Những Khoảnh khắc đổi đời (kỳ 2)
Dư luận trong giới rảnh việc và chuyên ngồi quán cà phê luận bàn thời sự, họ có chuyện để nổ lai rai lẹt đẹt sau vụ anh Hai cháo lòng ở xóm Chùa không tiền mua vé số mà vô 14 vé độc đắc, lật ngược số phận gần như đã chạm đến điểm tận cùng… bằng số. Rồi lại tiếp theo việc anh Hai từ chối cơ hội trúng số lần hai cũng do thằng nhỏ mời anh mua lần trước, nhường kỳ độc đắc đó cho mười mấy người nghèo khác. Thì thành tích thằng nhỏ bán trúng độc đắc 2 lần liên tiếp chưa quá 10 ngày trở nên kỷ lục, tiếng tăm vang lừng cả huyện. Nhiều tay bán vé số lâu năm, nằm mơ được một lần nổi danh còn không có.
Ít người biết rõ vé số kiến thiết có mặt tại Thị Trấn Tam Bình tự lúc nào, nhưng từ khi bà con trúng số dậy sóc trong những năm 1980, lòng tui cũng cảm thấy nôn nao. Khi nào có tiền rủng rỉnh, tui cũng ráng theo sau cô bác xếp hàng vào đường dây hy vọng, chờ đợi một điều thần kỳ nào đó. Ngày tháng dần qua mà hy vọng nhạt nhòa như lá úa, chỉ còn một vùng trời thất vọng đang dung chứa một gia đình túng thiếu. Trước khi tạm biệt cư dân của làng sáng mua chiều bỏ, tui tự an ủi bằng một câu lãng xẹt, “trúng số chưa chắc đã là chuyện tốt”. Mà quên rằng câu lý sự cùn nầy mâu thuẩn với ước muốn mãnh liệt từng một thời ngự trị trong tim gan phủ tạng của mình.
Năm 1945, ông Tư Thịnh lúc đó là một thanh niên 18 tuổi. Khi chiến tranh Việt Pháp nổ ra, ba má ông Tư Thịnh sợ Tây bắt lính thằng con mới lớn nên bỏ nhà cửa ruộng vườn ở Long Thanh. Điền sản lâu nay của họ ở vùng ngoại ô chợ Vĩnh Long, vừa qua cầu Thiềng Đức quẹo mặt trên con lộ trãi đá chạy dọc theo sông vô Long Hồ một khoảng chừng hai cây số. Ba người của họ dọn đồ xuống ghe tản cư về quê nội ở Giáp Nước, Ngã Cạy. Đó là vùng dân cư đông đúc, đất đai trù phú nhờ sông sâu đồng lớn, nước chảy lưu thông. Xóm ven sông nầy tuy hơi xa chợ nhưng thuận tiện nhờ đứng canh ngã ba sông, một ngã về sông Cái Ngang, một ngã lên Ngã Tư Long Hồ, một ngã qua Bà Lang Phú Qưới. Người dân gọi vùng nầy là Giáp Nước bởi nó cùng lúc nhận nguồn nước lớn từ Long Hồ đổ về, một nguồn khác từ phía Tam Bình đạp lên, chảy đến ngã ba nầy thì bắt tay giáp mí.
Cũng tại ngã ba sông nầy, hằng ngày người ta chứng kiến hai dòng nước ào ạt đến từ hai phía đông tây, gặp nhau quấn quít xoay tròn, nước sông dâng đầy bờ bến kênh mương. Đến lúc con nước đứng vực ròng thì lại diễn cảnh bịn rịn chia tay, rồi cả hai dòng đời nầy mới chịu dứt khoát quay lưng, mạnh ai nấy tuôn về nguyên quán.
Ông nội của ông tư Thịnh là gia đình khá giả. Dân làng gọi là ông Cả Dần, người điền chủ có gần trăm công ruộng vườn và sống bằng canh tác nông nghiệp, chớ không cho mướn ruộng. Vì vậy mà lúc thế thời nhiễu nhương loạn lạc, gia đình người điền chủ nầy đủ sức gánh vác thêm mấy bầy con cháu.
Ai cũng mong chiến cuộc vài năm thì bình yên, họ hy vọng chỉ tạm thời lánh nạn một thời gian rồi trở về chỗ cũ sinh sống bình thường trở lại. Nhưng hôm nay đã là 2 năm mà chiến tranh ngày càng ác liệt, không một dấu hiệu gì gọi là ánh sáng cuối đường hầm. Ba má ông Tư Thịnh quyết định cưới cô gái cũng ở Xóm Ngã Cạy cho đứa con trai duy nhất của họ. Người con gái xinh đẹp giỏi dắn, thường chở lúa đến nhà ông Cả Dần để nhờ những chiếc cối xay lúa và cối giã gạo, và cũng nhờ luôn tay cầm chày giã gạo thiện nghệ Tư Thịnh.
Đầu năm 1954 thì tình hình chiến sự ở miền Nam bỗng nhiên dịu lại. Nhưng cũng thật bất hạnh cho gia đình họ, một ngày đen tối thảm sầu cho cha con ông Tư Thịnh. Lần đầu tiên trong gần 9 năm chạy trốn chiến tranh, hai cha con họ chống xuồng vô lung bào giữa đồng sâu, định đốn mớ sậy đem về bện đăng nuôi vịt. Ba của ông Tư Thịnh chặt nhằm quả đạn, nổ chết liền tại chỗ, còn ông Tư Thịnh nhờ ở hơi xa và đang cúi xuống cột dây bó sậy nên chỉ bị vài miểng nhỏ trúng người, có một miễng nhỏ còn nằm trong mắt phải. Má của ông Tư Thịnh đau rề rề mấy năm nay, đụng chuyện đau buồn nầy phát lên trở nặng, gặp lúc bế tắc trong vùng kháng chiến không thể ra thành tìm thuốc thang điều trị, bà theo người chồng xấu số chỉ ít tháng sau.
Sau ngày đình chiến, ông Tư Thịnh trở về ruộng vườn nhà cũ ở Long Thanh trong vai trò ông chủ. Bù cho nỗi buồn bỏ lại cha mẹ vĩnh viễn nằm lại trên quê nội. Gia đình nhỏ bé của họ có đứa con trai sáu tuổi tên Vượng, cũng vừa đúng thời kỳ cho đi học, Ông Tư Thịnh nhờ hai bà chị có chồng ở Sài Gòn về giúp đở dựng lại căn nhà cha mẹ để lại. Và chạy chữa vết thương cũ ở mắt, phục hồi thị lực mắt phải của ông được chừng 30 phần trăm.
Năm 1958 bà Tư Thịnh sanh thêm một đứa con gái, ông đặt tên cho nó là con Phát. Trong niềm hy vọng đứa kế tiếp dù trai hay gái ông cũng sẽ đặt tên Đạt, làm cho các tên cha con ráp lại tròn trịa câu văn. Dù bác sĩ cho ông biết lần sanh nầy vợ ông bị trục trặc do hậu quả lần sanh trước ở trong quê, bà rất khó có được thêm con.
Con Phát chưa giáp thôi nôi thì bà Tư Thịnh xảy ra chuyện. Tự nhiên một ngày hai chân của bà không đi được. phần trên thân thể của bà bình thường chỉ có 2 chân xuôi le, cố gắng lắm bà chỉ hơi nhút nhít ngo ngoe. Bác sĩ nói bà đau dây chằng, bệnh hậu từ năm bà mới sanh thằng Vượng mà phải bôn ba chạy giặc Tây quá sớm.
Kinh tế nhà ông Tư Thịnh vừa hơi đở đở thì đụng chuyện vợ đau khá nặng. Ông bỏ nhà cửa ruộng vườn, gởi thằng Vượng ở nhà bà con đi học. Một tay dẫn đứa con thơ từ lúc nó mới biết đi lẫm đẫm cho tới nó tự chạy một mình, lưng cõng vợ tìm đủ thầy Tây, Ta, Đông Y từ thành cho đến miền quê lục tỉnh. Có người chỉ thầy bùa ngãi, dù một tí hy vọng, ông cũng chẵng từ nan.
Suốt mấy năm không làm ra của cải mà phải tốn hao chạy chữa cho vợ, tuy được hai người chị thường xuyên giúp đở tài chánh và bà con trong quê nội cứu tế thăm lom, nhưng ông Tư Thịnh cũng mang nợ ngập đầu. Nặng nhất là giấy tờ bằng khoán đất đai của ông đang cầm cho ông Hội Đồng T. bên cua Thầy Thặng. Được một điều là ông Hội Đồng chuyên cho vay mà tánh tình nhân đức. Thấy hoàn cảnh đáng thương của ông Tư Thịnh, họ không góp tiền lời hàng tháng như trong giao kèo. Ông Tư Thịnh có đóng lời trể bao lâu họ cũng không nhập vốn, tránh được chuyện lãi mẹ đẻ lãi con của giới cho vay.
Sau tết ta năm 1965 thì con Phát trở vô học lớp tư (lớp 2) và thằng Vượng cũng đang học lớp đệ Tam (10/12) trường công lập Tỉnh. Bà Tư Thịnh hiện đang hồi phục, hỗm nay bà tự lo chuyện bếp núc và dọn dẹp lặt vặt trong nhà, chớ không thể nào sánh vai với ông Tư trong việc ruộng vườn như thuở trước.
Một sáng chúa nhật, ông Tư Thịnh và thằng Vượng chèo xuồng qua chợ Cầu Lầu để nhờ thợ thiếc hàn sửa những chiếc thùng vòi búp sen dùng tưới rẫy. Ông định mùa khô nầy, hai cha con cuốc một công đất ruộng, trồng rau cải, hành hẹ để kiếm thêm thu hoạch, tranh thủ lúc đất trống chờ trời sa mưa để xuống đồng cho vụ lúa mùa tới.
Anh thợ thiếc nói chừng 2 tiếng mới xong nên thằng Vượng xin ông tới nhà bạn nó ở đường Lò Rèn, cũng từ chợ Cầu Lầu đi trở vô một đỗi. Một mình xớ rớ buồn tình, ông Tư bước lên móng cầu đi dài ra trước lộ. Thấy người ta chất từng đống bánh mì vàng ươm trên những chiếc bàn con đặt trước mặt dãy phố lầu dọc theo một bên đường Văn Thánh. Họ chuẩn bị bán cho hành khách trên những chiếc xe đò nhỏ từ bến xe trong chợ Vĩnh Long trở về các quận Cái Nhum, Cầu Vĩ, Vũng Liêm, Tam Bình, và những chiếc xe lam đi về Ngã tư Long Hồ như mắc cưỡi, ngừng tại bến xe 5 phút nầy chờ rước khách.
Nhìn những ổ bánh mì no tròn đều đặn thoang thoảng mùi thơm bột mới trong nắng sáng, ông chợt nhớ gia đình của ông thiếu vắng món nầy lâu lắm. Ông kiểm lại ví tiền để xem khi trả công cho thợ thiếc thì còn lại bao nhiêu, dù ông đã đếm kỷ số tiền nầy từ lúc ở nhà.
Ông Tư Thịnh định kêu người ta cột gói cho ông hai ổ, nhưng dừng lại một tíc tắc sau khi ông thấy cái bàn vé số bên cạnh bàn của chị bán bánh mì. Một suy nghĩ thoáng đến trong đầu, hay là mình mua một ổ bánh mì đem về cho mẹ con nó, rồi nói dối với họ là mình và thằng Vượng đã ăn rồi bên chợ, ông thà nhịn thèm bánh mì để mua được một tờ vé số.
Thằng Vượng mỗi ngày đi học bằng chân. Khoảng đường trên dưới 3 cây số từ nhà đến trường có thắm vào đâu với chàng trai mà từ lúc mới sanh ra đã nếm mùi cực khổ. Thường thì nó đi phía lộ đá Long Thanh và qua cầu Thiềng Đức. Nhưng chiều thứ Ba hôm nay nó theo mấy đứa bạn đi ngã Cầu Lầu vô Văn Thánh, để một lát nữa nó chia tay tụi bạn, một mình xuống chiếc đò chèo sang sông ở khoảng Kho Dầu cũ. Đám tụi nó đi ngang cái bàn bán vé số trước chợ Cầu Lầu, Thằng Vượng chợt nhớ ba nó mua một tấm vé số hôm chúa nhật vừa qua, nên mượn tờ kết quả sao vô quyển tập học. Bà bán vé số trạc tuổi bằng má thằng Vượng:
– Cháu có mua vé số của ông già đằng kia không, chiều nay chợ nầy trúng an ủi loi nhoi, ai cũng nói là mua của ổng.
Thằng Vượng nghe ba nó nói mua tờ vé ở khoảng gần mấy cái bàn bán bánh mì, mà cảnh vật nơi đây đã quen trong mắt nó. Nó không còn lòng dạ nào đi theo mấy thằng bạn, thằng Vượng vòng trở lại cầu Thiềng Đức vì biết đi đò ngang trong kia vào buổi chiều phải chờ rất lâu vì không có khách bên đó qua sông.
Thằng Vượng đi như bay trên mặt con lộ đá về nhà. Cả xóm gần nhà thấy nó vội vả họ cũng hết hồn, mấy tháng nay họ mừng cho sức khỏe bà Tư Thịnh, không biết nhà đó có chuyện gì mà chiều nay nó hối hả, không giống tánh thằng nhỏ điềm đạm hàng ngày.
Bà Tư Thịnh ngồi trên chiếc ghế mây trước hiên nhà chờ thằng con về đến nhà để nở nụ cười khi nghe đứa con, “Thưa má, con đi học mới về”. Một hạnh phúc mà bà tìm lại được trong mấy tháng nay. Bà sững sờ khi thoáng thấy cái dáng gấp rút của thằng con, bà càng hốt hoảng khi nghe nó nói một câu khác hơn thường lệ:
– Ba có nhà không má?
– Ba con còn ngoài ruộng, có chuyện gì quan trọng không con?
– Không có gì đâu má, con chỉ muốn coi tấm vé số ba mua ở Cầu Lầu hôm trước.
– Con làm má hết hồn, bổn mạng của ổng có một tờ hôm đi với con qua chợ Cầu Lầu, ống dằn dưới cái chân lư đèn trên bàn thờ ông bà nội.
Thằng Vượng lấy quyển vở từ trong cặp mà nó ghi kết quả xổ số tuần nầy thật kỷ. Cả hai má con cùng im lặng trong khoảng không gian hầm hập của buổi chiều tháng Hai âm lịch. Bà Tư Thịnh còn nghe được tiếng con gì ăn kèn kẹt trong những thớ gỗ cây tạp, đóng tạm bợ thay cho những miếng vách thau lau bị ăn trộm gỡ mất lúc gia đình ông Tư Thịnh chạy tản cư. Bà lo lắng theo dõi sắc mặt thằng con, bà hốt hoảng khi nghe thằng con bật khóc, nó kêu lên không rõ tiếng:
– Má ơi!
– Trật một tấm vé số có là bao, tiếc gì mà khóc hả con.
– Mình trúng độc đắc rồi má ơi.
Ông Tư Thịnh và thằng Vượng đảo một vòng phố xá tối thứ Ba để hưởng cái vui lây của những người bán vé lẻ đang quảng cáo “kỳ nầy độc đắc về chợ Vĩnh Long mình”. Hai người không mua gì hết mà sạp vé số nào cũng ghé nhìn sổ ghi kết quả, còn làm bộ hỏi thăm làm sao lãnh giải.
Hai cha con về đến nhà dưới ánh sáng lờ mờ của những bóng đèn đường cách nhau xa lắc. Bước hẳn vào nhà, cửa đóng then gài họ mới an tâm. Ông Tư Thịnh cứ đi tới đi lui trầm ngâm không biết ông tính toán chuyện gì, rồi lại ngồi xuống bàn khách uống trà, chưa nóng chỗ thì ông lại đứng lên, cứ vậy mà lập lại cho đến nửa đêm.
Sáng thứ Tư, ông Tư Thịnh và thằng Vượng mang tờ vé số trúng độc đắc đến Tổng đại lý phát hành vé số Kiến thiết Quốc gia tỉnh Vĩnh Long, nằm trên đường Gia Long. Một trong những con đường có những cửa hiệu nổi tiếng và giàu nhất Vĩnh Long thời đó. Tổng đại lý mang bảng hiệu Sáu Số nầy có lẽ muốn gây ấn tượng ở chỗ tờ giấy số trúng độc đắc cần phải trúng y chang 6 số theo thứ tự kết quả cuộc xổ số tận trên Sài Gòn mỗi chiều thứ ba hàng tuần. Giải độc đắc một triệu đồng giống như của cha con ông Tư Thịnh trong năm 1965 nầy, có thể mua được khoảng 50 lượng vàng 24 ka-ra (.9999).
Ông Tư Thịnh và thằng Vượng còn đang ngập ngừng trước cửa thì bên trong có người đàn bà đáng dấp quý phái bước ra:
– Thưa ông cần việc gì?
– Tôi muốn đổi vé số trúng độc đắc.
– Mời ông và cháu bước vào.
Lúc nầy thì ba người đang đứng trước căn buồng bằng kính nằm sâu qua khỏi cửa một khoảng, chiếm phân nửa chiều ngang căn phố, căn phòng có các song sắt bảo vệ tứ phía. Bên trong phòng song sắt có người đàn ông ngồi sau chiếc quày cao, trước mặt anh ta chỉ có chiếc cửa sổ nhỏ duy nhất liên lạc với bên ngoài. Từ ô cửa sổ, anh ta đưa ra chiếc khay có tờ giấy in và cây bút nguyên tử trên đó. Người đàn bà cầm chiếc khai trên tay và nói với ông Tư Thịnh:
– Thưa ông, tôi là bà chủ Tổng đại lý vé số Sáu Số. Chúng tôi được quyền đổi vé trúng với mức huê hồng là năm phần trăm giá trị giải trúng. Nếu ông đồng ý điều kiện đó thì cho chúng tôi xem vé trúng của ông.
Ông Tư Thịnh mở mấy lớp giấy gói, lấy ra tờ vé số thẳng ran. Bà chủ cầm chiếc khai đưa trước mặt ông Thịnh, ông ta đặt tấm vé độc đắc trên đó. Bà ta cầm tờ vé số lên xem 2 mặt và để tờ vé số trở lại khai, bà đặt chiếc khai đó trên chiếc kệ trước khung cửa sổ. Bà lấy tờ giấy in và cây bút bi đưa cho ông Tư Thịnh. “Xin ông vui lòng điền tên họ, địa chỉ, số thẻ căn cước, niêm-rô trên tờ vé số, lô trúng, đề ngày tháng và ký tên vào tờ giấy thỏa thuận nầy”. Thằng Vượng bước đến chiếc kệ điền tờ giấy xong xui đưa ông Tư Thịnh ký tên. Bà chủ đại lý đặt tờ thỏa thuận lên khai có tấm vé số và đẩy chiếc khai vào cho viên trưởng quầy bên trong. Ông Tư Thịnh và thằng Vượng lặng thinh theo dõi tay trưởng quầy dùng đèn chiếu, kính phóng đại và các dụng cụ chuyên nghiệp để xét nghiệm tờ vé số giải độc đắc nầy. Rất lâu, ông trưởng quầy mới ngước lên gật đầu với bà chủ cũng đang đứng bên ngoài với cha con ông Tư Thịnh. Bà ta tươi cười hơn lúc mới gặp khách:
– Thưa ông, đại lý chúng tôi hiện không đủ tiền mặt, mà chỉ toàn là tiền giấy nhỏ thu về từ các đại lý. Chúng tôi sẽ làm một biên nhận cho ông. Chúng tôi qua ngân hàng rút tiền ngay bây giờ. Đúng 2 giờ chiều ông và cháu trở lai, chúng tôi sẽ chồng tiền đủ cho ông bằng tiền giấy lớn còn nịt băng của ngân hàng, ông không cần đếm lại.
Sau khi dùng bữa trưa ở nhà hàng Đồng Hính gần đó, hai cha con ông choáng ngộp với những món đồ điện máy mà cả đời họ không dám mơ tưởng, đang nằm lềnh khênh trong cửa hàng Xuân Phát Lợi. Họ không dám đi xa, lòng vòng khu nầy để chờ đúng 2 giờ trở lại lãnh tiền.
Hai cha con ông Tư Thịnh cảm thấy an tâm khi có bóng dáng hai cảnh sát sắc phục đứng lãng vãng trước cửa Tổng đại lý Sáu Số. Lần nầy, hai cha con cảm thấy thân thiết và mạnh dạn bước vào hơn là ban sáng.
Cũng là người đàn nầy nhưng hình như cái vồn vả lịch sự của lúc nãy hoàn toàn biến mất. Ông Tư Thịnh đang ngơ ngác cầm tờ biên nhận giá trị một triệu đồng trong tay thì nghe có tiếng tằng hắng sau lưng, ông quay lại và giật mình thấy hai viên cảnh sát lù lù sau lưng:
– Xin lỗi, ông có phải là Lê Văn Thịnh, sinh năm 1927, hiện cư ngụ Long Thanh.
– Thưa phải, tôi đây.
Người cảnh sát lấy chiếc vé số từ trong chiếc cặp hồ sơ của ông ta, được kẹp chung với tờ ưng thuận mà ông Tư Thịnh ký hồi sáng, đưa trước mặt ông Thịnh:
– Có phải đây là tờ vé số mà ông mang đến đây lúc 9 giờ sáng nay không?
Ông Tư Thịnh định đưa tay lấy tờ vé số để coi cho rõ nhưng người cảnh sát đưa tay cản lại. Ông nhìn tờ vé số in hình chợ hoa đường Nguyễn Huệ và những con số mà ông đã thuộc lòng.
– Thưa đúng, tờ vé số đó là của tôi.
Người cảnh sát để tờ vé số trở vào cặp hồ sơ và lấy ra một tờ giấy khác:
– Có người đứng đơn thưa ông dự mưu lường gạt, dùng tờ vé số giả để lảnh tiền trúng thưởng. Đây là lệnh tạm giam, xin ông chấp nhận và theo chúng tôi về Ty cho việc điều tra vụ án.
Ông Tư Thịnh chết điếng một lát rồi bỗng nhiên nóng rực lên, ông chỉ vào mặt bà chủ và người trưởng quầy vẫn còn ngồi chỗ cũ.
– Chính hai người nầy hồi sáng đã rọi đèn xem hình nổi, đo từng con số chi ly, sao họ không nói giả, còn ký giấy biên nhận hẹn đúng 2 giờ trở lại nhận tiền trúng số.
– Trong đơn họ nói sáng nay nhà họ hư điện nên không kiểm được bằng máy, họ dùng mắt thường nên không phát hiên. Chúng tôi không có quyền giải quyết ở đây, ban Tư pháp sẽ điều tra và quyết định có đưa ông ra Tòa hay không. Tại ban Tư pháp ông có quyền khiếu nại và thưa ngược lại nếu có bằng chứng.
Chưa quá 24 giờ mà cuộc đời của ông Tư Thịnh lên voi và xuống thấp hơn con chó. Ông không còn nước mắt để khóc cho số phận của mình. Ông buồn thương cho người bạn đời bất hạnh, ông không dám nghĩ bà Tư Thịnh có qua nỗi cú sốc nầy. Ngước nhìn trần nhà phòng tạm giam, ông như đang thầm thì với trời cao:
– Phải chi mình đừng trúng số!
(Cốt truyện, tên nhân vật, địa danh, hoàn toàn là sản phẩm tưởng tượng)
Một Lúa
Anh bạn Lúa của tui lâu lâu cho đọc một bài “mệt xỉu”, nhưng vô cùng hấp dẫn, nhất là những địa danh mà khi đọc lại tui mới nhớ, tên đất, tên người rất thân quen, dù anh tưởng tượng ra. Không biết, khi các chú cảnh sát mời ông Tư Thịnh về đồn, ông có than câu ” Đời ! Chó đẻ 4 con, xin 1 con để nuôi mà nó hỏng cho” hông ? Nhưng câu nói của ông Tư :” Phải chi mình đừng trúng số !” thì tui đã nói rồi. Số là như vầy : Tui trúng cặp 10 vé ( 2 số ) loại vé 2000 đ, được 200.000 đ. Bạn bè mừng dùm, rủ đãi nhậu. Hôm đó, 6 người nhậu đúng 340.000 đ ! Chỉ tiếc cho ông Tư Thịnh là chưa rủ bạn bè nào đi nhậu rồi sau đó lĩnh tiền vé số !
Sao kỳ vậy !? Trúng rồi mà lại là vé số giả. NT đọc mà thấy khó hiểu quá đi thôi , ông Thịnh này có bị người ta toa rập lường gạt hong? Nhưng NT biết 1 chiện …là thói thường người trúng số… họ ít khi có phần phước giữ cuả và làm giàu đâu. Chỉ có thể sung sướng và thoải mái đổi đời trong 1 thời gian ngắn …. rồi họ cũng trở về tình trạng nghèo như cũ … cái này NT cũng thắc mắc và không có hiểu tại sao kỳ vậy ! Lúc NT có gia đình rùi , cách nhà cuả chồng 2 căn , có một bà vú làm nghề thuốc tể , con trai bà này là anh chị Út trúng độc đắc lần 1 , rồi lần 2 và sau đó lại được trúng lần 3 Trúng thật chớ không có trúng giả .vì bà già này rất quen thân với bà má chồng cuả NT , mỗi lần trúng thì họ cùng nhau ăn xài rất là hoang phí.. Tiêu xài sang 1 thời gian chừng 1 năm hay vài tháng gì đó…sau đó không hiểu sao họ vẫn nghèo trở lại như cũ, mà lạ lắm sao độc đắc lại thường xuyên kiếm 1 nguời nhiều lần như vậy..có phải trời muốn giúp họ nhưng số kiếp cuả họ không thể đổi đời được nên vẫn tánh nào tật nấy …. không giữ cuả được nên đúng là .. ” Chỉ Đổi Đời Trong Khoảnh Khắc ” là đúng đó anh Một Luá ơi! .À! NT thắc mắc là hôm rùi thấy anh tăng lên Một Luá rưởi là sao vậy…..Hỏng lẻ hay hỏng chẳn anh cũng đang được Đổi Đời thiệt à ! Vì có lần em nghe anh Hoàng Hưng hỏi thăm anh đó mà ! hi hi …Chúc anh vui ! và khoẻ nưã nhe !