ĐI CHÙA Ở TRI TÔN
Anh bạn Dũng Tiến ở Chi Lăng goi điện cho tôi bảo ngày mai (12/10 al)là ngày giỗ của Đức Bổn sư Tứ Ân Hiếu Nghĩa (Ngô Tự Lợi) ông sắp sếp đi Tri Tôn một chuyến cho biết ngày giỗ của Đức Bổn sư. Vốn thích nghiên cứu về các tôn giáo , nhất là các đạo ở miền Nam nên tôi sắp xếp đi xe Phương Trang ngay tối hôm đó. Tôi hẹn với Dũng Tiến ở ngã ba Lộ tẻ về Tri Tôn. Từ đó về Tri Tôn khoảng 40 cây số và còn đi thêm mười hai cây mới tới chùa mà Dũng Tiến có người quen ở đó. Đường đi Tri Tôn mấy năm trước tôi đã từng đi qua nhưng đi Ô tô theo đoàn, nay đi xe máy rất thú vị vì được ngắm cảnh ven đường.
Đi ngang chùa Kỳ Viên, ở xã Bình Hòa, huyện Châu Thành, tôi bảo Dũng Tiến dừng lại bởi ngôi chùa khang trang và trùng tên với một tịnh xá ở Chợ Lách quê tôi. Đi tới, đi lui chụp vài kiểu hình kỷ niệm mở đầu cho chuyến đi Tri Tôn này.
Xe chạy tới xã Cần Đăng, gần đường có đình khá to thờ ông Thoại Ngọc Hầu, được biết đình xây năm 1822, tên diện tích năm công đất, được dân chúng trùng tu lại vào năm 1963. Do Thoại Ngọc Hầu có công với vùng đất này nên dan chúng dành nhiều nơi thờ ông. Cụ thể như Đền thờ Thoại Ngọc Hầu ở thị trấn Núi Sập, huyện Thoại Sơn, có bia đá dựng năm 1822 và nơi này được công nhận dich tích Quốc gia. Đình Cần Đăng phía trước có bàn thờ Liệt Sỹ. Do ngày thường, đình đóng cửa nên tôi không tiện vô thắp hương.
Cách đó không xa là xã Vĩnh An, cũng còn địa giới Châu Thành, đi ngang qua cổng Dinh Sơn Trung, một di tích đẹp của An Giang. Từ cổng vào chừng 2 km, nên tôi yêu cầu cho vô thăm.
Gần đến Dinh Sơn Trung, nhìn từ xa là một tháp sen màu vàng trên đỉnh có chữ Vạn, được xây dựng trên một ốc đảo nhỏ giữa cánh đồng Láng Linh. Đây là căn cứ địa của Quản Cơ Trần Văn Thành, người huyện Phú Tân, năm 20 tuổi ông Thành gia nhập quân triều Nguyễn với chức đội trưởng, nhưng qua trận chiến với quân Xiêm, ông thắng giặc Xiêm được triều đình khen tặng và thăng chức Quản cơ, chỉ huy hơn 500 quân sĩ. Sau đó ông gia nhập đạo với đức Phật thầy Tây An (Bửu Sơn Kỳ Hương ) và trở thành đại đệ tử của Phật thầy và được giao một nhóm tín đồ đi khẩn hoang, lập trại ruộng ở vùng Láng Linh (xưa thuộc huyện Vĩnh An, phủ Tân Thành) vừa giúp tín đồ sản xuất lương thực sinh sống, vừa xây dựng căn cứ hiểm yếu để chống giặc.
Năm 1859, Pháp chiếm Nam Kỳ, thành Gia Định thất thủ, kháng chiến nổ ra khắp nơi. Lúc bấy giờ Trần Văn Thành chỉ huy tín đồ Bửu Sơn Kỳ Hương khai hoang vùng Láng Linh, quay trở lại tham gia quân của Tổng đốc Phan Khắc Thận và sau đó là Nguyễn Hữu Cơ. Trong khi các cuộc khởi nghĩa tại Nam Kỳ lúc bấy giờ bị dập tắt thì cuộc khởi nghĩa của Quản cơ Trần Văn Thành phát triển thành chiến khu lớn tại vùng Bảy Thưa. Nghĩa binh của quản cơ Thành lên đến 1.200 người, tạo tiếng vang khắp các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, thậm chí còn ảnh hưởng lớn sang Campuchia. Với tinh thần quật cường “Thà thua xuống láng xuống bưng. Kéo ra đầu giặt lỗi chưng quân thần”, cuộc khởi nghĩa kéo dài từ năm 1871 đến năm 1873, dưới sự lãnh đạo của Quản Cơ Trần Văn Thành, nghĩa binh đã chiến đấu can trường, vất vả, không run sợ trước súng đạn tối tân của giặc Pháp. Tuy nhiên, nghĩa binh bị càn quét liên tục của Pháp, nên cuối cùng đã thất bại.
Nhìn bên kia con rạch là Đền thờ bà Nguyễn Thị Thạnh – vợ của Đức quản cơ Trần Văn Thành, vừa được xây dựng mới khang trang, nổi bật giữa cánh đồng lúa xanh mướt. Bà Nguyễn Thị Thạnh sanh năm 1825 ở rạch Sa Nhiên, thôn Tân Quy Đông, huyện Vĩnh An, tỉnh An Giang (nay là phường Tân Quy Đông, thành phố Sa Đéc). Bà là người nhân hậu, đảm đang, văn võ đều rất giỏi. Trong công cuộc kháng Pháp của chồng, ngoài việc lo cơm nước, thuốc men và động viên binh sĩ; bà còn cùng với hai người con gái là Trần Thị Hè và Trần Thị Nên đi vận động mọi người đóng góp tiền của lương thực, tham gia đào kinh (kinh Bờ Dâu), khẩn ruộng, trồng dâu nuôi tằm dệt vải,… tạo nguồn vật dụng và lương thực cho căn cứ.
Bà có với ông Quản tất cả sáu người con: ba trai, ba gái: Trần Văn Nhu, Trần Thị Hè, Trần Văn Chái, Trần Thị Nên, Trần Thị Núi và Trần Văn Trạng. Bà giỏi võ nghệ, hiện nay ở Dinh Sơn Trung vẫn còn thờ cặp kiếm của bà thường sử dụng. Ông Bảy quản dinh nói, hàng năm đến ngày mùng 5 tháng 5 âl, ngày mất của bà mới dám đem cặp kiếm ra lau chùi. Ngày khác, ai tự tiện rút kiếm khỏi vỏ là có tai hoạ xảy ra cho mình. Bà giỏi thơ văn. Câu ca dao từ hồi nhỏ được má ru:
Chiều chiều lại nhớ chiều chiều/ Nhớ người áo trắng khăn điều vắt vai là của bà nhớ thương ông Quản. Chỉ có ông Quản mới áo trắng khăn điều (đỏ sậm) vắt vai. Ông miền Tây nào khác nếu vắt vai áo trắng, chỉ vắt khăn rằn. Bà là người nghiêm khắc, để chữ trung nghĩa lên trên mọi thứ. Ông Trần Văn Chái, con bà bị thương ở đùi khi cùng chiến đấu với cha tại doanh Hưng Trung, bị Pháp bắt. Sợ con không chịu nổi sự tra tấn của đối phương sẽ khai báo bí mật của nghĩa quân, bà nhờ người đưa thư khuyên con nên tự vẫn để tròn khí tiết. Ông Chái đã làm theo lời mẹ. Lúc ấy ông 18 tuổi. Bà mất năm 1899. Thọ 75 tuổi.
Những giai thoại về Quản cơ Thành và phu nhân là bà Nguyễn Thị Thạnh là do Dũng Tiến thuật lại rất đầy đủ trên đường đi, đương nhiên là thông qua sách vở mà anh đọc được chứ anh cũng là một hậu bối như tôi, mới về vùng Thất Sơn 30 năm nay thì làm sao mà biết ! Anh có viết nhiều bài nghiên cứu về chùa chiền ở An Giang, chuyện làm nông nghiệp ở đất Bảy Núi đăng trên web tongphuochiep-vinh long; web trunghoccholach.com được dân cư mạng đọc và khen ngợi. Họ gọi anh là chuyên gia vùng Bảy Núi. Đi với anh, tôi tiết kiệm được khoảng thời gian nghiên cứu về vùng Châu thổ này mà vẫn biết được ít nhiều.
Trước Dinh Sơn Trung có tượng của Quản cơ Trần Văn Thành cầm kiếm hiên ngang rút kiếm ra chưa khỏi vỏ, do một nhà sản xuất tượng miền Bắc chế tác (?)
Dinh Sơn Trung ở 4 phía có tượng tứ linh: Long Lân Qui Phụng trấn giữ. Khu này không còn là khu di tích lịch sử mà còn là khu thờ tự của tôn giáo vì ông là đại đệ tử Phật Thầy Tây An. Những ngày kỷ niệm đông đảo bà con thập phương về cúng bái. Bà con ở đây chiêu đãi khách nhiều món chay hoàn toàn miễn phí. Nếu ở xa muốn ngủ lại có sẳn mền mùng – chiếu gối. Hôm nay, ngày thường mà khách vãng lai khá đông.
oOo
Bắt đầu vào địa bàn huyện Tri Tôn, tôi thấy chân núi Nam Quy, tức con rùa phía Nam, có dòng chữ Tri Tôn- An Giang, thôi thì chịu khó chụp lấy ảnh kỷ niệm, tuy không đẹp nhưng có còn hơn không !
Từ chân núi Nam Quy đi đến điểm hẹn cũng khoảng 12 km. Chúng tôi đi ngang qua 2 miếu thuộc Tứ Ân Hiếu nghĩa nhưng chưa tới, mãi đến đoạn lộ xe cộ đậu đầy thì mới biết là tới điểm dừng d0o1 là Tam Bửu Điện.
Dũng Tiến dùng điện thoại kêu bạn ra đón. Trần Thế Vinh- bạn mới quen là nhà thơ không những nổi tiếng ở An Giang mà là cả nước biết. Anh mặc áo dài đen, để tóc dài như một nghệ sĩ hơn là nhà tu. Dũng Tiến đoán chừng anh là chức sắc gì trong đạo, bởi anh không nói. Dẫn tôi vào trai đường, Trần Thế Vinh giới thiệu với ông lão U80 nói là anh Hai An. Anh Hai An vui vẻ khi gặp chúng tôi, nhìn mặt là có cảm tình liền. Anh hỏi tôi có chân trong Hội không? Cái hỏi của anh trong ánh mắt và miệng cười tôi biết Hội này không thuộc “danh môn chính phái”: Không Hội cheveux cũng là Hội yêu thích mấy bà. Thế thì vui quá. Mới gặp nhau , nhìn mặt mà biết nguời trong Hội ta thì không phải tầm thường.
Dũng Tiến- Trần Thế Vinh- anh Hai An- Lương Minh
Anh Hai An và Thế Vinh trò chuyện với chúng tôi một lúc liền mời vào bàn. Món ăn chay nào cũng ngon, có lẽ nhờ vậy mà trường chay mới được ! Tôi đi chùa nhiều, ăn nhiều món chay nhưng phải nói ở đây tuyệt . Ăn rồi mà anh Hai còn cho mỗi đứa một bọc bánh tét, muối sả ớt để khuyến chúng tôi khích từ bỏ thịt động vật.
Trước khi về thị trấn Tri Tôn, Thế Vinh mời tôi ghé nhà để tặng 2 quyển sách, một là tập trường ca Núi Dài Vọng Thức Thất Sơn; hai là cuốn Lịch sử Làng An Định-Ba Chúc . ( Vùng đất gắn với Đức bổn sư Ngô Lợi- người khai sáng ra Tứ Ân Hiếu Nghĩa). Đây là quyển sách tôi cần- có đầy đủ về tiểu sử Đức Bổn Sư. Một điều thú vị thêm về nhà mới biết, nhà thơ mà tôi mới quen là nhà văn Trần Bắt Gặp mà bạn bè tôi nhiều người biết đến.
LƯƠNG MINH
Lương Minh và Trần Thế Vinh