Thư Úc Châu
Đề tài tháng này là câu chuyện: Hôn nhân đồng tính (xin nhấn mạnh chữ “tính” mang dấu sắc) tức là hôn nhân giữa các người đồng phái tính, như là giữa nam với nam, nữ với nữ(vì vẫn còn nhiều người lẫn lộn và nói là “đồng tình“ luyến ái).
Đây là một vấn đề thời sự đang xảy ra tại nhiều nước trên khắp thế giới, và đã khiến nhiều lãnh tụ các nước đó phải cân nhắc, e dè khi đề cập đến, chẳng hạn như tổng thống Mỹ Barrack Obama phải chờ tới tháng 5-2013 mới bày tỏ sự ủng hộ hôn nhân đồng tính. Đây là vị tổng thống đầu tiên của Hoa Kỳ bật đèn xanh cho việc kết hôn đồng tính. Tuy thế ông vẫn còn dè dặt và tuyên bố vấn đề này tùy thuộc sự quyết định của các tiểu bang. Vào thời điểm này, đã có 12 tiểu bang và vùng thủ đô Washington D.C. hợp pháp hoá việc này.
Trên thế giới hiện nay có 15 quốc gia và một số tiểu bang của Mexico chấp nhận vấn đề hôn nhân đồng tính. Gần đây nhất là Pháp quốc mới thông qua luật để hợp thức hoá việc này, dù là có nhiều cuộc biểu tình chống đối của rất nhiều tham dự viên với con số lên đến hàng trăm ngàn người tham dự. Cao điểm của nó là đã có một người vào bên trong nhà thờ nổi tiếng ở thủ đô (Notre Dame de Paris), đến trước bàn thờ, dùng súng tự sát, khiến cảnh sát phải phong toả nhà thờ một thời gian để mở cuộc điều tra.
Thế còn ở Úc thì sao? Mặc dù việc này chưa được chính thức hợp thức hóa, nhưng trên thực tế việc này đã xảy ra tại nhiều tiểu bang và lãnh thổ với sự chấp nhận của nhà cầm quyền.
Vào thời điểm hiện tại, các nhà lãnh đạo của hai phe cầm quyền và phe đối lập vẫn còn tỏ ra dè dặt khi phát biểu lập trường về vấn đề này. Cầm đầu phe đối lập là Ông Tony Abbott (một người Công Giáo La Mã, tu xuất), thì tuyên bố dứt khoát là ông chống lại việc này. Ông còn nói thêm là sự chống đối của ông không chịu ảnh hưởng vào sự kiện ông là một tín đồ Thiên Chúa Giáo thuần thành.
Còn riêng nữ thủ tướng Julia Gillard, tuy là 1 người vô thần, không tin vào 1 tôn giáo nào cả, cũng bày tỏ lập trường chống lại việc này. Tuy vậy, bà vẫn chấp nhận việc để cho các dân biểu thuộc phe cánh bà được bỏ phiếu theo lương tâm và sự phán xét của từng cá nhân, nếu vấn đề này được đưa ra như là 1 dự luật để Quốc Hội biểu quyết (Tin hành lang mới nhất, dự luật này đã thất bại).
Tuy thế, một cựu thủ lãnh của phe Lao Động, là cựu thủ tướng Kevin Rudd , người đã bị đương kim thủ tướng Julia đảo chánh trước đây, đã tuyên bố vào hôm 21-5-13 là Ông ủng hộ vấn đề hôn nhân đồng tính, và nếu ông là thủ tướng Úc, ông sẽ làm mọi cách để vấn đề này được hợp thức hoá!!! Chả biết có phải vì vấn đề thâm thù giữa ông và bà Julia hay không.
2.-Thì gìờ của Nhà tài phiệt, nữ tỷ phú Úc Gina Rinehart quý giá hơn của nữ thủ tướng Úc Julia và lãnh tụ đối lập Tony Abbott !
Trong tài khóa vừa qua, nữ tỷ phú Gina đã bay mất 7 tỷ Úc kim ,vì sự khựng lại của thị trường tài nguyên, tuy vậy bà tỷ phú hầm mỏ này, vẫn dẫn đầu danh sách những người giàu nhất nước Úc. Trong danh sách 200 người giàu có này, tài sản của bà hiện có là 22 tỷ Úc kim, nhờ vào kỹ nghệ hầm mỏ, đứng hạng nhì là Frank Lowy, có 6,8 tỷ Úc kim , nhờ vào buôn bán bất động sản, thứ ba là James Packer, 6 tỷ Úc kim, với kỹ nghệ đầu tư vào sòng bài casino.
Tính theo thu nhập hàng giờ của Gina, bà này kiếm được nhiều hơn bà Julia và ông Tony..
Lương bổng hàng năm của nữ thủ tướng Julia chỉ có hơn $495.000 và của lãnh tụ đối lập Tony Abbott là $ 352. 000 còn đối với bà tỷ phú Gina Rinehart, so với lương bổng cuả thủ tướng, bà Gina chỉ mất vỏn vẹn có 12 phút , và so với lương bổng của ông Tony, bà chỉ mất có 8 phút !! Đọc mà thấy chóng mặt các bạn nhỉ !!
3.- Tin vui: Úc vẫn là nước hạnh phúc nhất, đáng để sống so với các nước trên thế giới!!
Dù ngành khai thác mỏ dần dần mất vai trò quan trọng trong nền kinh tế Úc hiện tại, theo thống kê, Úc vẫn giữ được danh hiệu là nước phát triển hạnh phúc đáng sống nhất trên thế giới. Theo chỉ số Better Life (Cuộc sống tốt hơn ), do Tổ chức Hợp Tác và Phát Triển Kinh Tế (OECD), mới công bố tuần này, Úc vẫn giữ được danh hiệu trên đây trong 2 năm liền, 2011 và 2012, như là quốc gia “hạnh phúc nhất “ trong số các nước kỹ nghệ phát triển, trên cả Thuỵ Điển và Canada, là các nước được mệnh danh là có đời sống cao cùng nền kinh tế mạnh.
Theo các chỉ tiêu phân hạng của Better Life Index được OECD dựa vào để sắp hạng, các nước được đánh giá dựa trên các tiêu chí quan trọng sau: Công ăn việc làm, thu nhập, môi trường sống và chăm sóc sức khỏe .
Các tiêu chí này dựa trên các số liệu cung cấp bởi Liên Hiệp Quốc, các chính phủ, cá nhân và nhiều nguồn khác, tập trung chủ yếu vào nền kinh tế .
OECD cho biết trong những năm trở lại đây, Úc gặt hái nhiều thành công qua ngành khai thác hầm mỏ, khi nhu cầu nhiên liệu thô ở Á châu ngày một gia tăng.OECD cũng cho rằng một trong những nguyên nhân gíúp Úc thu lượm danh hiệu trên đây là Úc đã tránh được các cuộc suy thoái kinh tế và liên tục tăng trưởng trong 21 năm qua mà chưa có 1 lần nào suy giảm.
Ngoài ra, tỷ lệ thất nghiệp ở Úc chỉ có 5.5% (khá thấp), so với các nước thuộc khu vực đồng Euro là 12.1%. Có lẽ đó cũng là lý do mà nhiều thuyền nhân ở các nước Ả Rập và Afganistan, Trung Đông v.v..vẫn tấp nập ùn ùn kéo sang Úc hàng tháng. Tuy nhiên họ đều bị Hải Quân Úc ngăn chặn ngoài khơi và đưa vào các trại tập trung trên các hải đảo để chờ thanh lọc.
MN xin tạm kết thúc Lá thư Úc châu ở đây. Hẹn gặp lại các ACE trong tháng sau .
Minh Ngọc
H 2: Khu người Việt ở Banstown
H3: Monorail ở Sydney
H4: Shop thức ăn nhanh ở Sydney, Hungry Jack’s
H5: 1 trong những siêu thị ở Banstown
H6: Bên những chú hải âu ở Sydney
H7: Siêu thị Coles ở biển Manly
H8: Cuộc sống yên bình ở Manly
Một góc công viên ở Sydney
Vui chơi ở bãi biển Bondi, Sydney