Bà già mấy tuổi
Dám hỏi quý bà khi rầy rà ai đó có cảm thấy trẻ lại hay đẹp ra chút nào không. Còn mình, sau khi bà xã rầy cho no một trận, rõ ràng mình bị đèo ngắt, nhăn da và chậm lớn cả tháng trời. Bắt chước trượng phu nên mình không tính chuyện lẻ tẻ, chỉ tính việc trọng trọng thì cứ 2 tháng thì đếm được một trận rầy. Mỗi lần quạu đeo như vậy, bả cũng khen mình một câu nhẹ hơn rầy một chút, ông chỉ được một cái là không bao giờ tái phạm. Câu nầy diễn nôm có nghĩa là không có cái lỗi mới nào giống cái lỗi cũ nào từng xảy ra trong quá khứ.
Cứ hai tháng được vỗ béo rồi bị đèo người một tháng, thì không biết cái sáu mươi lăm cuộc đời có bao nhiêu tháng yên vui và hao hụt. Định bụng làm bài toán rợ, nhưng sợ trật lất bè bạn cười nhạo, nên ráng chạy qua nhà thằng Tí bạn mình mượn cái máy làm toán chạy bằng pin. Không biết có phải ông trời sanh thằng Tí ra để sửa lưng mình. Vừa thấy cái lý do làm toán của mình, thằng Tí phùng mang, nổi gân cổ :
– Tao thấy ông Y Vân nói 60 năm cuộc đời, có đâu ra sáu mươi lăm như mầy vừa nói.
– Ê mậy, hôm qua tao nghe thằng nào đếm bó cải, năm mười, mười lăm. Mầy nói năm ra lăm thì được, còn tao nói sáu mươi năm ra sáu mươi lăm thì mầy bắt lỗi là sao.
Nói tới vụ đếm cải chiều hôm qua, theo lệ thường sáng nay thì mình hoặc thằng Tí sẽ lái xuồng đuôi tôm ra chợ Ba Càng, đón xe gởi mấy càn xé cải lên chợ Vãng Long. Trong khi rau cải còn tươi dòn trên đường đi tới chợ, mình mới được phép ghé cái quán quen uống cà phê và hút vài điếu thuốc thơm ghi sổ, rồi xách cái mình không lái xuồng máy trở về. Nhưng mình ít khi chịu về mình không, có lần thì mang về bàn ủi điện, có khi thì quạt máy. Công nhận ở Ba Càng sướng hơn ở Úc, nước có hai cô và một bác bạn học định cư, mình muốn khoe với họ một chút, rằng ở đây không có tiền vẫn mua được đồ mới như thường.
Lúc mới mang cái bàn ủi điện về nhà, bả cũng la sơ sơ rồi cũng tạm thời chấp nhận. Nhưng mới tháng rồi, sau khi vác hai càn xé hột vit đếm cho vựa xong mình vấn điếu thuốc ngồi suy nghĩ, lần nầy mình đâu có mua bàn ủi hay quạt máy nữa đâu mà sợ bả la. Cột dây mủi ghe ngay bờ bến, hí hởn khệ nệ ôm cái thùng chưa mở băng keo có cái hình mai-cồ-quê và một cô gái Hàn quốc đang tươi cười vịn tay lên chiếc máy. Lụm cụm dòm dưới chân sợ bị vấp. Hình như có người nào đang nổi xung thiên, cái giọng the thé của ai nghe lạ quắc:
– Ông đứng lại, ông ôm cái thùng gì đó.
– Cái máy hâm thức ăn.
– Ông có khùng không mà mang cái của nợ nầy về, nhà mình đâu có tủ lạnh, nấu bữa nào ăn bửa đó. Mắm kho cá kho thì hâm bằng bếp củi, ai mà bỏ cái nồi vô trong máy. Ông mang qua cho nó ngủ tạm nhà thằng Tí đêm nay, nhà người ta cửa nẻo chắc chắn hơn mình, rồi sáng sớm mang trả lại cho tiệm.
Cũng may là nhà thằng Tí có tủ lạnh nên lần đó, vợ chồng nó vớt mình một bàn thua gần như trông thấy.
Tụi tui dư biết, không phải cái vụ mai-cồ-quê mà hai bà vợ cấm túc tụi tui bữa nay. Hổm nay tui để ý, hai bả cứ xù xì rồi cười mĩm. Hai thằng dám cá, hai bả lấy cớ áp tải mấy giỏ cải lên tận chợ tỉnh, chém chết thì chiều nay, không phấn son thì cũng áo quần giày dép, phụ tùng của phụ nữ mà thôi.
Ông bà cũng hay khuyên con cháu nhắm mắt nhắm mủi cho êm ấm gia đình. Nhưng hôm nay trời đẹp và bình yên như vầy thì làm sao mà nhắm mắt đi xuôi êm ả cho đành.
– Ê Tí, mầy hú thằng Năm rủ luôn thằng Hai Chích, nói nó xách qua một chai. Tao còn một xâu cá chạch, để tao coi mấy cây xoài muộn, coi còn trái nào không.
Phải nói dân nhậu chuyên môn làm mồi nhanh thiệt, tiếng xoài bầm bụp bụp thì khô cá chạch đã xé xong gần đầy chót tàu lá chuối. Vừa vặn hai thằng lối xóm xách chai rượu trong vắt bước tới cổng rào.
– Ê tụi bây, bữa nay không nói chuyện tào lao, mà phải nói chuyện có văn hóa đàng hoàng.
Đợi cho sáu con mắt kia tóp nhỏ lại bình thường, mình tiếp tục :
– Hồi hôm tao có đọc được câu đố trên trang mạng, tao thì bí rồi, ba thằng tụi bây nhìn trong máy rồi thử giải xem sao. Tao nghe đồn bài nầy do cô giáo người Việt ở Mỹ gởi về, tụi bây cẩn thận, hàng ngoại đó nghe.
– Ê Lí Lắc, mầy rót một ly cho thằng Hai Chích, trong nhóm mình nó là thằng học cao nhứt, bốn năm trung học thời năm sáu mấy của nó ngang cơ với bằng cấp “rút-rơm” trào Pháp chớ chẳng chơi.
– Tao thấy bài toán đố nầy đâu cần có “rút-rơm”, cái kiểu đố giang hồ nầy tao thua hoài nên kinh nghiệm lắm. Hôm trước tao xuống xóm giữa gặp thằng Út Nhót. Tao thấy ăn chắc nên cá độ 4 lít Hòa Hiệp.
– Sao mầy không đem ra uống, mà kêu tao đem qua chi có một lít ốm tong.
– Tao thua đau như thái giám chạy tản cư.
– Thái giám chạy tản cư làm sao mà đau.
– Vậy chớ dắt một bầy cung nữ lẫn trốn thiên nhai mà không đau, thì còn gì đau hơn không mậy.
– Thôi bỏ đi mấy bác “Công công”, mầy lanh lợi mà để thua thằng một phết bảy lăm đó sao.
– Thằng Út Nhót đố tao con trăn và con ba ba, con nào dài hơn, tao bắt phía con trăn không cần suy nghĩ. Nó nói, con trăng rằm của mầy tối đa là 21 âm lịch là mất tiêu, còn con ba ba của tao hơn mầy mười mấy nút. Mấy bữa sau vợ tao lôi tao ra chưỡi, con trăn ăn gà thì không có gờ, con trăng chú cuội thì có gờ, ông có đang ăn xôi mà không biết cãi.
– Ê Năm cua đinh, làm thinh uống hoài mậy?
– Năm là Năm chớ không có vụ cua đinh, dễ xa nhau nhe mậy.
– Tao thấy bà Nhung chủ quán Sao Khuya kêu mầy anh Năm cua đinh thì mầy mềm xèo như cua lột.
– Bả mắng vốn tao, tụi bây kêu bả là bà Nhung sao xẹt.
– Đám thằng Út Nhót ghét bả chặt chém, tao bắt chước cho vui. Hôm trước tao ghé quán cà phê ngoài Cái Ngang, thấy hai thằng Tây ba-lô dựng hai chiếc xe nhôm cáo cạnh trước cửa. Tụi nó nói tiếng ta rành rẽ đía nhoi. Có một thằng nhỏ chừng 15-16 tuổi, coi bộ cũng ba lém dân ở xã mình, vừa uống xong ly đá chanh nó cầm cái ly không đến trước mặt hai thằng Mỹ:
– Em dùng cái muổng khỏ vô cái ly nầy, hai anh nghe kỷ mấy tiếng, ai thua bao cả quán.
Hai thằng Mỹ xù xì một lát rồi nói OK.
– Thằng nhỏ khỏ một cái ten thánh thót, ra hiệu cho thằng Mỹ trả lời.
Thằng Mỹ đưa ngón tay trỏ, vừa nói thêm “chỉ một tiếng”
– Anh nói sai rồi, cái ly nó kêu “ten” là mười, hai anh ạ.
Ba thằng khán giả nghe xong vỗ tay lốp bốp. Vừa lúc đó có tiếng kèn Honda trước cổng, mình chưa kịp bước ra thì nghe tiếng oang oang :
– Hai bà chằng của mấy ông về tới xã, đang chờ tui trở ra rước.
Thoáng một cái, thằng Hai Chích cặp nách chai rượu chỉ còn một hai ly dưới đáy, thằng Tí cuốn tàu lá chuối đựng khô xoài dọt mất cửa sau. Thằng Năm cua đinh biến dạng khi chú Honda ôm chưa nói dứt câu. Mình cầm ly xây chừng còn 50% trong đó, đổ tầm bậy sợ hôi, bả đánh hơi là chết, ực một cái “trót” mà sao đắng nghét.
Ngồi trước máy như đang chăm chỉ viết bài. Cái bụng hồi sáng tới giờ chỉ đựng mấy miếng xoài và cái đuôi khô mỏng dánh, nó đang kêu ọt ọt như muốn nói điều gì. Cái đầu thì xà quần nhưng cái tay còn nhuyễn, hy vọng bài viết có chút cồn, vi-rút nó ê răng.
– Xin lỗi cô giáo PN, một mình tui không thể nào giải đáp nổi câu đố bà lão đem hộp quẹt ra chợ đổi củi gánh về vườn, của người đẹp bên trời tây tít mù xa xa lắm lắm.
Lí-Lắc
Hai bà chằng của mấy ông về tới xã,… Vậy mà chạy là dở ẹt. Chằng chỉ là nhân vật tưởng tượng. Gặp tui sẽ nói : Hai con sư tử nhà của 2 ông về kìa ! Vì có lần, các bạn khoe nhà Bá hộ Thìn ở Bình Hòa Phước nuôi nhiều động vật quý hiếm. Tui nói : nó có nuôi 1 chuồng sư tử, nhưng mấy bạn nam thì vào tham quan được, không cho phép các bạn nữ vào tham quan. Các bạn nữ hỏi tui : Tại sao tụi tui không được vào ? Tui nói : Thấy mấy bà, sư tử trong chuồng sợ quá vỡ mật chết hết ! Bá hộ Thìn mua mỗi con gần 4 cây vàng 9999 ! Thế đó ! Ai hơn ai ? Nói vui chút để xả stress, chứ các bạn nữ của bọn mình rất hiền .