Hai người bạn, một chuyến đi… giờ chỉ còn là hư ảnh
Mấy bạn đồng nghiệp tự dưng nổi hứng xới lại những kỷ niệm xưa. Tôi lục lại tàng thư các của mình nhìn ngắm những tấm ảnh tư liệu cũ, lần giở lại từng trang kỷ niệm… Và đắng miệng, xót lò…ng khi biết tin có hai người bạn trong một chuyến đi của mình nay đã vĩnh viễn ngừng cuộc rong chơi.
Đó là độ cuối tháng 10 và đầu tháng 11-2007, tôi cùng một số đồng nghiệp trong Nam ngoài Bắc được Samsung Vina mời đi thăm tổng hành dinh của Samsung ở Hàn Quốc, sẵn dịp rủ rê nhau ngao du sơn thủy trên đất nước Cao Ly. Chúng tôi đã đặt chân tới thủ đô Seoul rồi các thành phố Suwon, Gumi và Busan trước khi lên đảo du lịch Jeju. Hai nhân vật mà tôi nói ở đây là cô Kim, hướng dẫn viên người Hàn Quốc, và anh An Duyệt, Trưởng ban Thời sự đài Truyền hình Việt Nam VTV.
Cô Kim (một trong 3 cái họ phổ biến nhất ở Hàn Quốc) là một tour guide bản địa, nói tiếng Anh. Dáng người dong dỏng cao, cô rất tận tình chăm sóc cho mọi người. Điều gây ấn tượng nhất là bên cạnh vốn kiến thức sâu rộng, đặc biệt là về văn hóa và lịch sử, cô Kim còn thể hiện được tình yêu nước sâu đậm. Nhưng đáng nói hơn cả là cô biết truyền “lửa” cho những du khách phương xa, giúp họ cảm nhận được những độ rung tinh tế của văn hóa dân tộc Triều Tiên, cũng như trân trọng lòng tự hào và tình yêu Tổ quốc của cô. Trước nay, anh Nguyễn Văn Đạo, Phó Tổng giám đốc Samsung Vina, luôn định hướng là các Press Tour của công ty vừa bổ sung thêm những kiến thức công nghệ mới, vừa giúp khám phá những đặc trưng văn hóa của những nơi tới thăm thú. Cô Kim đã làm rất tốt yêu cầu này.
Cô Kim hướng dẫn đoàn nhà báo Việt Nam khi ở thăm Seoul và đi theo đoàn cho tới Busan. Khi đoàn bay ra đảo Jeju, cô quay về Seoul để sau đó tiếp tục hướng dẫn lúc đoàn quay trở lại Seoul.
Tôi còn nhớ một chi tiết rất nhỏ: trong thời gian đầu tiên tiếp xúc, cô Kim giải thích lý do vì sao gương mặt đàn ông Hàn Quốc khó đăm đăm, hay quạu quọ. Lý do là họ rất cực khổ để làm lụng kiếm tiền nuôi gia đình trong thời buổi kinh tế suy thoái.
Trong ngày cuối của đoàn ở Seoul, cô Kim đã cho hai cô con gái của mình cùng tham gia đoàn khi đi tới thăm khu phi quân sự DMZ Bàn Môn Điếm (Panmunjeom), đường hầm mà miền Bắc Triều Tiên từng đào với âm mưu chuyển quân sang miền Nam và nhà ga xe lửa Dorasan – ga cuối cùng sát biên giới hai miền.
Sau chuyến đi này không lâu, cô Kim đã mất vì bệnh ung thư. Cứ y như phim Hàn Quốc. Nhưng cũng có thể nói là phim Hàn Quốc đã kể những chuyện có thiệt.
Anh Mr. Dao viết trên Facebook: “Đối với tôi, ấn tượng mạnh nhất trong chuyến đi này là cô Kim, tour guide người Hàn Quốc. Chưa thấy người tour guide nào có tinh thần yêu đất nước của mình như cô. Nghe cô thuyết minh về khu DMZ và ý nghĩa khối cầu bị nứt đôi, mọi người đều như cảm thấy lòng khát khao cháy bỏng yêu quê hương, yêu hòa bình và ước mong thống nhất đất nước của cô!”
Còn anh An Duyệt thì ngủ chung phòng với tôi trong suốt chuyến đi. Hai anh em có nhiều chuyện để kể cho nhau, từ những trăn trở chuyện nghề tới những sẻ chia chuyện đời. Chúng tôi đã bắt đầu quen biết và gắn bó với nhau từ chuyến cùng Samsung Vina đi Singapore dự triển lãm di động Communic Asia 2004. Buổi tối tại thành phố Busan, trời lạnh, hai anh em rủ nhau đi lang thang ngoài phố. Cuối cùng, cả hai cùng ghé vào một quán lều dựng bên đường phố vào buổi chiều tối để cùng ăn thịt nướng, uống rượu sochu. Bà chủ quán coi mòi kết ông anh của tôi và liên tục cụng ly với anh tới mức anh Duyệt càm ràm: “Bả uống dữ quá, anh em mình mua chai rượu mà bả uống gần phân nửa rồi!”
Khi trở lại Seoul, phát hiện một góc chụp ảnh có thể thấy tháp ăngten truyền hình Seoul, tôi đã nói anh Duyệt đứng cho tôi chụp một tấm ảnh lưu niệm. Nhà đài Việt Nam giao duyên với nhà đài Hàn Quốc mà.
Sau chuyến đi chung cuối cùng đó ít lâu, anh Duyệt nghỉ hưu rồi qua đời vì bệnh.
Bạn Mai Trang ở báo Hà Nội Mới nhớ lại: “Trước ngày anh Duyệt mất, như linh tính mách bảo: hôm đó bác Đạo đến tận nhà thăm bác Duyệt. Nghe chị Thủy (vợ anh Duyệt kể lại), hai bác hàn huyên bao chuyện, kể cả thời làm chuyên gia ở Campuchia. Chị Thủy bảo: không ngờ đó là buổi nói chuyện cuối cùng. Rồi ít ngày sau nhập viện và anh Duyệt cứ thế lịm đi!!!”
Tôi viết và post những tấm ảnh tư liệu này như những nén hương lòng của mình gởi tới hai người bạn đã về nhà trước! Chúng tôi không bao giờ quên hai người đâu! Riêng tôi với anh An Duyệt thì có những kỷ niệm rất riêng mà… sống để bụng, chết mang theo, ai biết mà hỏi thì có thể khai!
PHẠM HỒNG PHƯỚC
(Saigon 30-8-2013)
H1
H2
H3
H4
H5
LA rất có cảm tình với tất cả những bài viết của anh. Tuy đoạn hồi ký nầy hơi buồn nhưng câu kết vẫn tặng cho đọc giả 1 nụ cười thoải mái. Nhiều khi, chỉ cần đọc lời tựa bài viết của anh, cũng thấy vui vui. Anh đúng là 1 phóng viên chuyên nghiệp, hiểu biết rộng nhưng không khoe khoang, và luôn dùng lời văn dí dỏm nhưng mang tính chân thật để gởi đến đọc giả. Cám ơn những bài viết của anh.