Tâm tình của người viết bài

Ngày đăng: 11/11/2012 07:47:49 Chiều/ ý kiến phản hồi (7)

Bài này anh Một Lúa bảo tôi tùy nghi sử dụng vì không thuộc thể loại gì. Đọc xong , tôi thấy nó rất có ích với những người muốn viết bài, những ai còn rụt rè muốn viết nhưng không biết khởi đầu ra sao. Đây là chuyện “bếp núc” của một người viết, được Một Lúa truyền cho kinh nghiệm. Theo tôi thì đọc không bổ bề dài cũng bổ bề ngang (SOS)

 

 Muốn viết một bài, Một Lúa tìm một cái tựa thật ăn-rơ với cốt truyện định trước. Rồi bắt đầu gõ lên máy như gà mổ vào lon thóc. Khi thì bài viết mạch lạc theo đúng chương trình, khi thì câu chuyện dẫn dắt qua những khúc quanh mà người viết cũng không ngờ tới. Lý do khiến cho Lúa tôi phải chạy theo đường banh chữ nghĩa là không dàn dựng bố cục hoặc phác thảo cốt truyện rõ ràng trên giấy. Vì phải làm việc kiếm sống hằng ngày và dành thời gian phục vụ gia đình nên việc viết lách luôn bị gián đoạn, ngắc khúc. Một câu chuyện nhưng chịu ảnh hưởng nhiều tình huống tâm lý khác nhau. Giống như bếp núc lửa củi tắt lạnh tanh rồi nhóm mồi trở lại, khiến nồi bánh lợn cợn óc trâu. Cũng có vài bài tôi hí hửng tưởng rằng mình sẽ đọc rất hay, nhưng giữa chừng nó bị cái gì làm cho nghẹt cứng, mở máy ra dòm hoài nhưng không thể thêm một chữ. Những bài trơn tru đến được phần kết luận mà nhân vật và cốt truyện của tôi đi theo đúng ý là một may mắn cơ duyên, hoặc nếu có leo lề trật đường rầy thì cũng là một cơ duyên an ủi khác. Một bài trước khi gởi đi thường bị đổi tựa vài lần, cũng bởi do số phận long đong, trái gió trở trời của nó.

       
        Từ ngày tôi có toàn quyền sử dụng riêng một laptop, mon men lục lạo các trang mạng người ta và người mình, xem bà con viết văn thơ và viết đủ thứ chuyện trên đời. Rảnh rổi tập tành gởi email cho một bạn lão làng cùng quê, viết bằng chữ Ta theo kiểu tiếng Tây, kêu ổng ráng nhìn mà đoán. Thời may có một ông bạn khác ở Đức về quê và ghé thăm ông thần đó, nhìn thấy mấy cái email dài thòn suông đuột như con lươn của tôi, dù cả hai ông thầy đều giỏi tiếng Việt cũng chẳng biết đọc làm sao. Ổng vừa bực mình vừa thương tình chỉ cho tôi chiêu thức bỏ dấu quốc ngữ thiệt là dễ ợt. 
        Sau nhiều ngày được mấy ông nầy giới thiệu chấm com xem ké, cuối tháng 12 năm 2011 tôi thử tham gia trang nhà, do số đông học sinh kỳ cựu của một trường Trung học tỉnh nhà chủ trương biên tập. Lúa tôi chưa từng học ở trường đó và cũng không quen những tên tuổi xuất hiện trên trang của họ. 
        Nhưng tôi có niềm tin mạnh mẻ đối với cuộc đời. Nhớ lại ngày nào chúng tôi bơ vơ thất lạc hãi hùng trên biển dữ, được người cứu giúp, cưu mang nuôi dưỡng như anh em thân thuộc. Họ đâu có thắc mắc tại sao mình là da vàng da đỏ, ăn học, sang hèn . Suốt hơn hai mươi năm tha phương, rất nhiều lần nhờ vả sự giúp đở của người ta. Ngay cả chuyện nhỏ hàng ngày, mình muốn mua một món đồ gì đó mà chẳng tìm được ở đâu, hỏi bất cứ người lạ nào họ biết, người ta sẽ chỉ dẫn cho người mình nơi chốn tận tình. Nếu nói đời là biển lớn, nó đã không nhận chìm mình, thì lo lắng làm chi dòng sông quê hiền lành quen thuộc. Trong niềm tin tình người, niềm tin mọi cửa chợ, cửa chùa đều rộng mở, Lúa tôi bước vào sân chơi của họ không ngượng ngùng e ngại, không sợ lẽ loi giữa những đồng hương. Tận hết khả năng của mình hòa nhập vào không khí vui tươi văn nghệ, dùng chút văn chương, an ủi cho tâm hồn chính mình và giúp vui bè bạn.
        Chào sân bằng bài viết đầu tiên trong đời của mình, tuy không hơn ba trăm chữ, nhưng đó là tình cảm chân thật nhất. Mừng rỡ thấy bài của mình đăng lên báo. Nhưng ngạc nhiên nhất là vụ bạn đọc bình luận phản hồi. Ngoài vỏn vẹn bạn già quen nhau từ nhỏ là giống đực, còn phía giống đẹp thì có ba nàng tên cùng chữ P đứng đầu, vui vẻ bình luận rất hay. Ấn tượng đầu tiên của Lúa tôi nghĩ rằng chợ nầy âm thịnh, nhưng sau đó mấy bài mới vỡ lẽ ra, nơi đây âm dương thịnh vượng như nhau.
        Bây giờ nhìn lại những bài vở đó, chúng cũng loàng xoàng như hoa đồng cỏ nội, như bí bầu khoai củ chốn quê mùa. Nhưng có một bài viết mà Lúa tôi đắc ý, không phải vì văn vẻ cao xa bay bướm. Cốt truyện được viết lại dựa trên hoàn cảnh có thật của một đứa cháu gái. Đọc xong bài đó nó hỏi, chú tưởng tượng chuyện ly kỳ nầy từ đâu mà đọc cảm động quá. Tôi kêu nó đọc lần nữa coi có phải chuyện của cháu hay không. Nó chậm rãi xem lại từng câu từng chữ, nghẹn ngào với hai hàng nước mắt. 
        Tâm lý đứa cháu gái cũng hơi giống chuyện cũ của chúng tôi. Có lần Lúa cùng các bạn thân ngồi uống cà phê, một anh phụ trách dò kết quả những vé số hùn mua, thời mà mỗi tuần xổ một lần, lô độc đắc phải đúng y chang sáu số. Lúc anh ta gom cọc vé số định ném vào sọt rác, anh ngồi kế bên dùng tay đè lại, lấy ra một tờ và la to, mình trúng độc đắc rồi. Chuyên viên dò số và tôi giật mình nhìn tấm vé số nằm trên trang giấy của quyển sổ dò kết quả, được viết sắc sảo, rõ ràng bằng mực tím. Tai tôi lùng bùng, không còn nghe những tiếng nói hổn độn xung quanh, đầu óc lâng lâng tê dại. Trong lúc anh chàng Kha Luân Bố lập đại công trong việc khám phá ra châu Mỹ, vội vả xóc đống vé đầu đuôi lộn xộn xem còn vé cá cặp nào còn lạc loài trong đó. Ông già ngồi bán vé số trước quán cà phê nghe ồn ào, hấp tấp chùi cặp mắt kiến bước vào xem thử, ổng la còn to hơn Robinson lúc thấy được đất liền, trật lất rồi mấy ông ơi. Chúng tôi bình tâm trở lại, mới nhận ra trật ở chổ nào. Dù tấm vé có đủ mặt sáu số của lô độc đắc, nhưng không được ông bán vé số an ủi trả cho một cắc, vì chỉ có bốn con đúng theo trật tự, hai con kia thì hoán đổi vị trí chỗ nằm.
        Chén trong sóng còn khua, huống chi là con người biết chạy nhảy, nói năng ở sân banh sân chợ. Nhưng thử nhìn món đồ chơi của mấy nhỏ, thấy nguyên tắc chế tạo rất hay. Mỗi lần chiếc xe chạy bằng pin húc phải chân bàn hay vật cản, nó không như ngày xưa chỉ lo hụ máy cố đánh sập chân bàn hay ì một chỗ chờ mô-tơ cháy rụi. Đồ chơi ngày nay tự biết lùi một chút, nhẹ nhàng tiến lên đường mới, cuôc chơi tiếp tục, vui vẻ cả nhà. Dù không ai thưởng thức, nó vẫn tự động rong chơi cả ngày, rè rè lầm lũi.          
        Quán Một Lúa không thể pha chế những ly cà phê thiệt ngon để phục vụ những người sành điệu, khách dùng một ly mà đã ghiền năm bảy bữa. Khó khăn lắm mới được những ly cà phê bình dân nhàn nhạt, một loại giải khát nhất thời. Thương hiệu nầy đâu đâu cũng có nên không cần đặt tên hay tốn kém mặt bằng, chỗ đứng. Cám ơn các bạn đã một lần ghé quán. Cho dù chỉ để tránh nắng trú mưa hay chờ bè bạn.
        Trường hợp nào, các bạn vẫn là khách quý.

Một Lúa  (Ấp Năm, Mỹ Lộc)

Có 7 bình luận về Tâm tình của người viết bài

  1. Nguyễn Văn Lần nói:

    Đọc bài của ông bạn già đồng hương, tui cũng thấy ghiền. Vì nghĩ sao viết vậy, cũng như tui, mình vào sân chơi nầy, không cần chuyên nghiệp. Tối nay đọc bài nầy, tui mới nhớ lại trưa nay nghe Bích Liên, Lan Phương nói chuyện ở quán cà phê Đam Mê cùng với tui, LM, TN, KO mà thông cảm cho các bạn rất muốn viết bài gởi cho trang nhà mà không viết được. Phương Liên thì viết chữ không bỏ dấu được, còn Bích Liên và Lan Phương thì muốn viết, nhưng ý tưởng đi đâu mất tiêu. Các bạn ơi ! Cứ đi thì sẽ đến, nếu vậy, nhân đây tui đề nghị các bạn nghiền ngẫm bài nầy của ông bạn già Một Lúa của tui, rồi viết thử. Viết 1 bài ngắn thôi, nghĩ sao viết vậy, nếu chổ nào còn góc cạnh không trơn thì nhờ SOS nhà mình gọt giũa lại, sau vài lần sẽ trơn bén chứ gì ! Phải không ông LM ?

  2. Một Lúa nói:

    Một văn hào đã nói,   Thế gian nầy vốn không có đường, con đường có được là do người đi mãi mà thành ”

    Nếu mình không thử bước thứ nhất thì làm sao có được bước thứ hai, làm sao có < con đường mang tên em >

    Chúc các bạn vui khỏe, đạt thành ý nguyện. Một Lúa

     

  3. Bốn Lúa nói:

    Dường như anh Một Lúa này có “thầm giao cách cảm” vậy ta? Sao anh biết bên VN có nhiều bạn đang muốn viết bài đóng góp cho trang nhà mà không biết viết thế nào, tự dưng hôm nay anh cho một bài viết này , đúng là “buồn ngũ gặp chiếu manh” ,Đọc bài viết của anh tụi em cảm thấy rất bổ ích. Nhưng khổ nổi anh Một Lúa ơi, anh bắt đầu viết bài gõ lên máy như gà mổ vào lon thóc, nhưng gà anh là “gà công nghiệp”được nuôi tập trung nên thóc cũng được tập trung trong lon , mổ khỏe re ! Còn tụi em là “gà đi bộ” nên phải mổ từng hạt thóc rơi lòng vòng trong vườn , có khi  chạy kiếm ..mỏi giò mà thóc không “đầy bầu diều” thì làm sao gởi cho anh SOS đăng lên được!Khổ chưa!frown

    Bài viết của anh Một Lúa thực sự đã khiến Bốn Lúa tôi rất xúc động khi anh nói ” ..Nếu nói đời là biển lớn, nó đã không nhận chìm mình, thì lo lắng làm chi dòng sông quê hiền lành quen thuộc” Cám ơn anh đã ví trang tin nhà như một dòng sông hiền lành và thân thương. Bốn Lúa rất ngưỡng mộ và quí mến anh, Bốn Lúa thích nhất khi anh đưa ra hình ảnh những món đồ chơi trẻ em ngày nay , chỉ cần có chút năng lượng là nó sẽ chạy rè rè suốt ngày, bất chấp va chạm vào trở ngại nào nó chỉ cần de lại một chút rồi đi sang hướng khác, chẳng cần ai quan tâm thưởng thức. ( Xin cho Bốn Lúa ké thêm một chút đuôi lòng thòng nhe: nói thì nói cho vui như  thế chứ món đồ chơi ấy luôn được bà con ngưỡng mộ theo dõi một cách thích thú chứ bộ, không tin thì ai đó mua món đồ chơi về cho sắp nhỏ thử xem , có bao giờ nó chạy lủi thủi 1 mình đâu nà ?!)

    Anh Một Lúa ơi, tui rất ngưỡng mộ anh , vậy anh cho phép Bốn Lúa tui bái anh làm “Sư Phụ” nhe.(Bên Chợ Thơ có H.Hương muốn bái anh Phong Tâm làm sư phụ nên Bốn Lúa tui cũng muốn bắt chước đó mà).

    Ý , anh Một Lúa mở quán cafe không sợ KO ganh tỵ hay sao vậy ?Hay là anh định “hùn hạp” với KO mở quán cafe bình dân miễn phí cho bà con trang nhà ?

  4. Một Lúa nói:

    Tư Lúa ơi,

    Ráng mổ thêm vài con dế nhũi là đưa con gà đi bộ thịt dai dòn thơm ngon lên chợ được rồi. Mấy con gà chuồng ụt ịt bủn beo làm sao nấu gô-loa ngon bằng.

    Tư Lúa khen Một Lúa biết < thầm giao cách cảm> , cũng như không. Vì <thầm giao> là giao ước lầm thầm bên lổ tai, đã có thông tin lận lưng thì còn cách cảm nỗi gì.

    Huynh không thể tự ý nhận muội làm đệ tử. Khi nào sư phụ Thiên Lúa cho phép, thì huynh OK. Trong khi chờ đợi sư phụ, huynh khuyên muội luyện tập <cách cảm>, không bổ ích cho văn chương cũng cường thân kiện thể, không thêm chiều dài cũng bổ chiều ngang.

    Chúc muội làm rạng danh lò Lúa ( không phải lò trấu nhe )

     

     

    • KiềuOanh nói:

      Trời ! anh Một Lúa này gan thiệt nhe, muốn mở quán cafe cạnh tranh với KO mà bây giờ lại muốn “khiêu khích” với anh Hồng Minh Kim để lập lò Lúa nữa chứ ! Anh Hồng Minh Kim ới ời , Mấy Lúa mở lò cạnh tranh với anh kìa !

    • Bốn Lúa nói:

      Híc hic ! cái tội Bốn Lúa xớn xa xớn xác không chịu kiểm tra kỹ phản hồi trước khi gởi nên sai chính tả bị anh Một Lúa “bắt giò” phải nhảy …lò cò nãy giờ nè ! “thần giao cách cảm” là thiêng liêng thần thánh mà bây giờ trở thành ” thầm giao …” giao ước lầm thầm …..xem ra bị trở thành phàm phu tục tử mất rồi ! 

      Phải chờ Thiên Lúa cho phép Bốn Lúa mới được thâu nhận làm đệ tử hả anh ? Giờ em mới có được 1 giạ Lúa giống ( mượn của anh Cả Lần)  chờ cho đủ Thiên Lúa không biết đến bao giờ đây?! Có ai có lòng hảo tâm giúp cho tui hông ??? Huynh đừng lo , muội luyện tập “cách cảm” hoài đó chứ ,có rất nhiều cách cảm , mà hiện giờ thì muội đang cảm ho , sau khi bị cảm sốt mấy ngày vì bị mắc mưa đó ! hi`hi`

      Bốn Lúa cám ơn anh Một Lúa rất nhiều, em cũng đang học cách cảm anh đây , mà là cảm kích à nhe . 

  5. Nguyễntuyết nói:

    NT nghe nhất Luá và tứ Luá nói qua nói lại mà  NT thầm ganh tị đó nhe , hôm ruì NT học cách làm thơ chặt khúc nấu nhừ từ cô giáó PM ,   SOS và các huynh nói  ” Giựt mình ”  ! nay NT lỉnh hội được phương pháp viết văn cuả anh Nhất Luá , à anh Một Luá  dạy phương pháp quá hay và cũng tuyệt cú mèo đó , NT sẽ rán rán mà cố gắng  tập viết …. mà hơi khó quá anh một Luá ơi….viết làm sao cho  người đọc thích và vui và bổ ích nưã ,thấy khó quá huynh ơi ,  NT sợ ai đọc sẽ nói  ” Giựt gân ” thì  chắt có nước bị anh môt Luá kêu nằm xuống quýnh thì đau chết , còn muôi Tứ Luá sẽ cười khúc khít ha ha ha thì NT không có nẻo quanh co nào mà nấp trốn !?. NT Snow.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác