên lạc với thầy nhiều hơn. Tôi gọi thầy là anh Năm cũng từ dạo đó.

           Khoảng năm 1970 tôi có viết một tập truyện ngắn” Kẻ Đào Huyệt”, tôi có gởi bản thảo  nhờ  anh đọc và cho ý kiến. Tuy nhiên tập truyện bị Bộ thông tin thời đó cấm không cho xuất bản.

 Sau năm 1974 anh bị bịnh và phải vào nhà thương mỗ hai lần, sức khỏe anh yếu luôn từ dạo ấy. Sau năm 1975 anh phải rời căn nhà thân yêu ở Thanh-Lệ về cù lao Quới-Thiện, huyện Vũng Liêm (Vĩnh Long) lánh mình. và sống cho đến ngày cuối đời ở đấy..

           Năm 2003, trong chuyến về lại Việt-Nam, tôi và một số bạn bè gồm anh Lê Trung Hiệp, Hồng Băng và Huỳnh Bên có đến nhà anh ở cù lao Quới Thiện. Lúc nầy anh mắc chứng bịnh  run rẩy tay chân, đi đứng phải có người dìu. Chị năm là người vợ tấm mẵn ( anh thường gọi chị như vậy) duy nhất săn sóc cho anh. Khi tôi và anh em đến, chị đang đút bột cho anh trên chiếc võng mắc ở chái nhà ngang. Anh ra dấu cho chị mời mọi người ra nhà trước. Một lúc sau chị dìu anh ra với bộ đồ tươm tất hơn. Trong dip nầy tôi có hứa với anh là sẽ lo phần tài chánh đễ in cho anh toàn tập thơ Truy Phong. Tôi biết ước mong của anh là có tập thơ như vậy. Anh ôm tôi và khóc khi tôi gợi ý đó.  Khi trở lại Mỹ, tôi lo chạy kiếm việc làm (lúc về Việt-Nam là lúc tôi đang thất nghiệp). Sau biến cố 11/9/2002 nền kinh tế Mỹ đi xuống thảm hại.Tôi bó gối ở nhà không tìm ra việc. Đó là lý do tôi gởi tiền về cho anh có hơi trễ. Đứa con trai anh nhận được tiền do tôi gởi và chuẩn bị để tiến hành thu gom thơ anh cùng xin giấy tờ xuất bản. Công việc chưa xong thì anh trở bịnh nặng và qua đời vào ngày 8 tháng 5 năm 2005. Cho tới nay tôi không được tin về tập thơ của anh …Tôi không dám hỏi gia đình về việc nầy vì sợ hiểu lầm. Tôi vẫn  thấy ái náy và ân hận vì đã không gởi tiền sớm hơn để hoàn thành tập thơ cho anh khi anh còn sống!

       Anh năm kính mến, xin anh tha thứ cho em vì một lời hứa đã làm anh sung sướng đến rơi lệ…mà em thì đã không lo liệu được để đáp lại sự mong đợi của anh. Xin thắp nén hương lòng cầu nguyện cho linh hồn anh sớm về cõi vỉnh hằng.

                        Sacramento, tháng 8 năm 2005

                                Huỳnh Tâm Hoài

 

 

Có 2 bình luận về Nhà Thơ Truy-Phong

  1. hongbang nói:

    Anh Huỳnh Tâm Hoài thân,

    Đọc bài của anh, tôi nhớ lại kỳ đi thăm Thầy cùng H.Bên và Nguyễn Bạch Dương. Thuở trước, tôi có biết 2 quyển Một thế kỷ mấy vần thơ và Thái bình trả lại do Chim Việt ấn hành. 2 quyển còn lại mà anh ghi trong bài Mặt trời lên,Trời xanh trước mặt, thì tôi không thấy. Nếu anh biết còn ở nơi đâu, chỉ dùm, tôi cám ơn.

  2. Nguyễn Phúc Nguyên nói:

    Chú Tâm Hoài mến !

    Lúc cháu là năm 2 sư phạm, cũng là lúc nhà thơ Truy Phong mất. Tuy nhiên trước đó thầy trưởng khoa của trường Cao đẳng sư phạm Vĩnh Long là thầy Lê Hữu Tài – Một người mê bài thơ “Một thế kỉ mấy vần thơ” từ thuở nhỏ đã hun đúc cho tụi cháu mở nhiều chuyên đề về thơ Truy Phong. Sau này thầy Tài cùng các thầy khác trong Ban văn nghệ Cửu Long quyết định cho xuất bản các bản thơ của nhà thơ Truy Phong. Hiện nay chúng cháu nhiều đứa được về Vũng Liêm công tác, được gần hơn các con của cụ như thầy Ái Đức, chú Ái Đạo…. Chúng cháu cũng đang họp nhau để tạo một diễn đàn lớn lên Wikipedia và tuyệt phẩm “Một thế kỷ mấy vần thơ”.

    Nếu có dịp xin hẹn chú Hoài cùng về thắp nén nhang cho cụ…

    Thân !

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác