Ngày mùa của nông dân “ảo”

Ngày đăng: 2/12/2013 06:18:15 Sáng/ ý kiến phản hồi (2)

Lúa tui được sinh ra và lớn lên trên vùng ruộng đồng ấp Năm, có lẽ vì thế mà hương vị đồng chua nước chát vẫn còn ít nhiều thắm đượm trong tâm tư tình cảm.

        Từ lúc tui biết để ý chuyện đời của mình, dù nhà cửa chật hẹp như hồi còn chen chúc nơi phố thị, vất vả kiếm cơm bằng nghề phụ hồ hay thợ mộc, thì trước sân hay trong nhà của mình luôn luôn có chậu ớt bụi hành, cây cà hay bụi xả. Con người và cây cối san sẻ môi trường eo hẹp thiếu thốn, mạnh ai nấy đâm chồi nảy lộc dài theo năm tháng.

        Bản chất nông dân theo dính Lúa tôi đến vùng đông bắc Hoa Kỳ, vị trí địa lý ở khoảng trên dưới 40 độ vĩ bắc bán cầu tây, đối chiếu với một điểm nào đó trên miền bắc đảo lớn nhất của Nhật Bản ở bán cầu đông. Vì nằm trên vùng mà tính ra nằm trên hai phần ba đoạn đường từ xích đạo dài lên bắc cực, nên chỗ chúng tôi đang cư ngụ tạm gọi là vùng có tuyết giá mùa đông.

        Lúc nầy thì mùa thu đã về trên chỗ nầy hơn hai tháng. Trời bắt đầu xuống lạnh, nhiệt độ trong tháng 11 của vùng nầy giao động trong khoảng  2°C cho đến 14°C, có vài đêm lạnh rớt xuống dưới độ đông, nhưng chưa đến thời kỳ mà cơn lạnh ác hiểm nầy đóng đô cố thủ. Những cây cối rau quả chỉ phát triển trong khí hậu nhiệt đới như bầu mướp khổ qua, cà ớt đã chết rụi từ những cơn gió bắc rao rao lành lạnh trước cả tháng nay. Khu vườn nhỏ xanh tươi sau nhà được khởi đầu lúc tiết trời vào độ “nửa chừng xuân” hôm nào, giờ đây héo úa hoang tàn thê thảm. Những cây ăn trái như đào lông, cherry, sung Mỹ đứng trơ xương ngoài trời trong mùa đông, mới thấy nể sự chịu lạnh gan lì của chúng. Mưa tuyết vương vấn đôi khi đông thành những phiến đá mỏng ngay trên cành khẳng khiu trụi lá. Nhưng nếu nhìn kỷ, chúng vẫn chậm chạp phát triển những nụ mầm chồi dầy đặc trên thân nhánh, chỉ chờ thời tiết ấm lại lúc đầu xuân khoảng giữa tháng Tư thì sức sống diệu kỳ của muôn vạn mầm xanh lại cùng nở bung xanh rì, bắt đầu cho vòng đời mới.

        Khác với tâm trạng “mỗi năm đến hè lòng man mác buồn” của nhạc sĩ Thanh Sơn. Ở xứ nầy, khi bầu trời ui ui xám xịt buổi tàn thu, lúc mà ông mặt trời cứ qua xế bóng là kéo màn âm u lo đi ngủ sớm, khiến cho lòng người cũng chùng xuống bâng khuâng. Hỗm nay những lúc mình ngồi sau khung cửa sổ nhìn bầy chim sáo đang nhặt từng bông cỏ muộn màng trên sân những ngày khô ráo, mình hiểu chúng tranh thủ tích trữ thêm chút năng lượng cho mùa đông sắp đến. Bỗng nhiên mình chợt nghĩ một mùa rét mướt hằng năm với những ngày bó gối, cột chân vô vị.

        Cảm giác buồn tẻ mùa đông vừa than thở trên Face Book không lâu thì có bạn trả lời “chơi game Hay Day rồi sẽ ghiền mà quên ngày tháng”. Mình không biết trong tiếng Anh “Hay Day” còn có ý nghĩa cao xa gì khác, nhưng theo tinh thần gốc gác ấp Năm nhà mình thì ngày rơm cỏ khô thấy trong sinh hoạt rộn rịp ở nông trại nuôi heo bò dê cừu, trồng bầu bí ngô thóc bận rộn gặt hái, sao mà quá giống những ngày mùa nơi làng quê xưa cũ. Hình ảnh thôn quê trữ tình như trong lời nhạc của Lam Phương:

  “Cười lên đi trăng sắp tàn bóng xế.

  Hát lên đi cho ru lòng nhân thế.

  Để đồng xanh vang khúc ca ngày mùa…”

        Tánh tò mò thúc dục mình phiêu lưu trên vùng nông thôn vi tính.

        Tạm gọi ông chủ của chương trình nầy là ông trưởng ấp Năm. Ông ta rất công bằng và sở hữu đất đai rộng bao la và ngân khố dồi dào. Nên khi có cư dân mới đến định cư thôn trang đều được cấp phát một vuông đất diện tích luật định, một cái nhà đơn sơ để che mưa nắng kèm theo một số vốn nho nhỏ và ít hạt giống để tự lực cánh sinh. Thôn dân phải tìm hiểu những quy định để làm sao tạo đất và phá đất để gieo trồng, rành rẽ luật lệ để mở mang nhà cửa kho bãi máy móc sản xuất, xây dựng cơ ngơi chuồng trại, gia súc trong mục đích phát triển kinh tế cá nhân ngày càng lớn mạnh. 

        Với vốn liếng và cơ ngơi được cấp phát ban đầu, cư dân mới đến được xếp vào cấp độ hạng bét trong thang kinh tế nông thôn. Sự phân thứ hạng nầy hoàn toàn không có tính chất kỳ thị thân sơ hay nơi xuất thân chủng tộc. Mà là hình thức để đánh giá việc gieo trồng chăn nuôi siêng năng, mua bán giỏi giang của từng hộ nông trại sau nầy. Do những thành quả thu hoạch và bán ra hàng ngày, ban hạch toán ấp Năm theo số liệu đó mà nâng cấp cho từng nhà nông. Mục đích việc làm nầy thúc đẩy nông dân cố gắng vượt lên mức trung lưu để được hưởng những quyền lợi và được phép mở rộng giao dịch nhằm phát triển việc làm ăn.

        Phút đầu tiên của nông dân rặt Lúa tui đóng vai nông dân “nhà chòi” trong cộng đồng mạng thì bà xã của tui không thèm dòm tới cái nông thôn và đám cư dân ảo nầy. Đến khi thấy Lúa tui ăn nên làm ra, được xóm ấp xóa đói giảm nghèo và nâng lên đến cấp 12 trong 100 bến nước xã hội, bả ỏn ẻn thiệt dễ thương “cho em chơi thử”.

        Từ khi nông trang của tui bị bà xã “took over” thì lối làm ăn của bả sống động và ồn ào không thể tưởng. Nhóm nông dân nầy còn có thêm thằng nông dân con 5 tuổi. Nhiều lúc Lúa tui đang riêng tư miên man thả hồn theo những câu thơ của các thi tài trên mạng, Lúa giật mình vì nghe bà xã hốt hoảng: “đứa nào xài của bà nội mười mấy ngàn”. Lúa tui nghe lạ hoắc vì nhà mình hồi nào tới giờ đâu có cái hiện vật dùng để đếm và xài đó. Tui nhìn lại để hiểu việc gì, thấy người vừa lên tiếng đang chúi đầu vô máy, trên bếp gần đó thì nồi thịt kho trứng bự chảng đang sôi dưới chót tàu lá chuối kêu lục ục. Thấp hơn đàng xa thì thằng cháu nội hiểu tiếng Việt nhưng nói không rành nên cứ gật gật cái đầu.

        – Lại đây chỉ bà nội con xài cho chuyện gì.

Thằng nhỏ cười tủm tỉm đưa tay quẹt quẹt trên cảnh vật của quê nội mới. Lúa lại nghe tiếng nhưng không hiểu người nói đang trong tâm trạng cười hay khóc:

        – Con mua về cái chuồng ngựa, vậy con ngựa đâu không thấy.

Thằng cháu chọt chọt chỉ chỉ vào màng hình, nó cũng hy vọng bà nội nó đọc được mấy chữ trong tấm bảng điều lệ để gần con ngựa mà nó thích. Tui nghe bả có chút thất vọng với thằng cháu:

        – Con ngựa nầy phải trả bằng vòng vàng châu báu, mình chưa mua nỗi con ơi.

Lần đầu tiên trong đời, Lúa tui mới thấy cảnh tạo chuồng trước, rồi mới tiện tặn sắm ngựa sau. Bà nội dặn dò thằng cháu hoài, vậy mà cứ la ủa ủa đại khái như vầy, mấy cây cưa của bà nội đâu rồi, tới chừng hiểu lý do thì biết thằng cháu đốn mất tiêu hai cây táo. Chưa hết đâu, bà nội nó gieo trồng gặt hái, mua đầu chợ bán cuối làng cần kiệm kiếm mớ vốn để dành cất kho và tạo thêm máy móc. Lâu lâu thằng cháu xẹt qua chơi, sẵn vốn của ông bà nó hào phóng mua mấy thùng quà về chất đầy sân và còn mua khăn quàng quấn cổ cho bầy bò sữa. Bà nội của nó tiếc của càm ràm miết, còn Lúa khoái trong bụng vì thằng cháu có máu tiếu lâm.

        Thỉnh thoảng thì cũng có láng giềng đến tận nhà hỏi mua hàng mà ra giá trước. Tuy nhà không đủ số lượng bả cũng nhận rồi nhẹ nhàng nói với người ta: “chờ tui chút nghen”, bả hối hả chạy qua nông trại kế bên lấy thêm cho đủ. Tui ngồi kế bên nỗi ốc cục nhưng cũng ráng nói chọc quê, bà nói chuyện với ông “già cơ râu rìa” hay con nhỏ mặc đầm “polka dot”. Bà trả lời mà tui không hiểu thật tình hay xỉa lại: “bà già tóc quăn, bạn ông lúc trước, bả hỏi anh long  time no see! “.

        Chuyện cũng chưa ly kỳ bằng việc business nầy thông nhau trên face book, bà xã tui kiểm soát luôn nông trại của đứa con gái ở xa: “Mầy bỏ dê cừu đói tới đi không nỗi”, đứa con gái cười hà hà:”hỗm nay con bận quá”.

        Nhiều đêm tui ngủ được một giấc, giựt mình thấy bả vẫn còn thoăn thoắt kéo gõ trên vùng trời iPad, tui nhỏ nhẹ “12 giờ đêm sao bà chưa ngủ”. Bả cũng ôn tồn trong giới bận rộn làm ăn: “em tranh thủ xuống hàng, chuyến tàu kế phải còn hơn 8 tiếng nữa”.

        Trời hỡi! Lúa tui đang mơ hay lạc vào thế giới gì đây.

        Với đà say mê trồng trọt thu hoạch trên miền nông trại ảo trong mùa màng iPad đang nở rộ. Với kiểu làm ăn gieo trồng và trong 5-10 phút đã gặt hái nhẹ nhàng mà nông sản biết tự chạy vào kho y như lời kể chuyện đời xưa khi Lúa được 4-5 tuổi.

        Lúa không hiểu rồi đây trên mùa vụ thực địa vào năm tới sẽ còn có tay nông dân chân chất nào lo cuốc đất trồng khoai, làm ra thứ để luộc, để nhai no lòng như mấy năm rồi.

  

Thỉnh thoảng nông dân tụi tui qua nông trại láng giềng hỏi mua nông sản cần thiết. Nông trại nầy lớn, hàng nhiều, bán giá rẻ. Sẵn dịp giới thiệu với cô bác.

Tàu chở hàng nầy sẽ lui bến trong 15 phút nữa. Thời gian cho chuyến kế tiếp là 8 tiếng 39 phút. Hàng order cho chuyến tới sẽ được email.

   

Cây trái hồng rụng lá trơ cành trong thời tiết dưới độ đông, nó ngủ một mùa đông dài từ giữa tháng 11 đến khoảng tháng 4 năm tới. Phía sau đàng xa là dàn bầu một thời lừng lẫy, từng có trên 200 trái mùa hè vừa qua.

       Một Lúa

Có 2 bình luận về Ngày mùa của nông dân “ảo”

  1. KiềuOanh nói:

    Chúc mừng anh Một Lúa, cả nhà ông bà, con cháu cùng có chung business trên mãnh đất có đường chéo chừng khoảng ….10 inch. Có lần KO được con gái chỉ cho nghề trồng trọt trên “Sky Garden”,thế là suốt ngày miệt mài trồng trọt, thu hoạch để được lên cấp, rồi còn ….nuôi cả heo nữa chứ. Có hôm đang ngũ ngon giấc nó phone về nói: “Mẹ vô cho heo ăn dùm con, nó gần đẻ rồi, kẻo người ta ăn trộm mất”. Thiệtt tình! Bỏ thời gian ra làm thiệt mà chỉ toàn thu hoạch ảo thôi! Đúng là nông dân thời in-tẹt-nét.

    • Một Lúa nói:

      Chào nữ hoàng áo tím Kiều Oanh,

      Lúa tui mới được xóa đói ở level 12 nên chưa có kinh nghiệm nuôi heo nái. Hỗm nay chỉ nuôi heo lấy ba rọi thái lát chiên dòn làm bánh mì kẹp thịt, mỗi lần như vậy thấy mấy con heo của mình ốm tong run rẩy, tự nhiên mình hết thèm thịt chuột.

      Haha

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác