Trả nợ hàm thụ
Ông bạn già không biết cao hứng việc gì, không chờ đúng lúc mình nhâm nhi ly vinacafe 3 trong 1. Nghe giọng dẽo như nếp mới, tiếng nầy dính chặt tiếng kia vào giữa canh tư, lúc nửa đêm chờ sáng. Mình cứ nhắc nhở ổng hoài, lóng rày nhà tui đồng hồ yếu pin chạy cà rịch cà tang, nên mỗi ngày trể 11 tiếng, kém hơn giờ Tam Bình của ổng. Mình vừa ngáy vừa để máy điện thoại kêu o o nằm cạnh lỗ tai, công nhận sáng kiến nầy giúp mình ngủ ngon hết sức.
Thưởng thức chất bột nâu đen chống ghiền chống ngủ đang hòa tan trong ly nước nóng, bấm lại cái số lưu của bạn già còn nằm nóng hổi. Hai thằng bây giờ hình như tỉnh táo hơn nhiều, nhưng cả hai đều không nhớ hồi khuya đã nói cái gì. Cũng không biết có phải tứng ứng để chữa quê, ổng bảo mình còn nợ ổng vụ gì, tạm thời chưa nhớ được.
Nợ có tên có tuổi cả tá còn ghi chưa trả nỗi, bây giờ ở đâu nhào ra nợ không tên số hai, có đường mà trốn. Ở chợ lâu ngày nên kinh nghiệm, nợ ngày, nợ gắp, nợ níu lưng thì phải trả ngay. Nợ xưa nợ cũ nợ tình xa, nợ không tên thì cù cưa -cù nhầy, dục hưởn cầu mưu, giữ vững quan niệm thiếu dai nhưng chữa giựt ai hai lần.
Hổm nay thấy người ta đi chơi cũng hàm thụ, ăn nhậu cũng hàm thụ, hổng chừng mai mốt cũng có ngủ hàm thụ, lúc đó đở cho mấy bác lái xe đường xa thâm thẳm. Mình kết chữ hàm thụ nầy lâu lắm, nên thử áp dụng vào chuyện nợ nần, hoặc may có chút ép phê. Nhờ ông chủ chợ phát tán cái tâm tình nầy, hy vọng nó tới đến được đúng bờ đúng bến.
Ơn đất nước tổ tiên, công cha nghĩa mẹ ơn thầy quá lớn nên không thể đơn giản gọi bằng nợ. Còn nợ tiền, nợ tình cảm, nợ linh tinh bàng bạc khắp nơi, từ gốc đến ngọn xum xuê, nhớ tới đâu kể tới đó.
Mình được sanh ra trong khu kháng chiến lúc toàn dân chống Pháp, gần ngày sanh, mẹ mình è ạch dọn đến ở nhờ Xóm nhà giàu, để gần nhà bà mụ Giỏi, bà đở đẻ duy nhất trong vùng thời đó. Anh chị mình được ba má gởi ra thành đi học. Má mình hủ hỉ với người con gái nuôi. Khi ông ngoại gả má từ Ngả Bảy về Tam Bình, gởi chị nầy theo má làm con nuôi bầu bạn. Ông bà ngoại trả lương thêm cho cha mẹ chị, cũng là người ở trong điền. Thắm thoát chị đã theo má mình 20 năm, lúc mình mới sanh ra thì chị đã 24-25 tuổi.
Cái xóm xa lạ nầy mang tên giàu cũng đúng, dù bấy giờ chỉ là hoang phế nhưng dấu tích những nền nhà xây bằng đá xanh vẫn còn cao tới ngực. Bến sông cũng còn mấy cái nhà mát hình lục giác trơ dấu đạn trên những cột ximăng. Dãy bờ kè gần như liên tục trên bờ sông Cái Ngang, kéo dài một khoảng hướng đến Ba Càng. Đó là những dấu tích cuối cùng của một thời giàu sang, sung túc.
Mình vừa lọt lòng hồi đêm thì khuya đó có tin báo động, sáng ra lính Pháp đi ruồng. Cả xóm lục đục dọn đồ xuống ghe lánh nạn. Má mình yếu đuối trên giường ôm con đỏ, nói với chị.
– Hữu à, con đi theo gia đình người ta, cứ để má nằm đây.
Chị Hữu trả lời mạnh dạn.
– Con không đi đâu hết, ba mẹ con mình ở lại chết chung.
Ngày hôm đó hai mẹ con hồi hộp chờ tiếng giày đinh, đến chiều thì dân xóm kéo về, nói với nhau,” lên giả “.
Hai năm sau thì ba má ra thành, ba má ruột và ba má nuôi lập gia đình cho chị.
Người gợi ý cho câu nói nổi tiếng của quân đội Hoa Kỳ hiện tại < No one left behind >, là chị của tôi, một cô gái không biết nhiều chữ nghĩa. Bây giờ chị Hữu đã quá 80, đang sống mạnh giỏi ở quê hương Ngả Bảy.
Ba má ra thành tìm được một nền nhà cạnh mé bờ sông ở Xóm Chùa. Trên đất liền dựng căn nhà cột dầu vuông vách ván. Phía bờ sông dựng môt nhà sàn, có mái che mưa nắng, bốn bề để trống. Ba tôi thứ ba và có nhiều em trai em gái, trong đó có cô bảy không có gia đình. Lúc ba tôi mới từ bưng biền về, chính cô Bảy tôi giúp ba má tôi làm vựa lá lợp nhà. Cũng chính bàn tay cô chầm từ miếng lá lợp nhà dài 2 mét, chất gọn gàng thẳng thốn từng cự cao ngất trên sàn. Cái sàn được lót bằng những thân cây tràm cây đước, phần cong quẹo thân cây tạo những kẻ hở chết người. Lụi hụi lọt chân thằng nhỏ ốm tong mới vừa 3-4 tuổi, kẻ gỗ sàn kẹp cứng ống quyển, đau không dám nhút nhít. Những buổi trưa rảnh viêc, bà cô nầy dạy mình tập đồ tập viết, nhờ vậy mà mình biết mặt chữ trước lúc đến trường. Hổng chừng nhờ bị kẹp chân mà học bài mau thuộc.
Lúc còn đi học mình rất thích viết văn chương, bây giờ mà còn giữ lại bài cũ chắc cũng không dám đem ra. Giấc mộng viết văn của mình khởi đầu còn nằm ở ban ngày, lâu ngày tuột xuống ban đêm, lâu hơn thì biến đi đâu mất. Khoảng giữa năm 2011, anh Lần giới thiệu chấm cơm, mình biết được thêm trang 71. Chùm thì khuyên mình viết thử, Út gởi link lấy ra bộ gõ dấu chữ Việt.
Mình suy nghĩ, giấc mộng đầu có cơ hội thành hiện thực, từng ngày từng ngày mình vun bồi giấc mơ đó. Đầu tiên biết mình, ông chủ quảng cáo nghe mới ớn ” anh viết cở nào tôi cũng đăng được”. Mới nghe cứ tưởng mình viết qua loa rồi ổng hô biến thành hoa thơm cỏ lạ. Ai dè khi đăng thấy còn nguyên y chang dề cơm cháy khét. Sau nầy mới nghe ổng than, ngày lo trăm việc, đêm về post một bài gần nửa tiếng, nếu có hình, nhiều khi lâu hơn nữa, thì giờ đâu mà sửa lỗi đíc-tê. Cũng rất cám ơn là bà con chợ nầy xem mình như một cư dân trong chợ, cùng nhóm họp dưới mái nhà lồng.
Cho dù thực tế hay hàm thụ, nợ mòn con lớn, và miễn là còn nghĩ đến với sự nhiệt tình.
Nguyễn Thế Điển
Ông Điển ơi ! Người ta nói thẳng thớm chứ không ai nói thẳng thốn, trật đit-tê rồi đó. Đừng nói với tui là qua Mỹ lâu ngày quên tiếng Việt là tui hơi dị ứng. Xin lỗi các bạn cho tôi sửa lưng bạn già chút xíu, có giận cũng không làm gì được tui. Ngon về đây xử ! ( Bỏ 2 xị ra ngoài phản hồi nầy ! ).
Anh Thế Điển à, dề cơm cháy của anh không khét đâu. Em làm mở hành chế lên và cho thêm chút nước mắm là “bá chấy”!
“Dục tốc bất đạt”, quên dò lại chính tả trước khi uýnh vô “phản hồi”, MỠ chứ không phải MỞ – anh Cả đừng bắt chép phạt 100 lần chữ “mỡ” nghe.
Dốc hết tình này ta trả nợ người
Đốc hết tình này ta trả nợ đời
Trả hết tình tôi, vẫn nợ không thôi. . .
Đọc mấy câu thơ của thi sĩ Hoàng Hưng, tôi mới cảm nhận ông bạn của tui chỉ thiếu nợ tình thôi ! Trả hoài không hết. Có lúc rồi cũng hết ông Hưng ơi ! Nếu không hết thì mình ” xù” ( nếu người ta không cho mình nợ lâu nữa ) hoặc là xin người hãy ” xóa nợ” cho mình tiếp tục ” làm ăn ” !
Cám ơn Phương Nga, anh Lần và Hoàng Hưng,
Nếu chép phạt lỗi đíc-tê thì tui được chép nhiều lắm đó. Tạm tha được hông. <NTĐ>