Những món quà biết nói

Ngày đăng: 31/12/2012 12:02:47 Sáng/ ý kiến phản hồi (6)

 Chỗ đầu tiên chúng tôi định cư trên nước Mỹ là một thành phố nghèo, đang sống dưới chế độ bảo kê và chăm sóc của chính quyền Tiểu bang  New Jersey. Nghe nói những năm trước và sau thế chiến thứ hai, thành phố nầy rất giàu và rất đẹp. Là quê hương của hãng thức ăn đóng hộp khổng lồ Campbell Soup, có lịch sử thành lập hơn một thế kỷ, đang xuất cảng sản phẩm ra 120 quốc gia trên thế giới.

Những món quà Noel sum họp gia đình trông có vẻ đơn sơ. Nhưng với Lúa, chúng vô cùng quý giá.

Thành phố cũng từng là hải cảng quan trọng khu vực bờ đông trong việc chuyển vận quân dụng cho thế chiến thứ hai, sau đó tiếp theo hai cuộc chiến tranh ở Triều Tiên và Việt Nam. Khi chiến tranh kết thúc, để lại các bến cảng và các hãng xưởng hoang phế, những công nhân sản xuất vật liệu cung ứng quân đội bị thất nghiệp. Những người giàu có của thành phố nầy lần lượt chạy ra ngoại ô để tránh các hệ quả của một thành phố đông dân mà ít việc làm. Gia đình Lúa tôi đến đây vào thời điểm mà kinh tế địa phương nầy gần chạm đáy. Chúng tôi cũng không có gì để lo lắng, miễn là con cái có trường học đàng hoàng, gia đình có mái ấm che thân, ngày có hai bữa cơm no. Lúa tôi không mong gì hơn nữa.

        Những gia đình người Việt cố cựu ở đây cũng không nhiều, bọn tụi tui chân ướt chân khô nên không thể lân la với họ, vì vậy mà không rõ cuộc sống văn minh của người ta ra sao để mà bắt chước.
        Mấy năm đầu tiên, coi như nền văn hóa khiêm nhượng mang theo từ chốn quê mùa của chúng tôi vẫn tiếp tục chai cóng. Như những nốt da hóa sừng trên bàn tay đã từng nắm chặt cán cày rồi chẳng bao lâu được đổi qua nâng niu cán cuốc.
        Tiểu bang nầy có “nick name” là Garden State, nên mùa hè là thời gian thu hoạch trái cây và nông sản, đó là thời gian lý tưởng cho những gia đình qua Mỹ theo diện “con đông”. Chúng tôi lùa đám nhỏ ra vườn hái trái cây, vừa có chỗ cho chúng nó ăn chơi, đứa nào hái được thì kiếm tiền bỏ túi, đứa nhỏ thì ăn vô tư trái chín blueberry chua chua ngọt ngọt, vừa đở tốn cơm vừa được bồi bổ thêm sinh tố. Chỉ có những vườn trái cây thời vụ tốc hành loại nầy, sở lao động mới nhắm mắt làm ngơ cho chủ vườn thuê người nhỏ tuổi.
        Những năm đầu đến Mỹ coi như bắn bổng, nhưng chúng tôi nhờ chưa biết xài tiền nên dư chút ít, chi viện cho anh em bên vợ bên chồng, bà con nội ngoại để mừng dùm cho mấy đứa cháu một thời khốn khổ của mình.
        Con nít mỗi ngày lớn lên, người lớn càng già thì hiểu đời thêm một ít. Lúa nhớ lại lần đầu tiên biết mua quà tặng vợ. Khệ nệ hí hởn bưng về thùng hàng nhờ mấy nhỏ gói lại chờ đến lễ Giáng Sinh. Mấy nhỏ đã không khen ba nó mà cùng nhau cự lại. Tụi nó nói, cho dù ba có ruộng, mà đầu năm có ai mang cây cày đến tặng, ba có thích hay không. Biết rằng mẹ đang nấu cơm cho mình ăn, nhưng ba tặng bộ xoong nồi nầy cho mẹ. Không khác nào ba biểu mẹ giữ lấy mà xài, chôn chặt đời mẹ của tụi con trong xó bếp.


Mấy đứa con và dâu rể nghĩ rằng Lúa tôi không còn thích áo quần mới và giày dép cà vạt hoa hoè, không còn ao ước iPhone, iPad, máy game máy nhạc. Tụi nó thấy Lúa cứ lục tìm xem đại khái như Tổng Thống Kennedy chết năm nào, hoặc là nước Lèo nằm ở đâu trên bản đồ thế giới. Nên chúng rỉ tai với nhau cùng đổi hệ. Quà Noel năm nay tụi nó tặng toàn là hàng văn hóa phẩm, trong đó có một món do năm đứa cháu nội và ngoại họp sức chế thành. Xin bạn đọc nghe những món quà nầy nói lên chuyện gì dùm Lúa nhé.
 

1–  Bên trái nhìn vào, quyển ký sự hình ảnh <North America The Beautiful>. Giới thiệu những cảnh thiên nhiên kỳ diệu, và công sức phi thường của con người từ Alaska xuyên qua Canada, trãi từ bờ đông sang bờ tây Hoa Kỳ, xuống đến Mexico.
         Trang đang mở ra, ghi cánh đồng ngập nước quanh năm Everglades, diện tích cả cánh đồng khoảng 10 ngàn km2, chiếm một phần phía nam của Tiểu bang Florida.  Xen trong vùng trũng, có những vùng khô ráo là quê hương của những loại thực vật và động vật nai gấu chồn cáo chiếm ngự. Nổi tiếng vùng nầy là loại cá sấu hung dữ, hay bò vào vườn dân cư làng mạc sống chung quanh vành đai hoặc chúng xâm nhâp những vùng canh tác nông nghiệp trong lòng cánh đồng cầm thủy. Những xa lộ xuyên ngang dọc cánh đồng nầy phải rào lưới thép dọc hai lề lộ, và treo bảng coi chừng cá sấu trên những khoảng chúng thường xuất hiện.
         Trong hình chúng ta thấy một chú cò ngà, đứng lẫn trong đám đưng lát, một trong nhiều loại thực vật thủy sinh trong vùng đầm lầy. Một phần nhỏ vành đai vùng trũng tiếp xúc với biển, có những rặng cây giá mắm, bộ rể chân nôm cắm sâu trên  bãi bùn, lấn dần ra biển như ở Cà Mau.

2–  Quyển sách đặt giữa “Family Reference Atlas of the World”. Nội dung sơ lược những vấn đề liên quan trên hành tinh chúng ta.
         Mở đầu sách giới thiệu hai vùng đông tây bán cầu và hai địa cực bắc nam. Những trang kế tiếp nói về sự hình thành lục địa theo móc thời gian hàng triệu năm trước. Cấu tạo địa tầng lớp vỏ trái đất, các vành đai lửa. Các quốc gia nằm trên đĩa trượt, là những điểm nóng dễ gây ra động đất, sóng thần. Mô hình biểu thị vực sâu và đỉnh cao nhất. Bản đồ thiên nhiên bao phủ bề mặt trái đất như nước mặn, ngọt. các loại rừng, sa mạc núi non, đất nông nghiệp, đồng cỏ, băng tuyết. Bản đồ sinh thái, khí hậu, gió mùa, chi tiết cho toàn thế giới.
         Biểu đồ  dân số,mật độ và sự tăng trưởng dân cư, sắc tộc từng vùng. Địa lý, diện tích, dân số, tuổi thọ trung bình, ngôn ngữ, tôn giáo, chính trị, tiền tệ, kinh tế của từng quốc gia. Sơ đồ giao lưu thương mại, các thoả hiệp thương mại của cộng đồng quốc tế hay từng nhóm lân bang khu vực. Đánh dấu các nơi có trữ lượng khoáng sản, dầu mỏ, than đá, cá cơ sở năng lượng như nhà máy điện nguyên tử, thuỷ điện, những đồi hoang và bãi biển xuất hiện hàng trăm quạt gió kéo turbine phát điện.
        Người ta không quên những cái bao tử của nhân loại, chỉ rõ những vùng sản xuất lương thực cấy trồng hoa màu ngủ cốc, và các khu vực chăn nuôi và ngư nghiệp khác.
        Về sức khỏe và giáo dục của thế giới, họ liệt kê những chứng bệnh nguy hiểm và các dịch bệnh lan truyền của thời đại trên hành tinh nầy.
        Các biểu đồ mốc thời gian sự phát triển khoa kỷ và sự giao lưu internet trên toàn thế giới,

3–  Quyển thứ ba bên phải, “100 Days In Photographs. Pivotal Event That Changed The World”. Tựa sách đã nói lên những hình ảnh khắp nơi, ghi lại những sự kiện mấu chốt làm thay đổi  bộ mặt thế giới.
        Trang sách mở ra đúng ngay bàn tiệc Tổng Thống Nixon đang dự quốc yến với Thủ Tướng Chu Ân Lai tại Bắc Kinh năm 1972. Ngày thường thi gương mặt của ngài Nixon đã khó coi. Hôm đó tuy cách cầm đũa của ông rất chuẩn, nhưng nhìn bộ tướng ông ta nghiêng đầu nhìn kỷ món gì đang kẹp trong đầu đũa. Người ta chợt nhớ món chuột con “bao tử”, loại chuột thề hệ thứ ba của dòng họ chuột được các vị công công phụ trách ẩm thực hoàng cung tuyển lựa, nuôi toàn bằng nhân sâm Cao Ly. Đã từng dùng nguyên con mới nở dồn làm nhân bánh bao đãi sứ thần các nước Tây phương của Từ Hy Thái Hậu.
        Mới nhìn tựa sách, Lúa nghĩ 100 ngày là bằng 3 tháng 10 ngày như kiểu tính ngày gieo trồng ở ruộng. Chừng lật từng trang, thấy hình của Tổng Thống Abraham Lincoln bi tên thích khách John Wikes Booth dùng súng sát tử đêm 14 tháng 4, 1865, tại nhà hát Ford ở Washington, DC.   
        Trong sách có hình một chiếc wagon 4 bánh do ngựa kéo, chụp năm 1854. Được làm phòng tối rửa ảnh lưu động trên nước Mỹ. Cũng từ những phòng tối nầy, để lại cho lịch sữ những hình ảnh chiến tranh, nổi bật là trận Gettysburg, Pennsylvania ngày 1 đến 3 tháng 7 năm 1863, trận chiến gần như quyết định cuộc nội chiến Hoa Kỳ.  
        Bộ ảnh đen trắng của professor Hiram Bingham III, khám phám Machu Picchu, vương quốc bỏ hoang của người Incas tại vùng núi rừng trùng điệp cách trở của miền nam Peru, chụp ngày 24-7-1911. 
        Công trình xây dựng tháp Eiffel được ghi lại từng mốc thời gian xây dựng bằng bộ ảnh đen trắng. Bắt đầu những trụ thép nhô khỏi móng bê tông của bốn chân tháp, ngày 8-10-1887. Tháp được kết nối cao dần lên, hoàn tất ngày 31-3-1889. Đạt đỉnh cao 985 feet, công trình cao nhất của con ngườì thời điểm đó. Tháp được đặt tên của người kỷ sư cha đẻ, Gustave Eiffel. Toàn bộ công trình ngốn 10.000 tấn thép, 1.665 bậc thang, dùng 2 triệu rưỡi con đinh tán ri-vê để kết nối những thanh sắt với nhau. Công trình thép tuyệt mỹ nầy từng bị Hitler nhiều lần hăm he gở xuống để nấu thép đổ xe tăng, trong thời gian Đức Quốc Xã chiếm đóng nước Pháp hồi đệ nhị thế chiến.  
        Nhìn sách nầy, Lúa tôi biết được trang web đằu tiên trên online xuất hiện ngày 6-8-1991. Lúa cố tìm trang tph-vl, xem thử đứng hàng thứ mấy trên chốn giang hồ.     
        
4-  Món quà thứ tư là khung vải in hình năm bàn tay phải của năm đứa cháu. Biểu tượng xoè bàn tay đưa ra phía trước chờ người ta vỗ nhẹ, “give me five” là cử chỉ chào hỏi thân thiện của người Mỹ. Có vẻ vui tươi và trẻ trung hơn lối bắt tay cổ điển.
Những món quà Noel sum họp gia đình trông có vẻ đơn sơ. Nhưng với Lúa, chúng vô cùng quý giá.

Một Lúa

f/  


Phải cạn hai ve bia
Uống một viên thuốc liều
Tay gõ, đầu cà gật
Con chữ nhảy liêu xiêu

 

Có 6 bình luận về Những món quà biết nói

  1. PhươngNga nói:

    Anh Một Lúa ơi, sao không uống thuốc với bia?  Cần chi chai nước để kế bên? Thích nhất là món quà thứ tư của anh.  Các cháu rất sáng tạo nghĩ ra được món quà đầy ý nghĩa nầy.  Thật đáng khen!

  2. Nguyễntuyết nói:

    Anh Một Luá ơi , đọc bài viết cuả anh NT rất phục cách thích nghi sống cuả anh khi đặt chân tới  Mỹ , và các con các cháu anh rất là ngoan , trong bài anh có nói tới trái chín  Blueberry chua chua ngọt ngọt , ở nơi NT sống loại trái này rất mắc , đầu muà chỉ chừng 100 gr mà tới $2.99 đó , khi rộ lên thí  gần nưả kí lô ( 1 pound )$6 99 gì đó , nghe nói nó bổ nên NT cũng mua 1 cây khoãng 4 tấc về trồng . NT tình cờ đi chợ trời ngày chủ nhật , thấy họ đem cây ra bán , lúc NT mua thì trái nó mọc đầy và chín  màu tím đen , nhưng NT không biết cách săn sóc nên  năm nay  , trước muà Đông , NT thấy nó chỉ ra bông có màu  trắng , nhưng NT không thấy trái chín !!! có lẽ trời lạnh  , NT đang đem vô mái hiên nhà cho nó bớt lạnh , bên nhà anh có trồng cây này hong ? chắc có lẻ tại NT trồng trong chậu nên nó không đủ sức phải hong huynh , , nếu huynh biết cách trồng cho nó mau lớn và phát triển tốt , làm ơn chỉ nhe ! Mến nhiều  NT Snow.

    • PhươngNga nói:

      Chị NT,  hè tới đổ bộ qua bên nhà em.  Cho chị hái bluerry tới mõi tay luôn, tới chừng đó đừng than.  Ba của ông John có trồng đâu trên dưới 1000 bụi. Ông mất rồi, con cháu đi làm mọi – nói theo cách của ĐKP –  không có thì giờ chăm sóc, thậm chí hái bán. Nếu chịu khó, chị có thể hái vài chục kí lô trong vòng 1 giờ. Năm ngoái làm biếng đi hái, để cho chim ăn hết.  

  3. Một Lúa nói:

    Chào Phương Nga và Nguyễn Tuyết,

    Cám ơn hai bạn viết lời bình luận.

    Nguyễn Tuyết, cây blueberry phải có thời gian ngủ đông ở ngoài trời (như vùng NJ chẳng hạn). Nó không sợ lạnh, nên không cần trồng trong chậu mang ra mang vào làm gì.  Cây sẽ trỗ bông rất nhiều  và đậu trái vào mùa xuân. Trái chín vào cuối tháng 6, lúc học sinh nghĩ hè.

     

  4. KiềuOanh nói:

    Anh Một Lúa ơi, Em xin chúc mừng anh năm nay có những món quà độc đáo nhé. Như thế thì anh có lý do để không bị “tác xạ quấy nhiễu” nữa rồi, Anh có thể ngồi lỳ trong phòng với các món quà trước mặt (và dĩ nhiên là cái laptop nữa). Hể có “tác nhân” nào muốn “hó hé” thì anh nói “E …hèm, để yên cho tui tập trung “nghiên cứu” các món quà văn hóa phẩm này, như thế mới không phụ lòng con cháu chứ!” Không chừng lúc đó mấy đứa con dâu rể còn hoan nghênh ông tía này thiệt dễ thương nữa đó,cheeky Sao anh Một Lúa không gởi chụp hình sau khi 2 chai bia đã cạn, để em xem ..”Tay gõ, đầu cà gật” như thế nào?

  5. Nguyễn Văn Lần nói:

    Anh bạn Một Lúa ui ! Xin mạn phép sửa mấy câu thơ 1 chút !

    Mới cạn hai ve bia
    Không cần uống thuốc liều
    Tay gõ, đầu chưa gật
    Con chữ nhảy đều đều !

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác