VỀ THĂM CÁI NÔI CỦA CHỮ QUỐC NGỮ
Khởi đầu cho đợt vinh danh chữ Quốc Ngữ và tri ân những bậc tiền bối đã sáng tạo và phổ biến cách phiên âm tiếng Việt bằng mẫu tự La Tinh, nay dã nhập vào hồn dân tộc Việt, tôi quyết định nhân những ngày lễ cuối tháng Tư đầu tháng Năm về thăm cái nôi của chữ Quốc Ngữ.
Rất may tôi được TS Nam Hiếu, một nhà sử học trẻ, giảng viên đại học Huế am hiểu vấn đề, có nhiều thông tin đồng ý tháp tùng.
Trước tiên, chúng tôi đến thăm nhà thờ Hội An là nơi các giáo sĩ phương Tây lần đầu tiên đến và cư ngụ (năm 1615). Nhà thờ nguyên thủy xa xưa không phải là cái này. Ta có thể đọc theo thông tin chính thức về nhà thơ của Quản xứ Hội An (https://nhathoconggiao.com/danh-sach-nha-t…/…/nha-tho-hoi-an) : «Năm 1914, một số giáo dân đã sửa và xây dựng lại nhà thờ mới bằng tranh, gỗ. Năm 1935, nhà thờ được thay thế bằng ngôi nhà thờ kiên cố theo kiểu kiến trúc Gothic. Năm 1965, ngôi nhà thờ này bị gỡ bỏ và thay vào đó là ngôi nhà thờ mới với kiểu dáng như hiện nay».
Cha sở nhà nhờ Đoàn Minh đã rút ngắn hành lễ, chân tình tiếp chúng tôi !
Sau khi nghe chúng tôi trình bày lý do của đợt vinh danh chữ Quốc Ngữ, cha Minh nói : «Một nhà khoa học về chuyên ngành hàng không – không gian mà nay quan tâm về chủ đề này hẳn sẽ bảo đảm được tính khoa học, khách quan vô tư!».
Được lời như cởi tấm lòng, chúng tôi rất vui có sự đồng cảm. Chúng tôi còn được cha Minh giới thiệu khá nhiều sách vở, tài liệu mà cha đã lưu trữ về chữ Quốc Ngữ.
Từ giã cha Minh, chúng tôi tìm đường đến Thanh Chiêm (xã Điện Phương, huyện Điện Bàn, Quảng Nam) được các thức giả coi như là cái nôi của chữ Quốc Ngữ. Thật vậy, năm 1617 cha Francisco de Pina người Bồ Đào Nha (1585-1625) của Dòng Tên đã đến Dinh trấn Thanh Chiêm, nghiên cứu âm ngữ và tìm cách dùng ký tự La Tinh để viết tiếng Việt…
Chúng tôi lần mò tìm nhà thờ Phước Kiều nay có tên là nhà thờ Chân phước André Phú Yên, tên người trợ lý của cha Alexandre de Rhodes tử vì đạo khi mới 19 tuổi. Điều đáng chú ý là trong khuôn viên nhà thờ Phước Kiều có 3 ngôi mộ trong đó có giả thuyết cho rằng ngôi mộ tách biệt là của cha Francisco de Pina?
Chúng tôi ngậm ngùi ngồi bên chân mộ với ao ước một ngày không xa sẽ xác định được chỗ chôn cất ngài Francisco de Pina – một trong những ân nhân hàng đầu của dân tộc Việt Nam.
Trời đã xế chiều, chúng tôi lần mò ra quốc lộ 1 tìm về Đà Nẵng. Đi chưa đến 5 phút là ngang qua khu nghĩa địa gia tộc Nguyễn Đăng của chúng tôi. Tôi quyết định dừng lại thắp một nén hương lên các phần mộ trong gia tộc…
Tôi khấn vái rồi miên man tâm trạng của kẻ hậu sinh : Không ngờ những sự kiện văn hóa tầm cỡ quốc gia và quốc tế trong thế kỷ thứ 17, đã khai sinh tại mảnh đất cách nơi chôn nhau cắt rốn của tôi chỉ vài cây số!
GS.Nguyễn Đăng Hưng
29/4/2018
h2 GS Nguyễn Đăng Hưng và TS Nam Hiếu