Bàn về chữ quy y
Kính thưa thầy cô anh chị trang nhà. Hoàng Hưng đọc được bức thơ của thầy Nguyễn văn Trường Bộ Giáo Dục ngày xưa gởi cho thầy đồ Đỗ Chiêu Đức và thơ của thầy Đồ trả lời Thầy Trường. Nhận thấy đề tài khá hay, nên chuyển đến Ông Sải, vì nói đến chữ Quy Y thì đâu ai rành bằng ông Sải. (Hoàng Hưng)
Sau đây là bức thơ của thầy Nguyễn văn Trường:
Kính anh, Như đông đảo mọi người, tôi hiểu Quy Y Phật, Qui Y Pháp, Quy Y Tăng là theo Phật, theo Pháp, theo Tăng. Hoặc theo con đường mà Phật Pháp Tăng chỉ dạy. Hôm nay, tôi muốn hiểu rõ hơn. Mong anh giúp cho về các vấn đế ghi sau đây:
1. Theo Lạc Thiện, Hoa Việt từ điển thông dụng, thì có 3 chữ quy..
a/ 1. Về. 2. Trả về. 3. Quy tội. 4. Chịu về theo. Thiết nghĩ: trong quy y tam bảo, chữ quy có nghĩa /4. Trong trường hợp nầy có thể nào xác định nghĩa đen bằng một cách thiết tự hay không? b/ 1. Cái khuôn. 2. Khuôn pháp. Thí dụ: Quy tắc. 3. Mưai toan. Thí dụ: quy hoạch. c/ Con rùa.
2. Theo Thiều Chữu, Hán Việt từ điển, thì có khác: Quy: Quy phục, rốc lòng tin theo gói là quy y. Trong quy y Phật, quy y pháp, quy y tăng, quy y có nghĩa là bỏ nơi tối tăm mà đem cả thân tâm quay về nơi sáng tỏ. Chữ quy nầy gồm chữ BẠCH (trắng) bên trái và chữ gì bên mặt thì tôi không biết. Có thể nào bằng cách chiết tự để nói cái ý: ‘bỏ nơi tối tăm mà đem cả thân tâm quay về nơi sáng tỏ’?
3. Y. Theo Lạc Thiện. Nhơn (đứng) bên trái, y (là áo) bên mặt. Nghĩa là: 1. Nương. 2 Y theo. 3. Nghe theo 4. Y nhiên (vẫn cứ như cũ).
Tôi muốn hiểu quy y, theo nghĩa đen, bằng cách chiết tự nếu có thể được. Mong được Anh giúp dùm.
Thân,
Truong
***********
Thưa Thầy,
Chữ QUY mà thầy nêu ra từ các Tự điển cũng đã đầy đủ lắm rồi.
Ở đây, em chỉ lạm bàn thêm về chữ quy mà thầy thích nghĩa là CÁI KHUÔN. quy nầy là 規 Cái khuôn để kẻ đường tròn, là cái Compa. Còn một chữ nữa là CỦ 矩 là cái khuôn dùng để kẻ hình vuông, là cái Ê-ke. Không có quy thì kẻ không tròn, không có CỦ thì kẻ không vuông. nên quy củ là cái khuôn phép giúp ta làm nên sự việc một cách hoàn hảo, hoàn chỉnh. Không theo QUY CỦ thì mọi việc sẽ bị méo mó, chệch hướng, không ra gì cả! (QUY và CỦ nầy đã được vua Hạ Vũ ( 2081- 1978 trước Công Nguyên ) chế ra lúc đang đi khai kinh trị thủy cho cả nước.)
Bây giờ, thì xin trở lại với chữ quy là về, là THEO VỀ.
Chữ quy 歸 gồm : Bên trái phía trên là bộ Phụ 阜 : là làng xóm chợ búa dựa theo ven sông. Phía dưới là chữ Chỉ 止 : là dừng lại. Bên phải là chữ Trửu 帚 : là cây chổi. Hàm ý là… Người du tử ngày xưa khi dừng chân trên một làng mạc ven sông nào đó, chợt thấy người đàn bà cầm cây chổi quét nhà , mà chạnh lòng muốn quay trở lại quê nhà, như nhà thơ Thế Lữ đã viết….
Rồi có khi nào ngắm bóng mây,
Chiều thu se lạnh gió heo may.
Dừng chân trên bến sông xa vắng,
Chạnh nhớ tình tôi trong phút giây !
nên…
Chữ QUY có nghĩa VỀ là vậy.
VU QUY : là về nhà chồng.
QUY NINH : là Gái có chồng về nhà thăm cha mẹ ruột.
QUY PHỤC, QUY THUẬN : đều có nghĩa là ngoan ngoãn mà về theo ai đó…. Còn….
Chữ quy mà Thầy nói là có bộ Bạch 白, còn bên kia là chữ Phản 反: là ngược lại, QUY 皈 nầy là một dị bản, một cách viết khác của chữ QUY nêu trên, nếu chiết tự thì có nghĩa : Đang trong chỗ tối, đi ngược lại để trở về với chỗ sáng , đặc biệt là chữ QUY 皈 nầy chỉ dùng trong kinh Phật chứ không được dùng rộng rãi như chữ quy trên.
Còn chữ Y, thì thầy cũng đã rõ nghĩa rồi .
Y 依 : là Dựa, là Tựa, là nương theo, là Quyến Luyến. Nên…
QUY Y : là Về để nương tựa theo, là Dốc lòng về với …. Hiểu rộng ra là Bỏ chỗ tối về với chỗ sáng, Bỏ nơi mê muội mà về nơi bến giác, Vượt qua bể khổ để đến với nát bàn……
Nhưng, kính thưa Thầy,
Vì thầy yêu cầu chiết tự, nên em mới chìều theo ý thầy mà chiết tự cho vui vậy thôi, chớ…. ” Quy y Phật, quy y pháp, quy y tăng “, gọi chung là ” Quy y Tam bảo “. Đây là những từ chuyên dùng của đạo Phật, mà đã là là từ chuyên dùng của Phật giáo thì phải tìm hiểu nguồn gốc của các từ nầy trong kinh Phật bằng tiếng Phạn thầy ạ, chữ Hán cổ chẳng qua cũng là văn tự dùng để dịch kinh Phật mà thôi. Ví dụ : Nước Italy, người Hoa nhại bằng âm Quan Thoại là 意大利, ta dịch lại âm nhại của người Hoa là Ý Đại Lợi, rồi gọi tắt là nước Ý, nên ITALI và Ý Đại Lợi về mặt ý nghĩa không có ăn nhằm gì với nhau cả, chỉ là nhại âm cho có tên để gọi mà thôi. Tương tự, ta có CANADA là Gia Nã Đại, AMERICA là Mỹ Lợi Kiên, là nước Mỹ…v.v….
Sự thật, TAM QUY Y là ” Tisarana “, ” Ti ” là Tam, và ” sarana ” là Nơi Phù hộ che chở, ý muốn nói là do Phật Pháp Tăng ba ngôi hình thành nơi che chở phù hộ cho những ai theo về. Trong chương thứ 14 của kinh ” A tỳ Đạt ma câu xá luận ” thì giải thích…
Quy y là ” Saranam gacchami.” Gacchami là động từ chỉ sự thẳng tiến, đến nơi, và Saranam là Danh từ chỉ sự che chở phù hộ. Như vậy, thì quy y là ” Thẳng tiến đến nơi mà ta sẽ được sự che chở phù hộ “, nói cách khác là ” Về với Phật Pháp Tăng để hưởng được sự phù hộ và che chở “. Cũng theo Kinh trên, Saranam gacchami còn có nghĩa Cứu tế và Nương tựa, nên mới được các nhà dịch thuât, Trung Hoa dịch là QUY Y.
…………………………………
Nay kính,
Đỗ Chiêu Đức
Anh Hoàng Hưng ơi! BL cũng có nghe và biết chữ QUY Y nhưng chỉ là hiểu đại khái. Nay qua bài viết của anh BL được mở mang thêm nhiều phạm trù trong chữ “quy y” ấy. BL cảm ơn anh! Thân mến.
Bạch Lộ ơi, bài trên là bức thơ của thầy Nguyễn văn Trường Bộ Giáo Dục khoảng năm 65 đến năm 67 anh không nhớ rõ, thầy viết gởi cho ông đồ Đỗ chiêu Đức. Thầy đồ viết trả lời lại thầy Trường. Mắt anh hơi kém, nên lần đầu đọc thoáng, chữ “Quy Y” anh đọc ra là “Vu quy.” Ngày xưa, khoảng năm 65, 66 trường Tống phước Hiệp có dán tờ bích báo “Khởi Điểm” từ xa xa anh đọc là “Khóc đi em.” Sau này gần trường Dược thấy có bệnh viện Thúy, một thời gian thật lâu sau mới biết đó là bệnh viện Thú Y
Kính Thầy , bốn câu thơ thật hay của Thi sĩ Thế Lữ được Thầy dẫn chứng để diễn giải từ “QUY “, ,,tài tình thay !,,Lá thơ của Thầy thật thâm thúy , thay lời cho những Phật tử thuần thành cần luôn nhớ thẳng tiến về nơi mà ta sẽ được che chở , phù hộ ,, chỉ là vỏn vẹn hai chữ ” QUY Y “‘,,,(Hoành Châu (Gia đình C )