Nghe nhạc Mộc Quốc Khanh, ấn tượng về mưa
Tháng 10, Sài Gòn bây giờ mưa gió dữ. Biết làm gì giữa trùng trùng con triều duềnh nước bủa vây khi chôn chân vỉa hè với chiếc xe chết máy, ngồi chờ mưa ngất tạnh bỗng giật mình tuổi 40 sè sè đương chớm thu phai. Sài Gòn, cơn mưa và dòng người mãi vật vờ trôi đi… Liệu có còn ai sau Trịnh Công Sơn từng xô lệch hình tượng một con phố chìm ngập trong mưa“bỗng là dòng sông uốn quanh”, còn ông ngồi đó với cảm thức “đôi khi một người dường như chờ đợi, thật ra đang ngồi thảnh thơi”để tung hứng ngữ nghĩa ca từ?
Cơn mưa vô tình đưa tôi lạc bước gặp Mộc Quốc Khanh cùng với nhà thơ Nguyễn Hữu Hồng Minh trong quán café có tên rất Tây trong sân vận động Hoa Lư, vốn nhiều lần ngồi đồng còn không nhớ nổi cái tên giữa dòng sống ồn ã chảy tuôn. Ngồi xuống với Nguyễn Hữu Hồng Minh (tác giả của “Hà Nội giọt đêm tan chảy”, “Năm tháng cuộc đời vẫn như xưa”… nhiều khắc khoải) và bắt nhịp Mộc Quốc Khanh say sưa nói chuyện về âm nhạc, về sáng tác đầu tay – Album “Những cơn mưa vô thường” – thấy đời như tạm quên nào những bão giá, khủng hoảng kinh tế và trầm kha của vàng, xi măng, cá thịt thối… nghẽn dòng suy tư thường nhật.
Từng nghe loáng tháng về cái tên lạ Mộc Quốc Khanh và nay hội ngộ, những ấn tượng ban đầu về anh không thể không cầm bút ghi lại ngay vài dòng cảm xúc bởi mấy khi có duyên gặp người đồng điệu giữa cõi ta bà.
Ấn tượng thứ nhất về Mộc Quốc Khanh là vị trí xã hội của anh. Là một thạc sĩ kinh tế, đương nhiệm điều hành Trung tâm vàng ACB, dường như sự đòi hỏi thiết yếu tinh tế và hoàn mỹ của kim loại quý rồi sẽ được anh ưu tiên, còn yếu tính khoa học hàn lâm chắc chắn sẽ phát huy tối đa khi anh chuyển sang “vui chơi với nhạc” bởi trót lỡ làm “người yêu nhạc” từ thời sinh viên mà anh đã tốt nghiệp cử nhân ở hai lĩnh vực khác nhau. Mộc Quốc Khanh âm thầm tích lũy năng lượng cho một sân chơi vốn không dành cho kẻ quá ư lãng tử.
Ấn tượng thứ hai về tính triết lý và mỹ học được Mộc Quốc Khanh xác tín là phương châm sống và sáng tác âm nhạc ngay từ tuổi 30 chạm ngõ suy tư với thiền-triết để bạc đầu cùng những tính toan cân bằng cuộc sống, giờ đường hoàng bước vào tuổi ngoài 40 nhiều trải nghiệm vững chãi với đời. Ở tuổi “tứ thập nhi bất hoặc” – tuổi tự tin không còn nghi hoặc, mơ hồ, bất định về bản thân, về thiên hạ, về hoàn cảnh, về tam cương, ngũ thường, về thị phi so với những “người bốn mươi” khác – anh mới cho ra đời tác phẩm đầu tay, không ngại ngần tư biện quá trình tự học nhạc trên dưới 20 năm chỉ là kẻ viết nhạc nghiệp dư; ngoài ca từ giàu chất thơ như “vô tình nguyện theo” con đường Trịnh Công Sơn khi hướng tới nội hàm của chữ; về kỹ thuật, còn thấy anh “thần tượng” Phạm Duy, người nhạc sĩ ngoại hạng ngoài 90 còn viết nhạc trên máy tính với nội lực nghiên cứu và trải nghiệm tầm cỡ. Anh tự định hướng lối đi âm nhạc dày chuyên môn đã hiện rõ dưới chân mình!
Ấn tượng thứ ba về một Mộc Quốc Khanh khiêm tốn trong cách anh tự nhận mình là Người Yêu Nhạc và viết nhạc để thành nhân và vì tha nhân. Thú thực, tôi từng ấn tượng với nhạc sĩ Vinh Sử, qua sóng truyền hình ông luôn tự nhận mình là thợ sửa giày ở một quận đa phần dân nghèo, học vấn thấp ở TPHCM mà không nhận là nhạc sĩ bởi ông cũng cho mình chỉ là người tự học, viết nhạc ghi lại những kỷ niệm đời mình và nói hộ tình cảm của những người nghèo, bình dân sống quanh ông nếu thấy hợp gu, vì mục đích tôn vinh cuộc sống tươi đẹp. Nói và giữ được như vậy, Mộc Quốc Khanh biết nuôi dưỡng tâm hồn âm nhạc gắn kết với tuổi đời mọng chín.
Ấn tượng thứ tư nhưng chưa phải cuối cùng là về CD album Vol. 1 “Những cơn mưa vô thường” được Mộc Quốc Khanh trau chuốt kỹ đến từng micromet. Về thiết kế mỹ thuật, màu nâu trầm, sắc xám bạc của dĩ vãng mộng mơ, của những ly café ký ức dội về; thư pháp, thủ bút, bản nhạc được chuẩn bị cầu toàn cho đứa con tinh thần xuất hiện đẹp đẽ trong mắt người yêu nhạc; ca sĩ được mời chọn gửi gắm chất giọng đều rất phù hợp với nhạc phẩm… Toát yếu không chỉ là cách anh khéo léo “nịnh đầm vợ” bằng con tem slogan tự chứng “Gìn nàng giữ nhạc”, còn cho thấy anh chung tình với những “nàng thơ” quá vãng không tiện nói ra – thậm chí xa hơn, có thể anh góp phần nâng cao giá trị cho các ấn phẩm âm nhạc tương lai, một slogan chân giác cho hoạt động âm nhạc chăng?
Hình như khi bước qua được những chế ngự vật chất sở hữu tầm cỡ như kim loại quý có độ tinh chất 99,99% mà anh tạo tác mỗi ngày, Mộc Quốc Khanh nhận ra “tỷ trọng nhỏ bé còn lại” nhưng siêu vượt trên cả vàng ròng, quý giá nhất đời chính là “Nàng”, là Tình Yêu viết hoa cho Người. Không ai xui khiến, hoàn toàn tự nguyện lấy nhạc làm phương tiện thăng hoa cho những cung bậc tình cảm với người bạn đời, người tình cũ, nàng thơ, con gái rượu hay những nữ ca sĩ truyền tải nhạc của anh. Lại một nghiệp dĩ chàng Kim Trọng của đại thi hào Nguyễn Du đa mang nữa với đời: “Gìn vàng giữ ngọc cho hay/ Cho đành lòng kẻ chân mây cuối trời”!
Tôi không am tường nhạc lý, thiếu chuyên môn thẩm âm, chỉ là một nghiên cứu sinh tài chính-ngân hàng lỡ vương mang chút xíu “máu văn nghệ” trong lòng, thích lọ mọ viết lách khi rỗi rãnh để giết thời gian. Tôi có những kỳ vọng chưa thành, từng bước trên con đường Mộc Quốc Khanh đang đi nên ủng hộ con đường anh chọn dù đơn độc. Ấn tượng về anh chỉ trong vài giờ đồng hồ giao lưu ngắn ngủi, nhưng niềm tin về âm nhạc Việt qua anh rất có cơ sở. Chân lý vốn không có con đường, không định loại và quán chiếu nên giáo pháp của Phật dạy đơn giản “Hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi!” – một mình! Điều tôi có thể chia sẻ được với một Mộc Quốc Khanh chân tình cầu thị là mong những người nghệ sĩ như anh hãy sớm quên đi tác phẩm công bố của mình để tiếp tục hoài thai những giai phẩm mới, nồng nàn và quyến rũ hơn trên nền tảng vững chắc “những cơn mưa vô thường” trong một tháng 10 mưa giăng kín bầu trời Sài Gòn, vốn chưa bao giờ mịt mùng đến thế!
Nghe đâu anh sẽ phối hợp với nhà thơ Nguyễn Hữu Hồng Minh cùng tổ chức buổi giao lưu thơ-nhạc trong thời gian tới. Tôi vui quá! Tuổi trẻ các anh trong đó có tôi đã từng say Trịnh Công Sơn, Bùi Giáng, Phạm Công Thiện, Nguyễn Đăng Thục, Lê Tôn Nghiêm, Trần Hương Tử, Thích Minh Châu, Nguyễn Văn Trung… âu “dung nhan của tuổi” giờ đã vào chung cục, tiệm cận từng bước noi gương theo các bậc tiền bối thuở ấy? Niềm hứng khởi là cốt lõi của tình yêu và sáng tạo! Baudelaire từng nói “Thi hứng, hễ gọi thì đến, nhưng nếu xua đuổi, thì chưa chắc đã chịu đi”. Tự nhiên nhi nhiên! Hãy cứ “bận tâm với nhạc” đi, đừng để mất hứng như lời mở đầu 20 năm CD Vol. 1 thật kiệm lời, cô đọng.
Chúc mừng Mộc Quốc Khanh đã làm hết sức mình như cách anh nhìn cuộc đời qua ngõ René Descartes: “Cogito, ergo sum” – vâng, “tôi ca xướng, nên tôi tồn tại” vậy!
Bến Thành Highlands Café (Sài Gòn, 10/2012)
Trương Đình Bảo Long
Chú thích ảnh: NS Mộc Quốc Khanh và ca sĩ Hồng hạnh