Lúa tui tự nghía
Nhân sự kiện trang tongphuochiep – vinhlong vượt qua con số hai triệu lượt người xem và cũng gần thời điểm hai năm ngày Lúa tui lần đầu tiên trong đời mang bút múa may sân nầy vào tháng 12/2011(tiền thân là trang 71). Một Lúa có đôi điều tâm tình với bạn đọc, bạn viết và với Người Ngoài Ngõ (3N). Bài bình luận của 3N có quá nhiều điều để Một Lúa ngấm dần mà suy ngẫm nghĩ. Việc thế sự bao la thì tạm thời Lúa chưa nghĩ tới. Thôi thì tự ngắm mình trước, bởi chuyện của riêng mình nên nhớ tới đâu thì viết tới đâu, mong anh chị em thông cảm cho.(ML)
Suốt gần hai năm làm quen với chữ nghĩa, điều mình cần phải nói là sự giao dịch nầy rất công bằng và hào sảng. Không như vác lúa hay chèo ghe là những công việc hạn chế tùy theo sức khỏe và bền bỉ cá nhân. Thu hoạch văn chương thì không cần vai u thịt bắp theo kiểu mạnh thì vớt nhiều, yếu thì lượm ít. Mà là một công việc tranh đấu với chính bản thân, “vượt qua chính mình” bao xa, bao cao tùy cố gắng và may mắn. Mình không có may mắn bụng chứa văn chương phong phú của thiên hạ như biển hồ (Tonlé Sap) lai láng. Trời cho chi phải dùng chi, dù với vài chiếc bình-ton trong ba lô, mình cũng phải ráng mà hứng văn chương cho đầy để xài trên hành trình nắng hạn.
Có lần mình mượn câu châm ngôn “văn ôn võ luyện” để thoái thoát anh Lương Minh. Nhằm muốn nói là văn chương, nghệ thuật hay kỷ thuật đều được xây dựng trên bề dày học hỏi, thu thập và tôi luyện trong quá khứ như người ta vẫn thường hay nói. Mà quá khứ về văn chương văn hóa của tui nó mỏng tang và bở rẹt như tờ giấy quyến thì lấy nền tảng gì viết lách. Ông chủ chợ LM nói rất nhiệt tình, đại ý: “anh cứ viết đại, viết y như những gì anh vừa nói với tui, anh viết cở nào tui cũng đăng được, miễn là đừng thuỗng của người ta”.
Nhờ sự khuyến khích nầy mà những đường múa may cho dãn gân cốt thu lượm ở Ấp Năm lần lần đi vào bài bản trơn tru mạch lạc một chút. Cũng “cái thủa ban đầu lưu luyến ấy”, mình xây dựng quá khứ khiêm nhượng bằng từng bước của hiện tại, mà hôm nay Lúa tui mạnh miệng khè bà xã, tui cũng nhiều chuyện với cô bác được hai năm.
Lâu nay ở Mỹ, dân a-ma-tơ vẻ tranh có thể mua những tờ giấy in tranh vẻ, dùng làm mẫu cho việc sang lại nghệ thuật trên khung vải trắng bằng màu nước hoặc sơn dầu. Nếu chọn tranh bằng cở với khung vải của mình thì tốt, ai không tin vào mắt mình có thể sao y chính xác thì dùng bút chì vạch những đường ngang dọc tạo những ô vuông nhỏ tương ứng tỷ lệ trên hai diện tích có liên hệ với nhau. Rồi mò theo tọa độ để phác họa bằng bút chì và trét màu lên khung vải. Cho dù không khớp 100% chi tiết hay màu mè sai lạc so với bản mẫu, nhưng chắc chắn tác phẩm mà mình hùn vốn nghệ thuật với người ta, khi hoàn thành phải nói là le lói trong giới nghiệp dư, hay có thể là cực phẩm trong giới những người chưa chừng cầm cọ.
Mới đây ở Việt Nam, người chưa từng trãi qua may vá thêu thùa miễn là có lòng kiên nhẫn, họ ra chợ mua về những mảnh vải dệt theo kỷ thuật chuyên dùng, trên đó in sẵn tranh cảnh và hướng dẫn ký hiệu màu rõ ràng, nam phụ lão ấu nhìn theo số màu in để chọn chỉ thêu mủi chữ x trên canh vải. Xong xuôi chỉ cần giặt trôi chứng tích của nhà sản xuất, khi đó tấm vải thêu sẽ hiện lên thành quả xuất sắc của mình.
Nhưng ở Mỹ lẫn Việt Nam, Lúa tui mượn người tìm từ chợ trời đến online, từ tiệm sách trữ thiên chương vạn quyển và cũng không bỏ qua chạp phô có những thùng sách cũ xì, chưa bao giờ có ai thấy được loại sách dạy viết truyện ngắn có chức năng giống như những mẫu vải thêu “đồ” họa.
Lúa tui sanh nhằm thời kỳ không có điều kiện thì mình tự lo điều kiện, nên dù sống kham khổ cũng phải nghĩ cách mày mò chế biến. Vì vậy trong bầu trời văn chương bao la nầy, không ai tạo cho mình cái khung định hướng thì tự mình ráng mà tạo lấy. Chỉ còn cái khó về rào cản ngữ pháp và vốn liếng từ ngữ tưởng chừng không thể vượt qua.
Lúa tui sanh ra từ ruộng đồng, lớn lên hai thời kỳ cũng từ chỗ quê mùa. Tuy gần gũi ruộng đồng nhưng Lúa chưa từng rớ tay vô việc làm nông nghiệp. Nên nhiều khi nói về ruộng rẫy thì mình kiếm những người nông dân mà hỏi thăm những điều muốn viết. Mình chỉ đưa lên những vấn đề có tính phổ thông, nên đâu cần phải sợ bà con xạc-tẩy “ông biết gì nông nghiệp mà bày đặt nói về cây cỏ”. Vì vậy mình cứ nương theo nguyên lý của “mười sáu trăng tròn” mà bổ tới, còn việc tại sao nó tròn hay méo thì bàn tới làm chi.
Lúa chỉ lo nhất, mình đến nhà bạn bè ăn nhờ một bữa, no nê phủi mông ra về để lại cho gia đình người ta lục đục bất hòa. Cũng vì lo lắng chuyện nầy mà Lúa cứ ghé lại hoài, mục đích chỉ để dò xét tình hình sau bữa cơm ké hôm qua.
Nhiều khi Lúa tự hỏi, tại sao mình hay ngứa tay múa rìu qua mắt thợ. Nhưng nhiều khi mình cũng tự nghĩ, thợ không múa thì tay ngang nhảy lên múa chớ sao, sân khấu để trống làm chi cho uổng tiền điện đóm.
Một Lúa
Mẫu vải thêu mủi chữ x thời công nghiệp vi tính
Một bức tranh vẻ theo kiểu “đồ” họa của một tay cầm cọ nghiệp dư.
Hai cháu Mạ Non đang bắt đầu bồi đắp cho “bề dầy” nghệ thuật tương lai. Không như ông của chúng nhảy rào cao quá trể.
Tôi không biết ông Một Lúa có nói thật không, chứ trong trường hợp này thì tôi mắc cở quá. hai năm cầm bút mà nội lực như vầy chắc là ông có “linh chi, dược thảo” bảo vật hàng trăm năm nên mới đạt như vậy.
Trở lại chuyện viết văn của một người hai năm tuổi nghề, không biết bạn đọc nghĩ sao chứ SOS phục sát đất. những từ ngữ dân dã từ nông thôn được tác giả dùng trong cái kiến thức uyên bác, tạo ra phong cách riêng. Tôi không dám dài dòng phê bình ở đây, nhưng bạn đọc hãy để bên cạnh ly trà, nhâm nhi từ câu của bài sẽ thấy . Cụ thể như ngay câu cuối “sân khấu để trống làm chi cho uổng tiền điện đóm.”
Tác giả đưa ra kinh nghiệm viết văn rất hấp dẫn và xác thực . Đọc bài viết của bạn ML lòng tui thấy rất vui và đúng như lời SOS nói bạn đã ăn “dược thảo ngàn năm” nên đạt nội lực trăm năm. Xin bái phục. (PT)
Chào hai anh Phú Thạnh và Lương Minh, Tui mét ông 3N rồi đó, hai anh đưa tui lên cao quá hớp, tới chừng tui trèo xuống phải cong giò chu cái bàn tọa như thằng bé Sì-pa-nít ở Philadelphia hai mấy năm xưa thì dậy sóc. Đã viết bài gửi SOS rồi đó, nhớ đọc và cho ý kiến.