Nói thêm về Sơn Nam
Văn Sơn Nam không hay, các tác giả miền ngoài nói như vậy, nhưng tôi thích truyện Sơn Nam vì trong đó cho tôi nhiều kiến thức. Thông thường, đa số truyện của các tác giả khác đọc nghe rất du dương, câu văn mạch lạc nhưng khi xếp sách lại rồi, ngẩm lại sách nói gì thì không có chuyện gì để nhớ. Sách Sơn Nam ngược lại, có lúc tưởng như không có đầu đuôi nhưng đọc xong, có nhiều cái đáng nhớ. Nếu ông không cho ta một bài học để sống cho tình nghĩa thì cũng cho ta một câu chuyện để ta kể lại với bạn bè trong những lúc trà dư tửu hậu. Ông có cuốn Hương rừng Cà mau rất nổi tiếng, thuộc loại truyện ngắn, còn phần lớn sách của ông thiên về nghiên cứu về văn hóa, phong tục ở Nam bộ. Năm Sài gòn tổ chức kỷ niệm 300 năm, hàng loạt sách Sơn Nam ra đời và người ta biết đến ông nhiều hơn. Ông nói chuyện rất khiêm tốn, nhưng cũng làm đau đầu những kẻ khoát lát. Hồi ông bệnh , bà con lối xóm khu 606 Lê Quang định, Gò Vấp đưa ông vào BV Gò Vấp, xong ông đưa cho các chị quyển sổ tay có số điện thoại, nhờ vậy mà những người thân quen với ông được thông báo và họ đến thăm ông. Có người bạn nhỏ nhét vào túi ông hai tờ giấy xăng, ông đưa ngón tay lên kiểu ông đạo Dừa, miệng nói: Có văn hóa !
Nằm được một tuần, bác sĩ hội chẩn chuyển ông qua BV Nhiệt đới( bến Hàm Tử quận 1) Ở đó gần chợ Bến Thành, gần chợ cầu Muối nên bà con tiểu thương đến thăm rất đông. Vào bệnh viện chỉ nói Sơn Nam là y tá, nhân viên đưa ngay đến phòng bệnh. Ông nói với tôi, nhờ ông có lên TV thường nên bà con biết và hay bị bệnh mà đi thăm, chứ những người này không có đọc cuốn sách nào của ông cả. Đừng tưởng bà con thăm nhiều là ái mộ văn của mình, vậy mà có những người mới viết vài bài báo, một vài bài thơ đăng báo cứ tưởng mình là thiên tài!
Trò chuyện với ông rất thú vị. Ông chỉ ra những cái mà mọi người đều thấy, nhưng không phân tích được. Thí dụ như cầu Hang ở Gò Vấp thì người ta đi ở trên xe lửa chạy ở dưới; còn cầu Hang ở Biên Hòa thì xe lửa chạy ở trên, người ta và xe cộ đi ở dưới. cả 2 đều là cầu Hang cả.
Nói về vũ, ông nói khiêu vũ tây phương chủ yếu là đá chân, còn vũ múa ở đông phương chủ yếu là múa tay. Đông khác Tây ở chỗ đó. Những ngày cuối đời, ông bị tai nạn xe tông, gãy xương sống nằm nhà nhưng thích xem phim Mékong ký sự. Ông nhận định dòng sông này là dòng sông sản sinh ra nhiều tôn giáo từ Tây tạng (đạo Phật) qua Lào (tôi quên mất) xuống tới Hậu Giang (đạo Hòa Hảo).
Sách của Sơn Nam hiện nay có rất nhiều do NXB Trẻ ấn hành. Bộ hồi ký của ông có 4 cuốn, sau ghép lại thành một cuốn có bìa cứng. Đọc để biết cuộc đời của ông. Sơn Nam còn một bộ “Đồng bằng sông cửu Long nét sinh hoạt xưa” rất cần thiết để nhìn lại phong tục tập quán ở miền nam. Ông không chuyên về thơ, có một bài thơ không tên trong “Hương rừng Cà Mau” ở vị trí như lời nói đầu, nhưng bài này ai cũng nhớ, có người tạm đặt là Hạt bụi nghiêng mình nhớ đất quê.
Hạt bụi nghiêng mình…
Trong khói sóng mênh mông,
Có bóng người vô danh
Từ bên này sông Tiền
Qua bên kia sông Hậu
Mang theo chiếc độc huyền
Ðiệu thơ Lục Vân Tiên
Với câu chữ:
“Kiến nghĩa bất vi vô dõng dã”
Tới Cà Mau – Rạch Giá
Cất chòi, đốt lửa giữa rừng thiêng…
Muỗi, vắt nhiều hơn cỏ,
Chướng khí mù như sương.
Thân không là lính thú
Sao chưa về cố hương?
Chiều chiều nghe vượn hú,
Hoa lá rụng, buồn buồn
Tiễn đưa về cửa biển
Những giọt nước lìa nguồn,
Ðôi tâm hồn cô tịch
Nghe lắng sầu cô thôn
Dưới trời mây heo hút…
Hơi vọng cổ nương bờ tre bay vút
Ðiệu hò… ơ theo nước chảy, chan hòa.
Năm tháng đã trôi qua
Ray rứt mãi đời ta
Nắng mưa miền cố thổ
Phong sương mấy độ qua đường phố,
Hạt bụi nghiêng mình nhớ đất quê…
Sơn Nam
Đọc SN hiện nay có nhiều trang mạng đăng, không có thì giờ đọc hết, nhưng nếu anh là người chơi sách thì nên mua ở Cửa Hàng sách NXB Trẻ (giảm 10% so giá bìa) Sách cũ đều có tái bản lại giấy tốt. Có thể nhờ con cháu, người thân mua và gửi qua bằng đường bưu điện.
Lương Minh
Sài Gòn 9/2/2014
Không biết có phải vì lời yêu cầu của tôi trước đây 10 tiếng mà LM đã tốc chiến viết bài nầy. Cám ơn anh LM viết một bài thú vị về ông Sơn Nam và các hướng dẫn cần thiết.
Hồi nhỏ tôi có đọc một phần quyển Hương rừng Cà Mau của ba tôi mua. Tôi cũng có mua của ông vài cuốn, hình như nói về Đồng bằng Cửu Long, Văn Minh miệt vườn gì đó. Hình như có một quyển nào đó ông nói những người đầu tiên đến miền Nam thuộc thành phần không tốt, nhưng tôi vuốt ve lại tự ái bằng cách nghĩ rằng tổ tiên tôi là những người theo đạo Thiên Chúa chạy vào Nam vào thời vua Minh Mạng, vì tôi nghe bà cụ bên nội tôi nói, bà là người đạo Thiên Chúa dòng. Tôi không biết có phải Sơn Nam bươi móc nguồn gốc người miền Nam của tôi không, tôi chỉ mua của ông vài cuốn sách, trong khi tôi mua của ông Nguyễn hiến Lê rất nhiều. Có một điều an ủi cho ông, ông thuộc thành phần được ưu đải hơn những nhà văn khác. Qua Mỹ tôi nghe một chị nói ở gần cầu Hang Gò Vấp, tôi cũng nói với chị đó, tôi cũng có một thời gian ở gần cầu Hang Gò Vấp, nhìn ra ngày xưa tôi thường hớt tóc ở tiệm Thu Thủy của ba chị, hỏi ra thì chị nhỏ hơn tôi một tuổi, sau này cũng thân, nhưng khi nói chuyện, chị luôn luôn xưng chị với tôi.
Đang lúc không thể ngối lâu tập trung một điều gì, trong đấu như rỗng tênh. Đọc hai bài viết về Sơn Nơn của Lương Minh, tôi chợt nhớ về chuyện xưa vô cùng (nhứt là hình SN ngồi bật lửa đốt thuốc hút) nên lắng lòng chép lại bài thơ nầy tôi viết đã lâu…
Hiu Hiu
Hạt bụi nghiêng mình nhớ đất quê
(Sơn Nam – Hương Rừng Cà Mau)
Ta vừa đọc lại Khẩn Hoang(*)
Bốn mươi năm sách tặng mang hồn người
Bút lưu: “Tình bạn tình đời
và tình văn nghệ
một thời thân quen”.
Thơ ta trôi nổi lèm nhèm
Đến giờ chưa dám tỏ tên, bạn người!
Hiu hiu buồn hiu hiu vui
Hiu hiu nhớ hiu hiu cười, hiu hiu…
Nhớ người cười nhếch chân xiêu
Nước lên, bàn chuyện trời chiêu đãi mùa
Cái thâm, nửa thật nửa đùa…
Nói riêng ta hiểu đủ vừa ta nghe
Nuốt mặn đắng, nhả chua lè
Ngậm nghe, mới tận …viên chè Sơn Nam!
Nõn nà gió quất đuôi sam
Đau từ cuối đất, rêm ngang vạch trời.
Cám ơn người tặng sách chơi
Cho ta đọc rách trang đời liêu xiêu!
Người đi hạt bụi đi theo
Nghiêng mình nhớ đất quê gieo hương rừng.
Phong Tâm
——————-
(*) Lịch sử Khẩn Hoang Miền Nam
Tác giả Sơn Nam
Khi đọc bài này không biết ai viết, đọc luôn bài thơ gói gần hết nghỉa phiêu bồng của NHÀ VĂN HÓA DÂN TỘC HỌC miền quê chúng tôi, ông nói hết, nói nhiều, mà vẫn còn và còn mãi…Hóa ra ông Lương minh, hèn chi…
Cám ơn anh Minh đã viết lần hai cho xem, và cho khoái. Thú thật từ xưa, thuở tờ tuần san hay nguyệt san HƯƠNG QUÊ, tôi mến, và nể phục lối viết như nói, trôi êm đềm như dòng sông tiền, sông hậu, mà nuôi sống dân dã lúa mạ, cây trái, cá sông, trong đó với nước sông gạo chợ, còn bài viết thì vẫn nuôi mãi những thế hệ trước và sau nầy nữa.
Tôi mến cùng kính yêu SƠN NAM và thích thú khi đọc những đoản văn ngắn của BÌNH NGUYÊN LỘC
Ông vừa mất không bao lâu, nhân bài viết xuân về.
KÍNH DÂNG ÔNG NÉN NHANG CỦA KẺ CHỊU ƠN KHAI MỞ NHỮNG ĐIỀU CHƯA RÕ VỀ VĂN HÓA, VĂN CÁCH..MÀ ÔNG TRAO CHO CHÚNG TA.
1/. Chiều hôm trước còn thấy Lương Minh bập bềnh sông nước ở cuối sông Tiền. Trưa hôm sau đã gặp ở đầu sông Hậu, ngồi dựa lưng núi Cấm tâm sự với Di Lặc tiên sinh. Chiều lại thấy ở Vĩnh Bình – Hòa Nghĩa, tối uống cà phê với bạn già ở Sài Gòn. Khuya một chút, viết một bài tuyệt hay về Sơn Nam, giới thiệu ông với một độc giả yêu nước Việt đến mức cho rằng Huê Kỳ là vùng sâu, vùng xa! Cầm trong tay hơn sáu bó mà đi lại, viết lách như tiên sinh thật khó có người bì kịp.
2/. Không cần làm thơ nhiều, chỉ với bài nầy, Sơn Nam đã xứng đáng là thi hào, thi bá của Việt Nam. Ngày xưa với người đi mở đất, dọc ngang sông Hậu sông Tiền bằng đôi chân và chiếc xuồng ba lá mất ba trăm năm, Sơn Nam đã có một bài thơ hào khí ngất trời như vậy, phải chi ông còn sống, gặp Lương Minh đi lại như thế nầy, kho tàng thi ca Việt Nam đã có thêm….một cục vàng bự chảng rồi!
Cám ơn LM ,nhân dây cũng xin dề nghị trang mang cần có thêm những bài viết như thế này về các nhà văn miền Nam vang bóng một thời như: Hồ Biểu Chánh,Bình Nguyên Lộc,Bà Tùng Long v.v . .
Cái này phải đề nghị các đại huynh thôi, mình tuổi nhỏ không sống cùng thời các vị đó, nếu có viết thì cũng sưu tầm tức chép lại của người khác thôi. Tuy nhiên, sẽ cố gắng đến mức tối đa (LM)
Kính thưa các Chư huynh, Sư muội, ai chưa cùng Sơn Nam dự cúng tại Lăng Ông Bà Chiểu thì chưa biết hết độc chiêu của ổng đâu?
Úp mở hoài ! Đề nghị Kim Phúc kể cáo độc chiêu đó.
Chuyện này chỉ kể chớ không thể viết ra, mấy bà mấy cô phê bình, đánh đũa bếp chết chắc!