ĐỘNG HOA VÀNG – LỆ NĂM CANH
Nhắc đến “Động Hoa Vàng” không ai không biết đến nhà thơ Phạm Thiên Thư, một nhân vật vào thập niên 60 -70 tại miền Nam Việt Nam. Những nhân vật rộ nở thời bấy giờ có Tuệ sỹ, Lê Mạnh Thát, Phạm Công Thiện..trong giới Phật giáo. Năm 1966, những năm liên tục Phật giáo miền Nam xuống đường sau khi nhà Ngô bị truất phế, các thể chế kế tục khó ổn định tình hình, chư Tăng Ni bị cuốn hút vào phong trào đấu tranh, tại chùa Vạn Thọ, Tân Định, Hòa thượng Thiện Tường được HT Tâm Châu tiến cử làm Viện trưởng Viện Hóa đạo (VHĐ) của Việt Nam Quốc Tự (VNQT) sau khi Phật Giáo bị phân hóa làm hai nhóm : Ấn Quang và Việt Nam Quốc Tự, từ đó chư Tăng trú tại chùa Vạn Thọ tham gia đấu tranh đều bị tẩn xuất.
***
Căn nhà nằm sâu trong xóm thuộc Bà Chiểu,Phạm Thiên Thư chọn nơi đây để cho ra đời nhiều tác phẩm đình đám, được nhạc sỹ Phạm Duy phổ nhạc, nhất là nhạc bản “Ngày Xưa Hoàng Thị”, tiếp theo là “Động Hoa Vàng, 10 bản Đạo Ca, Em lễ chùa này, Ngày xưa Người tình…”
Chàng thi sỹ dị tướng được các cô em chiếu cố, mặc dù bấy giờ đã có Tuệ Mai (con của cụ Á Nam Trần Tuấn Khải) nâng khăn sửa túi.Trong số đó có một cô quê quán Củ Chi, tập tành làm thơ,thường xuyên tới lui để nhờ Phạm Thiên Thư sửa thơ, và dĩ nhiên ngoài đam mê tài năng của chàng, cũng mê mẫn luôn “cốt cách phi phàm, dị tướng” của chàng.
Ngày xưa ấy, mỗi sáng từ chùa Vạn Thọ Tân Định, chàng dắt chiếc Mobilet, đội nón cối màu xám trắng của các cụ miền Bắc xa xưa, lưng hơi khòm, răng vểnh, thong dong lãng đãng về đại học Vạn Hạnh góc cầu Trương Minh Giảng, tham dự các chứng chỉ Phật học là phụ, tìm cảm hứng giữa cảnh nhộn nhịp của nam nữ sinh viên, từ đây đã thi hóa kinh Kim Cang, gọi là “kinh Ngọc”, được HT Minh Châu, Viện trưởng viện Đại học Vạn Hạnh ca ngợi và trang trọng giới thiệu như một tài năng trẻ can đảm làm một việc chưa ai dám làm.
***
Tuy là thời chiến, nhưng trong thành phố vẫn cứ như thời bình, chưa tùng nghe tiếng đạn bom,.vì thế, thỉnh thoảng Phạm Thiên Thư, Tuệ Mai, nhà văn Nguyễn thị Vinh, Bùi Giáng, Nguyễn Đức Sơn kéo nhau xuống chùa lá Huyền Trang của tôi, chọn cảnh thiên nhiên nơi đây để sinh hoạt thơ văn và đàm đạo.
Trong căn phòng, ngậm ống píp, Phạm Thiên Thư thả hồn theo khoanh khói để hồn bay bổng theo mây, nhìn chàng, Tuệ Mai ngưỡng mộ bổng thốt:’Người nhả khói trầm ngây ngất cao, người ung dung trong ánh bạch hào, Ta nâng cánh lượn vòng ưu ái, Ta yêu người như yêu trăng sao” .phụ nữ yêu là vậy, vẫn không cột trói hồn thơ của chàng, bềnh bồng theo mây, để rồi tiếp đến là những nàng ái mộ, nguyện chung chăn suốt đời, rồi chăn vẫn không đủ cho nhiều cô chung đắp. Đoạn cuối đường trần, dừng chân tại đường Hồng Lĩnh, làm chốn dung thân, bỏ lại bao tiếc nuối các hồng nhan một thuở.
“Động Hoa Vàng”và “Ngày xưa Hoàng Thị” là những tác phẩm ấn tượng cho những ai mộng mờ giữa thời chinh chiến. Những tình nhân chiến chinh đi không bao giờ trở lại, các nàng phải trở lại với ánh hào quang mộng mị một thời, từ đó, nhiều đau khổ thầm lặng của các cô thấm chất “Động hoa vàng”, để rồi vuột khỏi tầm tay, thế mới biết:”Động hoa vàng lệ năm canh, có chi trong đó mà xanh mộng vàng”
01,11/2024
MINH MẪN
( hồi tưởng một thời chung sống với Phạm Thiên Thư, gần nhà thơ Trụ Vũ ở Bà Chiểu.)
Phạm Thiên Thư (thứ 2 từ trái) tác giả Minh Mẫn (bìa phải)