Mùi vị biển ở chợ cá Jagalchi
Ngày đăng: 20/05/2012 10:27:07 Sáng/ ý kiến phản hồi (0)
Trong những chuyến du lịch, ít ai bỏ qua chuyện đi chợ, nhất là với phụ nữ, nhưng đi chợ nào, chứ vào chợ cá nghe thôi đã thấy ngại. Vậy mà chợ cá Jagalchi ở Busan (Hàn Quốc) là một điểm được các công ty lữ hành đưa lịch trình chính thức cho du khách tham quan. Đã đến rồi phải nói không đi chợ cá Jagalchi sẽ tiếc.
Chợ Jagalchi
Busan là thành phố biển số một và là thành phố lớn thứ hai ở Hàn Quốc. Busan cách Seoul 420km, đi bằng tàu cao tốc KTX mất khoảng 2 giờ 40 phút, đi bằng ôtô mất khoảng 5 – 6 giờ.
Vietnam Airlines có các chuyến bay thẳng từ TP.HCM hoặc Hà Nội đến Busan. Tại sân bay quốc tế Gimhea ở Busan, du khách đi xe buýt đến trạm Busan Station, trước khách sạn du lịch Arirang. Ở trạm này có xe buýt nội thành chạy thường xuyên, trong đó có một tuyến đến chợ Jagalchi, giá 10.000W/người lớn. Nếu đi theo tuyến Metro, khách sẽ xuống trạm số 10, sau đó đi bộ khoảng 5 phút đến chợ Jagalchi. Công ty phát triển du lịch Busan có tổ chức cho du khách đi city tour nửa ngày hoặc một ngày, trong đó chợ Jagalchi là một điểm dừng.
Vào tháng 10 hàng năm, lễ hội Jagalchi Busan được tổ chức với nghi lễ dân gian cầu nguyện cho sự trở về bình an của ngư dân và cầu cho các mả đánh bắt lớn trong năm. Trong lễ hội thường có các cuộc thi như bắt cá sống bằng tay, tìm ngọc trong bạch tuộc, đặc biệt nhất là cuộc thi của những phụ nữ đã có chồng làm việc ở chợ cá.
….. như chợ cá
Trong suy nghĩ của người Việt Nam, chợ cá vẫn là hình ảnh không đẹp, thậm chí những cái gì bê bối, khó chịu cứ hay được gắn là “… như chợ cá”. Chẳng hạn: hôi như chợ cá, bầy hầy như chợ cá. Cả người bị phê bình đôi khi cũng dính dáng chợ cá, ví dụ: bê bối như bà bán cá, dữ dằn như dân chợ cá.
Trước khi đến chợ cá Jagalchi, tôi đã đặt dấu ba chấm trước cụm từ “như chợ cá”, sau đó đã tự điền vào chỗ trống ấy ý kiến của mình bằng một từ “hay”.
Đứng trên tháp Busan cao 120m ở công viên Yongdusan (núi đầu rồng) nhìn xuống khu vực cảng biển của thành phố Busan, hình ảnh đặc biệt nhất mà mọi người thấy là tòa nhà có mái hình cánh chim hải âu dang rộng. Đó là chợ cá Jagalchi – một trong hai chợ hải sản tươi sống lớn nhất Hàn Quốc. Cánh chim hải âu không chỉ nằm trong thiết kế mái chợ, mà từng đàn hải âu bay lượn quanh cảng và quảng trường dài hướng biển phía sau chợ đã mang đến điều thú vị đầu tiên cho mọi người.
Chợ cá Jagalchi rộng đến 65.000 m2, chia làm nhiều khu trong nhà, nhà lồng mở, ngoài trời và dọc theo các con đường nhỏ. Khu đầu mối phân phối cá khi tàu cập cảng họp từ 3 – 4 giờ sáng. Chúng tôi đến chợ vào khoảng hơn 9 giờ sáng, lúc này những người bán đang tất bật bày hàng và người mua lẻ đã bắt đầu đến chợ. Chợ cá nhộn nhịp suốt ngày đêm sao tránh khỏi ướt át, nhưng phải nhìn nhận Jagalchi sạch sẽ, ngăn nắp từ ngoài phố đến từng khu nhà lồng, đường trong chợ. Dù ở trong nhà hay ngoài trời, sạp hàng cao hay thấp, hầu hết người bán luôn chú ý thu dọn chỗ bán gọn ghẽ. Khi làm cá hoặc các loại hải sản cho khách, người ta đựng hết phần thải bỏ vào thùng, còn nước rửa được dẫn xuống các đường thoát nước quanh chợ.
Người dân Busan nói riêng và người Hàn Quốc nói chung có vẻ thích làm đẹp, ngay cả trong chợ cá. Từ vật dụng đựng cá, hải sản, bàn ghế, dù che đến áo khoác, tạp dề, găng tay, nón trên mỗi người đều có màu nổi như vàng, xanh, đỏ… Chính màu sắc tươi vui ấy đã xóa ngay suy nghĩ ngần ngại của du khách khi đặt chân tới chợ. Bán cá nhưng những phụ nữ tiểu thương ở đây, dù còn trẻ, trung niên hay đã cao tuổi đều trang điểm má hồng, môi son rất đẹp, còn nam vẫn mặc áo thun hay sơmi màu sáng lịch sự. Ở Việt Nam, chỉ những nhà hàng sang trọng hay khu ẩm thực phục vụ khách du lịch, người ta mới trình bày hải sản cho đẹp. Ở chợ Jagalchi, mỗi người bán đều chú trọng xếp đặt từng loại hải sản trên sạp hàng thật bắt mắt. Họ bảo ngoài việc phân mỗi loại hải sản theo từng cỡ để người mua khỏi mất công lựa, phải bày thế nào cho khách thấy đẹp, nhìn rõ từng con cá, tôm, cua, sò, ốc…, chọn con nào chỉ con đó, không cần phải cầm cho bẩn tay.
Thưởng thức hương vị biển ngay hàng cá
Hải sản trong chợ chia làm hai nhóm: tươi và sống. Tầng trệt khu nhà chính của chợ là nơi tập trung những gian hàng bán cá, hải sản sống. Chợ ở Việt Nam thường không có cá biển, mực sống, chỉ đến vài làng chài sát biển mới thấy, nhưng chưa bao giờ tôi thấy cá bạc má bơi trong hồ. Vậy mà ở chợ Jagalchi, nhiều gian hàng có cá bạc má bơi tung tăng. Người Hàn Quốc rất thích các món ăn chế biến từ cá hoặc vài loại hải sản sống. Phần lớn tiểu thương trong khu hải sản sống của chợ cá Jagalchi đã sắp xếp gian bếp nấu ăn ngay sau những hồ hải sản, bên cạnh đó đặt những dãy bàn ghế phục vụ khách tại chỗ.
Có người bảo nhờ chợ xây sát biển, gió biển cứ thổi ào từ ngoài khơi vào chợ, xua đi mùi khó chịu của hải sản. Theo cảm nhận của tôi, chắc cũng là của nhiều du khách, chính nhờ ý thức giữ vệ sinh của tiểu thương mà chợ Jagalchi không có mùi tanh, chỉ có mùi biển và màu sắc hấp dẫn của hải sản. Thế nên, không lạ khi không ít khách địa phương và cả khách du lịch ăn mặc lịch sự đã ngồi ngay hàng hải sản trong chợ thưởng thức những món ăn tươi sống chế biến từ những sinh vật còn thơm mùi biển. Thật khâm phục cả thực khách. Những lúc chợ đông, buôn bán tấp nập, mọi người ăn uống no say, nhưng chợ vẫn không rác. Chả bù ở Việt Nam, mới chỉ có những khu ẩm thực hải sản về đêm nhỏ thôi mà đã bừa bộn.
Hải sản khô ở tầng trên trong khu nhà chính, còn những con đường phía trước, phía sau, hai bên khu nhà chính của chợ Jagalchi tập trung bán cá, tôm, mực tươi (không sống) và các loại hải sản. Dưới những chiếc dù đủ màu sắc, nhiều phần sò, ốc, tôm, cua… còn nguyên vỏ hay đã sơ chế, được phân sẵn, đựng trong những thố sành, mâm nhôm, rổ nhựa xếp hàng hàng, lớp lớp trông thật đã mắt. Với những loại sò, ốc lớn, người bán xâu thịt chúng trong những sợi dây cho khách dễ xách đi. Tôi thấy nhiều người mua mỗi loại vài thố, nhờ người bán đóng vào thùng xốp mang đi.
Đi chợ Jagalchi rồi, chợt nghĩ Việt Nam có nhiều ngư trường lớn, nhiều tỉnh, thành phát triển du lịch biển đã nhiều năm, nhưng biết bao giờ mới có một chợ hải sản tươi sống như Jagalchi để cũng là điểm đến hấp dẫn du khách?
Bài và ảnh: Các Ngọc
Mua vào nấu ăn ngay