TƯ QUY, KÝ XUÂN của Vương Bột

Ngày đăng: 14/01/2025 09:54:02 Chiều/ ý kiến phản hồi (0)
Vương Bột 王勃 (650-676), tự là Tử An 子安, người đất Giáng Châu, Long Môn (tỉnh Sơn Tây ngày nay) Ông là người đứng đầu trong Sơ Đường Tứ Kiệt 初唐四傑. Xuất thân là con nhà gia thế của đất bắc, tuổi trẻ tài cao, nên khi đoạt khôi nguyên kỳ thi đối sách của triều đình thì được Bái Vương Lý Hiền vời vào phủ để thị độc (đứng hầu để chỉ điểm cho thái tử học hành, như là một teacher assistant) rất được tin dùng. Nhưng vì làm bài “Hịch Anh Vương Kê 檄英王雞” để trách đùa con gà chọi của Anh Vương, cũng là một thái tử con của vua Cao Tông, khi hai anh em cùng chọi gà chơi với nhau. Vua Cao Tông nổi giận, cho là Vương Bột ỷ tài làm lếu, châm biếm và đụng chạm đến người của hoàng tộc, nên sai trục xuất ra khỏi phủ. Bột thất chí buồn tình, bèn đi chu du nhiều nơi ở phương nam. Khi đến đất Thục, lại nhằm lúc năm hết xuân về, vốn dĩ muốn mượn cảnh trí thiên nhiên hùng vĩ của núi sông đất Thục để tiêu sầu, nhưng lòng quê nhớ về đất bắc vẫn canh cánh khôn nguôi nên mới làm bài thơ “Tư Quy 思歸”(bài thơ nầy còn có tựa là Sơn Trung 山中) tràn ngập đầy hình ảnh lá vàng của buổi tàn thu đầu đông như dưới đây :
                 長江悲已滯,      Trường Giang bi dĩ trệ,
                 萬里念將歸。     Vạn lý niệm tương quy.
                 況屬高風晚,      Huống thuộc cao phong vãn,
                 山山紅葉飛。     Sơn sơn hồng diệp phi.
                           王勃                           Vương Bột
    Có nghĩa :
                      Trường Giang sầu nước lửng,
                      Muôn dặm muốn về ngang.
                      Núi cao ngăn quê cũ ,
                      Non non rụng lá vàng !
              Inline image
     Hai câu cuối của bài thơ còn có một dị bản là :
                    Huống PHỤC cao SƠN VIỄN,       況復高山遠,
                    Sơn sơn HOÀNG diệp phi.           山山黃葉飛。
   * HUỐNG THUỘC hay HUỐNG PHỤC gì đều có nghĩa là : Hơn nữa, Vả lại…
   * CAO PHONG VÃN : là Gió thu trên cao thổi vi vút vào buổi chiều tối, còn …
   * CAO SƠN VIỄN : là Núi cao chập chùng xa xăm diệu dợi.
   * HỒNG DIỆP hay HOÀNG DIỆP gì cũng đều là lá mùa thu, và cũng đều nên thơ cả ! Có điều, người Việt ta thì hay dùng “Lá Vàng” để chỉ mùa thu, còn người Hoa thì hay dùng “Lá Đỏ”, vì họ có nhiều rừng phong đỏ thắm lúc thu về, còn ta thì lại có :
                   Lá VÀNG trước gió sẻ đưa vèo ! …
  … hoặc thi vị hơn như Tản Đà :
                    Trận gió thu phong cuốn lá VÀNG,
                    Lá bay hàng xóm lá bay sang….
Lại diễn Nôm:
                 Trường Giang nước đọng lòng sầu,
                 Xa nhà muôn dặm mấy thâu muốn về.
                 Núi cao ngăn cách làng quê,
                 Ngàn non lá đổ tái tê lòng sầu !     
                 Inline image

      Nhưng thiết tha da diết nhất là bài thơ “Ký Xuân 羈春” để bày  tỏ nỗi lòng nhớ về đất bắc như sau đây :
       羈春              KÝ XUÂN
    客心千里倦,     Khách tâm thiên lý quyện,
    春事一朝歸.     Xuân sự nhất triêu quy.
    還傷北園里,     Hoàn thương bắc viên lý,
    重見落花飛.     Trùng kiến lạc hoa phi.
                王勃                         Vương Bột
     Inline image
* CHÚ THÍCH :
   – Ký Xuân 羈春 : KÝ là Ở lại, giữ lại. Nên KÝ XUÂN có nghĩa là “Xuân đến mà vẫn phải ở lại nơi đất khách”.
   – Quyện 倦 : là  Mõi mệt, buồn chán.
   – Xuân Sự 春事 : là Chuyện mùa xuân. Ý chỉ Cảnh sắc chung quanh khi xuân về.
* NGHĨA BÀI THƠ :
                             XUÂN Ở NƠI XA
      Trên bước đường ngàn dặm, lòng người khách tha hương đã mõi mê chán ngán rồi. Trước mắt lại thấy cảnh trí của mùa xuân ập về nên lòng lại càng muốn về ngay quê nhà. Cảnh quê xưa ở phương bắc còn để lại nhiều thương cảm ở trong lòng, không biết đến bao giờ mới thấy lại được cảnh hoa rụng bay lả tả ở quê nhà đây.
* DIỄN NÔM :
                 XUÂN TRÊN ĐẤT KHÁCH
 
              Inline image
 
               Ngàn dặm lòng quê mòn mõi,
               Xuân về một sớm nhớ thay,
               Đất bắc quê xưa trông ngóng,
               Bao giờ thấy lại hoa bay ?!    
      Lục bát :
               Mõi mòn ngàn dặm lòng quê,
               Xuân về một sớm tái tê nhớ nhà.
               Thương về đất bắc quê xa,
               Bao giờ thấy lại la đà hoa bay !
      Hoa rụng khi hoa đã tàn, xuân đã hết, cũng như tuổi trẻ rồi sẽ già đi, rồi sẽ giả từ cuộc sống nầy như hoa rơi rụng vậy, nhưng sẽ nhìn hoa rơi rụng ở đâu ? Ý của Vương Bột là muốn được nhìn hoa rơi rụng ở quê nhà, thâm ý của thi nhân là muốn được già được chết ở quê hương hơn là bỏ thây nơi xứ lạ.
      Trông người lại ngẫm đến ta !…
                                                                   Đỗ Chiêu Đức


Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác