Hủ rượu lựu
Đọc xong bài nhận định trang nhà năm qua của bác sĩ Võ Văn Chín viết nhân ngày sinh nhật của bác Lương Minh, Lúa tôi định viết phản hồi sau bài viết đó. Nhưng câu chuyện hôm nay có vẻ cá nhân một chút nên Lúa chuyển đổi đề tài như là “tâm sự đời tôi”. Cô bác đừng thấy bức hình cây lựu trái sai oằn dùng minh họa mà vội nghĩ là Lúa sắp diễn tuồng đời cô hái lựu.(TĐ)
Trong bốn món cầm kỳ thi họa của giới tao nhân mặc khách, Lúa đều có dịp rờ đụng đến. Nhưng phải nói là mình không duyên cũng không nợ với những nghệ thuật có tính năng khiếu, tốn kém thì giờ và cân não nầy. Thế rồi như một giấc ngủ dài 59 năm, bỗng dưng một ngày cũng vào cuối năm như hôm nay, Lúa tôi còn trong tâm trạng ngái ngủ, được bạn bè giới thiệu anh Lương Minh. Rất cám ơn chất cà phê chợ ông Sãi và sự khuyến khích của bà con gần xa đã giúp tôi tỉnh táo viết được những gì mà ngay bây giờ tôi còn tự hỏi, làm thế nào tôi có thể “tám lắm như thế”. Mấy bạn già thường gọi tình trạng mới nở muộn màng nầy bằng nhiều thành ngữ nghe dễ thương đến khó nghe mấy thì cũng không sao. Thiệt ra thì tình trạng giống như vầy ở nước ngoài người ta gọi là hiệu ứng Rookie. Có thể tạm diễn dịch nôm na là trống tơ háo đá, cũng tạm hiểu thắng hay thua thì cũng không có gì để mất. Vì vậy trong giới cá độ, nhiều người thắng to hay thua cháy túi bởi những “chú gà trống” chưa từng ra trường gà cáp độ nầy.
Hơn một tháng trước trên trang nầy, Lúa đọc những phản hồi qua lại, thấy chị Đặng Huệ chỉ cho Hoàng Hưng cách làm xi-rô bằng cơm trái lựu. Sẵn dịp số trái lựu vườn nhà bị cơn lạnh đến sớm khiến chúng nứt nở từa lưa, nếu chê không ăn thì việc lười biếng treo trái nứt trên cây chỉ làm mồi cho chim chóc bu vào chí chóe um sùm và dơ bẫn.
Lúa tôi đọc lời hướng dẫn qua một lần, nghĩ rằng dễ nhớ nên không ghi vô giấy. Bây giờ thử đọc lại để bà thầy xem có đúng hay không. Cách làm và cân lượng, cứ hai chén hạt lựu thì một chén đường, đổ một lớp hạt lựu chừng 2 phân vào keo thủy tinh rồi đến một lớp đường cát, tiếp tục cho đến hết. Xong đậy nắp keo và phơi nắng mỗi ngày hoặc để vào chỗ ấm. Nếu dùng như xi-rô thì ủ chừng một tháng, nếu muốn dùng như rượu thì để lâu hơn.
Hôm nay, Lúa tôi mở hủ rượu rót vào chiếc ly lựa có hình cô gái Hà Lan, nếm chất nước đỏ sẩm cảm giác vị chua nhiều hơn vị ngọt và có chút rất ít đắng chát có thể từ hạt cứng của cơm lựu, trong ly đã có một ít mùi rượu. Nếu ủ lâu hơn, men rượu tác dụng với đường chắc là sẽ tăng cao độ. Đoạn bài viết nầy xin được xem như lời cám ơn Đặng Huệ giúp mình sa hủ nếp.
Tôi tin rằng trong mỗi người chúng ta đều có biệt tài nào đó, chúng ta cũng không nên dấu nghề làm gì cho mai một. Hãy làm những việc thích thú cho chính mình, sau đó chia sẻ cho bạn bè xã hội.
Quý bạn thử nhìn những ly rượu ngon lành nầy được làm từ những trái lựu mà đúng ra chỉ để bỏ.
Bài và ảnh Một Lúa
Cây lựu Nga nầy năm nào cũng trái sai như vậy. Chúng trổ bông đỏ rực vào tháng 5, trái chín vào tháng 10.
Tháng 10/2013 thời tiết đổ một vài cơn lạnh sớm khiến cho những trái lựu chưa thiệt chín đã nứt da đổ hột từa lưa.
Hủ rượu lựu ngâm 2 tháng. Lúa ráng nhịn, chờ đúng 6 tháng sẽ báo cáo mùi vị của nó đến phe bạch thủy.
Phần rượu của Huệ
Chất lượng ra sao thì chưa biết. Chỉ thấy bầu rượu và cái ly là thấy thèm rồi ! Anh Một Lúa gởi mail qua tui 1 số ly để Tết uống chơi !
Thật ra cách làm rươu này tình cờ mình học được trên internet, cũng tò mò làm thử, kết quả siro hay rượu đều ngon hết. Hôm Hoàng Hưng hỏi có thể thay đường bằng mật ong không. Hứa với HH nên mua lựu về thử ngâm với mât ong xem ra sao. Mình cũng cho 1 chén lựu + 1/2 chén mật ong , tiếp tục như vây cho đến hết hạt lựu. Đậy kín để vào chỗ thoáng mát ( không có phơi nắng nha ) Ủ được 1 tháng. Hôm Thanksgiving lấy ra làm nước uống thơm ngon, không có vị chua và đắng có nồng độ rượu, nhẹ thôi. Đứa con gái cho thêm 1 tý rượu mạnh vào uống thấy ưng ý lắm. nhưng lại thấy say say. Hôm nay còn rất ít, mình ra chỉ thị : để dành Noel
Khâm phục Một Lúa đa tài.
Đặng Huệ
(mời các bạn xem ly rượu của Huệ ở trên)
Chào một bạn già một bạn trẻ, một bạn uống rượu một bạn làm rượu. Ha…ha
Cám ơn anh Văn Lần và Đặng Huệ viết bình luận.
@Văn Lần, uống rịu mà cũng có vụ hàm thụ nữa sao. Thôi thì anh ghi sổ, tạm uống Hòa Hiệp, có dịp tui trả gấp đôi.
@Đặng Huệ, có lẽ tui bị ảnh hưởng bởi 2 nguồn nên có tật đem phơi và ủ ấm hủ rượu.
1- Hồi xưa, má tui thường làm rượu chuối cho ba tui uống. Bà lấy chiếc chậu sành (đường kính miệng chừng 3 tấc, loại dùng đựng xương xáo), má tui trãi một lớp chuối sứ chín muồi xắt lát rồi đến một lớp múi chanh bỏ hột và vỏ trộn với đường cát phủ lên, cứ vậy khi hổn hợp cao hơn nửa chậu. Tui không để ý cân lượng, chỉ thấy má tui mỗi bửa sáng bưng chậu sành ra phơi nắng, có đậy vải the tránh ruồi nhặng, ban đêm bà dùng ny-lon đậy miệng chậu và dùng khăn dầy trùm mền và dằn thớt gỗ lên trên. Bà nói như vậy mẻ chuối mau dậy men. Tuy không bỏ men như cơm rượu, vậy mà chừng một hai tuần mẻ ủ đã bốc ra mùi rượu.
2- Bây giờ, chỗ tui ở hiện nay thời tiết hơi lạnh. Lâu lâu bà xả tui ủ cơm rượu, ủ bánh bò, nhồi bột bánh mì, tui thường thấy bả để thau ủ vô oven và mở bóng đèn soi sáng trong lò cho giữ ấm. Như vậy mà có hiệu nghiệm lắm, nếu không thì bánh nướng xong, đem liệng chó u đầu.
Hồi nhỏ tới giờ tui chưa từng biết làm một món ăn dù đơn giản như chiên trứng, nhưng nói chuyện bếp núc hơi nhiều là nhờ đạt danh hiệu chiên da cọ nồi và rửa chén. Ha…ha