Tâm Tình Tống Phước Hiệp
Hôm nay, thầy Đinh Văn Thạnh gửi thư về nói rằng, Mới bước qua 2014 có mấy ngày, sao bỗng thấy nhớ TPH quá, đọc lại mấy bài cũ, lòng cũng thấy quay về với kỷ niệm xưa, dù đã xa quá rồi. Tôi đọc thấy bài có nhiều tư liệu tốt, tình cảm của người viết với ngôi trường, nên đăng lại giới thiệu cùng bạn đọc (SOS)
Có ai đó đã nói “chỉ có nơi nào cho ta nhiều kỷ niệm, nơi đó mới nằm trong hoài niệm của mình” . Vĩnh Long, với tôi, như một quê hương thứ hai. Tôi về đó ngay sau tốt nghiệp, từ năm 1970. Ở đó có quá nhiều kỷ niệm khiến tôi thấy như thiếu mất chuyện gì khi về Việt Nam mà không trở về thăm lại.
Vĩnh Long không chỉ là trạm dừng chân mà là một phần của cuộc đời tôi. Ngôi trường Tống Phước Hiệp lại là một phần khác của cuộc đời mình. Bước vào đời với hành trang của một thày giáo trung học ở tuổi còn thanh niên, tôi cũng không ngờ là mình gắn bó với Tống Phước Hiệp, với Vĩnh Long lâu đến thế. Những ngày đầu tiên trước học trò nhiều bỡ ngỡ, dù đã sửa soạn rất kỹ. Lúc đó là lúc Tống Phước Hiệp chuyển mình để thành trường nữ trung học của tỉnh. Nam sinh chỉ còn ở Đệ nhị cấp. Mỗi chiều tan trường, đứng trên hành lang dãy lớp học trước cột cờ hay ở cửa sổ phòng giáo sư, nhìn dòng học sinh trong lớp áo dài trắng chảy dần ra cồng, lòng lại thấy nao nao. Hay mỗi lần thấy Phượng trong sân trường trổ bông đỏ ối là mỗi lần biết hè đã đến, lòng lại thấy một thứ tình cảm khó diễn tả: mùa chia tay, mỗi năm đến hè lòng man mác buồn.
Lúc đó, mọi người đã cùng sinh hoạt, gắn bó với trường để đưa tên tuổi của Tống Phước Hiệp vào danh sách của những ngôi trường được biết đến của vùng đồng bằng sông Cửu Long. Vĩnh Long là một tỉnh có tinh thần hiếu học, chính quyền, phụ huynh học sinh là những người biết đến công sức của thầy cô giáo. Hội Phụ huynh Học sinh của trường qua bao nhiêu nhiệm kỳ, nhất là dưới thời ông Mai Phùng Võ, đã là một phần của sinh hoạt thật sự của trường, chứ không phải là kiểu “làm kiểng” cho nhà trường. Ngày tôi mới về, cơ ngơi của Trường chỉ mới là hai dãy nhà xếp thành hình chữ L mà phần cuối trên lầu của nhánh dài là Thư Viện. Chính hội Phụ huynh Học sinh đã là kẻ đóng góp công sức rất nhiều để trường có hình dáng như hôm nay.
Nhắc đến thư viện của trường không thể không nhắc đến công sức của quản thủ thư viện Đặng Ngọc Diệp. Lúc mới về trường, tôi đã ngạc nhiên về lượng sách và sinh hoạt của thư viện trường. Vào những năm sau cùng của Tống Phước Hiệp, với ngân quỹ dành cho thư viện, thầy Diệp còn gửi cho mỗi giáo sư một phiếu đề nghị sách cần mua thêm cho thư viện. Việc này giúp cho thư viện không những giàu về lượng mà còn nâng cao phẩm chất của sách khi giáo sư đề nghị những sách đọc nằm ngoài chương trình học nhằm vào kiến thức tổng quát cho học sinh. Thư viện còn có tổ chức các buổi triển lãm sách báo, bảo trợ cho các hoạt động của các giáo sư như việc bảo trợ cho giáo sư Đoàn Xuân Kiên (Việt văn – hiện sinh sống bên Anh) thực hiện cuốn Sưu Tập Ca Dao Đồng bằng sông Cửu Long, dù chỉ in roneo và lưu hành nội bộ, nhưng là một công trình lớn do có sự đóng góp của toàn thể học sinh trường lúc bấy giờ. Tôi không có điều kiện biết nhiều về những thư viện của những trường trung học khác, nhưng quả thật, thư viện Tống Phước Hiệp đã là nơi không phải chỉ lưu giữ sách mà còn là một thư viện theo đúng nghĩa của nó, học sinh (và cả giáo sư nữa) dã đến đó, đọc, mượn, tìm kiếm thông tin… ngay cả đến thư viện của tỉnh lúc bấy giờ cũng chưa có sinh hoạt đó.
Khoảng thời gian dạy ở Tống Phước Hiệp, tôi là một trong số những thày giáo trẻ, năm tôi ra trường, một loạt giáo sư trẻ mới tốt nghiệp của nhiều bộ môn về trường cùng một lượt, Lý Hóa có tôi và Lương văn Hoa, Sừ Địa có Nguyễn Thành Đô, Việt văn có Đoàn Xuân Kiên, Anh văn có Đặng thị Thanh Nhàn… năm sau thêm một số giáo sư trẻ khác: Huỳnh Hữu Trí ở Toán, Lê Tân ở Sử Địa, Lê Thượng Hiền ở Pháp Văn…Số giáo sư trẻ này cùng với những đàn anh dày dạn trong nghề tạo cho Tống Phước Hiệp một sắc thái khá đặc biệt, người ta không nhìn thấy những cảnh kết bè nhóm, gây chia rẻ trong thành phần thày cô giáo ở Tống Phước Hiệp như trong những ngôi trường khác, tuy không phải không có cảnh nhiều người không thích tham dự vào hoạt động chung của trường. Trường có cả một đội quần vợt của các giáo sư, gồm cả các cây vợt trẻ Lê Tân, Lê Thượng Hiền, Nguyễn Thành Đô… cùng với nhũng tay vợt đàn anh Nguyễn văn Cai, Nguyễn Quang Châu… Trường còn thực hiện cả cuốn Kỷ Yếu Tống Phước Hiệp đầy hình ảnh hoạt động của trường, ngay cả những trường lớn ở Sài Gòn hay Cần Thơ, Mỹ Tho cũng chưa thực hiện được, chỉ tiếc là sau này khi về sống ở nông thôn không còn điều kiện để bảo quản, tôi không còn giữ được nó. Hội Đồng Giáo sư hướng dẫn của trường là một hội đồng mạnh và đã làm được nhiều chuyện cho học sinh trong những sinh hoạt khác…tôi muốn nói đến những hội chợ, du ngoạn, hoạt động cứu trợ… đó sẽ là những kỷ niệm để đời trong lòng những người tham dự. Có ai quên được công sức của thầy Ngô Quang Vỹ (nay đã mất) và các giáo sư phụ tá trong việc dựng lại kịch thơ nói về Hai Bà Trưng, diễn ngoài trời, ngay tại sân bóng rỗ của trường, có cả “voi” cho hai Bà cỡi khi xung trận… có ai quên được những kỳ hội chợ trong sân trường mà mỗi lớp là một đơn vị với những thi đua hào hứng về nấu ăn (con gái mà), trang trí lều trại… những hình ảnh đó sẽ là những hình ảnh đẹp khó quên của một thời.
Tháng 4/75 lại là một khúc quanh khác, ngoài một số thầy cô được lưu dụng lâu dài. phần còn lại hoặc bị cho nghỉ việc, hoặc phải tập trung học tập cải tạo sau một thời gian chuyển tiếp ngắn… Nhưng cũng nhờ vậy mà tình anh em thắm thiết hơn, những người ngày xưa chỉ là đồng nghiệp, nay còn là bạn tù, sau đó là bạn cùng cảnh ngộ sống nhờ vào những sinh hoạt lề đường vì trường học không cần đến họ nữa… Và một lần nữa, người ta không nhìn thấy sự phân biệt trong sự đối xử của xã hội đối với họ: bạn cũ còn đi dạy, phụ huynh, học sinh… ai cũng nhìn họ bằng sự kính trọng hay thương cảm. Đối với quần chúng, họ chỉ là những giáo viên bị “mất dạy” chớ không hề là những “ngụy quân, ngụy quyền”. Những người còn lại trong trường cũng còn chút danh thày giáo, nhưng cũng lâm vào cảnh “Chiều ba mươi, thày giáo tháo giày ra chợ bán; Sáng mùng một , giáo chức dứt cháo đón xuân sang” không biết ai khổ hơn ai, nhưng có một diều rõ ràng, dù còn trong ngành giáo dục hay đã bước chân ra trường đời, mọi người vẫn kính trọng và yêu thương nhau như ngày nào.
Lần này về Việt Nam tôi phải lo một số việc quan trọng cho gia đình, nhưng cũng cố nhín ra một ít thì giờ trong những ngày bận rộn cuối cùng để về Vĩnh Long thăm bạn bè.
Vĩnh Long thay đổi nhiều. Hình ảnh phà Mỹ Thuận không còn nữa, cảnh chờ phà qua sông ở hai bờ Mỹ Thuận cũng biến mất và được thay thế bằng chiếc cầu cao do Úc viện trợ từ năm 2000, có thể nhìn thấy từ Vĩnh Long…Bệnh Viện Đa Khoa trước Ty Cảnh Sát cũ nay đã trở thành một trung tâm thương mại, đường sá mở rộng hơn, nhiều chỗ đẹp hơn xưa nhiều, Cầu Khưu Văn Ba được xây lại kiên cố và rộng hơn được đổi tên là cầu Phạm Thái Bường; con đường đất đỏ dẫn ra ngoại ô đi ngang tu viện các Sơ áo trắng… nay đã trở thành đại lộ thênh thang buôn bán tấp nập, con đường từ bưu điện xuống bờ sông cũng vậy, còn được trồng cây trên lối phân ranh giữa đường; buổi sáng sớm trở thành nơi đi bộ, tập thể dục cho mọi người, trường Nguyễn Trường Tộ biến mất, Đạt Nhân không còn, Nguyễn Thông nay là tên của một trường trung học khác của tỉnh, nằm trên đường đi Cần Thơ, còn trường bán công Nguyễn Thông ngày xưa bây giờ là trường phổ thông cấp hai, trường nguyễn Du của thành phố Vĩnh Long… Nhưng ngôi trường cũ của chúng ta, dù mang tên khác, vẫn vậy, có phần còn tiều tụy hơn và có vẻ như co mình khiêm nhường hơn trong khung cảnh tất bật chung quanh do bến đò ngang sông Long Hồ được mở rộng ngay trước trường. Cầu Thiềng Đức đã được xây mới; khu buôn bán của chợ Vĩnh Long được nối ra đến con đường cạnh hông trường, lều quán, hàng hóa bày biện khiến những con đường quanh trường như nhỏ hẳn lại.
Nhưng buổi gặp mặt anh em bạn cũ thì vô cùng húng thú. Anh em đến với nhau thật chân tình. Không phân biệt cũ, mới, còn đi dạy hay đã đổi nghề, họ đủ cả, bạn cũ ở Tống Phước Hiệp, Thủ Khoa Huân như Hồ Văn Thuận(Việt), Nguyễn văn Cai (Anh), Phạm An Tập (Toán), Nguyễn văn Thành (đã mất), Hồ văn Chính (Việt), Huỳnh văn Hiếu (Toán – Thủ Khoa Huân)… bạn thày giáođã nghỉ dạy… ngay cả mấy thày mới hiện còn đang dạy tại trường… tất cả như cùng nhau sống và vui với kỷ niệm xưa. Chúng tôi cùng nhau kề lại chuyện xưa, như sống lại quãng đời cũ, lúc còn đi dạy, lúc đi học tập, lúc phải ra sống cạnh lề đường… Chúng tôi cùng hỏi thăm những người quen cũ, ai còn? ai mất? ai đang làm gì? ai đang ở đâu? Nhìn bạn bè ai cũng già hết rồi. Bây giờ còn ngồi cạnh nhau, nói chuyện với nhau, mai sau biết có còn gặp lại nhau lần nữa? Thôi thì vui ngày nào hay ngày ấy. Như vậy đó! Thời gian có qua đi, hơn ba mươi năm rời xa Vĩnh Long, rời xa ngôi trường ấy rồi còn gì, mà trong lòng tôi vẫn còn mãi một tâm tình Tống Phước Hiệp.
Đinh Văn Thạnh
GS trường Tống Phước Hiệp năm 1970-1975
h1
h2
Kính Thầy! Em là Phương Mai,( PM, Phương Minh, Phương Hải , con cô giáo Tư ở gần nhà Thầy hồi đó, gần đến nỗi vẫn chạy qua nhà Thầy chơi hoài ấy mà, Thầy nhớ ra chưa?)Em vẫn nhắcThầy luôn !.Hôm nay được tinThầy, được đọc bài viết này em vui mừng lắm lắm. Em hy vọng sẽ gặp Thầy nhiều hơn trên trang nhà để thầy trò ta không xa “mút tí tè “như bây giờ nữa. Em kính chúc Thầy,Cô và các em dồi dào sức khoẻ nhiều niềm vui và luôn hạnh phúc!
Cám ơn Mai, tất nhiên là nhớ chứ, nhớ cả 3 chị em. Cô giáo Minh bây giờ còn đi dạy chớ. Lâu lắm không có liên lạc, cũng nhờ trang web này mà tôi còn có dịp gặp lại nhiều người quen biết cũ. Cho tôi gửi lời chào đến chị em của em
Anh Thanh thân mên,
Bài viêt hay lam ! Thành thât cam on anh da giup chung tôi quay vê voi di vang, dê tuong nho dên nhung ngày thang chung ta da cung nhau hang say phuc vu tuôi tre VN.
Nêu không co gi tro ngai, anh vui long cho tôi xin sô phone cua anh hiên nay, dê tiên liên lac.
Cam on anh nhiêu.
Thân chuc anh và gia dinh luôn manh khoe.
LÊ Thuong Hiên
Hiền bây giờ ở đâu? số điện thoại của tôi là 713.859.7074
Thầy về năm 1970, thời điểm lúc đó tụi em học lớp 12. Năm đó , lo học để thi Tú Tài 2, nên em và các bạn ít để ý đến sinh họat hay diễn biến ở trường. nay nhờ đọc bài này, tụi em như được xem lại đọan phim về trường cũ. ở đó có quý thầy, các bạn và những sự cố lịch sử xoay quanh. Mong rằng có nhiều bài viết của quý thầy cô thời này cũng như của các anh chị để nếu ai có điều kiện viết sử Trường sẽ có thêm tư liệu. Em cám ơn thầy Thạnh rất nhiều.
Cám ơn cô Phi Rom, Trang web của Tống Phước Hiệp có được như ngày nay là nhời sự đóng góp tích cực của các bạn trẻ. Cám ơn công việc của các bạn.