Đi “ngắm” shopping
Có một lần, Một Lúa thấy tấm bảng bằng giấy cứng, hình thức lẫn nội dung nghiêm chỉnh như vầy “Đã hết thời gian mua hàng bằng mắt”, treo lũng lẳng bên trong siêu thị bán hàng điện máy cao cấp ở Sài Gòn. Lúa tui ngẩm nghĩ một hồi mới ngộ được câu danh ngôn đó. Thì ra trên thế giới có nhiều người cùng sở thích giống nhau, an nhàn rảnh rỗi, rề rà mấy cái “mo” được trang bị hệ thống điều hòa lạnh ngắt. Bà con đến đó làm công việc góp mặt chen vai, rửa mắt cho vui, ít khi nghĩ đến việc móc hồ bao mua chơi vài món.
Hiểu được ý tấm bảng của chợ nầy, dân họ Lúa nhà tui hơi hơi tự ái. Vuốt bộ bà ba lụa Lèo bóng hơn hàng “siu” thượng hạng, Lúa tui chững chạc bước vô quày hàng bán máy chụp hình. Thiệt bụng là nếu hàng tốt giá rẻ thì cũng rinh một cái. Chuyện là sau khi Lúa được cấp Visa du lịch, thằng con ở Mỹ cứ căn dặn hoài, tía chụp cho con một mớ hình sinh hoạt làng xóm chợ búa quê mình, đừng quên cho con xem hai cây cầu
bắc ngang sông Tiền sông Hậu. Tía chụp cảnh gì cũng được miễn là đừng “chụp chuột” dùm con. Lúa là nông dân rặt mà không biết con chuột ám chỉ chuyện gì. Hay là thằng con muốn nói những tấm hình mất đầu mất chưn hay cắt nửa thân người. Cũng có thể nó bất mãn những tấm hình mà ngay cả người chụp cũng không đoán nỗi thân phận các nhân vật xuất hiện trong đó là ai. Tuy nhìn không rõ mặt người nhưng còn thấy cảnh
đằng sau, nên Lúa tôi tiếc không liệng bỏ, ráng độn cho đầy cứng album, nhờ người quen xách dùm mang qua cho nó.
Chỗ ở của thằng con Một Lúa thuộc vùng hơi hoang vắng, xóm làng chung quanh toàn là người Mỹ lác đác lưa thưa. Nhà nào cũng có đất phía trước phía sau mênh mang chà bá. Tháng 12 tiết trời lạnh ngắt mà sân cỏ vẫn xanh rì, không có con gì ăn thiệt uổng. Phải chi Lúa tui dẫn được hai con dê giống Ấn Độ đi theo, cho xực đám cỏ nầy thì đã biết mấy.
Nhớ tới đây, hổng biết mấy ngày nay bà xã và tụi nhỏ ở Tam Bình có cắt cỏ hay bẻ lá so đũa cho hai con dê cưng đó. Ý là trước khi “o-đờ” tụi nó năm rồi, Lúa tui lo xa trồng sẵn hai hàng so đũa từ lề lộ đá chạy thẳng vào nhà. Chúng được Lúa và đám cháu xách nước tưới hằng ngày nên thiệt là mau lớn, mới mấy tháng cây đã xây bằng thang,
tàn lá sum xuê. Tết năm đó chúng nó trổ bông nhiều hết biết, mà chủ trại chăn nuôi chưa kêu đến dẫn dê con, báo hại con người phải ráng ăn liên tục bông so đũa luộc chấm tương, ngán gần tới cổ.
Mấy ngày mới qua xứ Mỹ, Lúa mãi lo tìm hiểu cái nầy cái nọ trong nhà thằng con. Rồi hết người nầy người kia, bạn bè của vợ chồng tụi con kéo đến thăm, nhớ tên không xuể. Nghĩ lại là bà con bên xứ mình hay có lệ, chồng dự đám giỗ đám cưới thì vợ ở nhà, hoặc vợ đi đám tiệc thì chồng nằm đêm thao thức. Xét ra Lúa tui đở hơn mấy ông bà kia, vì trước lúc làm giấy tờ, tui có rủ bả hai lần, tại bả cứ nằng nặc ở lại để coi chừng nhà cửa và heo gà dê chó.
Còn xứ Cờ Hoa nầỳ, hết giờ làm việc hình như thiên hạ hưởn đãi vô tư. Họ nghe tui từ Việt Nam mới đến, chiều nào cũng có mấy gia đình quen với thằng con, nhà họ có bao nhiêu người đều kéo rốc đến thăm. Mấy đứa con nít thì nhập bọn với tụi cháu nội của tui chơi đồ điện tử bên mấy máy truyền hình. Đám phụ nữ ngang tuổi với con dâu thì có bàn riêng, ngồi ăn bánh mứt. Băng thanh niên thì nhào vô bếp lăng xăng làm đồ nhậu. Để mặc Lúa tui uống trà với ông bà già vợ hoặc cha mẹ chồng của tụi bè bạn dâu con, mấy ông bà bô lão quanh quẩn chuyện năm xửa, năm xưa.
Tàn tiệc thì mạnh ai nấy đứng dậy phủi quần, khoát áo ấm ra về. Con dâu thì dẫn mấy nhỏ lên lầu, thằng chồng của nó đang lục đục một tay kéo thùng rác, một tay xách cái sô đi thu hồi chén dĩa ly tách dơ gom về bồn rửa chén. Lúa tui mừng cho vợ chồng tụi nó thương nhau, biết chia sẻ việc nhà, nên cứ ngó chừng chỗ cầu thang xem con dâu có đi xuống rửa chén dĩa hay chưa. Thằng con của Lúa sau khi lau bàn, lau sàn gạch, có vẻ rất quen tay chớ không phải màu mè hay đóng kịch. Nhà cửa gọn gàng thơm tho sạch sẽ, mình tưởng nó đến ngồi gần để hai tía con tâm sự. Thấy nó tròng cái vòng dây của mảnh vải ka-ki có in hình vẻ mặt người đang cười toét miệng. Miếng vảì ka-ki khi được máng xong vào cổ, che kín phần ngực trùm xuống ngang đầu gối, nó thành thạo vòng tay ra sau cột hai đầu giây kết ngang khoảng thắt lưng. Có lẽ công dụng sợi dây lưng giữ cho miếng tạp-dề gọn gàng, xinh xắn trước thân người mặc. Với bộ vó mới được trang bị, chắc là thằng con nầy định ăn thua đủ với đống chén dĩa đang ngỗn ngang, chật cứng trong bồn.
Suốt tuần lễ chào hỏi nhau nhộn nhịp, chiều hôm qua Lúa tui phụ với thằng con kéo hai thùng rác bự chần dần và mấy bao nylon đen chứa rác chè è đem ra lề lộ, cho ngày mai đầu tuần là lịch trình của xe lấy rác vùng nầy. Phải nói rằng nước Mỹ không có những khẩu hiệu rợp trời, hay những pa-nô vui tươi sống động, không khen không thưởng, không thúc không chằng. Mà thằng con trai và con dâu của Lúa tui làm
trối chết. Ngày nào cũng tụi nó đi làm tối mịt, đứa nào về sớm thì ghé nhà trẻ rước hai đứa con. Đêm nào có tiệc, nó cũng phải dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ tới khuya rồi mới đi tắm rửa, vậy mà chưa nghe tụi nó than thở nửa lời. Có điều Lúa tui thắc mắc là lon nhôm và đồ mủ có bán được không mà thấy tụi nó để riêng ra thật kỷ. Nó nói phải đựng thùng riêng để thành phố thu hồi, vừa bảo vệ môi trường mà giúp chánh quyền địa
phương thêm tiền để làm công ích. Vợ chồng của nó làm công tác gom nhặt ve chai của gia đình như là một trách nhiệm của công dân.
Chiều nay lúc thằng con chưa đến nhà thì điện thoại đã về trước, nó kêu Lúa tui sửa soạn sẵn sàng để lát nửa hai tía con đi xem thiên hạ mua quà trong dịp lễ Noel, điều mà tui mong chờ hổm nay nhưng thấy thằng con lu bu nên không dám nói.
Chỗ thằng con vùng ngoại ô thành phố. Nó nói xa chợ như thế mà hay, có muốn mua sắm cái gì cũng đâm ra lười biếng, lâu ngày thì quên việc đó mất tiêu. Riết rồi cũng quên luôn thói quen đi mua sắm.
Cherry Hill Mall là một trong 10 mall lớn nhất của Tiểu bang New Jersey. Khai trương năm 1961, được tân trang nhiều lần. Mall nằm trong thành phố Cherry Hill, địa phương có dân số hơn 70 ngàn người, thuộc quận hạt Camden nằm về miền nam của tiểu bang. Diện tích tổng thể của mall gần 1 triệu mét vuông, chiếm bốn mặt đường lớn. Diện tích ích lợi cho mướn là 115 ngàn m2, khu vực bán hàng và phục vụ được thiết kế trung tâm, bên ngoài là những bãi đậu xe miễn phí cho hàng ngàn chiếc. Trong mall tổng cộng 160 cửa hiệu lớn nhỏ khác nhau. Trong đó có 3 cửa hiệu chủ lực thuộc hệ thống bán lẻ quần áo và hàng gia dụng nổi tiếng quốc tế là Macy’s chiếm 30.000 m2, JCPenney chiếm 17.000 m2, Nordstrom chiếm 13.000 m2.
Cho dù cái mall nầy bao lớn, bán bao nhiêu mặt hàng, mình biết để làm gì. Hổm nay Lúa tôi ngắm người ta đi mua hàng cũng thấy đã hai con mắt. Dù không thu hoạch gì, nhưng mình cũng có vài chuyện lạ để khoe với bà con chòm xóm.
bài và ảnh Một Lúa
Nhà dân cư trang trí đèn và các hình nộm được máy thổi hơi liên tụcmừng lễ Noel 2012.
Căn nhà nầy sẽ rực sáng và cảm thấy ấm áp trong đêm Giáng Sinh.
Cháu nội của Một Lúa đứng giữa 2 con reindeer được vận hành nghinh lên cuối xuống bằng điện.
JCPenney, một cửa hiêu bán quần áo và tất cả các mặt hàng gia dụng, đang chiếm diện tích 17 ngàn m2 tại mall nầy. Là 1 trong 1.100 store trên toàn nước Mỹ.
4823 Một khoảng nhỏ trong mall 2 tầng. Các cửa hiệu liền vách với nhau,quay mặt vào lối đi ở giữa. Trần nhà có kính lấy ánh sáng tự nhiên cung cấp cho hành lang bên dưới.
Old Navy, cửa hiệu chuyên bán quần áo giày dép, thường in chữ Old Navy trên các áo sơ mi mùa hè. Hệ thống có 1 ngàn cửa hàng cở trung bình trên nước Mỹ.
Hai đứa cháu của Một Lúa trên lối đi vô xếp hàng để được chụp hình với ông già Noel, Santa Claus.
Cây thông Giáng Sinh trong nhà một người Việt ở Mỹ.
Đề nghị ông nội Một Lúa mang tấm ảnh trắng đen của ông chụp năm 1955 ra so với ảnh màu của thằng cháu nội hiện nay. Tui không so sánh kỹ thuật, mà để so sánh gương mặt 2 ông cháu !
Hai cháu trông thật đáng yêu! Em cũng có nhận xét giống anh Cả, cháu nội của anh giống ông quá chừng! Đang chờ anh “trình làng” tấm hình cả gia đình.
Tháng trước đọc tin JC Penny trong năm 2012 lỗ lã quá chừng. Stocks xuống giá hơn 30%.
Đúng rồi Phương Nga ơi, năm nào JC Penny cũng gởi gift card 15 đô tặng HHg, và phiếu giảm giá chụp hình cho Tommy và Gia Bảo chỉ bằng nửa giá ở Sear, giá ở Sear 200 đô, tại JC Penny chỉ 99 đô. Năm nay JC Penny đã quên HHg, nhưng HHg vẫn đến thăm JC Penny vì khi mới đến Mỹ JC Penny tặng cho HHg một đôi giày trị giá 79 đô để đi học. Năm nay JC Penny vừa vắng khách vừa vắng mặt hàng xịn.
Gần sắp tới tháng hai i tết quê hương cuả ông bà nội rồi , hai cháu nội dắt ông nội đi mua sắm tiếp để kỷ niệm tết quê nhà VN gấu yêu năm 2013 , mấy hôm nay thời tiết có nhiều thay đổi , lạnh cóng nơi NT sống , còn bên huynh chắc có lẻ sẽ lạnh hơn , NT chúc huynh và toàn thể gia đình 2 chữ ‘ MẠNH GIỎI và MẠNH KHOẺ ” nhe. Mến nhiều . NT SNow.