Lượm rác mùa xuân
Nhạc sĩ Mộc Quốc Khanh là thân hữu của trang nhà, thích đọc sách nghiên cứu, nên thường ủng hộ những quyển sách do trang nhà xuất bản. Với vai trò “nhà môi giới” tin vui, Lương Minh đã giới thiệu Mộc Quốc Khanh gặp nhà thư pháp Hoa Nghiêm vào năm 2010. Để rồi một năm sau đó, đôi bạn nghệ sĩ này đã hợp tác trong CD Album “Những cơn mưa vô thường” của Mộc Quốc Khanh do Hoa Nghiêm viết tựa mỹ thuật thư pháp trên bìa đĩa rất đẹp vào năm 2011. Thật không may, Hoa Nghiêm lâm bệnh nặng kéo dài một năm, rồi từ trần vào ngày 20/12/2017, hưởng dương 34 tuổi (1984-2017) mà trang nhà đã có cáo phó. Quá bất ngờ và thương tiếc cho Hoa Nghiêm, nhạc sĩ Mộc Quốc Khanh đã dành một tháng viết một mạch bản thảo in sách có tựa đề: “Hoa Nghiêm thư pháp: Tuyệt bút giang hồ – Tái bút hư vô” và ký tên là Mộc Thế Không.
Nhân đọc bản thảo này, trang nhà thấy có câu chuyện từ thiện cảm động của Hoa Nghiêm phù hợp với tinh thần nhân ái, nhân đạo của tình người trong không khí Xuân Mậu Tuất 2018 sắp đến, nên chia sẻ với anh chị em bài viết này (SOS
LƯỢM RÁC MÙA XUÂN
Chúng tôi có nhân duyên kết bạn với một nhà thư pháp có bút danh Hoa Nghiêm nhờ sự giới thiệu của nhà báo Lương Minh vào năm 2010. Đây là một nghệ sĩ thư pháp trẻ tuổi tài hoa bạc mệnh, hồi nhỏ từng làm chú tiểu ở Tu viện Vĩnh Đức với Pháp danh Thị Tùng. Không may nhà thư pháp bị bạo bệnh, rồi mất sớm hưởng dương 34 tuổi (1984-2017), khiến nhiều người thương tiếc cho một tài năng trẻ.
Nhớ lại vào năm 2013, sau khi thực hiện chuyến đi từ thiện ở Trường Giồng Ông Tố, Mái ấm Diệu Giác và Tu viện Vĩnh Đức, nhà thư pháp Hoa Nghiêm gửi cho chúng tôi một tấm hình bức tranh thư pháp có nội dung:
“Người ta vứt của đời em cứ nhặt
Nhục hay vinh mặc kệ chuyện trần ai”.
Bức tranh gửi qua điện thoại tuy có độ phân giải thấp, nhưng cũng nhìn thấy nét đẹp con chữ, trong đó Hoa Nghiêm trích dẫn hai câu trong một bài thơ nghe nói là khuyết danh có trước cả thời bố mẹ chúng tôi. Khúc đầu bài thơ tả về hoàn cảnh thương tâm của đứa bé nhặt rác kiếm ăn trong ngày xuân:
Chiều xuân muộn trải tâm tình khao khát
Máu thầm yêu rào rạt mảnh hồn trai
Tôi gặp em một mình trên đống rác
Tóc rối bời nắng nhạt phủ bờ vai.
Em đào em bới, em xới em moi
Đống cặn bã của vàng son nhung lụa
Dưới lớp rác hôi tanh và nhầy nhụa
Em đang tìm chén gạo cho ngày mai.
Một cây đinh ngắn, nửa mảnh sứ dày
Vài chiếc khoen đồng, đôi con vít sắt
Người ta vứt của đời em cứ nhặt
Nhục hay vinh thây kệ chuyện trần ai.
Câu trích thơ khuyết danh qua nét chữ đẹp thư pháp của Hoa Nghiêm làm chúng tôi liên tưởng tới nhiều bài học đạo lý sâu sắc trong suốt bốn năm học Phật học ở Học viện Phật giáo Việt Nam (2013-2017) trong khuôn viên Thiền viện Vạn Hạnh[1], trong đó có câu chuyện đức Phật dạy các tỳ-kheo thực hành đời sống phạm hạnh, đắp y phấn tảo che thân, nhặt từ những mảnh vải cũ rách ở bãi rác hoặc bãi tha ma mang về ráp lại thành pháp y để mặc.
Nếu chúng ta tình cờ bắt gặp hình ảnh đó không phải trong thời đức Phật, mà ngay thời đại hiện nay, thì điều đó sẽ là vinh hay nhục? Chắc hẳn phần lớn chúng ta sẽ nghĩ là vinh vì sự tôn kính trước đức hạnh của đức Phật, tăng đoàn hay người xuất gia nói chung, mà sự khởi tâm tốt đẹp đó cũng đáng hoan nghênh. Nếu không phải hình ảnh trên, thay vào đó là hình ảnh người nghèo hay em bé đi lượm rác kiếm ăn qua ngày cho qua cơn đói khát trong đống rác hôi tanh nhầy nhụa, thì điều đó sẽ là nhục hay vinh? Nói thật lòng mỗi người sẽ tự biết mình đã từng trả lời ra sao.
Ở đây, chúng ta tạm đặt một tình huống có tính giả định gồm hai vế “đức Phật lượm vải là vinh, đứa bé lượm rác là nhục” để thử xem như thế nào. Ở vế thứ nhất, đức Phật là bậc giác ngộ, tức đã vượt trên tất cả mọi vinh quang và danh lợi rồi, thì việc chúng ta có “phát tâm” ca ngợi Thế Tôn như thế cũng đâu làm tăng thêm “giá trị thặng dư” về vinh quang của Như Lai đâu. Ở vế thứ hai, đứa bé lượm rác dưới đáy xã hội là khổ thân nó lắm rồi, hà cớ gì gọi là nhục, sao nỡ lòng nào nhẫn tâm chà đạp xuống thêm một nấc nữa làm đứa bé càng khổ tâm, dù nó chẳng tội tình chi.
Đức Phật lượm vải cũ rách mà người ta vất đi không xài nữa để giúp tránh lãng phí trước khi mọi vật sẽ bị biến hoại theo lẽ vô thường, vì người xuất gia chỉ cần có thế, đâu cần pháp phục lụa là xa hoa. Còn về đứa bé phải khổ sở moi móc thức ăn thiu hay lượm lặt bãi rác thối, sao không nghĩ thoáng một chút là nó góp phần dọn dẹp làm sạch môi trường trong một chừng mực nào đó.
Thế thì đức Phật lượm vải và đứa bé lượm rác về mặt hình thức có khác nhau không mà một bên được vinh, một bên chịu nhục? Nên cảm thông với nhau như thế nào cho thấu tình đạt lý, vẹn cả đôi đường? Trong cả hai trường hợp vừa nêu, nếu nhìn qua con mắt thiền thì không vinh mà cũng chẳng nhục gì cả, vì về mặt bản chất các pháp thế gian hay các sự vật hiện tượng đều không “khoác” trên mình chúng bất kỳ cái “mác” nào, kể cả mác vinh nhục mà chẳng qua là do cái tâm phàm tục của ta vọng khởi gán ghép, vọng động gá ghép một cách chủ quan mà thôi.
Bản thân việc lượm vải rách không hề tự tôn: “Này thế gian, ta là vinh đây”.
Bản thân việc lượm rác hôi chẳng hề tự ti: “Bẩm nhân gian, tui là nhục đấy”.
Vinh quang của đức Phật không phải nằm ở hành động lượm vải, mà đến từ đức hy sinh cả cuộc đời dành cho hoằng pháp, cứu độ chúng sanh, chuyển mê thành ngộ, giải thoát nỗi khổ niềm đau. Tủi nhục của đứa bé chẳng phải nằm ở hành động lượm rác, trừ phi nó cướp của kiếm sống hoặc phạm tội khác. Cho nên, hành động lượm vải và hành động lượm rác là hoàn toàn bình đẳng, rốt ráo vô ngã, không hề so sánh cao thấp hơn thua, chẳng hề so đo vinh nhục sang hèn, bất luận người lượm vải hoặc người lượm rác là thánh nhân hay phàm nhân, tu sĩ hay cư sĩ, thân nam hay thân nữ hoặc bất kỳ chúng sanh nào khác trong tam giới[2].
Đó là lý do vì sao các kinh điển Phật giáo, dù theo truyền thống Nam tông hay Bắc tông, đều bàn về chủ đề tâm dưới lăng kính tâm lý triết học rất sâu sắc được cô đọng và đúc kết qua những câu như: “tâm dẫn đầu các pháp”[3], “nhất thiết duy tâm tạo”[4], “tam giới duy tâm, vạn pháp duy thức”[5].
Nếu nhìn thấy đức Phật lượm vải mà ta khởi tâm cung kính thì sẽ giúp tạo phước cho mình. Ngược lại, nếu nhìn thấy đứa bé lượm rác mà ta vọng tâm miệt khinh thì sẽ gây tổn phước chính mình. Trong cả hai trường hợp, đức Phật và đứa bé đều không nhận điều mà ta tạo tác qua tam nghiệp thân, khẩu, ý[6], mà trái lại nếu ta là tác giả “sáng tác” những điều thô ác thì chính ta sẽ là khán giả “thưởng thức” nó một cách trọn vẹn đến tận cùng của vòng quay “xổ số nhân quả”.
Theo quy luật nghiệp báo nhân quả vốn bàng bạc trong giáo lý Phật giáo, một hành động hay nghiệp tạo (action, karma) khởi ra đều kéo theo một phản ứng của hành động (reaction) hay nghiệp báo. Nếu dùng một cặp từ khóa tiếng Anh gieo vần dễ nhớ, thì bất cứ một action nào xảy ra trước đều thúc đẩy một reaction kéo theo sau, dội ngược trở lại cho chính tác giả “actor” đó. Vấn đề không phải là số lượng của nghiệp, mà nằm ở chỗ chất lượng của nghiệp: thiện hay ác, tốt hay xấu, lành hay dữ v.v… Tất cả các pháp thế gian đều là biểu hiện của cái tâm vô minh vọng niệm khởi sanh, mà ta có thể tạm diễn đạt qua tiếng Anh “Made in My Mind”, tạm dịch “chế tác trong tàng thức” hay “tạo tác trong vọng tâm”.
Vậy mai này lại gặp đứa bé lượm rác đó đây mà ở nước ta chắc hẳn không ít, đó chẳng phải là nhân duyên hay cơ hội để tự thực hành kiểm chứng cái tâm của mình hay sao. Nếu thấy đứa bé mặc áo rách rưới tả tơi đang đói khát đào bới thức ăn thừa mứa cặn bã, bẩn thỉu thối thiu trong bãi rác dơ dáy ruồi nhặng, mà có điều kiện muốn giúp đỡ sẻ chia, hành động thiết thực nhất về mặt vật chất là cho đứa bé một bộ đồ cũ, một ly nước lã hay một bát cơm nguội vẫn tốt hơn bất kỳ lời nói suông nào.
Nếu không thì thôi, ở đây hai chữ nếu không được hiểu là chưa có điều kiện giúp hoặc có điều kiện rồi mà không muốn giúp. Và trên tất cả, dù có hay không hoặc còn hơn thế nữa, cứ giữ lòng mình trong sáng, đừng vọng tâm suy nghĩ “lệch pha” mà tội nghiệp cho đứa bé để nó và những đứa đồng cảnh khổ với nó còn có được một chút ấm áp của tình người dù chỉ qua ánh mắt hay chỉ bằng nụ cười, không chỉ trong ngày xuân mà cả trong ngày thường, còn chúng ta được tự mình tránh xa khỏi những lời phán xét phân biệt vinh nhục thế gian.
Bởi vì trong cái hình ảnh nhân tình bình đẳng như thị đó, không hề có chỗ cho vinh và nhục, mà “nhục hay vinh mặc kệ chuyện trần ai”./.
mộc.thếkhông
(Sài Gòn, ngày 31/01/2018)
Hoa hậu Thu Thảo với Hoa Nghiêm năm 2014
H2 Lương Minh- Minh Lân-Yến Trang- Mộc Quốc Khanh- Hoa Nghiêm (đứng)
Bảng ghi chú:
[1] Địa chỉ Thiền viện Vạn Hạnh: 750 Nguyễn Kiệm, P. 4, Q. Phú Nhuận, Tp.HCM.
[2] Tam giới: Theo vũ trụ quan Phật giáo, tam giới gồm cõi dục giới (kāma-loka, sensuous world), cõi sắc giới (rūpa-loka, fine-material world) và cõi vô sắc giới (arūpaloka, immaterial world), thế giới chúng ta đang sống là dục giới.
[3] Tâm dẫn đầu các pháp: trích Kinh Pháp Cú.
[4] Nhất thiết duy tâm tạo: trích Kinh Hoa Nghiêm.
[5] Tam giới duy tâm, vạn pháp duy thức: trích Thành Duy Thức Luận.
[6] Tam nghiệp thân, khẩu, ý: việc làm, lời nói và suy nghĩ.
[1] Địa chỉ Thiền viện Vạn Hạnh: 750 Nguyễn Kiệm, Phường 4, Quận Phú Nhuận, Tp.HCM.
[2] Tam giới: Theo vũ trụ quan Phật giáo, tam giới gồm cõi dục giới (kāma-loka, sensuous world), cõi sắc giới (rūpa-loka, fine-material world) và cõi vô sắc giới (arūpaloka, immaterial world), thế giới chúng ta đang sống là dục giới.
[3] Tâm dẫn đầu các pháp: trích Kinh Pháp Cú.
[4] Nhất thiết duy tâm tạo: trích Kinh Hoa Nghiêm.
[5] Tam giới duy tâm, vạn pháp duy thức: trích Thành Duy Thức Luận.
[6] Tam nghiệp thân, khẩu, ý: việc làm, lời nói và suy nghĩ.
Không thiện không ác, không vinh không nhục, đạo Phật vượt qua cả hai đầu mối này.
Đã vậy thì đâu có vấn đề gì để đặt ra nữa. Không nhị nguyên cũng không nhất nguyên mà là bất nhị. Phân nó ra làm hai rạch ròi là mang tâm phân biệt. Nó cũng không phải là một để xoay nó trong vòng âm dương.
Nhìn tất cả sự sự vật vật vật với tâm không phân biệt thì có gì là nhục, có gì là vinh?
Đọc bài đã buồn , xem hình lại buồn hơn,,,
Hoành Châu (Gia đình C )
Tôi đọc “Nhặt rác mùa xuân” tự khắc phải nhìn lại mình đang nghĩ gì, làm gì? Có quan tâm; có ngó lại chính tâm hồn mình… có gột rửa chưa? Mộc Thế Không một nghệ sĩ trẻ tài hoa lại có một tâm hồn vị tha đáng “kính nể”, một tư tưởng hiếm có. Gìà như tôi phải nhìn vào “em” để học, làm bài học cho mình.
Kính chào quý Anh/Chị trang nhà Tống Phước Hiệp-Vĩnh Long,
Trước thềm năm mới Xuân Mậu Tuất 2018, kính chúc toàn thể trang nhà dồi dào sức khỏe, vạn sự như ý, sự sự vô ngại, hạnh phúc viên mãn.
Rất cảm ơn trang nhà và “chủ chợ” Lương Minh đã cho chúng em một chốn “dung thân ngày Xuân” như đã ủng hộ Mộc Quốc Khanh, nay động viên tiếp sức cho Mộc Thế Không.
Cũng nhờ anh Lương Minh mà mới có mối duyên lành với nhà thư pháp trẻ tuổi tài hoa bạc mệnh Hoa Nghiêm. Bài viết trích đoạn này như lời tự vấn bản thân của chính tác giả, nhờ bức tranh thư pháp có ý nghĩa từ người huynh đệ Hoa Nghiêm của chúng ta.
MỪNG XUÂN MẬU TUẤT 2018!
mộc.thếkhông
(a.k.a. mộc.quốckhanh)
“Lượm rác mùa xuân” là động lực khiến tôi đi tìm toàn thể bài thơ mà Hoa Nghiêm trích hai câu và Mộc Thế Không trích một đoạn. Vì bài thơ rất dài xin anh chị em chịu khó vào đường dẩn sau đây:
https://anhtuvaban.blogspot.com/2018/02/tren-ong-rac-thu-phaphoa-nghiemanhmoc.html
Cám ơn Mộc Thế Không đã cho đọc một bài viết hay.
Một khoảng thời gian ngắn nữa là Mậu Tuất sẽ đến với mọi người dân Việt Nam, chúc mọi người “AN KHANG, THỊNH VƯỢNG” và nếu có ƯỚC MƠ SẼ THÀNH SỰ THẬT.
Một lần nữa, chân thành cảm ơn trang nhà đã có phản hồi tích cực cho bài “Lượm rác mùa xuân” từ các Anh/Chị Huong cau, Hoành Châu, Phong Tâm, NHA.
Nhờ NHA tìm ra nguồn thơ mới thấy đúng là Hoa Nghiêm trích hai câu, Mộc Thế Không trích một đoạn, và nay NHA chỉ chỗ cho xem trọn vẹn cả bài thơ luôn. Cảm ơn NHA rất nhiều. Thể loại thơ 8 chữ của bậc tiền bối năm xưa sao mà sâu sắc quá, đến bây giờ đọc lại vẫn còn nguyên giá trị.
Trong không khi vui Xuân Mậu Tuất 2018, nếu được “chủ chợ” Lương Minh phê duyệt, xin phép gửi trang nhà đường link về bài viết: “Trở Lại Mùa Xuân – Bài xuân ca nồng ấm“, trong đó có nét chữ thư pháp của Hoa Nghiêm.
http://mocquockhanh.blogspot.com/2018/01/tro-lai-mua-xuan-bai-xuan-ca-nong-am.html
MỪNG XUÂN MẬU TUẤT 2018!
mộc.thếkhông
(a.k.a. mộc.quốckhanh)