Sống sót
Để chúc mừng chúng ta “sống sót” qua khỏi ngày dự đoán tận thế, mà nhiều người tin tưởng căn cứ theo lịch của dân tộc Maya. Một nền văn cổ còn để lại những đền đài, hình tượng, chữ viết chứng minh một thời đại văn minh, rực rỡ hoàng kim của dân Maya, trãi dài từ miền nam Mexico đến Honduras. Một Lúa đợi cuối ngày 21 tháng 12 năm 2012 mới dám viết bài nầy. Chủ đề nói về một trường hợp sống sót nhỏ, hòa lẫn trong niềm hạnh phúc bao la, trường tồn của văn minh nhân loại.
Hơn hai ngàn năm trước, người Trung quốc đã biết chiết suất thạch tín từ thiên nhiên. Họ kiểm soát liều lượng chất nầy để trị bịnh. Và cũng biết mức độ đậm đặc để đầu độc, thí tử, chuyện rất thường xảy ra chốn thâm cung bí sử của họ. Không riêng ở Trung quốc, bên Âu châu vẫn còn nhiều nghi án đầu độc bằng thạch tín. Trong những truyền thuyết đó, có nói đến Napoleon đại đế cũng bị thuốc chết bằng độc chất nầy, trong thời gian bị cầm tù ở đảo Saint Helena, Anh quốc.
Cũng mới đây thôi, Một Lúa đọc được hai bài viết trên trang nhà. Một bài nói trong gạo lức có nhiều thạch tín hơn trong gạo trắng của Hồng Minh Kim và bài “Hoàng Hưng gởi tin các bạn”. Trong tin của Hoàng Hưng nói đến trường hợp thoát hiểm của một người bạn. Chị nầy ngồi chơi với mấy đứa con trên băng ghế công viên, chị dẫn con đi vệ sinh thì có một máy bay nhỏ rớt xuống chỗ mấy mẹ con vừa đi khỏi. Thiển nghĩ trên đời nầy, nhất là những vùng tên bay đạn lạc hàng ngày, chắc chắn có nhiều trường hợp thoát hiểm hi hữu. Có thể những người may mắn, nhận ra sau khi việc xảy ra và cũng có thể vài người không bao giờ biết họ vừa thoát nạn trong đường tơ kẻ tóc.
Lúa tôi từng được thừa hưởng sự may mắn sống sót của tổ tiên và hơn trăm năm sau, sự thoát hiểm xảy ra ngay trên bản thân mình. Nhưng việc của riêng mình thì cũng phải sau 10 năm, tuy đã nguội ngắt nhưng khi hiểu ra, Lúa cũng hú hồn hú vía.
Vì câu chuyện có liên quan lịch sữ truyền miệng của tổ tiên, dù không thể lập lại y như bản gốc nhưng người viết không thể tự ý vẻ vời thêm vào mắm muối.
Trong chuỗi thời gian Nam tiến suốt mấy trăm năm, những thập niên gần cuối thế kỷ 18, có 3 gia đình bạn hữu không rõ xuất xứ từ đâu. Họ men theo dòng Mang Thít và lên bờ lập gia đình và lập nghiệp bắt đầu từ Cái Nhum, con cháu tiến dần dần về phía Tam Bình. Một trong những con cháu của họ, có gia đình ông Phan Văn Chất đến lập nghiệp tại Cái Cá ( Xã Xuân Hiệp, Trà Ôn ). Chẳng may, người vợ qua đời bỏ lại chồng và năm đứa con trai nhỏ. Ông Chất tục huyền với một người cùng xóm. Không biết tình mẹ ghẻ con chồng lợt lạt hay do ông Chất có chút ít vàng bạc của cải, mà người đàn bà quê nầy trong một buổi sáng, lúc chồng đi vắng và năm đứa nhỏ còn trong lớp học, bà làm thịt một con gà nấu nồi cháo thiệt ngon, dọn sẵn mâm cháo gà luộc trên bàn cho năm ông nhỏ về ăn. Bà bỏ đi đâu đó nên không cản được ông em ghé chơi và chén một phần trên mâm cháo gà định mệnh. Người em ruột của bà hộc máu gục chết tại bàn, mà anh ta không có thì giờ để hiểu được nguyên do. Nhưng ông Chất hiểu, ông là người tinh thông Hán học và y học. Con cháu sau nầy căn cứ vào những sách y lý còn giữ đến trước năm 1975, có thể nói là dòng họ Phan có người từng làm ngự y hoặc là được chân truyền của một ngự y lưu lạc bôn đào. Ông biết người đàn bà nầy sanh dạ ác tâm nên lén bà bồng chống năm đứa con theo dòng Mang Thít đến xã Mỹ Thạnh Trung, Tam Bình, định cư và mở mang cơ nghiệp cho đến bây giờ.
Khoảng thời gian ông Chất chân ướt chân ráo từ dưới ghe bước lên đất địa xã Mỹ Thạnh Trung, nơi đó đã có người khai hoang thành khoảnh. Ông và những đứa con cất nhà chung quanh vùng chợ Xã bây giờ, nhưng phát triển ruộng nương bung rộng ra xa. Một mũi về hướng Bằng Tăng, một mũi từ phía Cái Sơn.
Ông Phan Văn Sung là em út trong năm người con trai sống sót âm mưu đầu độc của bà kế mẫu là ông cố của tiểu tử Một Lúa. Ông thừa hưởng kinh nghiệm và tiền bạc của cha. Lúc ông trưởng thành đúng thời kỳ vua Minh Mang trị vì 1820-1841. Được chính sách ưu đãi cho người khẩn hoang lập ấp, ông chỉ trả số tiền tượng trưng cho triều đình để sở hữu đất đai trên sổ bộ. Ông dốc toàn lực mở mang ruộng đất như vết dầu loang. Dùng lúa làm ra lúa, cấp phát trâu bò làm sức kéo và lúa ăn cho người phá vỡ ruộng hoang trong ba năm đầu tiên, sau đó mới thâu tô 2 giạ lúa mỗi năm trên mỗi đầu công ruộng. Đất ruộng của ông bắt đầu từ khoảng Cái Lá chạy đến Khu Trù Mật Cái Sơn. Địa danh Kinh Nhà Ngói vùng đó là dấu tích lẫm lúa của ông cất giữa ruộng để chứa lúa tạm thời khi vào mùa vụ.
Hiện thời bên cạnh Chùa Phước Sơn, xã Mỹ Thạnh Trung là miếu thờ Ngài Tiền Hiền, là người đầu tiên khai khẩn Mỹ Thạnh Trung, phía bên cạnh thờ Hậu Hiền Phan văn Sung có sắc phong và bia đá của vua Minh Mạng ban tặng cho hai vị khai quốc và khai cơ vùng đất nhỏ nhoi quê mùa đó. Và sắc phong ông Phan Văn Sung lấy theo họ Nguyễn của vua. Dù muốn hay không, ông chẳng dám chống lịnh triều đình. Vì tiếc thương họ cũ của tổ tiên, ông bắt buộc con cháu trai phải lót chữ Thế sau họ Nguyễn, để tự nhắc nhở rằng họ Nguyễn nầy chỉ tạm thế mà thôi. Khi trở về với ông bà, nơi không còn bó buộc của vua quan, bia mộ phải ghi khắc họ Phan của bao đời dòng họ.
Vô vàn cám ơn Thượng Đế đã giữ lại mạng sống cho năm ông cố của Một Lúa, giúp cho các ông có cơ hội góp sức với đời.
Một Lúa
Chưa kịp đọc qua, nhưng thấy tô cháo là khoái liền, ăn một miếng là ngấm ngay vào máu ngay…ha ha…trời , cả một chùm trứng gà, nhìn thấy phát thèm, chưa kịp đọc, vì mình phải chuẩn bị giao ca , sáng nay còn phải đi Hốc Môn, hẹn tối về sẽ nhâm nhi ” Sống sót” sau.
Y chang, chưa đọc thấy tô cháo “Lòng gà trứng non”, nhớ đến anh Cả. Một trứng một xị, anh Cả uống 3 xị có 3 trứng.
Anh Một Lúa ơi, tô cháo nầy nấu bằng gạo gì?
Chắc là Lương Minh thương tình Lúa tui lặn lội, đãi tô cháo gà giống Gô-loa, thấy ngon hết biết. Nhưng nhớ nồi cháo năm xưa, Lúa chưa dám thử. Tui không biết ngửi văn, nhưng ngửi tô cháo nầy, có thể đoán nó nấu bằng gạo thơm Chợ Đào, hoặc là Chợ Đệm, hổng chừng là gạo thơm Chợ Lớn.
Huynh Một Lúa ơi, nhìn tô cháo hấp dẫn quá , ăn vào thì sẽ giảm cải liền hà , huynh trưng bày thậy khéo tay quá , cái tưạ sống sót làm cho NT tò mò muốn đọc , công nhận nhà văn Một Luá ,huynh dẫn dắt câu chuyên làm cho NT đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác….cách kể chuyện cuả huynh làm cho NT tui thán phục đó !
“Mấy đời bánh đúc có xương
Mấy đời mẹ ghẻ mà thương con chồng”
Thật đáng khâm phục, Ông Sơ của cậu Một Lúa không vì tình cảm ngu mụi mà đánh mất lý trí của mình, Ông đã kịp thời lén bồng chống những người con của mình tránh xa người mẹ ghẻ lòng dạ ác tâm. Xã hội hiện nay vẫn còn những người cha vì mê mụi mà từ bỏ những đứa con của mình, những người con vì nghe lời người đàn bà đó mà bỏ Cha Mẹ già không lo
Chào Thanh Trúc,
Cám ơn Thanh Trúc viết bình luận.
Chuyện của xã hội chắc là hiểu không hết.
Chuyện của mình nhiều khi hên hơn là hay.
Nấu bằng gạo thần nông 35 của Hồng Minh Kim.
Xin nghiêng mình kính phục cách giáo dục con cái của gia đình bạn tui. Nói thế là bạn già đủ hiểu rồi phải không ?
Gạo Thần Nông 35 thì được, chứ đừng lấy giống 23509 của Hồng Minh Kim ! Tội cho ông HMK từ CPC vù về Sài Gòn vui với bạn bè, 15 giờ ngồi xe về CPC, trong khi tụi nầy còn nằm ở cà phê võng cho hết mùi bia rượu trước khi về ! Nhưng không sao, HMK có nói : Tao đi CPC như mầy đi từ Tam Bình lên Sài Gòn !
Anh Cả Lần ơi,
Hôm qua, do sợ trễ giờ không có xe về Tam Bình, chở anh 1 lèo ra Xa cảng Miền Tây…rồi sợ bảo vệ đuổi nên xe ôm HH quên mất vụ lấy tiền xe ôm của anh rồi. Bi giờ lỡ rồi nên Anh ở dưới nhớ gởi qua dây thép lên cho HH tiền công bằng 1 cây chuối hột và 1 bắp chuối hột (Chính hiệu nha) để chị Phi Rom nấu bún nước lèo cho HH đó nghen!
Một Lúa cám ơn các bạn đọc và viết bình luận
Kính chúc các bạn Mùa Giáng Sinh an lành hạnh phúc bên người thân
Trọn Năm Mới 2013 dồi dào sức khoẻ, vạn sự như ý.