Bánh Phồng Ngày Tết của Hồng Băng
Đọc Bánh Phồng Ngày Tết dẫn dắt tôi ngược dòng thời gian hơn 50 năm về trước, thời ấy những thi sĩ thường hướng về quê hương nguồn cội, viết mộc mạc dễ đi vào lòng người. Bài thơ này cũng vậy, đầy cảm xúc, dễ đọc dễ hiểu, mời các bạn đọc để hồi tưởng trong lao xao gió Tết. ( PT )
BÁNH PHỒNG NGÀY TẾT
Tưởng nhớ song thân và đất quê Rạch Giữa, Phước Hưng.
Kính tặng Anh Kiên Giang, Phong Tâm.
và bạn hiền Nguyệt Lãng.
Lúa vàng gặt để ra giêng cộ
Đồng phơi gốc rạ tiếng chim vang
Khuya nghe óc ách sôi nồi bánh
Cá đìa táp gió, đón xuân sang.
Nhớ đêm cận tết con gom lá
Ba nướng bánh phồng Nội gởi cho
Hạt nếp ươm hương dòng Rạch Giữa
Trăng treo cối quết ấm đôi bờ.
Ba nướng, trời đêm, con góp lửa
Tàn tro bay suốt cuộc đời con
Chiều nay gió cũ khêu niềm nhớ
Lửa tắt từ lâu vẫn ngọt dòn.
Mẹ chẻ nẹp tre hình rẻ quạt
Mâm nhôm đựng bánh ngát hương đồng
Lá dầu cháy, ven đường tỉnh lỵ
Cội mai già vàng rực mùa bông.
Con nhai rôm rốp tro đầy tóc
Ba giũ nhanh tay bánh nở xòe
Bánh nở phồng to mơ lộc lớn
Tiếng cười rôm rả dưới trời quê.
Nguyên tiêu lúa bó gom về hết
Sân rơm trâu đạp dưới trăng vàng
Tiếng hò đâu đó trong như vắt
Điệu huê tình len lỏi cà lang.
Hôm nay vẫn bánh phồng hương sữa
Con ăn nghe đắng ngắt trong lòng
Nhớ thương tiếng sóng ngòai sông Cái
Lá dừa sương đọng nắng mai non.
Bây giờ đâu có không gian ấy
Chốn cũ u hòai bặt tiếng chim
Nhớ bánh phồng xưa mùa trút lá
Đoanh tròng, con thắp nén hương thiêng.
HB.01.2013.
Đọc bài này của Hồng Băng làm tôi nhớ đến các anh Sơn Nam, Kiên Giang (Hà Huy Hà), Bắc Sơn, Huỳnh Văn Tòng, bên cạnh các bạn Mặc Tuyền, Hàn Song thanh, Hoàng Minh phương là những người chủ trương hướng về quê hương nguồn cội, kế đó có Trần Hàn Phong, Diệp Hồng Phương,Hồng Băng, Nguyệt Lãng…Quán cafe trên đường Lê Lai ngang tòa soạn báo Điện Tín là nơi chúng tôi thường nhâm nhi ở đó, có lần anh KG kéo tôi vào Đài phát thanh SG (cũ) trong chương trình ” Thi văn Ban Mây Tần ” do anh phụ trách, ngâm bài thơ Cô giáo mới dạy trường xa của cô giáo Đông Thùy ( Trà Vinh )? – cảm hứng, sau đó tôi viết tặng Đông Thùy bài thơ Cô Giáo Việt Nam ( loại dài ) đăng báo ĐT và Tia Sáng, Hàn Song Thanh cắt ra gởi về cho Đ.Thùy, bài thơ thất lạc tôi chỉ còn nhớ câu mở đầu ” Tiếng ve thống thiết trong làn gió “.
Cảm ơn bạn Hồng Băng đã cho tôi sống lại không khí gia đình khi xưa ở vườn quê trong những ngày giáp Tết. Nhớ Ba, nhớ Má, nhớ những đêm quết bánh phồng dưới trăng. Cảnh cộ lúa về, lựa nếp rặt để quết bánh phồng, Thơ mộng lắm !
Anh Lần thân,
Mừng anh có máy (y) mới. Tôi mới ăn cắp từ” Nếp rặt” trong phản hồi của anh để sử dụng trong lần tái bản BPNT.
Tôi gửi phản hồi từ 19.01 nhưng không xuất hiện, nên ít dòng đến kẽo anh trách. hỏi ông LM thì biết ngay.HB
TB:
Nếp rặt ươm hương dòng Rạch Giữa
thay cho lời cũ:
Bánh nở ươm hương dòng Rạch Giữa
Cám ơn anh đã bị ăn cắp. HB
Chắc PM phải mua một cuốn sổ để ghi lại những bài thơ hay,chép bài thơ này của anh Hồng Băng mở hàng, hy vọng cuối năm PM sẽ có một tập thơ…chép!
Phương Mai,
Phương Mai làm tôi nhớ lại thời xưa, thời chép tay những bài thơ mình thích. Bây giờ, thời củ internet, blog… thì chép tay là chuyện “lạ”. Tuy nhiên, đọc thơ chép tay thú hơn, gợi nhiều điều hơn. Chúc PM và gia đình vui vẽ, thành đạt. Thân. HB
Huynh HB ơi , bài thơ này thật là cảm động quá , anh làm em cũng nhớ tới ba má em quá , hồi nhỏ cứ muà tết là ba má tập trung con cái tụ cả nhà cùng phụ quết bánh phòng khoai , bánh phòng nếp , bánh tráng dưà .. bánh tráng trắng và bánh ngọt nữa chứ !!. em cũng có phụ cán bánh phòng khoai và phơi bánh nưã đó , đúng là tìm lại dư hương và không khí ấm cúng đầm ấm đủ cả nhà đâu còn nưã , cứ tết tất cả tập trung về vườn , ban đêm , má em cũng đốt lưả lên và nướng 1 xây bánh đủ loại cho tụi em ăn , má em còn nấu 1 nồi chuối ngự thơm phức và vàng nghệ ngon lắm , hoặc nấu 1 nồi khoai từ nè , hay là chuối già sống , mà em lột sẳn ra hết rồi 1 chén đường đậu phòng mè chám vào ăn ngon lắm…. bây giờ không còn cái thú vui đó nưã !!! Rất cám ơn bài thơ huynh sáng tác rất là thật như mới ngày nào !!! Đúng thật ” Bây giờ đâu có không gian ấy ” !!!
Nguyễn Tuyết,
Có đọc mấy bài thơ của Nguyễn Tuyết và các anh chị trên Chợ Thơ. NT làm thơ tiến vượt bậc, cứ thế mà tiếp tục và nên đọc lại vài lần để nghe, nếu có chỗ nào không êm, trúc trắc ..thì sữa lại cho êm tai. Thử xem nhé.
Bánh phồng ngày tết như 1 hòai niệm, dành cho 1 bộ phận người đọc không còn ..trẻ nữa, ở độ tuổi hay quay về chốn..xưa!. Chúc NT sáng tác .HB
Thưởng thức bài thơ của anh Hồng Băng, TN tưởng như đang thưởng thức những chiếc bánh phồng thơm ngọt mùi lúa quê hương ngày nào. Dù không thấy cảnh quết bánh trên cối hay ngồi cán bánh nhưng TN từng nghe âm thanh quết bánh phồng từ phía xa xa vọng lại vào những khuya gần sáng của những ngày cuối tháng chạp. Thỉnh thoảng có khi TN trở dậy, thấy bóng trăng nghiêng về phía Tây, mờ chiếu xuyên qua làn sương mỏng lành lạnh ngày đông VN. Rồi sau đó có lẽ bắt đầu vào tối 23 âl, đưa Ông Táo, TN ngồi đốt lửa và xem mẹ nướng bánh phồng. Với ngọn lửa cháy bùng, mẹ TN dùng 2 nẹp tre nướng bánh hình rẻ quạt, giũ và trở nhanh tay cho bánh nở xòe to. Nướng xong từng cái và từng cái để vào mâm nhôm. Ngọn lửa dần dần thấp lại, mẹ nướng bánh tráng và bánh phồng khoai. Cuối cùng TN bưng một mâm đầy bánh phồng và bánh tráng vào nhà… Bài thơ đầy hình tượng và sống động của kỷ niệm một thời, bây giờ chỉ còn trong ký ức.
Thu Nguyệt,
Rất vui khi BPNT đã mở ra khung trời cũ, thơm thơm hương vị quê nhà. Giờ thì hết rồi và cũng nhờ thế làm dấy lên trong ta niềm luyến tiếc, làm mềm đi cuộc sống khô cứng mà ta phải đối diện hằng ngày. Chúc vui khỏe. HB.
Một Lúa chưa từng được hưởng không khí làng quê thanh bình và hạnh phúc giống như anh. Bài thơ khiến người ta muốn đến ngay để thụ hưởng những sinh hoạt đầy ấp tình quê như vậy. Rất cám ơn anh. Anh có thể ( Mo cau đựng bánh ngát hương đồng) ?
Tôi rất đồng cảm với bài thơ này của HB. Bài thơ đã làm tôi da diết nhớ ” Má và quê của Má”, nhớ “BácHai tôi và quê của BácHai” vì tôi đã sống cả quê ngoại lẫn quê ngoại- hai quê đều ở ruộng vườn từ thuở 1945…
Bà con quanh Má, quanh Bác Hai tôi lúc đó xài mâm bằng nhôm (ít có mâm bằng đồng) và dùng mâm nhôm để đựng bánh phồng , bánh tráng chứ không thấy dùng mo cau. Dỉ nhiên nơi khác thì tôi không rõ.
Cám ơn HB đã nhắc cả “một trời thương nhớ” bằng những dòng thơ điêu luyện.
Đính chính:
“…vì tôi đã sống cả quê ngoại lẫn quê nội…”
Cám ơn.
Anh NHA kính,
Cám ơn anh đã góp ý BPNT, nhưng anh Lần và amh Một Lúa cũng có lý . Trên blog, tôi đã sữa lại. Nếp rặt cũa anh Lần và Mo cau của anh M.Lúa. Chúc khỏe. HB
TB. Vẫn theo dỏi bài của anh trên trang nầy, bài mới, bổ sung nhận xét sau nầy của tôi về anh. Thông cảm chậm lụt nhé anh .
Cho xin copy bài này tặng cho người bạn không phải là dân TPH, cở lứa tuổi 60 ở vùng quê ai cũng có ít nhiều kỹ niệm về bánh phồng ngày tết. Hồng Băng làm ơn cho biết Rạch Giữa, Phước Hưng thuộc quận, tỉnh nào ?
Rất mừng được biết nhà thơ Kiên giang Hà Huy Hà vẫn còn khỏe. Tôi nhớ năm học đệ thất Tống phước Hiệp, cô Lâm thị ngọc Hương có dạy một bài thơ của nhà thơ Kiên Giang: “Chiều nay dừng chân nơi bờ bể/ Nhìn mây bạc đầu mây trắng trôi. . .”
Lúc Sơn Nam còn sống ở trọ tại hẽm số 606 Lê Quang Định, Gò vấp thì thỉnh thoảng Kiên Giang có đến chơi. Ông đi xe cà tàng và giỏ đệm lúc nào cũng lủng lẳng trên “ghi đong”. Ngoài giỏ còn có mấy chữ viết bằng mực tàu (lâu quá tôi quên mất). Hai lão tiền bối trò chuyện, kẻ hậu bối chỉ lắng nghe. Cách nay ba tháng, có buổi ra mắt tập di cảo của nhà thơ Chim Trắng tại nhà của một nhà thơ trên đường Võ Thị Sáu, quận 3, tôi lại thấy nhà thơ Kiên giang xuất hiện, ông có già và ốm hơn trước đây, nhưng phong độ có hơn và tôi có chụp được vài tấm hình, nay gửi Hoàng Hưng một người yêu thơ KG.
Bịnh quá tôi cũng ráng ngóc dậy viết mấy câu, rồi chút nữa theo tụi nhỏ đưa đi khám kiểm tra sức khỏe lại ( bịnh cảm dằng dai ). Kiên Giang thường viết lên vách sau lưng chỗ ngồi viết, hoặc trên giỏ đệm bàng mang theo bên mình: 4 câu thơ của Nguyễn Bính – thời ở trong chòi ruộng lúc lưu lạc tại Rạch Giá mà KG thường ghé vào chơi và chập chững làm thơ: “ Từ độ về đây sống rất nghèo/ Bạn bè chỉ có bóng trăng treo/ Những phường bất nghĩa xin đừng đến/ Cứ để thềm ta xanh sắc rêu “.
Anh Phong Tâm thân,
Anh nhắc chuyện xưa, làm tôi nhớ ngày cũ đến nao lòng. DHPhương vừa đt cho tôi, Phương là đàn em mình.
Hàn Song Thanh, tác giả Cuối mùa gió chướng, gốc Tràvinh
Đông Thùy, ngòai 70, bài anh nhắc là bài Cô giáo dạy trường xa, 2 cau cuối quá đẹp, 40 năm tôi còn nhớ
” Tiềm kiếm được em gói trong khăn lụa
Chuyện chồng con xin hẹn đến mai sau”
Hình như Võ Ngọc Đệ(Đông Thùy) chĩ sáng tác có 1 bài nầy thôi. Ngộ quá há anh.
Nguyệt Lãng, gốc Bến Tre, TràVinh, đang sống những ngày cuối đời ở Bình phườc vì bệnh nan y
Anh KGiang khi về nhà tạm ở SG, treo 2 cau cuối mà anh nhắc. Đến rêu trước thềm, anh còn sợ phường bất nghiã làm phai màu. Vài hàng đến anhHB.