Mộc Quốc Khanh: Nàng Nhạc song hành
Người trẻ – nhạc trẻ – ý thức trẻ
Tôi không gọi Mộc Quốc Khanh là nhạc sĩ vì nhiều lý do, mà lý do chánh đáng nhất là Khanh chưa bao giờ tự xưng mình là nhạc sĩ. Cũng chẳng phải anh chàng này e ngại gì đâu, bởi Khanh đang có một vị trí khác trong xã hội.
Nhưng chắc chắn một điều là Mộc Quốc Khanh rất trân trọng, thậm chí cẩn trọng với hai chữ “nhạc sĩ”, dẫu âm nhạc luôn là niềm đam mê của chàng sinh viên ngày nào với cái tên cúng cơm Trần Trọng Quốc Khanh, dẫu anh luôn biết ơn những người thầy gián tiếp (TS-NS Vũ Tự Lân, ThS-Nhạc trưởng Nguyễn Bách), dẫu và dẫu nhiều thứ nữa…
Thế đó, hình ảnh chàng sinh viên 19 tuổi lúp xúp chạy đi mượn cho được cây đàn guitar để kịp ghi lại những giai điệu đầu đời mà trái tim mình đang thổn thức. Tôi biết tình yêu âm nhạc của Mộc Quốc Khanh mới vừa bắt đầu… “Một Lá Thư Nhạc” – cái tựa đề của ca khúc đầu tay – cũng đủ để bàn dân thiên hạ “quánh” giá cái anh chàng sinh viên Trần Trọng Quốc Khanh này kỹ tính, vì quá kỹ tính cho nên:
“Lá thư nhạc đã phai màu hoa
Nát tươm bao lần viết, bao lần xóa
Đành lòng không trao thư khi bút hoa đã nhạt nhòa”.
Cầu kỳ lắm, nhưng cũng dung dị đời thường làm sao (bút hoa, nát tươm…). Văn chương, chữ nghĩa của lứa tuổi đôi mươi mười tám mà lại là sinh viên chắc không thiếu, nhưng Mộc Quốc Khanh lại bình dị đến thế. Ca từ của Khanh không đánh đố, không làm người nghe phải nhíu mày khi bắt gặp đâu đó âm nhạc của anh, bởi tôi biết với Khanh âm nhạc không phải chỉ để giải trí, mà còn có nhiệm vụ là nâng cao tâm hồn.
Như vậy đó, từ cái thuở vốn liếng âm nhạc chỉ hơn nửa muỗng café, nhưng đam mê thì đại dương bao la chứa không hết, Mộc Quốc Khanh đã tự biết thân biết phận mình đang ở đâu trong cõi thiên đường âm nhạc mênh mông này. Nói theo kiểu “giang hồ” thì Mộc Quốc Khanh chưa đủ “số má” để được ngang nhiên bước vào cổng thánh đường âm nhạc mà gặm nhấm giáo điều. Nên ngày tiếp ngày học lóm, học mót những lời rao giảng mà có khi chính những con chiên ngoan đạo đang ngồi mát trong thánh đường… ngủ gật bỏ qua. Người ta bỏ thì mình lượm, chàng sinh viên này cứ lượm rồi lặt đi những thứ thừa thãi xơ cứng trong những mô típ, khúc thức… để trở về căn gác nhỏ chật hẹp ngồi cặm cụi, mày mò những giai điệu chuẩn bị khai sinh của mình.
Trong buổi gặp gỡ thân mật giới thiệu CD album “Những Cơn Mưa Vô Thường” vào cuối năm 2011, không phải vô cớ mà GS-TS Thế Bảo nhận xét: “Nếu các nhạc phẩm của Mộc Quốc Khanh ra đời vào thập niên 1970, Khanh sẽ dễ gây sự chú ý hơn. Dẫu sao, các sáng tác của Khanh vẫn mang hơi thở thời đại, chưa có sự lặp lại, trẻ trung mà chuẩn mực, nghiêm túc nhưng mượt mà”. Trẻ trung ở hòa âm và giai điệu, nghiêm túc ở cấu trúc và ca từ. Vỏn vẹn chỉ có thế, nhưng tôi biết với Mộc Quốc Khanh thật không dễ dàng chút nào, bởi trong dòng chảy âm nhạc hiện nay đang phải gồng mình gánh chịu không biết cơ man nào là “vật thể lạ”. Thế nên, cũng không lấy gì làm ngạc nhiên khi Khanh chọn tựa bài hát “Những Cơn Mưa Vô Thường” mà không phải “Một Lá Thư Nhạc” để làm chủ đề cho CD album đầu tay của mình. Như một nốt hoa mỹ trong âm nhạc, Khanh đã làm được một việc lạ mà hiếm, ý thức trẻ là vậy.
.
GS. TS nhạc sĩ Thế Bảo và Mộc Quốc Khanh
Ngồi trông con suối lau mình…
Một người bạn trẻ đã nói với tôi theo ngôn ngữ thời @ rằng nghe nhạc của Khanh “phê như con tê tê”. Cũng là người sáng tác, tôi bỗng thấy thích thú với cái tựa đề “Những cơn mưa vô thường”. Ai chưa từng sống nhiều ở Sài Gòn, chắc sẽ khó mà cảm nhận được cái vô chừng của mưa nắng, không hẹn, không mời cứ thế mà chợt đến rồi chợt đi.
Mộc Quốc Khanh đã liên tục gây kịch tính với cường độ mỗi lúc mỗi mãnh liệt, dồn nén mọi trạng thái cảm xúc của người nghe rơi vào cảnh cụt hứng đến tức tưởi: vừa mới được rồi lại mất (Bước chân em kề vai với tôi, tựa như quay gót xa dần), hạnh phúc nồng say, cay đắng liền tay (Xuân vừa hôn mắt em, giờ thu vây kín chân người)… Một phép đảo âm dương hợp lý hay cái mặc nhiên “vô thường, thị thường” mà cũng rất đời thường của nhà Phật. Nên âm nhạc của “Những Cơn Mưa Vô Thường” nghe thì trẻ mà lời lẽ… đã lởm chởm râu ria: “Tình em là con nước êm, thuyền tôi vô bến sang chơi”, “Đàn tôi buồn rơi lá thu, là vui trong gió tiêu dao”…
Cùng là đề tài tình yêu, những nhạc sĩ tiền bối đã không giấu được cảm xúc của mình mà phải thốt lên dù là trong mơ: “Đêm qua mơ dáng em đang ôm đàn dìu muôn tiếng tơ…” (Dư âm, NS Nguyễn Văn Tý), “Giết người đi, giết người trong mộng đã bội thề…” (Giết người trong mộng, NS Phạm Duy) hay gợi tình hơn “Hãy yêu em đêm nay, cho quên hết đi ngày mai…” (Đừng xa em đêm nay, NS Đức Huy)… Bấy nhiêu đó thôi cũng đủ thấy hình ảnh người thiếu nữ trong âm nhạc “dữ dằn” đến cỡ nào, nên Mộc Quốc Khanh không phải là ngoại lệ, bởi nó là sáng tối, là âm dương, là được mất và cũng là không thể không có.
Tôi chú ý đến tác giả này bởi tuổi chưa già mà đã đậm đà triết lý. Mộc Quốc Khanh chiêm nghiệm cuộc đời với những hợp-tan, được-mất, hơn-thua, buồn-vui… qua lăng kính “vô thường”. Cái vô thường của Mộc Quốc Khanh tưởng chừng như “có có không không, hư hư thực thực”, mà không phải vậy. Nếu chịu khó cạo bỏ lớp gam màu sáng tối của bức tranh “Những Cơn Mưa Vô Thường”, ta sẽ thấy lộ rõ cái thị thường trong chính bản thân nội tại của nó:
“Trong rừng khô lá thưa
Ngồi trông con suối lau mình
Trên đồng hoang khát mưa
Nằm nghe mây gió tâm tình”.
Khi nghe đi nghe lại đoạn ca từ trên, tôi thích thú đến nỗi phải “tacet” ở cái tứ rất lạ mà lâu nay chưa từng thấy trong nhạc trẻ “ngồi trông con suối lau mình”. Tác giả vào rừng ngắm suối ư? Tôi biết anh chàng này đâu có “quởn” đi làm cái việc đó. Trong những dòng chia sẻ hoàn cảnh sáng tác ca khúc này có ghi trong CD, tác giả nói mình muốn vẽ một bức tranh thủy mặc ca ngợi tình yêu con người trong cõi vô thường đầy biến ảo. Chỉ có thế thôi sao, cái bức tranh tình đó cụ thể là gì vậy?
Tôi thật sự không biết tác giả có ẩn ý gì với hình ảnh “con suối, mây gió”, kèm với động từ hành động từ tư thế “ngồi” chuyển sang “nằm” một cách êm ái như vậy. Riêng cá nhân tôi thì đó là hình ảnh một thiếu nữ đẹp hút hồn đang khỏa thân “lau mình” chờ đợi nỗi khát khao chuyện “yêu đương” một cách tự nhiên giữa đất trời lồng lộng, bởi thú yêu thương này luôn bất biến và rất đời thường ngay trong cõi vô thường…
Chuyện dục tính trong âm nhạc xưa nay không hiếm, nhưng với một người trẻ tuổi như Mộc Quốc Khanh mà lại có cái nhìn sâu sắc đến như vậy, trần tục mà không kém nét thanh tao, ý nhị. Nói nôm na là, nhạc của Khanh không thoát tục, nhưng không vì thế mà dung túng cho sự thô tục, đó mới là điều đáng suy nghĩ cho những người trẻ đang… viết nhạc trẻ.
Tâm nguyện “Gìn nàng giữ nhạc”
Một Trần Trọng Quốc Khanh kỹ tính cộng với một Mộc Quốc Khanh đĩnh đạc đã tạo nên một “Những Cơn Mưa Vô Thường” có thứ tự lớp lang từ bài số 1 đến bài số 8 của album, mỗi thứ một màu khác nhau – tình cờ tạo thành bảy sắc cầu vồng – như sợ người nghe “bị đi lạc” trong dòng sông âm nhạc của mình.
“Cẩn tắc vô áy náy”, tôi nghĩ có lẽ Mộc Quốc Khanh đã luôn đặt câu nói này trên bàn làm việc của mình. Chính vì vậy, anh tự soạn đoạn nhạc mở đầu, ghi mạch hòa âm, trau chuốt ý tứ ca từ… trên mỗi bài nhạc của mình, nên chăng? Bởi đời là cõi vô thường mà. Mà dẫu là gì đi nữa, tôi biết anh chàng sinh viên ngày nào, bây giờ đang ngất ngây với album đầu tay “Những cơn mưa vô thường” của mình. Từ khi album ra mắt công chúng cho đến nay, Mộc Quốc Khanh – dù là người sáng tác “cho vui” nhưng lại được nhiều phương tiện truyền thông đại chúng nói đến với tần suất khá dầy dưới nhiều góc nhìn khác nhau, một tín hiệu khích lệ mà chưa chắc những nhạc sĩ chuyên nghiệp khác có được.
Ứng xử kiềm chế theo văn hóa phương Tây, nhưng thấm nhuần đạo lý Đông phương, điều này đã giúp tạo nên một con người Mộc Quốc Khanh có chừng mực, bao dung và trượng phu nam tử, bởi đâu đó trong album “Những Cơn Mưa Vô Thường” rất dễ dàng nhìn thấy hình bóng phảng phất nàng thiếu nữ hay người phụ nữ dù trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng được anh nâng niu, quý trọng.
Người ta nói: “Sau lưng sự thành công của người đàn ông luôn có bóng dáng của người phụ nữ”. Nhưng với Khanh, hình ảnh người phụ nữ luôn song hành ngang bằng chứ không phải sau lưng. Nên có gì lạ đâu, những trang báo viết về anh luôn đầy ắp hình ảnh người bạn đời và con gái Mộc Khuyên mà anh hết mực yêu thương, bởi tôi biết với những người có tâm hồn bay bổng như Khanh thì bến bờ hạnh phúc mới chính là nguồn nhiên liệu mà cũng là động cơ tối cần thiết để tác phẩm được thăng hoa.
Nói theo kiểu Mộc Quốc Khanh: “Gìn nàng giữ nhạc” có nghĩa là giữ gìn Tình Yêu và Nàng Nhạc.
Ừ! Nếu như không có NÀNG và NHẠC thì những người đàn ông như Khanh, như tôi sống trên cõi đời này để làm gì nhỉ!
Mưa vừa tạnh, tháng 6 năm 2012
Phan Khanh ANVN25 (06/2012)