Say quan họ giữa nơi thờ tự các vua nhà Lý

Ngày đăng: 10/07/2013 11:15:48 Chiều/ ý kiến phản hồi (0)

Chiều thứ Ba 9/7, đoàn nhà báo ở TP.HCM và Hà Nội đã có một chuyến tham quan thú vị và bổ ích ở khu di tích lịch sử Đền Đô (xóm Đền, xã Đình Bảng, huyện Từ Sơn, Bắc Ninh) – nơi thờ 8 vị vua nhà Lý.
Tới Kinh Bắc – quê hương của làn điệu quan họ mà không nghe một chầu quan họ thì quả là vừa không sành điệu, vừa thất lễ với tiền nhân. Bởi vậy, các nhà báo được chiêu đãi một cuộc hát quan họ ngay tại ngôi thủy đình tráng lệ trên chiếc hồ bán nguyệt đối diện với Đền Đô. Các liền anh, liền chị này là những nghệ sĩ nghiệp dư thuộc nhóm quan họ làng Đình Bảng. Bình thường họ là những nhà nông, cô giáo, thợ may,… những khi vào dịp lễ hội hay có khách đặt hàng là họ diện những bộ trang phục đặc trưng của dân quan họ để biểu diễn. Một chương trình dài khoảng 1 tiếng đồng hồ có chi phí hiện nay là 2,5 triệu đồng. Nếu khách bị “ngấm” bởi các làn điệu dân ca quan họ và bị “mê hoặc” bởi những liền chị, liền anh xinh gái, đẹp trai thì cứ vô tư mà thưởng thêm.
Năm 2009, dân ca quan họ Bắc Ninh (hay còn gọi là quan họ Kinh Bắc) đã được UNESCO công nhận là một di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. 

Theo tư liệu, quê gốc của quan họ Bắc Ninh là ở Võ Cường, nơi duy nhất của Bắc Ninh có toàn bộ các làng đều là làng quan họ gốc: Bồ Sơn, Hòa Đình, Khả Lễ, Xuân Ổ A, và Xuân Ổ B. Tỉnh Bắc Ninh có 44 làng quan họ gốc và tỉnh Bắc Giang láng giềng có 23 làng. Hiện nay riêng tỉnh Bắc Ninh đã phát triển được tổng cộng 329 làng quan họ mới.
Giới nghệ sĩ quan họ chuyên nghiệp hiện cũng đã có được một nghệ sĩ nhân dân là nữ nghệ sĩ quan họ Thúy Hường, 46 tuổi, được Nhà nước phong tặng năm 2012. 

Cho tới nay người ta vẫn chưa có giải thích chính thức về ý nghĩa của từ quan họ. Có một cách giải thích cho rằng “quan họ” là đọc trại của từ “quan hệ” – vì lối hát này gắn với quan hệ tình cảm nam nữ và gia đình, nên mới gọi người hát nam là liền anh và người hát nữ là liền chị.
Chị Xuân Lan, người dẫn chương trình của nhóm quan họ làng Đình Bảng, cho biết theo luật bất thành văn từ ngàn xưa, những người hát quan họ có thể yêu nhau nhưng không được lấy nhau. Vì thế những bài dân ca, những làn điệu mới thật là day dứt, nghẹn ngào, ngậm ngùi. 

Theo website về Quan họ (quanho.org), dân ca quan họ Bắc Ninh được hình thành khá lâu đời, do cộng đồng người Việt (Kinh) ở 49 làng quan họ và một số làng lân cận thuộc hai tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang hiện nay của Việt Nam sáng tạo ra. Dân ca quan họ là hát đối đáp nam, nữ. Họ hát quan họ vào mùa xuân, mùa thu khi có lễ hội hay khi có bạn bè. Một cặp nữ của làng này hát với một cặp nam của làng kia với một bài hát cùng giai điệu, khác về ca từ và đối giọng. Cặp hát phân công người hát dẫn, người hát luồn nhưng giọng hát của hai người phải hợp thành một giọng. Họ hát những bài ca mà lời là thơ, ca dao có từ ngữ trong sáng, mẫu mực thể hiện tình yêu lứa đôi, không có nhạc đệm kèm theo. Có 4 kỹ thuật hát đặc trưng: vang, rền, nền, nảy. Hát quan họ có 3 hình thức chính: hát canh, hát thi lấy giải, hát hội. Hát quan họ gắn liền với tục kết chạ, tục kết bạn giữa các bọn quan họ, tục “ngủ bọn”. Theo một số đề tài nghiên cứu, có thể quan họ đã phát triển đến đỉnh cao vào giữa thế kỷ 18.
Hát quan họ thì phải có trang phục truyền thống của liền anh, liền chị thì mới gọi là đầy đủ. Khách thưởng lãm không chỉ được nghe, mà còn được nhìn – cả trang phục lẫn những điệu bộ. 
Từ điển Wikipedia cho biết: Liền anh mặc áo dài 5 thân, cổ đứng, có lá sen, viền tà, gấu to, dài tới quá đầu gối. Thường bên trong mặc một hoặc hai áo cánh, sau đó đến hai áo dài. Liền anh mặc quần dài trắng, ống rộng, may kiểu có chân què dài tới mắt cá chân. Có thắt lưng nhỏ để thắt chặt cạp quần. Đầu liền anh đội nhiễu quấn hoặc khăn xếp. 
Trang phục liền chị thường được gọi là “áo mớ ba mớ bảy”, nghĩa là mặc ba áo dài lồng vào nhau (mớ ba) hoặc bảy áo dài lồng vào nhau (mớ bảy). Phổ biến nhất là áo mớ ba. Về cơ bản trang phục bao gồm các thành phần: trong cùng là một chiếc yếm có màu rực rỡ thường làm bằng lụa truội nhuộm. Bên ngoài yếm là một chiếc áo cánh màu trắng, vàng, ngà. Ngoài cùng là những lượt áo dài năm thân, cách phối màu cũng tương tự như ở bộ trang phục nam nhưng màu sắc tươi hơn. Áo dài năm thân của nữ, có cài khuy, khác với kiểu tứ thân thắt hai vạt trước. Liền chị mặc váy, chít khăn mỏ quạ, đội nón quai thao, và thắt lưng đeo dây xà tích.

Dân ca quan họ có tới 213 giọng khác nhau với hơn 400 bài ca.

Muốn đi hát quan họ phải có “bọn”: “bọn” nam hoặc “bọn” nữ. Trong một làng quan họ thường có nhiều “bọn” quan họ gồm những người yêu thích quan họ tự nguyện rủ nhau kết thành “bọn”. Mỗi “bọn” quan họ thường có 4, 5, 6 người và được đặt tên theo thứ tự chị Hai, Ba, Tư, Năm hoặc anh Hai, Ba, Tư, Năm và dùng tên thứ này mà xưng hô với nhau thay cho tên thật trong các sinh hoạt quan họ. 

Trong số các lễ hội làng quan họ, hội Lim (thị trấn Lim, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh) mở vào 13 tháng giêng âm lịch, là hội lớn nhất.

Nghệ sĩ quan họ Thúy Hường nói rằng: “Hát quan họ nếu chỉ cần có chất giọng thì ai cũng có thể hát được. Người hát quan họ hay cần phải “thấm” – nghĩa là cần phải có thời gian và tâm huyết để những câu hát ngấm sâu vào mọi ngóc ngách tâm hồn, để có thể tiếp thu được tất cả nội dung, âm điệu cũng như từng câu chữ… Tôi cho rằng ngoài 4 yếu tố “vang, rền, nền, nẩy” thì cần phải có thêm cái tình trong câu hát nữa, cái tình trong quan họ rất quan trọng. Lời của những bài quan họ thường mang đậm chất thơ, vì thế mà để truyền tải được một cách nhuần nhuyễn ý tứ sâu xa của những lời ca đó không phải là chuyện dễ.”
Bởi vậy, chiều 9/7 ở làng Đình Bảng, là một lãng tử phương Nam trong một lần có cơ duyên ghé vào làng quan họ, chỉ mới qua vài khúc dạo đầu mời nước, mời trầu mà tôi đã ngấm, đã say để rồi chân bước ra về nặng trĩu lời ca cứ đeo bám… “Người ơi, người ở đừng về…Người về em vẫn (í i ì i nay có mấy) trông theo…” Chị Xuân Lan nói rằng: “Nếu khách muốn hiểu cho được quan họ, phải ở lại làng quan họ ít nhất là 3 ngày, 3 đêm.” Tự biết mình là người yếu bóng vía, đã ở là sa lầy, khó bề về được nữa nên tôi đành chỉ nhận ly nước, miếng trầu rồi “giã bạn”. Giàng ơi, ai tận mắt được nhìn những đôi mắt lá răm của các liền chị quan họ Kinh Bắc thì mới hiểu được vì sao quân tử cứ dùng dằng “đi thì cũng dở, ở không xong” như cảnh ai đó nhìn thấy một thiếu nữ xuân thì hớ hênh ngủ ngày trong thơ nữ sĩ Hồ Xuân Hương. 

Phạm Hồng Phước

   Sài Gòn 10/7/2003

H1

h2

h3

h4       Liền anh ca

h5          Hồng Phước không dám ở lại là phải

h6

h7

h8

h9

h0

h1

h12
 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác