BÊN CHÉN TRÀ TÂM SỰ VỚI HỒNG BĂNG
Hồi tháng trước, Phạm Đức Mạnh có đề nghị trang nhà mỗi tháng nên phỏng vấn một nhân vật, có thể là nhà thơ, nhà văn, một cựu học sinh của trường mà khá nhiều người biết để anh chị em biết thêm về người bạn của mình, hay người mình thích. Mấy tuần nay, chúng tôi chưa tìm được nhân vật để thực hiện theo yêu cầu, thì có vài người hỏi thăm về Hồng Băng, như vậy lấy HB làm nhân vật phỏng vấn sẽ thỏa được 2 yêu cầu của bạn đọc. Bài viết này của nhà nghiên cứu Ngô Nguyên Nghiểm đăng trong bộ sách tác giả và tác phẩm – Người đồng hành quanh tôi (quyển IV) gửi cho trang nhà nhằm “chữa cháy” cho SOS thiếu bài trong tháng 12 này. Do đó có những chi tiếc về tình hình văn nghệ Trà Vinh không liên quan đến TPH-VL (SOS)
Ngô nguyên Nghiễm (đứng), Hồng Băng (thứ 3) ngồi sau trò chuyện với HS Lê Triều Điển
NGÔ NGUYÊN NGHIỄM (NNN): Đề nghị nhà thơ Hồng Băng giới thiệu môi trường văn nghệ Trà Vinh, cùng những khuôn mặt bằng hữu tâm huyết suốt thời gian qua, ở các bộ môn nghệ thuật tiêu biểu làm sinh động nghệ thuật Đồng Bằng Nam Bộ và tỉnh nhà.
HỒNG BĂNG (HB)
Ngày xưa, ở Trà Vinh có một quán cà phê Giao Châu, nơi anh em văn nghệ thường lui tới để gặp gỡ và lạm bàn về văn chương mà không ngại những cặp mắt khó chịu. Trà Vinh vốn xanh màu lá sao phả rợp đường phố khi xuân về và mùa lá rơi, hoa sao bay vàng lộ. “Lục lộ” gom thành từng đống lớn. Chúng tôi khi còn thơ dại, nhặt hoa sao kết thành vòng, trao tặng nhau trong trò chơi dâu rể. Hồi ức ấy đã khiến tôi ủ ấp bài Hoa Sao. Thưa từ tận lá vàng buông; Nợ hoa sao, kết chỉ luồn. Từ em.
Giao Châu trong lịch sử của dân tộc Việt là một quận thời Bắc thuộc. Cái tên gợi lên nhiều điều, có cái gì như nỗi nhớ xa xăm, diệu vợi. Ở quán, tôi không thể quên được những ngày đầu tập tành làm thơ. Bức tranh vẽ một người con gái, tóc dài, có chim, có hoa, có trời chiều, nắng vàng nhạt và hai câu thơ nổi tiếng của nhà thơ kiêm họa sĩ Sa Vũ.
Nhớ Quế Dung nhớ chiều sông Cát
Mây cháy vàng nhuộm tóc hoàng kim.
Ẩn hiện trong ánh đèn hồng nhạt là cô gái có đôi mắt sâu, có cái mũi cao. Nét đẹp Tây phương trong cô, như một nàng thơ thanh thoát. Phải chăng cô gái ấy đã làm chàng trai nhút nhát viết nên những câu thơ để đời? Hay qua nàng thơ ở Giao Châu quán đã làm nên một Quế Dung ngày nào chợt thôi thúc người thơ?
Xưa, vì lớp người ngày ấy bây giờ đã già. Cái tuổi mà quá khứ luôn hiện về với một chút ngậm ngùi, một chút buồn vui. Ở đó, những Hoài Giang, Sa Vũ, Hồ Thủy, Lâm Minh Yến Ca, Phố Thu, Tô Nhược Châu, Hoàng Anh Tâm, Diệp Hồng Phương, Ly Chinh Việt, Phạm Vinh Ca, Phạm Tường Bá, Lãng Thanh, Tú Yên, Huỳnh Tâm Hoài… và cả Nguyễn Thành Xuân, một nhà thơ xứ khác, thường xuất hiện.
Trước đó, nhiều bậc tiền bối làm rạng danh quê hương. Một Trúc Phương với danh hiệu “ông hoàng Boléro”; Một Viễn Châu, người khai sinh “Tân cổ giao duyên”; Một Truy Phong với phong thái chững chạc làm chấn động thi đàn Việt Nam 1956 qua thi phẩm “Một thế kỷ mấy vần thơ”.
Còn bây giờ, rất tiếc là gần mười năm nay tôi không còn tới lui thường xuyên với anh em văn nghệ. Hoàn cảnh sống và có lẽ một chút tính khí khiến tôi không còn say mê như ngày nào. Tôi âm thầm lặng lẽ sống, lặng lẽ viết và… không lưu giữ những gì mình viết. Ngày mẹ tôi mất, tôi như hụt hẫng. Từ nay, trong gia đình, không còn ai gọi tôi bằng thằng! “Cái thằng đến bạc đầu rồi vẫn ham ăn như con nít”. Sự hụt hẫng ấy khiến tôi càng thu mình lại, khép kín hơn.
Có một giai đoạn, tôi được anh em đề cử làm Phân hội trưởng Phân hội Văn học Trà Vinh và gần đây, tôi thỉnh thoảng có đọc một vài bài của tạp chí Trà Vinh. Thành thật mà nói, anh em trẻ bây giờ làm thơ hay hơn chúng tôi ngày ấy. Có một xuất phát điểm tuyệt vời. Bên cạnh những Tăng Hữu Thơ, Thủy Nguyên, Trúc Phong, Lê Tân, là những Đặng Tấn Đức, Ngọc Vân, Nguyễn Thị Mây, Trần Dũng, Ngô Trọng Nghĩa, Châu Thị Cẩm Liên, Thế Ngọc, Ý Yên, Vĩnh An, Mã Giang Ba, Huỳnh Anh Thư, Trịnh Thị Phương, Trần Dũng Nhân, Lâm Vũ Thiên Nhiên, Lê Uyển Văn. Đặc biệt, có người đã khẳng định được tên tuổi khi còn rất trẻ: Nhà thơ Văn Triều.
Nối tiếp sau những Yên Hà (soạn giả), Phong Ba, Nhật Minh, Sa Vũ, Nguyễn Nhân là những Huỳnh Thanh Tuấn, Thạch Bồi, Nguyễn Ngữ. Hội Văn học Nghệ thuật Trà Vinh đang đi đúng hướng, một số anh em đã có được tập thơ riêng và Hội là nơi ươm mầm, phát hiện tài năng.
Tôi biết, có một ngày nào đó, tôi sẽ trở lại với Hội. Nơi có quá nhiều buồn vui của một thời. Tôi ước gì mình được quay trở lại ngày xưa để được ngu ngơ kiểu Diệp Hồng Phương viết cách đây gần bốn mươi năm: “Tôi ngu như thể con bò, lên yên xe đạp lò cò theo em”.
Nhân đây tôi xin cảm ơn anh đã cho tôi được sống lại, dù chỉ một quãng ngắn trong đời và mượn lời Phạm Công Thiện: “Chúng ta cảm tạ một chút mặt trời trên cao, cảm tạ một chút lá xanh còn lại, cảm tạ một ánh mắt nào đó của con người, một đóm lửa nào đó còn lại trong đêm thâu”.
NNN: Là một văn nghệ sĩ tiêu biểu của Trà Vinh, Hồng Băng có một bề dày sinh tử với văn chương, anh có thể cho biết quan điểm sáng tác, kể cả những tác phẩm đã ấn hành. Trong giai đoạn cật lực với văn nghệ, Hồng Băng có gặp trở ngại hay một kỷ niệm nào đáng ghi nhớ trong sự nghiệp của mình?
HB: Tôi làm thơ theo thứ tự: – Cho tôi và CÕI NGƯỜI, công việc làm thơ cho tôi được chiêm nghiệm những gì u uẩn nhất và mượn những con chữ để những tồn ẩn được phát tiết, thăng hoa – như một nhu cầu. CÕI NGƯỜI vốn vô thường nhưng luôn hiện hữu. Và, tôi luôn làm thơ. Tôi không nghĩ những mất – được riêng lẻ của người làm mình được – mất.
Hình như ông Đặng Tấn Tới có viết những từ rất siêu thoát: “Hết trơn”, “cái không tên”… Thấy hết trơn và đọc được cái không tên thì rõ ràng chẳng cần phải đi tìm – Thơ ắt định hình.
Rồi như lời nhạc Trịnh Công Sơn – “Gió cuốn đi” – Đi đâu? – Tôi nghĩ chắc chỉ loanh quanh bên CÕI NGƯỜI thôi!
Thi phẩm Kinh Cầu Chim Núi – Hương Xưa là những đứa con nhiều khuyết tật và được tôi thương yêu. Qua nó, những non kém đầu đời như một ưu điểm để nhận chân quá khứ. Chuyện đời văn nghệ, trở ngại là thứ thuốc… thử – Mình viết một đàng và người ta có quyền nghĩ một nẻo. Cái cách “thưởng lãm” thơ kiểu này vẫn còn tồn tại. Cỡ như Truy Phong còn thân sơ thất sở nữa huống gì tôi! Giải quyết ư? Tôi không cần phải giải quyết điều gì mình không gây ra, ít ra trong thơ. Và tôi đã ngộ ra rằng, tất cả đã êm thắm vì thời gian đã tạo được sự dồng cảm, vì ngày nay khác với hôm qua dù một sát na!
NNN: Anh có thể bày tỏ về giai thoại và cuộc đời nhà thơ Truy Phong và sự khổ tâm của tác giả Một thế kỷ mấy vần thơ. Ý kiến của các văn nghệ sĩ chung quanh sự kiện này?
HB: Một – Bên hàng rào kẽm gai ngăn cách ngôi chùa Khmer và đường đất có một tăng một tục đứng nói chuyện. Người mặc toàn trắng cho biết rằng ông đã đi tìm vị tăng kia nhiều lần. “Hôm nay gặp may, thầy tặng em tập thơ”, tựa thi phẩm “Con vẫn sống”.
Hai – Ngồi ở quán cà phê ven đường từ tinh sương là một trung niên. Anh một mình, trầm tư. Gương mặt vốn phong trần, nay lại thêm đầy vết thâm tím – Hậu quả của những bữa tiệc rượu.
Trời sáng bảnh mắt. Cửa nhà bên rục rịch mở và có một người bước ra. Anh trung niên bật dậy. “Tôi chờ ông hơi lâu” – Và cười! Anh thanh niên ngạc nhiên đứng quan sát rồi ồ lên “Tôi nhận ra anh rồi!”.
Sau đó kẻ đưa người nhận, líu ríu hàn huyên.
Nếu như quan tâm, khách quán có thể nhìn thấy tựa tập thơ “Đã chết nghìn thu tiếng nguyệt cầm”.
Ba – Một cao, một thấp song hành. Đôi đũa lệch ấy thân nhau từ lâu. Ông thấp người trao một khung ảnh trang trọng “Đây là bức ảnh chân dung hôm ở phế tích Bati. Tôi chụp ông đẹp không? Và đây là ký họa tôi nhờ ông Lưu Nhữ Thụy vẽ. Mai mốt khi cần có cái để mà sử dụng”.
Ba câu chuyện ấn tượng và gây xúc động nhất trên nẻo đường văn nghệ của đời tôi.
Người trao ảnh, bút ký ấy là nhà thơ Nguyễn Bạch Dương, nhà thơ nghèo nhất lúc bấy giờ.
Người trung niên trong câu chuyện lặn lội từ Bến Tre sang Trà Vinh tìm tôi, tặng tập thơ là Tô Nhược Châu. Cây đại thụ của thơ Vĩnh Bình ngày trước.
Cả hai vị này đều lớn hơn tôi non chục tuổi, vào làng văn trận bút khi tôi còn viết chữ chưa rành. Nhưng cả hai vị đều coi tôi như bạn thân.
Và vị cuối cùng: Nhà thơ Truy Phong (Dương Tấn Huấn), tác giả làm chấn động thi đàn Nam bộ 1956 qua tác phẩm Một thế kỷ mấy vần thơ. Ông người gốc Vũng Liêm, một huyện lỵ có lúc thuộc tỉnh Vĩnh Long; có lúc thuộc tỉnh Vĩnh Bình. Ngày nay Vũng Liêm thuộc tỉnh Vĩnh Long. Ông tham gia kháng Pháp cùng thời với nhà thơ Kiên Giang, nhà văn Sơn Nam. Sau đó ông về dạy học tại trường Thánh Gioan, rồi Trung học bán công Trần Trung Tiên. Nhà ông ở xóm Thanh Lệ nay thuộc Phường I, Thành phố Trà Vinh. Ở đây, ông sống trong cảnh thanh bần vui vầy bên các con. Đi dạy, ông mặc toàn trắng và khá nghiêm cẩn. Tôi học ông năm đệ tứ, môn Việt Văn. Để hợp thức hóa, học bạ của học sinh do một giáo sư khác ký (Bà Vương Thị Thu Ba, một giáo sư khá trẻ thời đó, ký thay ông). Điều này cho thấy thời ấy, mọi người tôn trọng chân tài hơn bằng cấp. Tên tuổi Truy Phong được người người trọng vọng.
Thời đi học, tôi chưa bao giờ là học sinh ngoan dưới mắt bất kỳ thầy cô nào. Tôi không coi kỷ luật nhà trường là cái phải tuân theo. Truy Phong vốn nghiêm khắc nên giữa thầy trò có một khoảng cách nhất định. Hơn nữa, tôi vốn ghét và dốt môn văn. Học hết đệ tứ, truyện Kiều tôi lõm bõm một vài câu!.
Năm 1973, sau một thời gian làm thơ, tôi in thi phẩm Kinh Cầu Chim Núi. Các bài “Đẹp mãi Trà Vinh” (đã lạc mất bản thảo) “Ngát khói hương thiêng”…. đăng trên các báo, giai phẩm, Chim Việt văn đoàn… được thầy khen. Tôi, từ lúc còn học cho đến khi xa trường, lần đầu tiên được thầy khen ngợi. Cả thầy và tôi đều xúc động. Có ai ngờ được đứa học trò vừa nghịch vừa dốt văn, bây giờ lại được khép nép, đứng chung thuyền với thầy.
Năm 1974, không còn cách nào khác tốt hơn, tôi thi và đậu vào Trường Sư Phạm Vĩnh Long, lại tiếp nối bước chân thầy. Tôi dạy và là Hiệu trưởng một trường cơ sở cấp I và II ở vùng ven biển Trà Vinh đến 1980 thì thôi việc vì gia cảnh.
Năm 1975, giải phóng miền Nam, cuộc chiến chính thức chấm dứt – Hòa bình đến với niềm vui vô bờ. Tôi trong nhóm sinh viên làm công việc thu hồi sách báo chế độ cũ. “Một thế kỷ mấy vần thơ” không ngoại lệ! Tôi nói điều này mà không chút trách cứ, hờn giận gì. Tôi hiểu giai đoạn lịch sử khắc nghiệt này và tôi đã làm hết sức mình để bảo vệ lẽ phải. Tiếc thay, hòa trong không khí cuồng nhiệt sôi nổi thời ấy, tiếng nói của tôi chừng như lạc lõng và mấy câu thơ của Truy Phong, được trích đoạn, dẫn chứng… như một sự thỏa hiệp với giặc Pháp!
Bây giờ anh xuống tàu binh
Trăm năm chuyện cũ thôi mình bỏ qua
Và trích đoạn ấy làm thi sĩ Truy Phong thân sơ thất sở, ông tự buộc mình phải quay về cố xứ ngậm ngùi:
“Có kẻ chiều nay về cố xứ
Âm thầm… không biết hận hay vui?”
Ông đã khởi đầu bài thơ, tiễn chân người lính viễn chinh Pháp. Và chắc ông không ngờ rằng, như một điềm dự báo, cho chính mình!
Về cố xứ, ông vẫn chưa được bình yên. Những đố kỵ hiềm khích vẫn bủa vây lấy ông. Người ta công kích cả thái độ sống. “Anh hỏi ông Truy Phong à?- Tôi biết! Ông ta không làm gì hết ngoài chuyện đọc sách!” Tôi hỏi, “Anh đến đây tìm ai, làm gì?” – “Gửi bài đăng báo, thể loại văn xuôi” – “À, thế anh viết cho ai đọc?”.
Im lặng! Tôi bồi câu cuối cùng! “Chúng mình cần những ông-già-tối- ngày-đọc-sách ấy lắm!”.
Những bài viết hàm ý nhắc đến Truy Phong cũng đều bị khó dễ! Có lẽ anh VCT biết chuyện này nhiều hơn tôi, vì VCT là tác giả “Cánh cò trắng trên bầu trời Thị xã”. Bài đã bị gác lại! Tôi có đọc một lần, hình như trên báo bướm của VCT.
Tôi, Nguyễn Bạch Dương, Huỳnh Tâm Hoài có được may mắn đến thăm ông. Ông yếu lắm rồi, nhìn tôi: “HB ơi, HB ơi, lâu lắm rồi mới gặp lại!”.
Và tôi thấy mình như có lỗi lớn với thầy.
Ông qua đời giữa vùng cù lao sông nước. Tôi nghe rằng, giữa hương khói tiễn biệt, có khá nhiều người sám hối. Một kết thúc có hậu cho Thầy tôi. Tôi mừng vì lời sám hối muộn màng ấy, nó giúp tôi tin vào cuộc sống này, yêu cuộc sống này nhiều hơn. Nghe lời sám hối ấy, tôi tin chắc thầy lại buông một câu thơ thuở nào:
Trăm năm chuyện cũ thôi mình bỏ qua
Và
Ô rờ voa!
Sông nước cù lao ngày đêm mang phù sa bồi đắp. Ở đó, cây bao dung, cây nhân nghĩa mọc lên dưới ánh sáng mặt trời, vạm vỡ và xanh mướt, ngời ngời tinh khôi.
Ô rờ voa! Chỉ là tạm biệt!
Sẽ gặp lại Một Thế kỷ mấy vần thơ, Thái Bình trả lại, Con vẫn sống!
Truy Phong vẫn còn đó.
NNN: Thời đại công nghệ thông tin, giúp biến đổi cả đời sống tâm lý, vật chất, kể cả tinh thần. Riêng địa hạt Văn học nghệ thuật, cũng có quan điểm mới của sáng tác, điển hình, phong trào sắp đặt, tân hình thức, hậu hiện đại. Nhà thơ Hồng Băng có chính kiến gì?
HB: Câu hỏi quá khó! Tôi xin được dài dòng giải bày:
Thế giới phẳng hơn và con người “có khi” cần thích nghi để tồn tại. Sự đổi mới đòi hỏi phải giũ bỏ những gì kém cần thiết và hiểu biết những gì cần thiết, sẽ cần thiết. Điều này, có khi đòi hỏi sự hy sinh!
Từ một cực này sang một cực khác thường đem đến sự hụt hẫng vì thiếu một vạch nối, tôi tạm mượn chữ người xưa Trung dung.
Theo tôi, muốn tân hình thức, hậu hiện đại, siêu hiện đại… gì gì đi nữa cũng phải nhớ rằng: Không tôn trọng hiện tại thì không có siêu hiện đại đâu!
Trở lại phần đầu, tôi nói “có khi” và không hẳn ta phải thay đổi vô điều kiện. Có những cái vốn vậy vẫn vậy. Không nhất thiết phải hăm hở thay cơm bằng bánh mì. Có khi lại phải ăn cơm bằng thứ gạo xay thô mà ở quê tôi, cách đây năm mươi năm vẫn thường ăn, như lời khuyên của y học Hiện đại. Đọc “tuyên ngôn” của một hãng bảo hiểm “Hãy lắng nghe và thấu hiểu” tôi chợt liên tưởng đến Đức Quán Thế Âm. Phải chăng có những điều ta tưởng đi sau, hiện đại hóa ra là cái đã có, từ lâu?
Mục đích sáng tạo là để giải phóng chính mình / và truyền đạt / có hiệu quả nhất. Sẽ chu toàn khi có sự chia sẻ, hòa nhập… Và có khi được người thưởng lãm nâng lên. Họ liên cảm theo tâm trạng của chính họ, đôi khi vượt quá tâm ý của tác giả. Đọc một bài thơ viết về vườn trầu, hàng cau… độc giả có thể liên tưởng đến người vợ đã khuất. Họ nghĩ đến lễ cưới ngày xưa của họ với rộn ràng nghi thức. Độc giả khác nghĩ đến bà ngoại già với trăm ngàn kỷ niệm thời tuổi nhỏ. Ai mà biết được họ nghĩ gì! Khi thời gian chồng chất, mười năm sau họ lại cảm bài thơ ấy khác hơn, tái tạo nữa!!
Ngôn ngữ của nghệ thuật vốn xúc tích, gợi cảm, hàm chứa tính tượng trưng, cho nên: sắp đặt, tân hình thức… cũng nhằm mục đích tốt đẹp ấy, mới lạ hơn, hấp dẫn hơn. Sự lĩnh hội của người thưởng lãm sẽ quyết định tồn tại hay không tồn tại sự thay đổi này.
Với thơ, không chỉ là sự liên kết của những con chữ mà còn phải phả cái thần khí để chuyển cảm nữa. Người vẽ một bụi cỏ, hồn mùa thu không về. Ai thổi lên cánh hoa vàng run run nhịp thở, Cúc bay vào bữa tiệc ly.
Thơ trong tôi, nơi chốn của trầm tư, quan hoài. Thơ hay sự trở về, hoài niệm… Tôi yêu “Thăng Long Thành Hoài Cổ” của Bà Huyện Thanh Quan, Tôi yêu “Tình già” của Phan Khôi… là vì thế. Không gian ấy có thể không là đền đài, không trang nghiêm như đình chùa miếu mạo nhưng dứt khoát nó không là nơi dung chứa, trú ngụ của những hàm hồ, thô tục, nhầy nhụa.
Có thể có một Picasso thống trị hội họa như một hoàng đế mà tôi chưa bao giờ là một thần dân! Đơn giản: Tôi không hiểu ngôn ngữ của Ông. Có thể Ông đã đi trước thời đại – Tôi cần có điều kiện. Tôi cần có thêm thời gian.
Họa sĩ, Thi sĩ: Những đấng tiên tri?
Tôi nghĩ, có lẽ thế!
Có thể tôi lạc hậu rồi chăng?
NNN: Anh có đột biến gì cho thời gian sắp tới về sáng tác và giới thiệu tác phẩm mới? Hơn 10 năm nay, Hồng Băng chưa trình làng thêm đứa con tinh thần nào, phải chăng đang thai nghén vài công trình văn học, như bằng hữu trân trọng báo tin?
HB: Sau khi in tập thơ Hương Xưa năm 1993, tôi bị hụt hẫng nhiều. Nó không như ý mình muốn. Một số bài thơ bị mất đi. Số bài còn lại thì… không nguyên vẹn mà tôi không rõ lý do. Không thất vọng sao được, vì như anh đã biết, hai mươi năm sau tập “Kinh cầu chim núi” mới có tập Hương Xưa. Từ đó đến giờ, cũng gần hai mươi năm rồi, tôi vẫn chưa in tập thơ nào. Theo chu kỳ, có lẽ 2013 chăng? Hy vọng là thế! Và chắc vẫn là thơ thôi, nhưng mang diện mạo khác.
Mới đây mà đã sáu mươi năm trôi qua rồi. Trà Vinh còn nhiều thứ để viết lắm. Sự thay đổi với tốc độ cao của xã hội khiến mình mệt nhoài, nếu không muốn bị rớt lại. Sẽ làm một tập văn xuôi, ghi chép những vặt vảnh về sự khác biệt trong quãng sống mà mình là nhân chứng: “Trà Vinh trong trí nhớ”- để dành cho lớp sau kịp biết rằng cha ông đã sống, đã nghĩ, trên vùng đất như thế. Nhớ đâu viết đấy, cố gắng không bỏ sót.
Rồi mảng giới thiệu văn hóa Khmer cũng còn nhiều điều để bàn. Hát ru con, Sala như một trạm dừng chân, Núi cát núi lúa trong Chôl Chnam thmây… Trên tạp chí “Xưa và nay” cách đây vài năm, tôi có viết về OT OM BOCK. Bài viết không đi vào chi tiết lắm vì một vài lý do riêng. Mà chi tiết, biết mở rộng cũng thú vị lắm. Quý vị có biết đôi đũa ăn cơm của người Khmer xưa, điều gì là đáng để ý? Lý thú không? Đọc trên báo Sinh viên, thấy người ta viết về quý sư người Khmer, mặc áo vàng, dép vàng, ca uống nước cũng phải màu vàng… Cái này không đúng đâu. Phải cải chánh. Cụ Vương Hồng Sển viết quan Bố Chánh Trần Trung Tiên chết tại chùa Long-ô. Xứ tôi làm gì có Long-ô?
Tản mạn cùng anh một chút. Mà muốn như thế, có nhiều lắm không? Nếu 60 năm là tròn một vòng đời, thì hình như tài khoản chính đã hết, đã ò í e. Cái còn lại là tài khoản khuyến mãi thôi. Kịp không?
Đọc Kinh Thánh thấy có câu “Hãy gõ, sẽ mở”.
Tôi tha thiết hơn: “Tôi đang gõ và tôi hy vọng sẽ mở”.
Tôi tin mình làm được, cái mà tôi cần là một chút nhân duyên.
NNN: Xin cám ơn nhà thơ Hồng Băng!
NGÔ NGUYÊN NGHIỄM thực hiện
( Trích Tác giả và Tác phẩm NĐHQT IV2012)
BÀI VIẾT RẤT MỚI VÀ RẤT HAY, CHÍ TÌNH CHÍ NGHĨA, THẮM THIẾT NHIỀU LẮM, TUY ĐỌC THẤY NGẮN NHƯNG KHÔNG NGẮN, HÓA RA CŨNG KHÔNG DÀI, TRÒN Ý TỨ.
CỮA CỦA ÔNG ĐÃ MỞ TỪ LÂU RỒI, CÒN GÕ CHI NỮA, Ý VIẾT LÀ CÓ NGAY CÒN ” Ò Í E ” GÌ NỮA
HAY QUÁ CHỪNG, CŨNG LẠ NỮA, MÓN ĂN NGON
Nghe nói Hồng Băng có tập Trà Vinh trong trí nhớ, không biết có in chưa ? Nếu như chưa in thì giời thiệu với bạn bè trong trang nhà xem cho biết, nhất là phong tục của người Khmer.
Sẵn đây , nhắc ông Mập hay ai đó nên viết thêm về “Vĩnh long trong trí nhớ” chắc có nhiều người thích <NT>
Anh Hồng Băng
Tôi hân hạnh và mừng khi quen được nhiều bạn có bề dày sinh hoạt văn nghệ như HB, PT… dù chỉ qua không gian ảo.
Tôi phải cần năm mươi bảy năm nữa mới theo kịp HB bây giờ, theo kịp số lượng thời gian sinh hoạt chứ không đề cập đến mặt khác. Eo ơi! Đã thất thập cổ lai hy rồi đừng có mơ. (NHA)
KÍnh anh Trương Mẫn,
Đa tạ anh có nhận xét về bài phỏng vấn. Thực sư.tôi vẫn còn nhiều hạn chế, có những lúc không viết được, dù rất muốn. Dự định viết Travinh trong trí nhớ đã lâu nhưng đến nay không có một chữ. Tôi không biết bắt đầu từ đâu. Có lẽ phải chuyên nghiệp hóa, tức lập thẻ, đặt ra giới hạn…rồi thực hiện. Đã đến lúc không còn hẹn hò gì nữa rồi. Qua tết, tôi cố gắng mỗi ngày vài mươi dòng cho mục này và không thường xuyên cho những điều còn lại, như thơ chẳng hạn. Thân kính. HB
Ngọc Thu thân mến, Nói Trà Vinh trong trí nhớ chứ thực ra có khác gì Vĩnh Long đâu! Tuổi thơ chung ở đâu chẳng vậy. Thanh niên thì brillantine, bà cụ thì dầu dừa, chai dầu đồng tiên. Bệnh thì có ngọai cảm tán ba con cò, bồi cơ hay Tiêu ban lộ hiệu con nai đen, rồi cứu cấp đơn, bạc lục thần thủy. Cô gái thơm Importel..Riêng mảng Khmer thì quên nhiều nhưng cố gắng, hy vọng giúp con cháu biết để chúng biết cái giá của sự tiến bộ. Thân. HB
Quý anh chị có thể cho em xin số liên lạc hay email của chú Hồng Băng được không . em có chuyện cần hỏi chú giúp.
Em cám ơn
Thân chào em Long,
Mình đã đọc P/h của Long. Nếu câu hỏi của Long không có gì riêng tư, Long có thể trình bày tren trang nhà này để mọi người cùng giúp. Còn kg thì, cứ gửi mail: [email protected]
Vì khong biết yêu cầu của Long nên không hứa trước được điêu gì nhưng sẽ cố gắng, trong những gì mình có thể. Chúc Long nhiều sức khỏe.
Hồng Băng