Thư nước Mỹ: Sài gòn vô cùng đáng yêu
Anh Huỳnh Hữu Trí ơi, Viết vội cho anh đây. Viết xong mới đi bộ buổi sáng; trời hôm nay đẹp đang chờ tôi ngoái kia. Rất mừng thấy anh viết phản hồi cho bài viết của tôi. Mừng, vì anh còn biết tôi là ai, biết chớ chắc anh không nhớ ít nhất một lần, sau 1975, chúng ta có nói chuyện với nhau về một vài kỷ niệm khi dạy học. Mừng vì qua cách viết về một sinh hoạt của anh, đi buýt, tôi biết ít ra là dạo này anh khoẻ về thể chất và vui về tinh thần. Mới đây hãng bảo hiểm sức khoẻ của tôi gởi người đại diện đến viếng “thăm” tôi để nói là cố vấn về sự giữ gìn sức khoẻ của khách hàng; một sự phục vụ rất lợi ích, có thể nói như vậy.
Viết ”thăm” giữa hai ngoặc kép là vì bên cạnh sự phục vụ khách hàng còn có hậu ý kiểm soát xem bác sĩ của tôi mà hảng bảo hiểm trả tiền, có hành nghề đứng đắn hay không. Sau đó vài hôm, từ hãng bảo hiểm gọi hỏi tôi về buổi viếng thăm của đại diện của họ ra sao.
Tôi kể anh nghe dài dòng một chút để thấy sự làm ăn “ chu đáo” của công ty bảo hiểm này mà dù sao khách hàng như mình cũng được ăn ké một chút ích lợi.
Điều chính yếu tôi muốn kể với anh là đại diện của hãng có một trong những kiểm tra sức khoẻ của người lớn tuổi là trí nhớ: họ nói cho tôi ba chữ (tiếng Anh) thí dụ như “bạn có biết chữ CAT, HOUSE, CAR nghĩa là gì?” Những chữ này quá dễ phải không anh? Họ tiếp tục nói qua chuyện khác chừng nửa giờ thì quay lại hỏi hồi nảy tôi hỏi bạn ba chữ vậy bạn có còn nhớ là chữ gì không? Anh biết không, tôi chỉ nhớ được một chữ thôi. Thú thật không rõ vì bất ngờ nên không chú ý hay trí nhớ mình giảm đến 1/3 ? Họ khuyên : Bạn nên tìm một sinh hoạt gì đó cho trí óc bạn luôn làm việc để kéo dài trí nhớ của bạn.
Tôi đã biết và thực hành điều này mấy năm nay sau khi hưu là tập viết văn và thơ, hay dở không là vấn đề như anh chị em đã thấy.
Đề tài thường là quay về kỷ niệm của mình, của bạn, của một bài văn thơ nhạc của người khác. Như bài đi xe buýt này chẳng hạn.
Được anh NHỚ và đã kể lại anh đã đi từ đâu đến đâu, trả lệ phí bao nhiêu, so sánh hai cách đi xe buýt và taxi cách nào lợi hơn. Và hơn hết anh vẫn còn tự mình di chuyển được dù lên xuống xe có phụ xế giúp và hơn tất cả là “có người trẻ nhường chỗ ngồi”, một nét đáng yêu trong “NHỮNG NÉT ĐÁNG YÊU CỦA SÀI GÒN” chúng ta vẫn còn tồn tại. Rồi anh kết luận: RẤT LÀ MỪNG. Tôi cũng mừng. Luôn có cái tích cực trong cái tiêu cực của mọi lãnh vực, của mọi thời, chỉ khác cái này nhiều hơn hay ít hơn cái kia.
Tôi còn có một cái kỷ niệm về “nét Sài Gòn” rất là đáng yêu; có thể viết thành bài thơ (để rồi bị chỉ trích là gìa rồi mà đa tình, lãng …xẹt, thích cỏ non…hi hi hi) đó anh.
Số là có lần về Sài Gòn chấm thi, tôi di chuyển bằng xích lô đạp. Khi đến nơi bác tài không có tiền thối; vì số tiền thối nhiều hơn tiền mình phải trả và thầy giáo còn nghèo nên loay hoay tìm người đổi tiền. Tôi chợt hỏi một phụ nữ đi ngang nếu có thể đổi thành tiền nhỏ hơn giùm thì cô ấy, tạm gọi vậy vì cũng còn trẻ, nói rất tiếc không đủ tiền. Bổng nhiên cô hỏi lại: Tiền xích lô bao nhiêu vậy anh? Tôi nói và cô ấy lấy tiền đưa ngay cho bác tài và bỏ đi ngay trong lúc tôi ấp a ấp úng nói cô chờ tôi …đưa tiền lại. Cô đi nhanh và nói vói lại là “Chút đỉnh mà anh, đừng bận tâm”. Không lẽ tôi đi theo đành la lớn lên: Thành thật cám ơn cô!
Đó anh thấy: Sài Gòn vô cùng mến yêu!
Tôi chắc rằng trong HHTrí cũng có thật nhiều kỷ niệm về NHỮNG NÉT ĐÁNG YÊU CỦA SÀI GÒN, vậy anh hãy “ thể dục thể thao cho bộ óc”, bằng cách kể cho anh chị em một vài nét Sài Gòn, xưa hoặc nay, đi anh.
Tôi đang mong đó anh, anh HHTrí.
Cám ơn anh cho tôi một niềm vui.
Thân mến,
NHA
Tuy bài viết riêng cho thầy Trí, nhưng có lẽ lời khuyên của sư huynh trong chừng mực nào đó, đáng cho chúng ta quan tâm. Sư huynh à, đúng rồi, phải thường xuyên rèn luyện cho trí óc không bị lão hoá.
Thầy kính, mong khi nào em về Việt Nam, được theo thầy đi xe buýt. Lúc đó nhờ dựa thế của thầy, phụ xế không chừng sẽ la lớn dẹp đường, “Mọi người tránh chỗ cho bà xí xọn nầy xuống, không thôi bả đi lạc, thầy của bả kiếm không ra thì chết.”
Bài viết rất hay,tôi rất tâm đắc.Về mảnh bảo hiểm sức khoẻ theo Anh NHA viết quá tốt rồi!Riêng về kiểm tra trí nhớ cho những người lớn tuổi là rất tốt.Tuổi già hay quên-theo bản thân-làm cho bản thân bực mình!Cố gắng lắm nhưng kết quả chưa cao, mong cách rèn luyện như Anh NHA viết xem kết quả có tốt hơn không?
Rất cám ơn NHA đã dành quá nhiều ưu ái chăm lo cho Trí nầy. Mình đang mau quên không thua gì bạn đâu,không biết nó lọt vào hố đen nào trong vũ trụ của đầu óc mình.Rồi nó lại hiện ra khi mình không mong đợi.Vài đứa học trò cũ Vĩnh Long vừa ghé thăm trò chuyện bên giường bệnh ở bv Chợ Rẩy,ra về không thể tiễn đưa.Thế mà vợ mình hỏi đứa cũng đang phải điều trị bệnh tên gì?Chao ơi,mình nhớ không ra. Sẽ học từ bạn thực hành một cách nữa là bây giờ già rồi,viết cho người khác đọc để bớt quên.Trong khi ngày còn trẻ nhớ người ta quá nên viết ra không gửi, còn ngồi đọc một mình nhiều lần nữa.
Hồng Ẩn thân mến !
Đồng hồ vừa đỉnh đạt gõ 3 tiếng :(đã 3 giờ khuya rồi đấy ! …cái đồng hồ này nó cũng già như mình vậy ! ) .Đêm nào mình cũng thức sớm để đi …..và đọc tin trên Google ,TPH-VL..thói quen rồi…(Cái bàn phiếm của mình nó cũng bị” lão hóa” nữa đây ! chữ lờ mờ , mắt lại lem nhem…Bạn thấy mình có vòng vo Tam quốc không ? Số là mình đã thây “THƯ TỪ MỸ”…từ mấy hôm nay…nhưng mình bận nhiều việc quá (đưa BX đi trị bệnh)… không đọc kỹ của ai viét , nào ngờ là của NHA ! Đọc kỹ hơn mới phát hiện là bạn đang hiểu lầm mình về cái vụ “cỏ non…hay Yamaha…hay đa tình..gì ..gì “..đấy ,mới giật mình …H.A ơi ,(đừng nghi ngờ gì bậy bạ nhá )..chỉ là cường điệu trong thơ thẩn thôi ! Bài viết của bạn rất có giá trị cho tuổi già ,mình sẽ bảo BT đọc cho vui…và áp dụng cho bản thân .Mình đi ngủ lại đây…Thân ..<PT*>.
@Phương Nga ơi,
Ngay từ lúc còn đi học, anh thỉnh thoảng còn quên huống hồ gì đến bây giờ (Nhớ có lúc cầm cây viết chì trên tay mà lại hét lên có “đứa nào chôm” -với bạn- cây viết của “tao” không?). Lúc trẻ mình chẳng quan tâm đến mọi chuyện. Thậm chí vì mê học mà quên cả sự quan tâm của những người khác đến mình để lúc nhớ lại thì đã lở chuyến đò (!).
Và có phải chăng vì lúc ấy mình đã “không để ý thường xuyên rèn luyện cho trí óc không bị lão hoá” cho nên bây giờ trí óc mình đã bị lão hoá rồi nên thức tỉnh mới rèn luyện?
Không cứ gì Phương Nga mà nếu anh có về Việt Nam sẽ tìm thăm thầy của em rồi rũ ren thầy đi xe buýt để nhớ lại kỹ niệm xưa. Lúc đó anh sẽ nắm vạt áo của thầy để khỏi bị lạc đường.
@Anh Phan Văn Ba thân mến,
Cám ơn lời khen của anh.
Càng lớn tuổi càng dễ quên, như mọi người đều biết, mình cố gắng tập những cách rèn luyện để “cố mà nhớ”, còn nhớ được hay không cũng “phú cho trời” anh ạ.
Ngoài cách tập viết “trước mua vui sau tập nhớ” tôi còn một cách khác như nhớ mật khẩu trong điện thư, trong những trương mục ngân hàng, hay bất cứ nơi nào đòi hỏi đăng nhập với mật khẩu; dùng mật khẩu có độ an toàn cao và mỗi nơi với mật khẩu khác nhau (có một sổ tay ghi lại tất cả đề phòng trường hợp bị quên).
Dù sao thỉnh thoảng mình vẫn bị quên; thí dụ trước khi đi ra ngoài phải có những vật cần thiết như: chìa khóa xe, ví (có chứa bằng lái xe-không có xui gặp cảnh sát hỏi là bị phạt nặng), kiếng mát để dùng tránh chói nắng,…thế mà vẫn bị quên nên đi ra rồi lại đi vào…
@Anh Trí thân mến,
Bây giờ qua phản hồi này của anh mới phát hiện đưọc một bí mật của anh “Trong khi ngày còn trẻ nhớ người ta quá nên viết ra không gửi, còn ngồi đọc một mình nhiều lần nữa”, một bí mật rất dễ thương!
Vậy bây giờ anh hãy nhớ lại những “cái viết ra mà không gửi “ đó rồi viết lại cho mọi người cùng chia sẻ anh nhé.
Anh có bao giờ trở lại Vĩnh Long? Cố gắng về thăm con đường Gia Long (ngày xưa) có những tà áo trắng rợp trời mỗi lúc tan trường Tống Phước Hiệp (ngày xưa), thăm lại cầu Lầu, cầu Lộ,…, ngả ba Cấn Thơ, ngả ba Chiều Tím tuyệt vời …một lần đi anh.
@Phú Thạnh thân mến,
Đi ngủ sớm mà mấy đứa cháu nội đùa giởn rần rần nên khi chúng đi ngủ thì mình thức. Càng cố ngủ càng khó ngủ thôi thì thức viết trả lời cho các bạn mà mấy hôm rày bận quá không vào đọc. Đã 1 giờ khuya ở đây rồi.
Mình biết dạo này bạn lo cho bà xã; hôm trước mình có viết thư hỏi thăm, nhờ Bửu Trân nói mới biết, không rõ bạn có đọc không mà chờ không thấy trả lời. (về bịnh tình của bà xã của bạn)
Không có chuyện hiểu lầm gì cả, đừng có lo, ta cũng cường điệu với …mầy mà thôi. Ta đã từng bị “ném đá” (từ này VN hay dùng) tơi bời bấy lâu rồi (Lương Minh là nhân chứng) nên cũng quen.
Một bạn thơ và bà xã của mình đã cảnh báo trước là coi chừng bị … “chọt” nữa nếu cho post bài Buýt Sài-Gòn Xưa lên nhưng được bạn tặng cho bài Buýt Sài Gòn Nay là …may phước đó! Hi hi…