THẾ NÀY CÓ THỂ GỌI LÀ ĐẠO VĂN ĐƯỢC CHĂNG?
Ngày 18/8, anh Vũ Đình Ninh gọi điện báo cho tôi biết, có một hiện tượng đạo văn trên văn đàn hiện nay cần phải công bố rộng rãi trên dư luận. Vốn không thiện cảm với chuyện “ăn cắp văn” của người làm của mình, trang nhà xin đăng bài của anh cho rộng đường dư luận (SOS)
Tôi là Vũ Đình Ninh, chủ trang VanDanViet.Net, hôm nay được đọc trên các trang http://trannhuong.com/ bolapquechoa.blogspot.com/ ngominh.vnweblogs.com một bài viết rất công phu của tác giả Lê Thọ Bình: “Nguyễn Hữu Đang: một bi kịch lớn” (ngày14&15/8/2014). Tôi ngỡ ngàng vì thấy ở đây có mấy đoạn viết giống y chang một bài viết cách đây hai năm của bạn tôi- nhà báo, đạo diễn điện ảnh Mai An nguyễn Anh Tuấn: “Cuốn Tự điển bách khoa của ông Nguyễn Hữu Đang” (đã đăng trên vandanviet.net, ngày 15/09/2012 http://vandanvn.net/vi/news/Cap-nhat-lai/Cuon-Tu-dien-bach-khoa-cua-ong-Nguyen-Huu-Dang-Nguyen-Anh-Tuan-558/).
Trong bài viết còn đăng kèm theo mấy bức ảnh chụp lại từ băng tư liệu của chính tác giả NAT: (chân dung ông Đang và trang từ điển có chữ của ông Đang gạch dưới: “Mất từ tr. 865 đến tr. 968″). Bài viết này của Mai An Nguyễn Anh Tuấn còn được khá nhiều trang mạng đăng tải trong năm 2012 – như lethieunhon.com, nguoibanduong.com, Nguyentrongtao.info (với cái tít: Kỷ niệm với người đi trước thời đại), v.v.
Tôi thấy kỳ lạ, vì một bài viết công phu có rất nhiều tư liệu quý của ông Lê Thọ Bình mà sao đến nỗi phải sao chép nguyên xi đến gần bốn chục dòng của người khác- mà theo tôi là những đoạn rất hay, bộc lộ cảm nghĩ riêng khá độc đáo và chân thành của NAT?! Giá như ông có cho trong ngoặc kép đề trích là của NAT thì người ta cũng thấy kỳ kỳ, nữa là cứ nhơn nhơn bệ nguyên xi của anh ấy! Mấy câu nói của cụ Đang giống nhau trong cả hai bài viết, thì coi như là sản phẩm của cụ đi, nhưng còn hàng chục dòng văn copy kia thì có thể gọi đó là gì, nếu không phải là đạo văn trắng trợn? Tác giả Mai An NAT đã có nhiều bài viết được chú ý, đã là một tác giả quen thuộc trên khá nhiều trang báo viết và báo mạng, còn tác giả Lê Thọ Bình thì- xin lỗi, có lẽ bây giờ tôi mới được đọc một bài này của ông.
Để cho khách quan, sau khi đọc lại bài của NAT trên trang của tôi, tôi đã đọc bài đó của anh trên nguyentrongtao và đưa ra để mọi người so sánh (Những chỗ tôi gạch dưới là giống y nguyên, thậm chí không sai dấu chấm, phẩy):
KỶ NIỆM VỚI “NGƯỜI ĐI TRƯỚC THỜI ĐẠI” NGUYỄN HỮU ĐANG
(Nguyentrongtao.info– ngày 05/12/2012)
(http://nguyentrongtao.info/2012/12/05/)
…
Ngồi ở chiếc bàn vừa để ăn vừa để đọc sách của ông, nhìn quanh trên tường và trên bàn có nhiều tấm ảnh chân dung chắc chắn là rất thân thiết với ông; và đập ngay vào mắt là tấm ảnh lịch sử: Lễ đài Ba Đình 2-9-1945 được cho vào khung ảnh cẩn thận kê ngay ngắn trên một chiếc vỏ hộp bánh… Cuộc đời có thể tước đoạt của ông nhiều thứ song không thể tước đi quyền tự hào là người đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh trao cho trọng trách tổ chức ngày lễ Độc lập ở Ba Đình, và tới năm 1947, ông vẫn còn được coi là nhân vật quan trọng nhất nhì bên cạnh Chủ tịch Hồ Chí Minh… Mái đầu húi cua bạc cháy tựa nương cằn miền núi sau trận cháy rừng giờ không còn ngẩng cao kiêu hãnh mà hơi cúi gằm bởi năm tháng, nhưng cái vóc dáng cồng kềnh và chắc chắn của ông vẫn cho thấy một nghị lực sống được nén lại, và đôi lúc ánh mắt ông vô tình vẫn lóe lên những luồng ánh sáng trí tuệ… Nhìn ông, ai có thể tin rằng: Sau mười lăm năm tù đày, ở tuổi 63, ông đã từng phải sống nhờ vào côn trùng và cóc – nhái – chuột – rắn trong suốt hơn mười lăm năm vất vưởng bên lề xã hội ở một làng quê Thái Bình… Trải qua quá nhiều nỗi đớn đau thử thách, và ở giai đoạn cuối cuộc đời vẫn phải lo tránh cạm bẫy, ông phải tự giữ gìn và giữ cho cả người đang đối thoại với mình mà bằng trực giác ông biết là lòng lành, song dường như ông vẫn không bị mất đi sự sắc sảo pha chút hóm hỉnh.
…Bóng ông lúi húi bên giá sách cạnh tấm ảnh đen trắng Dostoievski chợt nhòe đi. Bên dưới tấm ảnh văn hào Nga được nhiều thế hệ độc giả Việt yêu quý là chiếc tủ lạnh cũ. Bất giác tôi đứng lên, bước tới chiếc tủ lạnh, tự động mở ra: cả hai ngăn trên và dưới đều trống rỗng!
…Chiếc bàn nhỏ kê sát giá sách để chiếc điện thoại bàn lấm bụi, chiếc kính lúp, cái đèn pin, mấy cục pin con thỏ, v.v. Ông Đang dường không chú ý tới việc tôi mở tủ lạnh và quan sát đồ dùng sinh hoạt trong phòng ông, chắc bởi lúc đó ông muốn thông báo với chúng tôi điều gì hệ trọng lắm qua một một cuốn sách lớn dày cộp đang ôm trên tay.
Thì ra là điều này: ông giở bìa cuốn từ điển Bách khoa “Le petit Larousse” in năm 2000 ra, chỉ tay vào trang đầu tiên có chữ nắn nót của ông: “Mất từ tr. 865 đến tr. 968″ (gạch đậm dưới). Rồi ông vội vã mở cuốn sách ra để chứng minh điều mình đã thông báo. “Ai đã xé nó đi? Gần 100 trang đó gồm những mục gì hở bác?”- chúng tôi nóng ruột hỏi. Ông ghé tai hỏi lại cho rõ rồi thở dài, lắc đầu nhẹ và ngơ ngác như vẫn không tin nổi đó là sự thật giữa cái thời buổi thông tin toàn cầu, giữa một xã hội Dân chủ… Ông khẽ trả lời: “Những người có trách nhiệm kiểm soát trước khi chuyển nó đến cho người nhận, chứ còn ai vào đây nữa?! Còn những mục gì ư? Chỉ là những thứ mà theo người ta, sẽ đầu độc một lão già vô hại là tôi!”- Câu cuối ông nói vừa có gì diễu cợt lại vừa đượm nước mắt… Một công trình văn hóa hoàn hảo, một trong những biểu tượng của trí tuệ nhân loại bị phá hoại bởi những người quen thói bao cấp tư tưởng, quen hăng hái săn sóc tâm hồn và tri thức cho người khác- kể cả những người đương nhiên là bậc thầy về văn hóa của họ! Thực là một tấn bi hài kịch không đáng có vậy mà đã diễn ra không chỉ một lần!
Nguyễn Hữu Đang: một bi kịch lớn
Lê Thọ Bình
(Trannhuong.com, ngày 15/8/2014)
http://bolapquechoa.blogspot.com/2014/08/nguyen-huu-ang-mot-bi-kich-lon.html
http://ngominh.vnweblogs.com/post/2246/460219
Ngồi ở chiếc bàn nhỏ vừa để ăn vừa để đọc sách của ông, nhìn quanh trên tường và trên bàn có nhiều tấm ảnh chân dung chắc chắn là rất thân thiết với ông; và đập ngay vào mắt chúng tôi là tấm ảnh lịch sử: Lễ đài Ba Đình 2-9-1945 được cho vào khung ảnh cẩn thận kê ngay ngắn trên một chiếc vỏ hộp bánh quy. Chiếc bàn kê sát giá sách để chiếc điện thoại bàn lấm bụi, chiếc kính lúp, cái đèn pin, mấy cục pin con thỏ để lăn lóc.
Cuộc đời có thể tước đoạt của ông nhiều thứ song không thể tước đi quyền tự hào là người đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh trao cho trọng trách tổ chức ngày lễ Độc lập ở Ba Đình, và tới năm 1947, ông vẫn còn được coi là nhân vật quan trọng nhất nhì bên cạnh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Mái đầu húi cua bạc cháy tựa nương cằn miền núi sau trận cháy rừng giờ không còn ngẩng cao kiêu hãnh mà hơi cúi gằm bởi năm tháng, nhưng cái vóc dáng cồng kềnh và chắc chắn của ông vẫn cho thấy một nghị lực sống được nén lại, và đôi lúc ánh mắt ông vô tình vẫn lóe lên những luồng ánh sáng trí tuệ.
Nhìn ông, ai có thể tin rằng: Sau mười lăm năm tù đày, ở tuổi 63, ông đã từng phải sống nhờ vào côn trùng và cóc – nhái – chuột – rắn trong suốt hơn mười lăm năm vất vưởng bên lề xã hội ở một làng quê Thái Bình… Trải qua quá nhiều nỗi đớn đau thử thách, và ở giai đoạn cuối cuộc đời vẫn phải lo tránh cạm bẫy, ông phải tự giữ gìn và giữ cho cả người đang đối thoại với mình mà bằng trực giác ông biết là lòng lành, song dường như ông vẫn không bị mất đi sự sắc sảo pha chút hóm hỉnh.
…Ông lúi húi bên giá sách cạnh tấm ảnh đen trắng Dostoievski chợt nhòe đi. Bên dưới tấm ảnh văn hào Nga được nhiều thế hệ độc giả Việt yêu quý là chiếc tủ lạnh cũ. Bất giác tôi đứng lên, bước tới chiếc tủ lạnh, tự động mở ra: cả hai ngăn trên và dưới đều trống rỗng! Ông Đang không hề để ý tới việc khách mở tủ lạnh và quan sát đồ dùng sinh hoạt trong phòng ông. Ông rời giá sách trên tay cầm theo cuốn sách dày cộp. Ông giở bìa cuốn từ điển Bách khoa Petit Larousse in năm 2.000 ra, chỉ tay vào trang đầu tiên có chữ nắn nót của ông: “Mất từ tr. 865 đến tr. 968″. Rồi ông vội vã mở cuốn sách ra để chứng minh điều mình đã thông báo. Tôi hỏi ông: “100 trang sách đã bị xé. Ai đã xé những trang này hở bác?”. Ông thở dài: “Còn ai vào đây nữa!”. Ông nói nhỏ dường như chỉ để cho mình ông nghe: “Những người có trách nhiệm kiểm soát trước khi chuyển nó đến cho tôi. Còn những mục gì ư? Chỉ là những thứ mà theo người ta, sẽ đầu độc một lão già vô hại là tôi!”.
Câu cuối ông nói ra vừa có gì giễu cợt lại vừa đượm nước mắt. Một công trình văn hóa hoàn hảo, một trong những biểu tượng của trí tuệ nhân loại bị phá hoại bởi những người quen thói bao cấp tư tưởng, quen hăng hái săn sóc tâm hồn và tri thức cho người khác – kể cả với những người đương nhiên là bậc thầy về văn hóa của họ! Thực là một tấn bi hài kịch không đáng có, vậy mà nó đã diễn ra thường xuyên như thứ một tập quán ghê sợ!
Bình Định 17/ 8/ 2014