Giọt mưa thu
Trên bầu trời âm nhạc tiền chiến, Đặng Thế Phong như một vì sao sáng vừa xuất hiện đã vụt tắt. Từ giã cuộc đời ở tuổi 23, ông chỉ kịp để lại vài ca khúc nhưng thảy đều là những tác phẩm bất hủ: Đêm Thu, Con Thuyền Không Bến, Giọt Mưa Thu. Tất cả đều in đậm một nỗi u buồn như tiên báo cho một đời ngắn ngủi. Riêng Giọt Mưa Thu, người nhạc sĩ tài hoa sáng tác bài này là để tặng người con gái ông vô cùng yêu mến.
Tôi và Quỳnh Như ở cùng phố Sinh Từ, cách nhau hơn trăm thước. Ở phố này, hoa Ti gôn mọc rất nhiều và phía trước nhà nào có nhiều hoa này nhất chính là nhà Quỳnh
Như. Đấy là loại hoa dây, lá giống lá nho. Có hai loại, trắng và hồng. Đầu hè hoa nở thành từng chùm rất đẹp, đến đông thì lá rụng, hoa tàn.
Đặng Thế Phong là bạn thân của tôi. Anh thường đến lớp nhạc của tôi chơi. Anh thích hát các ca khúc thịnh hành thời ấy và cả những bản nhạc do chính anh sáng tác. Giọng hát Phong không thực hay nhưng rất có hồn, lôi cuốn người nghe như hôm nào anh ôm đàn say sưa hát Đêm Thu, Con Thuyền Không Bến tại rạp Olympia ở Hà Nội. Chính đấy là nơi Phong và Quỳnh Như lần đầu gặp gỡ. Nàng yêu tài năng của chàng và chàng yêu cái đẹp trong sáng, hồn nhiên của nàng, cái đẹp của một người con gái tuổi vừa đôi tám có đôi mắt nhung đen màu hạt huyền. Lúc ấy là đầu hè và tình yêu của họ tươi đẹp như những cánh hoa Ti gôn. Phong kể với tôi, mỗi lần đến thăm nàng thì khi chia tay, anh bao giờ cũng ngắt một cành hoa về làm kỷ niệm.
Mối tình đẹp nảy nở theo thời gian. Mấy lần tôi gặp hai người tay trong tay dạo qua những phố phường Hà Nội hoặc ven bờ hồ Hoàn Kiếm… Những lúc ấy tôi ước mình cũng được như Phong, có một người yêu để dắt tay dạo phố.
Nhưng một ngày kia, sau khi Phong đi Cao Miên về, sức khỏe của anh trở nên sa sút. Anh bảo mắc bệnh lao. Nước da của anh không còn trắng hồng mà trông khá xanh xao.
– Dạo còn học ở trường Mỹ thuật Đông Dương, ông thầy người Pháp khi nhìn nét vẽ của tôi, bảo tôi sẽ chết yểu. Phong bảo tôi. Anh có tin không?
– Tin thế nào được. Tôi cười trấn an. Ông ta chỉ nói đùa. Anh chịu khó nghỉ ngơi bồi bổ thì chẳng mấy chốc sẽ khỏe lại thôi.
Nghe tôi nói, Phong chỉ cười, nụ cười không tươi. Đáng buồn là từ hôm ấy, dù đã đi nhiều thầy thuốc, bệnh tình của anh vẫn không thuyên giảm mà xem ra còn nặng hơn. Có lần đang cùng tôi chơi đàn, Phong chợt ho lên rũ rượi rồi khạc ra cả búng máu. Gia đình Phong liền đưa anh đến nhà thương Lanessan ở Hà Nội. Nơi này trước kia tôi đã từng đến thăm Nguyễn Nhược Pháp khi anh nằm ở đấy vì sốt thương hàn rồi mất sau đó.
Trên giường bệnh, Phong chỉ tôi gói bánh ở đầu giường, nụ cười hốc hác:
– Đấy là quà của Quỳnh Như. Nàng nhờ người ta gửi cho tôi.
Tôi để ý trên gói quà có kèm theo một đóa Ti gôn, loài hoa mà Phong rất thích.
– Quỳnh Như lo cho anh lắm đấy. Chúc anh sớm bình phục để còn lấy vợ nữa chứ!
Tôi cầm bàn tay gầy guộc của Phong, cố nói vài câu cho anh vui. Nhưng hình như anh không vui bao nhiêu.
Tuần sau tôi lại đến thăm Phong. Đang nằm trên giường, Phong gượng ngồi dậy. Trông anh có vẻ tỉnh táo hơn hôm nọ.
– Quỳnh Như có tới thăm anh không? Tôi hỏi.
– Dường như dạo này cô ấy bận việc nên ít thấy tới. Phong đáp, vẻ mặt đầy nghỉ ngợi.
Tôi ân cần khẽ bóp đôi vai anh. Gần đây có anh chàng nào đấy trông khá bảnh trai thường lui tới thăm Quỳnh Như. Nghe nói anh ta học ở Pháp về và là con một nhà kim hoàn giàu nhất nhì phố Hàng Bạc. Tôi muốn nói điều này với Phong nhưng lại thôi. Thế rồi Phong loay hoay lấy gì đó dưới tấm nệm giường. Anh lấy ra một quyển sách mỏng, trong đó để một bản nhạc viết tay. Phong đưa tôi bản nhạc:
– Đây là bài “Giọt mưa thu” tôi mới viết. Giọng anh thều thào, nhờ anh gửi cho Quỳnh Như, bảo tôi lúc nào cùng nhớ nàng.
Tôi cầm lấy sáng tác mới của Phong: “Ngoài hiên giọt mưa thu thánh thót rơi…”. Trên tờ nhạc có lấm chấm những vết máu. Tôi xót xa. Hẳn trong khi viết nhạc Phong đã ho rất nhiều. Cuối bài hát có nét chữ run rẩy của Phong: “Mến tặng Quỳnh Như với tất cả tình yêu của anh”.
Bản nhạc này, sáng tác sau cùng của người nhạc sĩ vắn số, tôi thấy không cần thiết phải đưa cho Quỳnh Như vì ngay hôm sau được biết nàng đã làm lễ đính hôn với anh chàng hôm nọ. Người ta đến với nhau nhanh thật!
Sau đấy tôi lại đến Lanessan thăm Phong nhưng không thấy anh đâu. Bác sĩ cho biết Phong khó lòng qua khỏi nên gia đình đã đưa anh về quê từ hôm trước.
Tôi liền đến nhà anh ở phố Hàng Đồng, Nam Định cùng với gói thuốc bổ mua ở hiệu thuốc gần nhà. Hôm ấy trời rất xấu với gió rét căm căm và mưa cứ rơi rả rích suốt đoạn đường tôi đi từ Hà Nội vào Nam Định.
– Quỳnh Như nhờ tôi gởi anh chút quà. Tôi đặt túi thuốc lên đầu giường Phong. Anh nằm im trên chiếc giường tre ọp ẹp, thân hình chỉ còn da bọc xương. Sự sống thực sự sắp rời bỏ anh. Không còn hy vọng gì. Nhìn túi quà tôi đua với đôi mắt hỏm sâu, Phong chợt hỏi tôi với giọng đầy yếu ớt:
– Sao không có hoa?
Tôi giật mình. Chết thật. Tôi nói dối là quà của Quỳnh Như nhưng lại quên kèm theo một đóa Ti gôn.
– Có lẽ nàng quên đấy thôi. Tôi đáp, giọng lấp lửng.
Tất cả chìm trong im lặng. Đôi mắt Phong nhìn đăm đăm lên trần nhà rồi nhắm nghiền lại. Hình như anh khẽ lắc đầu. Sự sơ xuất này khiến tôi ray rứt mãi về sau.
Ngày hôm sau, ngày 11/9/1942, Phong trút hơi thở cuối cùng trong căn nhà cũ kỹ nghèo nàn, nơi ngày nào anh cất tiếng khóc chào đời. Cũng ngày hôm ấy, sau này tôi được biết Quỳnh Như đã lên xe hoa về nhà chồng. Cả phố Sinh Từ rộn ràng pháo cưới. Nhà trai rước dâu với đoàn xe ô tô mới toanh. Cô dâu lộng lẫy trong chiếc áo cưới trắng muốt như một nàng công chúa bên chàng hoàng tử là anh con trai tiệm vàng.
Nhưng tôi không buồn nhớ chuyện ấy. Tôi chỉ biết rằng mình vừa mất đi một người bạn thân yêu. Đặng Thế Phong, một trong những nhạc sĩ tiền phong của nền tân nhạc Việt nam, đã vĩnh biệt “dương thế bao la sầu” để vào cõi thiên thu khi tuổi còn rất trẻ, để lại niềm thương tiếc vô bờ trong lòng bạn bè và những người yêu mến anh.
Sau khi tiễn đưa Phong về nơi an nghỉ, tôi trở về căn nhà nhỏ của anh. Ở góc nhà, ngồi bên chồng sách ngày nào anh vẫn đọc, tôi lấy ra quyển “Ngày xưa” của Nguyễn Nhược Pháp. Quyển này trước đây tôi đã tặng Phong. Trong quyển thơ nằm ép khô một đóa Ti gôn. Khi tôi khẽ cầm lấy đóa hoa thì, lạ thay, từ nó chợt thoảng ra một mùi hương dìu dịu thể như nó hãy còn tươi thắm.
Truyện ngắn của Trần Thế Kỷ
Chở chuyên chuyện tình đẹp và buồn như vậy,nên bài bài hát thở hơi ai oán mà không lời trách hờn.Cám ơn tác giả Trần Thế Kỷ đã kể cho nghe câu chuyện quá hay.Xin hỏi còn bài Con thuyền không bến và Đêm thu thì sao ạ?
Dường như H Lan cũng có chuyện tương tự với một văn sĩ nước ngoài, phải chi Trần Thế Kỷ thân với ông văn sĩ đó thì hay biết mấy !
Gặp bài viết này, với tôi thì như “cá gặp nước”, tôi đọc một mạch và cảm thấy thật thích, thật thú vị vì bài viết là của anh Trần Thế Kỷ và …. từ lúc biết thưởng thức “tân nhạc” thì các nhạc phẩm của Đặng Thế Phong là nhóm nhạc tôi thích nhất.
Bài viết ghi là truyện ngắn nên tôi nghĩ câu chuyện này là hư cấu?
Đọc xong thì sự thương cảm cho nhạc sỉ tài hoa bạc mệnh khiến tôi xem như là chuyện tình thật sự của nhạc sỉ Đặng Thế Phong.
Và tiếp theo tôi cứ tự hỏi hoài …rằng thì là … câu chuyện này thật hay gỉả đây cà?
Rất ngưỡng mộ bài văn của tác giả Trần Thế Kỷ.
Đọc xong, mình ngộ ra việc lâu nay chữ nghĩa của mình không thể vượt qua cây cà dây bí.
Bởi không tình thì thiếu tự và cũng không thể cảm.
Thui già rùi, đành chịu kiếp khổ qua.
hihihi
Mỗi lần nghe Giọt Mưa Thu qua tiếng đàn “Hạ Uy Cầm” là tôi nhớ sâu sắc thời tuổi 16-18; tiếng nhạc nền đầu giờ vào buổi sáng của Đài phát thanh Saigon thê thiết, lắng đọng… Lúc đó, nơi tôi ở thuộc vùng Chợ Lớn và cứ theo tôi mãi cho tới giờ nầy.
Tạo ra một mối tình bằng tưởng tượng và hư cấu hoá hiện đại để mô tả cho một cốt chuyện cũng là một cách của nghệ thuật viết truyện ngắn hoặc tiểu thuyết, tôi nghĩ vậy mà không cần biết tác giả có đồng thời hay lớp hậu sinh với nhạc sĩ “yểu mệnh” Đặng Thế Phong. Người viết dùng cái tôi của mình để tạo thêm cho nguồn cảm xúc của câu chuyện cũng là bình thường. Cái cần ở đây, là có tác động được tình cảm người đọc hay không thuộc về tài năng ở tác giả. Dẫu sao nhà văn Trần Thế Kỷ cũng gây ít nhiều xao xuyến nơi lòng người đọc với người viết.
Anh Phong Tâm kính mến,
Vậy là anh trả lời thay cho tác giả đây là chuyện tưởng tượng, hư cấu rồi.
Nhưng anh ơi, anh có biết thật sự là tiền bối cố nhạc sỉ Đặng Thế Phong có vợ, có người tình (chung thủy hay khung chung thủy) nào không anh? Tìm hiểu tiểu sử (thật ) của tiền bối nhạc sỉ nổi tiếng như Đặng Thế Phong là cần thiết để tỏ lòng ngưỡng mộ và kính trọng, theo ý tôi.
Thân kính,
NHA
Anh NHA thân mến,
Thú thật tôi hiểu có hơn gì anh đâu. Về cố NS Đặng Thế Phong, tôi cũng biết sơ lược qua sách vở thôi anh à.
Tôi nói mấy lời trên vì căn cứ vào tác phẩm ghi là Truyện Ngắn, đã là truyện ngắn thì tác giả có quyền (dựa vào chuyện có thât để xây dựng thành cốt truyện và dùng thủ thuật hư cấu tạo sức hấp dẫn cho tác phẩm như là chuyện thật), còn định lượng có thật là bao nhiêu, tuỳ thuộc vào tài năng, bút pháp và sự cố ý mà tác giả muốn đưa vào thể hiện qua tác phẩm của mình.
Ta cũng thấy được ông nhạc sĩ Đặng Thế Phong và tác giả Trần Thế Kỷ là hai lớp người cùa hai thế hệ khác nhau, thì làm gì có là bạn thân nhau được?
Anh Ẩn ơi, tôi không có tư cách để trả lời thay cho Trần Thế Kỷ đâu nghen anh, chỉ là một nhận xét của riêng tôi về tác giả, tác phẩm trên mà thôi, chắc anh cũng hiểu như tôi vậy? Ở đây, cũng xin tác giả Trần Thế Kỷ cho tôi được phép hiểu theo cách hiểu của mình, như ý đã nêu trên.
Tình thân,
Phong Tâm
Anh Phong Tâm kính mến,
Thật ra chúng ta chỉ trao đổi tìm hiểu một chuyện thú vị thôi , không ý gì khác.
Vâng, tôi đã viết không khéo, chỉ là nhận xét của anh chứ anh đâu thay thế trả lời, xin lỗi anh nhe.
Và tôi có ý này: Tôi đồng ý với anh khi anh viết “dựa vào chuyện có thât để xây dựng thành cốt truyện và dùng thủ thuật hư cấu tạo sức hấp dẫn cho tác phẩm như là chuyện thật”
Nhưng nếu đặt ra chuyện trái ngược với chuyện có thật thì anh nghĩ thế nào?
Có môt sự kích thích nên tôi đi tìm hiểu thì người yêu của Đặng Thế Phong có thật (tên Tuyết) và một người tốt, chung thủy.
Nguồn này tôi nghĩ là khả tính.
Thân kính,
NHA
Anh NHA.
Tôi đau khổ hai ngày nay bị cảm thời tiết hành hạ rất mệt, tuy vậy thỉnh thoảng vào đọc tin trang nhà. Hồi sáng thấy ý kiến của anh, viết gởi lại vừa lúc mất điện, lời vốn không còn. Giờ ráng ngồi dậy đáp lời anh.
Theo tôi nghĩ, về “huyền thoại văn chương” thì quá đa dạng, chưa kể dị bản; đặc biệt như lãnh vực Dã Sử…Nhân vật, bối cảnh, thời gian đều có thật, nhưng nội dung được vẽ vời, “hư cấu” đủ hình dạng, hoàn cảnh khác nhau.
Ví như: Huyền thoại về “TTKH” – “Thâm Tâm”, những bài thơ thì có thật, ai củng có đọc, có biết, nhưng chuyện tình thì…”ảo”. Tôi có đọc nhiều bài viết với nhiều khuynh hướng nói về huyền thoại nầy, (nhớ không chính xác lắm). Đại khái, có người tìm được câu giải đáp, cho rằng các bài thơ TTKH hoàn toàn của nhà văn Thanh Châu dựng lên, còn người con gái trong thơ có gia đình và rất hạnh phúc bên chồng.
Về “huyền sử” Đặng Thế Phong, với truyện ngắn vẽ vời của Trần Thế Kỷ cũng là một kiểu cho là “hư cấu”. Người yêu thật của Đặng Thế Phong ( theo anh tìm hiểu) là nàng Tuyết, chứ đâu phải Quỳnh Như trong truyện ngắn.
Ở đây bàn luận cho vui thôi nhe, anh.
Anh Phong Tâm,
-Bịnh gì cũng bưc mình, cũng khổ hết anh ạ. Chúng ta lớn tuổi càng có nhiều bịnh sinh ra hơn. Cố gắng tìm cách ngừa để tránh bớt. Tôi cũng như anh, nên rất cảm thông.
-Tôi viết phản hồi bất chợt bị mất hoài như anh, mất rồi làm biếng viết lại lắm. Sau này nếu định viết dài thì viết trong Word trước, khi kha khá thì bấm save rồi viết tiếp, nếu có “sự cố” thì mình cũng không bị mất hết.
-Biết chị về nhà rồi , tôi cũng mừng cho anh. Gởi lời thăm chị.
-Về vụ nhac sĩ Đặng Thế Phong tại tôi ngưỡng mộ và kính trọng ông rất nhiều nên ở đây, chỉ tìm hiểu thế thôi chứ không ý gì khác đâu anh . Những dả sử, huyền thoại, hư cấu… thì tôi cũng có biết qua như anh nói. Nhưng cảm nhận, đánh gía cũng tùy trương hợp và suy nghĩ của từng cá nhân.
-Chúc anh thiệt khoẻ để đi dự Sinh Nhât Trang tph-vl.com.
Thân kính,
NHA
Đọc bài viết của Anh Thế Kỷ – bồi hồi – những kỷ niệm nhẹ nhàng về – “Con thuyền không bến”,”Giọt mưa thu” thật là ấm áp,xin cám ơn Anh Thế Kỷ.Lý hương G.Đ.C.