Những đóa hoa hồng màu hồng trong ngày Vu Lan
Vu Lan báo hiếu không chỉ có ngày rằm tháng 7 âm lịch, mà các phật tử thiệt ra sống trong cả một mùa Vu Lan, kéo dài cả tháng 7 hay chí ít là nửa đầu tháng 7 cho tới ngày rằm. Đó là mùa để những người con báo hiếu cha mẹ. Lẽ tất nhiên chuyện báo hiếu là quanh năm suốt tháng chớ không phải chỉ màu mè trong một mùa hay một ngày rằm tháng 7. Mùa Vu Lan tháng 7 chỉ là đỉnh điểm của lòng hiếu thảo và mang tính nhắc nhớ.
Từ lâu rồi, Vu Lan ở Việt Nam gắn với tập tục bông hồng cài áo. Người ta kể rằng cái tập tục tốt đẹp này đã bắt đầu từ năm 1962 ở Saigon, do Thiền sư Thích Nhất Hạnh khởi xướng và ông cũng đã gắn tên mình với một bài viết bất hủ có tựa đề “Bông hồng cài áo”. Chuyện kể rằng trong một lần sang Nhật trước đó, khi đi vào một nhà sách đúng ngay Ngày của mẹ (Mother’s Day), thiền sư đã được một cô gái Nhật cài lên áo tràng một bông hoa màu trắng. Sau đó, ông được bạn giải thích là ở Nhật vào ngày đó, ai còn mẹ thì được cài hoa màu đỏ, ai mất mẹ rồi thì cài hoa màu trắng. Vậy là từ mùa Vu Lan 1962, nghi thức “bông hồng cài áo” này được du nhập vào Việt Nam.
Theo tập tục, vào ngày Vu Lan, các phật tử cài cho các nhà sư bông hồng màu vàng, bày tỏ lòng kính Phật. Còn bông hồng màu đỏ hay trắng được cài lên ngực áo những ai còn mẹ hay mất mẹ.
Tôi thì muốn có thêm một loại bông hồng màu hồng để tặng cho các cô dâu thảo, chàng rể hiền hết lòng phụng dưỡng mẹ của người bạn đời mình. Ngộ nhỡ có ai thắc mắc tại sao lại là màu hồng ư, tôi xin thỏ thẻ trả lời rằng đó là màu dung hòa của màu đỏ và màu trắng.
Trong cuộc sống có biết bao tấm gương những dâu thảo, rể hiền như vậy, cho dù có lúc có nơi vẫn có những bà mẹ chồng, mẹ vợ bị con dâu, con rể hắt hủi, đối xử còn tệ hơn… vợ thằng Đậu.
Thiệt ra thì không có lửa làm sao có khói. Trên đời này cũng có những bà mẹ chồng là nỗi ám ảnh cuộc đời của những cô con dâu. Thậm chí có một số bạn gái trẻ nửa đùa, nửa thiệt rằng: một trong những thông tin mà họ muốn biết nhất từ đối tượng là “còn mẹ” hay không? Có câu chuyện tào lao rằng: một anh chàng đẹp trai, nhà giàu, học giỏi, chức cao, quyền trọng khi tỏ tình với cô bạn gái đã khoe hết tất tần tật mọi ưu điểm của mình. Cô nàng chỉ phán nhè nhẹ nhưng nặng lòng rằng: “Tiếc quá, anh vẫn còn có mẹ!”
Trong kho tàng chuyện dân gian Việt Nam có tích chuyện Thoại Khanh – Châu Tuấn đề cao đạo lý vợ hiền, dâu thảo (và cả chồng ngoan nữa). Chuyện kể rằng Thoại Khanh là một phụ nữ xinh đẹp, có tài văn chương lấy chồng là Châu Tuấn. Chắc bị gã có quyền chức nào đó “canh me” cô vợ ngon như “cơm chiên Dương Châu” của mình, Châu Tuấn đã bị đày đi sứ 17 năm. Thoại Khanh cõng mẹ chồng đi tìm chồng. Trải qua bao nhiêu chông gai, gian khổ, hiểm nguy, đói rách của những ngày tháng lưu lạc, nàng vẫn một lòng phụng dưỡng mẹ chồng. Có lần trong rừng, không còn gì để ăn, Thoại Khanh đã lén cắt thịt mình nấu cho mẹ chồng khỏi chết đói. Còn chàng Châu Tuấn thi đậu trạng nguyên, được cả hai ông vua Tống vương và Tề vương gả công chúa cho, nhưng chàng vẫn một mực khước từ vì không muốn phụ bạc người vợ thuở hàn vi. Cuối cùng giống như các chuyện cổ tích kết thúc có hậu khác, mẹ con trùng phùng, vợ chồng đoàn tụ. Nhờ thủy chung và nghĩa khí, Châu Tuấn đã được mần chồng cả Thoại Khanh lẫn 2 nàng công chúa, rồi còn được làm vua. Nhờ tiết hạnh và thảo hiếu, Thoại Khanh vừa có chồng được mần vua, vừa làm sếp của hai nàng công chúa. Khó có một happy-end nào đẹp hơn thế! Tôi thì rút ra được một bài học sống đời cho riêng mình thôi: Thoại Khanh và Châu Tuấn đều là những người biết nhìn xa trông rộng và không mê đầu tư mạo hiểm cho dù có biết bao cám dỗ, món hời!
Thiệt ra, để tốt cho tất cả và có giá trị bền vững thì câu chuyện dâu thảo, rể hiền phải là một mối tình đa phương. Người mẹ đã yêu con mình thì cũng cần yêu cả vợ hay chồng của nó, vì đó chính là người sẽ chăm sóc cho cục cưng của mình về lâu về dài, đồng thời không biến con mình trở thành cái thớt để vợ hay chồng nó vung dao chém vì giận cá. Con dâu, chàng rể đã yêu chồng, yêu vợ mình thì cũng phải biết yêu kính người đã “sản xuất” ra “một nửa yêu thương” của mình. Người con cũng phải hành xử ra sao để mình không biến thành cái cớ khiến “người dưng khác họ” và mẹ mình hậm hực nhau.
Vì thế tôi cứ muốn được gắn những bông hồng màu hồng cho những dâu thảo, rể hiền, nhất là khi mà họ dường như đang ngày càng hiếm đi trong thời buổi xã hội đầy nhiễu nhương và đảo lộn nhiều chân giá trị!
PHẠM HỒNG PHƯỚC
(Saigon Vu Lan 21-8-2013)